backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Uống nước đúng cách và tác động kỳ diệu cho cơ thể

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Xuyến Phạm · Ngày cập nhật: 04/06/2021

    Uống nước đúng cách và tác động kỳ diệu cho cơ thể

    Chúng ta đã nghe nói nhiều đến việc nước chiếm giữ tỉ lệ quan trọng trong cấu tạo cơ thể. Song nếu không biết rõ cơ thể cần bao nhiêu nước mỗi ngày, uống nước đúng cách như thế nào và những tác dụng tuyệt vời của nước, chúng ta dễ dàng coi nhẹ việc nuôi dưỡng cơ thể hết sức cơ bản này. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu tường tận và đầy đủ vai trò của nước với cơ thể, và ích lợi của việc uống nước lọc đúng cách qua thời gian dài để tạo lập thói quen tưởng chừng nhỏ nhưng không hề nhỏ này nhé.

    Vai trò của nước với cơ thể?

    Nước là môi trường để mọi hoạt động sống bên trong cơ thể được diễn ra. Những vai trò quan trọng nhất của nước có thể kể ra:

    • Điều hòa nhiệt độ cơ thể
    • Giữ ẩm niêm mạc mắt, mũi, miệng
    • Cấu tạo nên và bảo vệ các cơ quan và mô tế bào
    • Thành phần quan trọng của máu, vận chuyển chất dinh dưỡng và oxy đến từng tế bào
    • Làm trơn các khớp xương
    • Giảm gánh nặng cho thận và gan qua hoạt động bài tiết
    • Hòa tan khoáng chất và dưỡng chất giúp cơ thể hấp thu
    • Chất lỏng bảo vệ não và cột sống bằng cách hấp thu chấn động

    Mỗi ngày, cơ thể chúng ta mất nước qua các hoạt động hô hấp, bài tiết và tiêu hóa. Vì thế việc bổ sung nước đều đặn là rất quan trọng. Uống nước đúng cách dựa trên hiểu biết về khoa học và chính cơ thể mình sẽ giúp tạo ra những thay đổi lớn cho sức khỏe lâu dài của bạn.

    Uống nước đúng cách như thế nào?

    uống nước đúng cách bao gồm nhiều yếu tố

    Uống bao nhiêu nước một ngày?

    Trả lời cho câu hỏi nên uống bao nhiêu nước một ngày phụ thuộc độ tuổi, giới tính, mức độ hoạt động thể chất và cả điều kiện môi trường và tình trạng sức khỏe từng cá nhân. Nhìn chung, tỉ lệ nước trong cơ thể của trẻ em nhiều hơn người lớn, phụ nữ uống ít nước hơn đàn ông, nhưng phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú lại đặc biệt cần nhiều nước. Người cao tuổi mất đi khoảng 2 lít nước mỗi ngày. Một chuyến bay kéo dài 3 giờ có thể lấy đi 1.5 lít nước từ cơ thể bạn.

    Dưới đây là lượng nước trung bình cung cấp cho cơ thể mỗi ngày theo độ tuổi và giới tính để bạn tham khảo:

    – Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng: 0.7 lít, cung cấp hoàn toàn từ sữa mẹ

    – Trẻ 7 – 12 tháng: 0.8 lít, với 0.6 lít ở dạng chất lỏng (sữa mẹ, nước uống)

    – Bé gái và trai 1 – 3 tuổi: 1 lít

    – Bé gái và trai 4 – 8 tuổi: 1.2 lít

    – Bé trai 9 – 13 tuổi: 1.6 lít

    – Bé gái 9 – 13 tuổi: 1.4 lít

    – Nữ 14 – 18 tuổi: 1.6 lít

    – Nam 14 – 18 tuổi 1.9 lít

    – Nữ từ 19 tuổi: 2.1 lít

    – Nam từ 19 tuổi: 2.6 lít

    Lượng nước mỗi người nên uống cần dựa trên thực tế cảm nhận bản thân và các điều kiện cơ thể để xác định. Bạn có thể uống ít nước hơn khi thức ăn của bạn đã chứa nhiều nước, trời lạnh hoặc bạn ngồi tại chỗ nhiều. Trái lại, chế độ ăn tăng cường protein hoặc chất xơ đòi hỏi nhiều nước hơn để thận bài tiết phế phẩm sau khi protein được hấp thu và tránh táo bón. Người đang bị tiêu chảy, nôn mửa bị hao hụt rất nhiều nước, do đó bổ sung đủ nước là không thể bỏ qua. Người gặp các vấn đề về thận và những tình trạng sức khỏe đặc biệt nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ chuyên môn.

    Uống nước như thế nào?

    Uống nước tưởng chừng như là việc hết sức đơn giản, là bản năng của mỗi chúng ta. Thế nhưng uống sai cách có thể gây nhiều tác hại không ngờ đến. Tổng lượng nước cần uống trong một ngày nên được chia nhỏ và uống đều đặn từ sáng đến tối. Bạn nên uống ngay khi cảm thấy khát nhẹ, đó là cách cơ thể nhắc nhở chúng ta. Không nên nhịn khát nhiều giờ đồng hồ rồi uống một lượng lớn nước.

    Mẹo nhỏ giúp việc uống nước thú vị:

    – Cho một lát chanh, hoặc một lá bạc hà để tạo mùi thơm

    – Để sẵn bên cạnh một chai nước nếu việc bạn làm cần sự tập trung (nhưng nhớ thay đổi tư thế để tránh các tác hại do thói quen ngồi nhiều giờ liền)

    – Thả vào ly nước một vài viên đá làm từ nước ép trái cây

    Uống nước vào những lúc nào?

    Uống nước khi khát nước là điều hiển nhiên. Nhưng vào một số thời điểm đặc biệt trong ngày, việc uống nước lại giúp tăng cường sức khỏe, kéo dài tuổi thọ, thậm chí phòng tránh các chứng bệnh nguy hiểm. Những thời điểm lý tưởng để uống nước là khi chúng ta vừa thức dậy, trước các bữa ăn, trước khi tập luyện thể thao, khi thấy mệt mỏi, căng thẳng, …

    Với trẻ nhỏ chưa đủ nhận thức nên uống nước khi nào, hay người cao tuổi khả năng tự cảm nhận có thể suy giảm, nên có sự hướng dẫn cụ thể để lượng nước uống được đảm bảo phù hợp.

    Uống nước đúng cách lâu dài có lợi ích gì?

    1. Uống nước đúng cách mỗi ngày giúp trẻ lâu

    Da là cơ quan chiếm diện tích lớn nhất trên cơ thể. Nếu thiếu nước, da sẽ khô cằn, phát sinh nhiều vấn đề da liễu, đẩy nhanh tốc độ lão hóa. Trong khi đó, nước cung cấp độ ẩm để da mềm mại, giảm thiểu yếu tố hình thành nếp nhăn. Không những thế, nước còn giúp duy trì độ săn chắc của cơ bắp. Đây là hai yếu tố quan trọng để cơ thể duy trì sự tươi trẻ, làm chậm quá trình lão hóa tự nhiên.

    2. Uống đủ nước giúp hệ miễn dịch mạnh mẽ

    Nước hoạt động như một chất xúc tác hỗ trợ việc phục hồi và duy trì các chức năng hoạt động của cơ thể. Nếu bạn uống đủ nước lọc mỗi ngày, gan và thận hoạt động năng suất hơn. Hai cơ quan này đóng vai trò quan trọng trong việc đào thải độc tố khỏi cơ thể.

    Mặt khác, thói quen uống đủ nước sẽ giúp trung hòa mức pH trong cơ thể, tăng cường sức khỏe của hệ miễn dịch, giúp ngăn ngừa bệnh sỏi thận và các bệnh lý khác, đồng thời làm dịu các cơn đau đầu và đau nhức cơ thể.

    3. Uống nước đúng và đủ cho một trái tim khỏe

    Uống nước lọc mỗi ngày giúp bạn có trái tim khỏe mạnh. Dưỡng chất trong nước có khả năng làm giảm nguy cơ gây cơn đau tim bằng cách ngăn chặn sự hình thành các cục máu đông.

    Việc uống một ly nước trước khi ngủ 1 tiếng có thể ngăn chặn cơn đau tim hoặc đột quỵ. Ngoài ra, thói quen này còn giúp máu lưu thông dễ dàng hơn. Một nghiên cứu được thực hiện trong 6 năm (do The American Journal of Epidemiology công bố) cho thấy những người thường uống nhiều hơn 5 ly nước mỗi ngày có sự giảm thiểu nguy cơ tử vong do đau tim lên đến 41% so với những người uống ít hơn 2 ly nước mỗi ngày.

    4. Uống nước còn giúp xương chắc khỏe

    Uống nước giúp xương luôn chắc khỏe

    Nước là thành phần trong các dịch khớp, mô sụn và tủy xương. Do đó, nước giúp phục hồi các sụn bị tổn thương do va chạm. Đồng thời, các khớp xương hoạt động linh hoạt hơn để giảm thiểu tổn thương trong các hoạt động thường ngày.

    5. Uống nước lọc đúng cách giúp giảm cân

    Điều này có thể khiến bạn không ngờ đến, nhưng nó lại rất logic. Nguyên nhân tăng cân chủ yếu là do bạn bổ sung dư thừa lượng calo cơ thể cần, đặc biệt ngoài các bữa ăn chính. Uống nước lọc thay thế khi bạn thấy thèm ăn hay uống một món vặt nào đó không những đẩy lùi được cơn thèm mà còn giúp bạn dần bỏ được thói quen ăn uống lặt vặt những món không tốt cho sức khỏe tưởng chừng không thay đổi được. Các món ăn này cũng có thể chứa nhiều chất không tốt cho sức khỏe. Uống nước thay thế giúp ngưng hấp thu các chất có hại và tăng cường quá trình trao đổi chất, giải độc, thanh lọc cơ thể. Khi bạn cần sự đổi món, các thức uống giảm cân ít calo và tốt cho sức khỏe là một lựa chọn hài hòa với chế độ ăn giảm cân của bạn. Tuy nhiên nước lọc vẫn là nguồn cung cấp nước chủ yếu không thể thay thế.

    6. Uống đủ nước một cách điều độ giúp tăng khả năng sáng tạo

    Nước cần thiết cho các hoạt động bên trong và sức sống của toàn cơ thể. Duy trì một cơ thể luôn được cung cấp đủ nước sẽ hỗ trợ hiệu suất làm việc, giúp bạn tránh được những mệt mỏi không cần thiết. Một cơ thể tươi tỉnh nhiều sức sống cũng sẽ giúp bạn xử lý những tình huống cần sự sáng tạo một cách tốt hơn.

    Với sự cần thiết của việc uống nước đủ và khoa học, các bạn cũng lưu ý lựa chọn các nguồn nước uống hợp vệ sinh và bảo toàn những thành phần khoáng chất cần thiết để bảo đảm cơ thể khỏe mạnh.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Xuyến Phạm · Ngày cập nhật: 04/06/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo