backup og meta

Tiểu đường thai kỳ nên ăn gì? Gợi ý thực đơn kiểm soát đường huyết hiệu quả

Tiểu đường thai kỳ nên ăn gì? Gợi ý thực đơn kiểm soát đường huyết hiệu quả

Một chế độ ăn uống phù hợp cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ không chỉ đóng vai trò cung cấp dinh dưỡng mà còn giúp ổn định đường huyết, đảm bảo an toàn cho mẹ và bé. Vậy, mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên ăn gì? Làm sao để lựa chọn thực phẩm cho bà bầu bị tiểu đường thai kỳ?

Bạn hãy cùng HelloBacsi tìm hiểu kỹ lưỡng những lưu ý trong chế độ ăn và thực đơn cho bà bầu bị tiểu đường thai kỳ ở phần nội dung ngay sau đây nhé.

Tầm quan trọng của chế độ ăn uống đối với người bị tiểu đường thai kỳ

Tiểu đường thai kỳ xảy ra khi lượng đường trong máu tăng cao trong thời gian mang thai, thường xuất hiện từ tuần thai thứ 24 trở đi. Nếu không được kiểm soát, tình trạng này có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng như tiền sản giật, cao huyết áp, sinh non… cũng như nguy cơ mắc tiểu đường type 2 và nhiều vấn đề sức khỏe khác trong tương lai ở cả mẹ và bé.

Chế độ ăn uống là yếu tố cốt lõi trong việc kiểm soát tiểu đường thai kỳ, mang lại nhiều lợi ích quan trọng, bao gồm:
  • Hỗ trợ kiểm soát đường huyết: Lựa chọn thực phẩm phù hợp giúp ngăn ngừa tình trạng tăng hoặc giảm đột ngột lượng đường trong máu.
  • Hạn chế biến chứng: Ăn uống khoa học giúp giảm nguy cơ tiền sản giật, sinh non hoặc các vấn đề sức khỏe khác.
  • Cung cấp dinh dưỡng: Một chế độ ăn cân đối đảm bảo cả mẹ và thai nhi nhận được các dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển.
  • Tăng cân lành mạnh: Duy trì khẩu phần ăn hợp lý giúp mẹ tăng cân vừa phải, giảm nguy cơ biến chứng.
  • Lợi ích lâu dài: Thói quen ăn uống tốt không chỉ có lợi trong thai kỳ mà còn giúp giảm nguy cơ mắc tiểu đường type 2 trong tương lai.

Việc hiểu rõ ăn gì để giảm tiểu đường thai kỳ và lựa chọn thực phẩm phù hợp chính là “chìa khóa” để mẹ bầu kiểm soát bệnh hiệu quả.

Tiểu đường thai kỳ nên ăn gì?

Gợi ý thực đơn mẫu hàng ngày dành cho mẹ bị tiểu đường thai kỳ.

Một trong những cách ăn uống lành mạnh nhất đối với người bệnh đái tháo đường thai kỳ là áp dụng phương pháp chia đĩa. Cụ thể:

  • 1/2 đĩa bao gồm các loại rau không chứa tinh bột (cải bó xôi, súp lơ, cà chua, bí…) để cung cấp chất xơ và giúp kiểm soát đường huyết;
  • 1/4 đĩa protein nạc (thịt nạc, cá, trứng, đậu phụ…);
  • 1/4 đĩa gồm thực phẩm chứa tinh bột (khoai lang, ngô, gạo lứt hoặc các loại ngũ cốc nguyên cám…).

Tiểu đường thai kỳ nên ăn gì

Mỗi người có nhu cầu dinh dưỡng và tình trạng sức khỏe riêng. Vì vậy, mẹ hãy hỏi ý kiến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để điều chỉnh thực đơn sao cho phù hợp nhất với cơ thể và thai kỳ của mình.

Dưới đây là một số gợi ý thực đơn mà mẹ có thể tham khảo:

Bữa sáng, chọn một trong các lựa chọn sau:

  • 2 lát bánh mì nguyên cám với bơ đậu phộng và 1 ly sữa tươi không đường
  • 1 chiếc bánh bao nhân thịt nạc và 1 đĩa rau củ không chứa tinh bột
  • 1 bát cháo yến mạch nấu cùng thịt bằm, rau cải hoặc nấm, dùng kèm 1 quả trứng luộc
  • 1 đĩa phở cuốn (cỡ vừa) kèm 1 cốc sữa đậu nành không đường.

Bữa trưa, chọn một trong các lựa chọn sau:

  • 1 bát cơm gạo lứt, 1 phần cá hồi áp chảo và 1 bát canh rau cải
  • 1 bát cơm gạo lứt, 1 bát canh chua cá kèm 1 đĩa rau luộc
  • 1 đĩa bún trộn chay với đậu hũ, nấm bào ngư, nhiều rau sống
  • 1 đĩa mì nguyên cám, ức gà bỏ da và rau củ không chứa tinh bột.

Bữa tối, chọn một trong các lựa chọn sau:

  • 1 bát cơm gạo lứt, 1 bát canh rau củ (bí đỏ, cải xanh, cà rốt) nấu thịt gà
  • 1 phần hủ tiếu mực với sườn heo, củ cải và nhiều rau/ giá ăn kèm
  • 1 đĩa cá hồi áp chảo, khoai lang luộc, salad rau củ trộn dầu ô liu
  • 1 bát cháo yến mạch nấu tôm, rau cải xanh.

Bữa phụ (giữa các bữa chính, có thể ăn 2-3 bữa phụ/ ngày), chọn 1 trong các lựa chọn sau:

  • 1 lát bánh mì nguyên cám
  • 1 cốc sữa đậu nành hoặc sữa tươi không đường/ ít đường
  • Trái cây, như 1 quả chuối nhỏ hoặc 1 quả lê/ táo/ cam cỡ vừa
  • 1 hũ sữa chua không đường
  • 1 nắm nhỏ hạt điều hoặc hạnh nhân
  • 2 lát phô mai cứng
  • 1 quả trứng luộc.

Tiểu đường thai kỳ nên ăn gì

7 nguyên tắc lựa chọn thực phẩm cho bà bầu bị tiểu đường

Tiểu đường thai kỳ nên ăn gì? Để xây dựng một chế độ ăn uống phù hợp, mẹ bầu đái tháo đường thai kỳ cần tuân thủ các nguyên tắc chọn lựa thực phẩm khoa học và cân đối. Dưới đây là một số lưu ý quan trọng:

1. Lựa chọn carbohydrate lành mạnh

Carbohydrate là nguồn năng lượng chính cho cơ thể nhưng cũng có tác động trực tiếp đến đường huyết. Do đó, điều đầu tiên mà mẹ bầu cần biết để kiểm soát tiểu đường thai kỳ là lựa chọn đúng loại và lượng carbohydrate nạp vào mỗi ngày. Bà bầu tiểu đường thai kỳ nên:

  • Tập trung vào carbohydrate phức hợp: Cơ thể cần nhiều thời gian hơn để tiêu hóa và hấp thụ carbohydrate phức hợp, giúp tránh tăng đường huyết đột ngột. Carbohydrate phức hợp có trong các loại thực phẩm như ngũ cốc nguyên hạt (gạo lứt, lúa mạch, yến mạch…), các loại đậu (đậu lăng, đậu xanh) và rau củ.
  • Tránh tiêu thụ các loại carbohydrate đơn giản trong các thực phẩm như khoai tây chiên, gạo trắng, bánh mì trắng, kẹo, soda và các loại đồ ngọt khác.
  • Ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ: Chất xơ không chỉ hỗ trợ tiêu hóa mà còn làm chậm quá trình hấp thụ đường.

2. Cắt giảm đường khi chọn thực phẩm cho bà bầu bị tiểu đường thai kỳ

Mẹ bầu cần hạn chế ăn thực phẩm nhiều đường

Bà bầu nạp quá nhiều đường vào cơ thể sẽ khiến việc kiểm soát lượng đường huyết khó khăn hơn. Do đó, mẹ bầu cần chú ý đến những vấn đề sau:

  • Hạn chế đường tinh luyện: Giảm tiêu thụ đường từ đồ uống có đường, bánh kẹo, mật ong và siro.
  • Lựa chọn thay thế thông minh: Mẹ bầu có thể sử dụng các chất tạo ngọt an toàn (như cot ngọt – stevia) dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
  • Kiểm tra nhãn thực phẩm: Mẹ nên học cách nhận diện các dạng đường ẩn trong thực phẩm, ví dụ như sucrose, fructose, glucose, syrup…

3. Tiểu đường thai kỳ nên ăn gì? Nên đảm bảo nguồn protein tốt cho sức khỏe

Protein giúp duy trì năng lượng ổn định và hỗ trợ sự phát triển của thai nhi. Đồng thời, kết hợp protein với carbohydrate sẽ làm chậm quá trình hấp thụ glucose, giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn.

Các nguồn protein tốt cho bà bầu tiểu đường thai kỳ gồm thịt gà, cá (đặc biệt là các loại cá giàu omega-3), thịt bò hoặc heo nạc, trứng, đậu phụ, các loại đậu, các loại hạt, sữa chua không đường…

4. Kiểm soát lượng chất béo

Chất béo tốt giúp phát triển não bộ thai nhi và không gây ảnh hưởng xấu đến đường huyết. Các nguồn chất béo tốt bao gồm các loại cá béo (cá hồi, cá mòi…), dầu ô liu, quả bơ, các loại hạt.

Bên cạnh đó, mẹ bầu nên tránh các loại thực phẩm giàu chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa như đồ ăn chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn…

5. Hiểu về chỉ số đường huyết (GI)

chỉ số đường huyết trong thực phẩm

Chỉ số đường huyết đánh giá tốc độ làm tăng đường huyết của thực phẩm. Thực phẩm có GI cao (như bánh mì trắng, khoai tây chiên) làm tăng đường huyết nhanh chóng, trong khi thực phẩm có GI thấp (như yến mạch, các loại trái cây ít đường, rau củ không chứa tinh bột…) làm tăng đường huyết từ từ và ổn định.

Lưu ý, kích thước khẩu phần cũng là yếu tố rất quan trọng ngay cả khi thực phẩm có GI thấp.

6. Theo dõi khẩu phần ăn của bạn

Tiểu đường thai kỳ nên ăn gì và ăn bao nhiêu? Nhiều mẹ bầu cố gắng ăn càng nhiều càng tốt với mong muốn cung cấp đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, việc ăn quá nhiều có thể làm tăng đường huyết và tăng cân mất kiểm soát, kể cả khi mẹ đã chọn những thực phẩm lành mạnh.

7. Phân chia bữa ăn hợp lý

Mẹ bầu nên ăn đủ ba bữa chính và bổ sung 2-3 bữa ăn nhẹ trong ngày. Điều này giúp tránh tăng hoặc giảm đường huyết đột ngột. Các bữa ăn nhẹ lý tưởng có thể là sữa chua không đường hoặc một phần trái cây tươi vừa phải.

Những câu hỏi thường gặp (FAQs) về tiểu đường thai kỳ nên ăn gì

1. Cách chọn đồ ăn vặt cho bà bầu bị tiểu đường?

Tiểu đường thai kỳ nên ăn gì? cách lựa chọn đồ ăn vặt cho bà bầu bị tiểu đường cần dựa trên những nguyên tắc sau:

  • Ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ, ít đường, ít chất béo và calo
  • Tránh các món ăn chế biến sẵn hoặc chứa hàm lượng natri cao
  • Đa dạng thực đơn để cung cấp đủ dưỡng chất, phù hợp khẩu vị mà vẫn kiểm soát tốt đường huyết.

Gợi ý các món ăn vặt phù hợp cho bà bầu bị tiểu đường:

  • Các loại hạt: Hạt hạnh nhân, hạt óc chó, hạt mắc ca… Mẹ bầu nên chọn hạt không rang muối để tránh hàm lượng natri cao không tốt cho người tiểu đường.
  • Trái cây ít đường: Quả bơ, táo, lê hoặc các loại quả mọng giúp bổ sung vitamin và chất xơ.
  • Sữa và sữa chua: Nên chọn loại ít béo và không đường.
  • Các loại đậu: Đậu phộng, đậu Hà Lan, đậu lăng… 
  • Trứng luộc và bánh quy ngũ cốc nguyên hạt.

2. Tiểu đường thai kỳ uống nước dừa được không?

Nước dừa có hàm lượng đường thấp, giàu chất xơ, protein và chất điện giải, giúp ổn định đường huyết, bổ sung năng lượng và hỗ trợ trao đổi chất. Do đó, phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ vẫn có thể uống nước dừa, nhưng cần lưu ý cách uống nước dừa an toàn như sau:

  • Lượng uống: Không quá 1 ly/ngày (khoảng 200-250ml).
  • Thời điểm: Nên uống vào buổi sáng để hỗ trợ trao đổi chất, tăng cường khả năng miễn dịch và cân bằng điện giải.
  • Lưu ý:
    • Tránh uống vào bữa chính để không nạp nhiều năng lượng và đường cùng lúc.
    • Không thêm đường vào nước dừa hoặc uống nước dừa để qua đêm.
    • Không uống nước dừa trong nhiều ngày liên tục.
    • Không ăn cùi dừa vì chứa nhiều chất béo no làm tình trạng đái tháo đường thai kỳ nghiêm trọng hơn.

Tiểu đường thai kỳ uống nước dừa được không

Các trường hợp tiểu đường thai kỳ không nên uống nước dừa:

  • 3 tháng đầu thai kỳ
  • Khi cơ thể có biểu hiện mệt mỏi, cảm, yếu sức
  • Khi đường huyết không ổn định
  • Khi có dấu hiệu dư ối sau tháng thứ 7 thai kỳ
  • Thay vì nước dừa, mẹ bầu có thể uống nước lọc hoặc các loại nước điện giải khác theo hướng dẫn bác sĩ.

4. Tiểu đường thai kỳ ăn lựu được không?

Tiểu đường thai kỳ nên ăn gì? Có nên ăn lựu không? Mẹ bầu tiểu đường thai kỳ hoàn toàn có thể ăn lựu, vì loại quả này khá an toàn và mang lại nhiều lợi ích sức khỏe.

Cách ăn lựu an toàn:

  • Lượng ăn phù hợp: Mẹ bầu nên ăn ½ đến 1 quả lựu mỗi ngày; không nên ăn quá nhiều; cân đối lượng đường và carbohydrate từ lựu với các thực phẩm khác.
  • Chọn lựu tươi
  • Nên ăn cả quả thay vì uống nước ép
  • Lưu ý tương tác thuốc: Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu đang dùng thuốc loãng máu hoặc statin.

Tiểu đường thai kỳ ăn lựu được không

5. Bà bầu nên ăn bao nhiêu cơm mỗi ngày? Tiểu đường thai kỳ ăn cơm được không?

Trung bình, bà bầu khỏe mạnh nên ăn 1-2 bát cơm mỗi bữa, tùy nhu cầu năng lượng. Đồng thời, mẹ bầu nên kết hợp cơm với các thực phẩm giàu chất xơ, đạm và chất béo lành mạnh để cân bằng dinh dưỡng, hỗ trợ sức khỏe của mẹ và thai nhi.

Trường hợp mẹ bầu bị đái tháo đường thai kỳ nên thay cơm gạo trắng bằng các thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp hơn như cơm gạo lứt, các loại ngũ cốc nguyên cám hoặc bún tươi để giảm nguy cơ tăng đường huyết. Mỗi bữa, mẹ chỉ nên ăn 1 bát cơm để tránh nạp quá nhiều tinh bột vào cơ thể.

6. Uống nước gì để giảm tiểu đường thai kỳ?

Dưới đây là một số loại nước nên uống khi bị tiểu đường thai kỳ để kiểm soát đường huyết hiệu quả:

  • Nước lọc: Là lựa chọn tốt nhất để giữ cơ thể luôn đủ nước. Có thể thêm chanh để thành nước chanh không đường, dưa leo hoặc lá bạc hà để tăng hương vị
  • Nước dừa: Cung cấp điện giải và dinh dưỡng, cải thiện lưu thông máu và tốt cho tim mạch, huyết áp
  • Nước hạt chia: Hỗ trợ kiểm soát đường máu, ngăn ngừa bệnh tim mạch, đột quỵ
  • Trà thảo mộc không đường: trà bạc hà, trà hoa cúc, trà gừng
  • Các loại sữa hạt và sữa tách kem.

Những lưu ý khi uống nước để kiểm soát tốt tiểu đường thai kỳ:

  • Uống đủ nước mỗi ngày
  • Uống nước đều đặn, không chờ đến khi khát mới uống
  • Kiểm tra nhãn dinh dưỡng và chọn loại nước ít đường hoặc không đường.
  • Tránh sử dụng rượu, bia, đồ uống có cồn.

7. Tiểu đường thai kỳ ăn khoai lang được không?

Bà bầu bị tiểu đường thai kỳ có thể ăn khoai lang nấu chín với khẩu phần vừa phải. 

Khoai lang có chỉ số GI thấp nhưng chứa nhiều tinh bột. Vì thế,  nên việc ăn nhiều khoai cũng sẽ làm tăng đường huyết và cân nặng của mẹ bầu. 

Theo đó, khẩu phần từ 1 – 2 củ khoai cỡ vừa trong ngày là đủ đáp ứng nhu cầu năng lượng cho mẹ.

Mẹ bầu tuyệt đối không dùng khoai lang sống hoặc được chế biến quá nhiều dầu mỡ gây áp lực cho hệ tiêu hóa .

8. Tiểu đường thai kỳ ăn chuối được không?

Bà bầu bị tiểu đường thai kỳ vẫn có thể thưởng thức chuối như một phần trong chế độ ăn uống lành mạnh hàng ngày. Bí quyết nằm ở việc lựa chọn chuối xanh hoặc vừa chín tới, kiểm soát khẩu phần ăn và kết hợp với các nguồn protein. 

Nhờ hàm lượng chất xơ dồi dào, chuối giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường, ngăn ngừa tăng đường huyết đột ngột, hỗ trợ kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả. Bên cạnh đó, chuối còn là nguồn cung cấp vitamin B6, kali dồi dào, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe phụ nữ mang thai. 

9. Tiểu đường thai kỳ ăn bánh mì được không? 

Bà bầu bị tiểu đường thai kỳ vẫn có thể ăn bánh mì, nhưng cần lưu ý lựa chọn loại bánh mì phù hợp để kiểm soát đường huyết. Thay vì bánh mì trắng thông thường, mẹ nên ưu tiên các loại bánh mì nguyên cám, giàu chất xơ và ít đường như bánh mì ngũ cốc nguyên hạt, bánh mì lúa mạch đen.

Các loại bánh mì này không chỉ cung cấp năng lượng mà còn giúp mẹ no lâu, hạn chế cảm giác thèm ăn, từ đó hỗ trợ kiểm soát cân nặng hiệu quả.

Để đảm bảo dinh dưỡng, mẹ nên kết hợp bánh mì với rau củ quả và các nguồn protein lành mạnh như thịt nạc, cá, trứng, sữa chua không đường

10. Tiểu đường thai kỳ ăn dưa hấu được không? 

Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ thường lo lắng về chế độ ăn uống, đặc biệt là với các loại trái cây ngọt như dưa hấu. Vì dưa hấu thuộc vào nhóm có chỉ số đường huyết (GI) cao nên mẹ bầu chỉ nên ăn với lượng vừa phải. Đặc biệt ưu tiên ăn dưa hấu tươi, tránh uống nước ép vì có thể làm tăng đường huyết đột ngột. Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên theo dõi đường huyết thường xuyên để điều chỉnh chế độ ăn uống sao cho phù hợp.

11. Tiểu đường thai kỳ ăn ổi được không?

Ổi là loại trái cây giàu vitamin C và chất xơ, rất tốt cho sức khỏe. Vậy mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ có ăn được ổi không? Câu trả lời là . Tuy ổi có vị ngọt nhưng lại có chỉ số đường huyết (GI) thấp và chỉ số tải đường huyết (GL) càng thấp hơn. Điều này có nghĩa là ăn ổi sẽ không làm tăng đường huyết đột ngột, an toàn cho mẹ bầu tiểu đường thai kỳ. Ngoài ra, chất xơ trong ổi giúp kiểm soát lượng đường trong máu, ngăn ngừa tăng đường huyết sau ăn, đồng thời cải thiện tình trạng táo bón khi mang thai. 

12. Tiểu đường thai kỳ ăn bắp được không?

Bắp là nguồn cung cấp năng lượng, vitamin và khoáng chất dồi dào. Tuy nhiên, mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ cần hạn chế ăn bắp. Đặc biệt là bắp ngọt đã luộc chín vì chúng có GI ở mức trung bình – cao (khoảng 60), nghĩa là khi ăn bắp, lượng đường trong máu sẽ tăng lên nhanh chóng. 

Mẹ bầu có thể thay thế bắp bằng các loại ngũ cốc nguyên hạt khác có GI thấp hơn như gạo lứt, yến mạch, quinoa

13. Tiểu đường thai kỳ ăn bí đỏ được không?

Bí đỏ là thực phẩm giàu dinh dưỡng, tốt cho sức khỏe. Vậy mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ có ăn được bí đỏ không? Câu trả lời là CÓ!

Bí đỏ có GI (Chỉ số đường huyết) ở mức trung bình nhưng chỉ số GL (Tải lượng đường huyết) thấp nên hạn chế được tình trạng gây tăng đường huyết đột ngột. Thành phần chất xơ trong bí đỏ sẽ giúp làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu, tạo cảm giác no lâu và hỗ trợ kiểm soát cân nặng. Bí đó cũng chứa nhiều vitamin A, C, E, kalimagie,… rất tốt cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. 

Vì vậy, mẹ có thể kết hợp bí đỏ trong bữa ăn hằng ngày, đa dạng thực phẩm để đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng. 

14. Tiểu đường thai kỳ ăn nho được không? 

Nho là một loại trái cây thơm ngon, bổ dưỡng nhưng chứa hàm lượng đường khá cao. Tùy thuộc vào loại nho và kích thước mà chỉ số đường huyết có thể khác nhau. Ví dụ như nho đỏ có chỉ số đường huyết rơi vào khoảng từ 43-59, trong khi đó nho xanh chỉ khoảng 43-53. Nho đen có thể có hơn một chút so với các loại nho còn lại.

Nhưng nhìn chung, chúng đều có chứa lượng đường khá cao. Vây nên, các mẹ bầu có nguy cơ tiểu đường thai kỳ, hoặc tiểu đường thai kỳ cũng nên hạn chế ăn quá nhiều nho. 

15. Tiểu đường thai kỳ ăn trứng vịt lộn được không? 

Các mẹ thường truyền tai nhau rằng ăn trứng vịt lộn khi mang thai sẽ giúp bé yêu chào đời với mái tóc đen dày óng ả. Tuy nhiên, với những mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ, việc ăn uống cần phải đặc biệt cẩn trọng. Vậy mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ có được ăn trứng vịt lộn không? Câu trả lời là CÓ! 

Trứng vịt lộn rất giàu protein, bổ dưỡng cho mẹ bầu. Tuy nhiên, hàm lượng cholesterol cao trong trứng vịt lộn có thể gây tăng cân, béo phì và một số vấn đề sức khỏe khác. Do đó, mẹ bầu nên ăn điều độ, vừa phải. Một lưu ý quan trọng là mẹ bầu không nên ăn trứng vịt lộn kèm rau răm vì có thể gây kích thích tử cung, dẫn đến nguy cơ sinh non.

16. Tiểu đường thai kỳ ăn bánh bao được không? 

Bánh bao là món ăn quen thuộc, tiện lợi nhưng mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ cần hạn chế ăn bánh bao. 

Tiểu đường thai kỳ ăn bánh bao được không

Bánh bao được làm từ nguyên liệu chính là bột mì trắng, một trong những loại carb tinh chế có hàm lượng tinh bột cao. Lượng tinh bột này khi đi vào cơ thể sẽ được chuyển hóa thành glucose và có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát đường huyết ở những mẹ bầu đang bị tiểu đường thai kỳ. 

Mẹ có thể tự làm bánh bao tại nhà với nguyên liệu lành mạnh như bột mì nguyên cám, nhân rau củ, thịt nạc… vừa đảm bảo dinh dưỡng lại ngon miệng, an toàn vệ sinh thực phẩm. 

17. Tiểu đường thai kỳ ăn táo được không? 

Táo là loại trái cây quen thuộc, giàu dinh dưỡng và rất tốt cho mẹ bầu, kể cả những mẹ đang gặp phải tiểu đường thai kỳ. Lượng carbohydrate trong táo chủ yếu ở dạng chất xơ, giúp hỗ trợ tiêu hóa, giảm cholesterol và ổn định đường huyết. Để bổ sung táo vào chế độ ăn, mẹ bầu có thể thưởng thức táo tươi, xay sinh tố táo với sữa hạt và hạt chia hoặc kết hợp táo với phô mai,… nhằm cân bằng dinh dưỡng và kiểm soát lượng đường trong máu.

18. Tiểu đường thai kỳ ăn mít được không? 

Mít tuy thơm ngon nhưng mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ cần cân nhắc kỹ trước khi ăn. Vì mít có chỉ số đường huyết (GI) trung bình, chứa nhiều đường fructose và ít chất xơ nên có thể làm tăng đường huyết nếu ăn quá nhiều. 

Để đảm bảo an toàn, mẹ bầu chỉ nên ăn một lượng nhỏ mít chín tới (khoảng 50-75g) mỗi lần, không ăn quá thường xuyên và nên kết hợp với thực phẩm giàu chất xơ như các loại hạt, sữa chua không đường hoặc rau xanh

Việc theo dõi đường huyết sau khi ăn cũng rất quan trọng để điều chỉnh lượng ăn phù hợp. Tốt hơn hết, mẹ bầu nên thay thế mít bằng các loại trái cây có GI thấp hơn và giàu chất xơ hơn như táo, lê, bưởi, ổi… để kiểm soát đường huyết tốt hơn.

19. Tiểu đường thai kỳ ăn xôi được không? 

Xôi là món ăn sáng phổ biến ở Việt Nam, nhưng với mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ thì nên hạn chế tối đa việc ăn xôi. 

Xôi thường được làm từ gạo nếp, (có GI lên đến 90) và rất ít chất xơ, khiến quá trình hấp thu đường thường diễn ra nhanh chóng, làm tăng nguy cơ tăng đường huyết đột ngột. Thay vì xôi, mẹ bầu có thể lựa chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt có GI thấp như yến mạch, gạo lứt hay bánh mì nguyên cám,…

20. Tiểu đường thai kỳ ăn ngô nếp được không? 

Ngô nếp là một món ăn dân dã, được nhiều người Việt yêu thích. 

Tuy nhiên, các loại ngô nhìn chung có chỉ số GI ở mức trung bình, tức là có thể làm tăng lượng đường trong máu nếu ăn quá nhiều. Mẹ bầu vẫn có thể chọn ăn ngô nếp như một phần tinh bột trong ngày và nên ăn ngô luộc hoặc hấp thay vì chế biến thành các món ăn ngọt. Ngoài ra, mẹ cũng nên ăn kèm ngô với các loại protein, chất xơ khác. 

21. Tiểu đường thai kỳ ăn măng cụt được không? 

“Nữ hoàng trái cây” măng cụt với vị ngọt thanh mát, hương thơm đặc trưng luôn là niềm yêu thích của nhiều người. Nhưng khi mang thai và mắc tiểu đường thai kỳ, mẹ bầu thường lo lắng không biết mình có được thưởng thức loại quả này không. Câu trả lời là , mẹ bầu hoàn toàn có thể yên tâm thêm măng cụt vào thực đơn của mình. 

Ngoài chất xơ, măng cụt còn có chứa xanthones, là một hợp chất chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp giảm viêm, tăng cường hệ miễn dịch và ổn định đường huyết. 

22. Tiểu đường thai kỳ ăn đu đủ được không? 

Các mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ có ăn đu đủ được không? Câu trả lời là CÓ!

tiểu đường thai kỳ ăn đu đủ được không

Đu đủ chính là một ví dụ điển hình cho loại quả ngọt mà người tiểu đường có thể thưởng thức. Với chỉ số đường huyết (GI) thấp chỉ 23, đu đủ được xếp vào nhóm thực phẩm GI thấp, an toàn cho người tiểu đường. GI thấp đồng nghĩa với việc lượng đường trong máu sẽ tăng chậm hơn sau khi ăn, giúp giảm nhu cầu insulin và tăng độ nhạy insulin. Tuy nhiên, mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ vẫn cần lưu ý ăn đu đủ với lượng vừa phải, tốt nhất là vào buổi sáng để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Việc kết hợp đu đủ với chế độ ăn uống lành mạnh, tập luyện thể dục thường xuyên và theo dõi đường huyết đều đặn sẽ giúp kiểm soát bệnh tiểu đường hiệu quả.

23. Tiểu đường thai kỳ ăn lê được không?

là một loại quả ngọt, thanh mát. Tin vui là dù bạn có đang bị tiểu đường thai kỳ vì vẫn có thể bổ sung lê vào chế độ dinh dưỡng hằng ngày. Với chỉ số đường huyết (GI) khoảng 30, lê được xếp vào nhóm trái cây có chỉ số GI thấp, hay có thể hiểu là an toàn với đường huyết. 

Không những thế, lê còn chứa nhiều vitamin C và K cũng như kali và chất chống oxi hóa, cải thiện sức khỏe hệ tiêu hóa và tim mạch

24. Tiểu đường thai kỳ ăn mận được không? 

Mận là loại trái cây chua chua ngọt ngọt, được nhiều mẹ bầu yêu thích. Vậy mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ có ăn được mận không? Câu trả lời là CÓ!

Mận không chỉ giúp mẹ bầu giải nhiệt, thỏa mãn cơn thèm chua mà còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Với chỉ số đường huyết (GI) chỉ ở mức khoảng 35, mận không làm tăng đường huyết đột ngột sau ăn. Không những thế, quả mận còn chứa nhiều vitamin A, C, kali, chất chống oxy hóa… giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ tiêu hóa và ngăn ngừa thiếu máu. Vì vậy, mẹ bầu có thể bổ sung thêm mận vào chế độ dinh dưỡng, như một món ăn vặt nhẹ nhàng, giàu dinh dưỡng. 

25. Tiểu đường thai kỳ ăn bún được không? 

Bún là một món ăn quen thuộc trong ẩm thực Việt Nam với vô vàn biến tấu hấp dẫn như bún riêu, bún cá, bún thịt nướng,… Tuy nhiên, với những mẹ bầu đang phải theo chế độ ăn kiêng khem do tiểu đường thai kỳ, bún có phải là lựa chọn phù hợp? Câu trả lời là mẹ bầu nên hạn chế ăn bún. Bởi lẽ, bún được làm từ bột mì tinh chế, chứa hàm lượng carbohydrate cao, có thể gây ảnh hưởng đến việc kiểm soát đường huyết. 

Thay vì bún trắng thông thường, mẹ bầu có thể lựa chọn các loại bún gạo lứt hoặc các loại tinh bột giàu chất xơ khác để thay thế hoặc ăn nhiều rau và thịt, hơn là bún trong mỗi khẩu phần ăn.

26. Tiểu đường thai kỳ ăn thanh long được không? 

Thanh long ruột đỏ hay trắng đều là loại trái cây được nhiều mẹ bầu yêu thích bởi vị ngọt thanh mát và màu sắc bắt mắt. Vậy mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ có ăn được thanh long không? Câu trả lời là .

Thanh long là lựa chọn an toàn cho mẹ bầu tiểu đường vì hàm lượng đường (hay chỉ số đường huyết) tương đối thấp. Không những thế, thanh long cung cấp vitamin C, vitamin B, sắt, magie… cần thiết cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Mẹ bầu có thể kết hợp ½ – 1 quả thanh long vào chế độ dinh dưỡng mỗi ngày để tăng cường bổ sung dưỡng chất từ loại quả thanh mát này nhé!

27. Tiểu đường thai kỳ ăn củ đậu được không?

Mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ hoàn toàn có thể thưởng thức củ đậu (củ sắn) mà không phải lo lắng về lượng đường trong máu. Nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng củ đậu không chỉ an toàn mà còn mang lại nhiều lợi ích cho người tiểu đường. Cụ thể, chiết xuất củ đậu có khả năng ức chế hoạt động của các enzym alpha-amylase và alpha-glucosidase, giúp ngăn ngừa tăng đường huyết sau khi ăn. 

Ngoài ra, củ đậu còn giúp tăng cường độ nhạy của insulin, hỗ trợ điều chỉnh lượng đường trong gan, từ đó kiểm soát bệnh tiểu đường hiệu quả. Bên cạnh những lợi ích kể trên, củ đậu còn là nguồn cung cấp vitamin C, chất xơ dồi dào, giúp tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ tiêu hóa và tốt cho tim mạch. Tuy nhiên, mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ vẫn nên ăn củ đậu với lượng vừa phải, kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và theo dõi đường huyết thường xuyên để đạt hiệu quả kiểm soát bệnh tốt nhất.

28. Tiểu đường thai kỳ ăn mì tôm được không?

Mì tôm – “người bạn đồng hành” quen thuộc của biết bao thế hệ, nhất là trong những cơn đói bất chợt. Nhưng với mẹ bầu đang phải đối mặt với tiểu đường thai kỳ, liệu “cơn cứu đói” này có thực sự an toàn? Câu trả lời ngắn gọn là: KHÔNG NÊN ĂN MÌ TÔM!

Tiểu đường thai kỳ ăn mì tôm được không

Mì tôm được làm từ tinh bột tinh chế, có GI cao, khiến lượng đường trong máu tăng nhanh chóng sau khi ăn. Không những thế, gói gia vị trong mì tôm thường chứa hàm lượng muối và chất béo cao, không tốt cho việc kiểm soát huyết ápcân nặng của mẹ bầu. Nếu thực sự thèm mì tôm hoặc cần cứu đối cấp tốc, mẹ bầu có thể cân nhắc các loại thực phẩm khác, hoặc nấu mì cùng với nhiều rau xanh và các loại protein như trứng hoặc thịt nạc để tăng cường chất xơ và protein, giúp kiểm soát đường huyết tốt hơn.

29. Tiểu đường thai kỳ ăn miến được không? 

Miến, với sự đa dạng trong chế biến từ món nước đến món xào, luôn là lựa chọn hấp dẫn cho bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, với mẹ bầu tiểu đường thai kỳ, việc ăn miến cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Bởi miến là một loại thực phẩm giàu tinh bột và tinh bột sẽ được cơ thể chuyển hóa thành đường, làm tăng lượng đường trong máu. 

Vậy nên, mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ nên ăn miến ở lượng vừa phải và chú ý chế biến lành mạnh. Thay vì làm miến xào nhiều dầu mỡ thì mẹ nên luộc, nấu canh kết hợp với rau xanh, thịt nạc, đậu phụ… để làm chậm quá trình hấp thu đường.

30. Tiểu đường thai kỳ ăn chuối sáp luộc được không? 

Chuối sáp luộc, món ăn dân dã thơm ngon, béo ngậy, luôn có sức hấp dẫn khó cưỡng. Tuy nhiên, với mẹ bầu tiểu đường thai kỳ, việc thưởng thức món ăn này cần phải hết sức thận trọng. Vì chưa có nghiên cứu nào chứng minh chuối sáp luộc là an toàn với đường huyết. Nhưng nếu quá thèm chuối sáp luộc, mẹ bầu vẫn có thể ăn với một lượng vừa phải chuối sáp luộc và kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh. 

Việc luộc chuối tuy không làm tăng thêm lượng đường nhưng cũng không làm giảm GI của loại quả này. Mặt khác, chuối luộc vẫn có hàm lượng chất xơ cùng các loại vitamin và khoáng chất, hỗ trợ tốt cho việc tiêu hóa. 

31. Tiểu đường thai kỳ ăn bơ được không? 

– loại quả béo ngậy, thơm ngon, giàu dinh dưỡng, liệu có phải là “món cấm” với mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ? Hoàn toàn không! Mẹ bầu có thể yên tâm thưởng thức bơ mà không phải lo lắng về lượng đường trong máu. Dù dễ bị hiểu nhầm là chứa nhiều chất béo, nhưng quả bơ thực chất chứa nhiều chất béo không bão hòa đơn, giúp kiểm soát cholesterol và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Không những thế, chỉ số đường huyết của bơ chỉ khoảng 10, tức là sẽ không làm tăng đường huyết sau ăn một cách đột ngột. 

32. Tiểu đường thai kỳ ăn bánh mì sandwich được không? 

Bánh mì sandwich, món ăn nhanh gọn, tiện lợi, luôn là lựa chọn hấp dẫn cho bữa sáng hay bữa ăn nhẹ. Tuy nhiên, với mẹ bầu tiểu đường thai kỳ, việc thưởng thức món ăn này cần có sự chọn lọc kỹ càng. Đa số bánh mì sandwich được làm từ bột mì trắng, có chỉ số đường huyết (GI) cao, dễ gây tăng đường huyết nhanh chóng. 

Để đảm bảo an toàn với đường huyết, mẹ cũng có thể ưu tiên chọn các loại bánh mì sandwich làm từ ngũ cốc nguyên hạt, như giàu chất xơ như gạo lứt, yến mạch,… Quan trọng là kết hợp với các loại protein, chất xơ để cân bằng chế độ dinh dưỡng hằng ngày. 

33. Tiểu đường thai kỳ ăn xoài được không?

Xoài, loại quả nhiệt đới thơm ngon, mọng nước, luôn là niềm yêu thích của nhiều người. Nhưng với mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ, “cơn thèm” xoài có được đáp ứng? Câu trả lời là CÓ, NHƯNG CẦN LƯU Ý. Mặc dù có chỉ số đường huyết ở mức trung bình (Khoảng 57) nhưng chỉ số tải lượng đường huyết của xoài nằm ở mức thấp, vì vậy, không làm tăng đột ngột đường huyết sau ăn. Mỗi lần chỉ nên ăn một lượng nhỏ xoài (khoảng 1/2 quả) và không nên ăn quá thường xuyên. Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên ăn xoài kèm với các loại hạt, sữa chua không đường hoặc rau xanh để làm chậm quá trình hấp thu đường.

34. Tiểu đường thai kỳ ăn hạt điều được không? 

Hạt điều, món ăn vặt quen thuộc với vị bùi béo hấp dẫn, liệu có an toàn cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ? Tin vui là mẹ bầu hoàn toàn có thể bổ sung hạt điều vào chế độ ăn uống của mình. Hạt điều chứa nhiều chất béo không bão hòa đơn và không bão hòa đa, giúp kiểm soát lượng cholesterol và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Bên cạnh đó, trong hạt điều cũng chứa chất xơ đáng kể, giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường, tạo cảm giác no lâu và ngăn ngừa táo bón.

35. Tiểu đường thai kỳ ăn phô mai con bò cười được không? 

Phô mai Con Bò Cười là món ăn vặt quen thuộc với nhiều người, kể cả mẹ bầu. Vậy mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ có ăn được phô mai Con Bò Cười không? Câu trả lời là CÓ, NHƯNG CẦN LƯU Ý

Mặc dù phô mai Con Bò Cười có vị béo ngậy, nhưng lại có chỉ số đường huyết (GI) thấp. Điều này có nghĩa là ăn phô mai Con Bò Cười sẽ không làm tăng đường huyết đột ngột, tương đối an toàn cho mẹ bầu tiểu đường thai kỳ. Ngoài ra, phô mai còn là nguồn cung cấp canxi dồi dào, rất cần thiết cho sự phát triển xương của thai nhi và sức khỏe của mẹ bầu. 

36. Tiểu đường thai kỳ ăn bánh cuốn được không? 

Bánh cuốn, món ăn sáng quen thuộc với hương vị thơm ngon, hấp dẫn, liệu có phải là lựa chọn an toàn cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ? Thực tế, bánh cuốn được làm từ bột gạo, một loại tinh bột có chỉ số đường huyết (GI) cao. Điều này đồng nghĩa với việc ăn bánh cuốn có thể khiến lượng đường trong máu tăng nhanh, không có lợi cho mẹ bầu đang kiểm soát tiểu đường thai kỳ. 

Tuy nhiên, không có nghĩa là mẹ bầu phải kiêng hoàn toàn món ăn này. Nếu thèm ăn bánh cuốn, mẹ bầu cần lưu ý ăn lượng vừa phải và ăn kèm với rau sống, thịt nạc,… để làm chậm quá trình hấp thu đường. Nếu được, mẹ có thể kiểm tra đường huyết tại nhà và theo dõi đường huyết sau ăn, để đảm bảo lượng đường trong máu nằm trong mức ổn định. 

37. Tiểu đường thai kỳ ăn na được không?

Na (hay mãng cầu xiêm) là loại trái cây thơm ngon, bổ dưỡng, được nhiều mẹ bầu yêu thích. Tuy nhiên, với vị ngọt đặc trưng, nhiều mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ lo lắng không biết có nên ăn na không. Câu trả lời là CÓ. Quả na có chỉ số đường huyết trung bình khoảng 54, được xếp vào nhóm an toàn cho những người mắc bệnh tiểu đường. Không những thế, na còn giàu vitamin B, C và các chất chống oxy hóa, giúp tăng cường miễn dịch cho mẹ bầu. 

38. Tiểu đường thai kỳ ăn khoai tây được không? 

Khoai tây, nguồn cung cấp vitamin C, kali và chất xơ dồi dào, liệu có an toàn cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ? Câu trả lời là CÓ, NHƯNG CẦN LƯU Ý. Mặc dù khoai tây chứa tinh bột, có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu, nhưng chỉ số đường huyết (GI) của nó lại phụ thuộc vào cách chế biến. Khoai tây luộc có GI trung bình, trong khi khoai tây chiên, nướng, hoặc nghiền có GI cao hơn, không tốt cho mẹ bầu tiểu đường. Một cách an toàn là chỉ nên ăn lượng vừa phải khoai tây, và có thể lựa chọn một số thực phẩm thay thế như khoai lang, củ cải, cà rốt

Tiểu đường thai kỳ ăn khoai tây được không

39. Tiểu đường thai kỳ ăn hạt dẻ được không? 

Hạt dẻ, món ăn vặt thơm ngon, bổ dưỡng được nhiều người yêu thích, đặc biệt là trong những ngày se lạnh. Vậy mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ có ăn được hạt dẻ không? Câu trả lời là .  

Không chỉ là món ăn vặt lý tưởng mà còn mang đến nhiều lợi ích cho mẹ bầu tiểu đường thai kỳ. Với hàm lượng lớn chất xơ, đặc biệt là chất xơ hòa tan, hạt dẻ giúp kiểm soát lượng đường trong máu, ngăn ngừa tăng đường huyết sau ăn. Lưu ý, tránh ăn hạt dẻ đã qua chế biến như hạt dẻ rang muối hay ngào đường, vì khó để kiểm soát lượng muối hay đường thêm vào món ăn. 

40. Tiểu đường thai kỳ ăn sầu riêng được không? 

Sầu riêng – “vua của các loại trái cây” với hương vị thơm ngon đặc trưng, luôn là món khoái khẩu của nhiều người. Tuy nhiên, với mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ, việc thưởng thức sầu riêng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng. Với chỉ số GI cao, ăn sầu riêng nhiều có thể khiến lượng đường trong máu tăng nhanh sau khi ăn, gây khó khăn cho việc kiểm soát đường huyết. Mẹ bầu có thể tư vấn trực tiếp với bác sĩ, để biết có nên ăn sầu riêng hay không và ăn bao nhiêu là an toàn với mức đường huyết của mình, nếu quá thèm ăn sầu riêng nhé!

41. Tiểu đường thai kỳ ăn trứng gà được không? 

Trứng gà – nguồn cung cấp protein dồi dào và nhiều dưỡng chất thiết yếu – liệu có an toàn cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ? Câu trả lời chắc chắn là . Trái với suy nghĩ của nhiều người, trứng gà không hề gây hại cho mẹ bầu tiểu đường nếu tiêu thụ ở mức vừa phải (Tối đa là 7 quả trứng mỗi tuần) và lưu ý chỉ ăn trứng đã nấu chín. Trứng gà sẽ giúp cung cấp choline, lutein, zeaxanthin, vitamin D, vitamin B12 và các khoáng chất quan trọng khác, rất tốt cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển trí não của bé.

Tiểu đường thai kỳ ăn trứng gà được không

42. Tiểu đường thai kỳ ăn dưa lưới được không? 

Dưa lưới với vị ngọt mát, thơm dịu luôn là món khoái khẩu của nhiều người, đặc biệt là trong những ngày hè oi bức. Vậy mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ có thể thưởng thức loại quả này không? CÓ nhưng cũng cần có chừng mực. Dưa lưới sở hữu chỉ số GI khoảng 65, thuộc nhóm trung bình, có thể ảnh hưởng đến đường huyết nếu ăn một lượng quá nhiều.  Vậy nên, điều quan trọng là mẹ nên ăn với một lượng vừa phải, kết hợp thêm với đa dạng các loại thực phẩm, rau củ quả khác. 

43. Tiểu đường thai kỳ ăn chôm chôm được không? 

Chôm chôm, loại quả nhiệt đới với vị ngọt chua thanh mát, luôn hấp dẫn nhiều người, đặc biệt trong mùa hè. Tuy nhiên, với mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ, việc thưởng thức chôm chôm cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng

Tiểu đường thai kỳ ăn chôm chôm được không

Mặc dù chôm chôm chứa nhiều vitamin C, chất xơ và các dưỡng chất có lợi, nhưng nó cũng có chỉ số đường huyết (GI) khá cao (khoảng 59). Điều này có nghĩa là ăn nhiều chôm chôm có thể làm tăng đường huyết nhanh chóng, không tốt cho mẹ bầu đang kiểm soát tiểu đường thai kỳ.

44. Tiểu đường thai kỳ ăn cam được không? 

Cam, loại quả mọng nước, giàu vitamin C, thường được khuyên dùng cho mẹ bầu. Vậy mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ có ăn được cam không? Câu trả lời là

Cam là nguồn cung cấp vitamin C, kali, folate và chất xơ dồi dào, rất tốt cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Mặc dù có vị ngọt, nhưng cam có chỉ số đường huyết (GI) thấp, nên không làm tăng đường huyết đột ngột. 

Lưu ý nên ăn cam cả múi thay vì chỉ uống nước ép, vì nước ép cam đã mất đi phần lớn chất xơ, dễ gây tăng đường huyết hơn.

45. Tiểu đường thai kỳ ăn bánh mì thịt được không?

Bánh mì thịt, món ăn nhanh gọn lẹ, thơm ngon, hấp dẫn, liệu có phải là “cạm bẫy” cho mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ? Câu trả lời là CÓ THỂ, nhưng mẹ bầu cần hết sức lưu ý trong việc lựa chọn và thưởng thức món ăn này. Bởi đa phần bánh mì thịt được làm từ bột mì trắng, có chỉ số đường huyết (GI) cao, dễ làm tăng đường huyết nhanh chóng. Ngoài ra, nhân bánh mì với các loại chả, thịt nguội hay nước sốt đã qua chế biến cũng rất khó để cân đo đong đếm được hàm lượng calo hay đường, dễ làm tăng đường huyết một cách đột biến.

Kết luận

Hiểu rõ tiểu đường thai kỳ nên ăn gì là vô cùng quan trọng trọng việc kiểm soát bệnh. Mẹ bầu cần ăn uống đa dạng, đủ chất, ưu tiên thực phẩm chứa carbohydrate phức hợp, giàu chất xơ, ít đường và có GI thấp, chia nhỏ bữa ăn trong ngày và có khẩu phần phù hợp. Kết hợp chế độ ăn uống khoa học với theo dõi đường huyết thường xuyên và duy trì lối sống tích cực sẽ giúp mẹ kiểm soát bệnh hiệu quả, đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé.

Mẹ bầu hãy tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng khi cần hỗ trợ. Đồng thời, mẹ bầu có thể đọc thêm các bài viết hữu ích khác về tiểu đường thai kỳ trên Hello Bacsi để trang bị thêm kiến thức và sự tự tin khi chăm sóc bản thân.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Gestational diabetes

https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/gestational-diabetes/symptoms-causes/syc-20355339

Ngày truy cập: 09/12/2024

Gestational diabetes 

https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/9012-gestational-diabetes

Ngày truy cập: 09/12/2024

About Gestational Diabetes

https://www.cdc.gov/diabetes/about/gestational-diabetes.html

Ngày truy cập: 09/12/2024

What to drink when you have diabetes

https://www.diabetes.org.uk/living-with-diabetes/eating/what-to-drink-with-diabetes

Ngày truy cập: 09/12/2024

Gestational diabetes diet

https://medlineplus.gov/ency/article/007430.htm

Ngày truy cập: 09/12/2024

What can I eat with gestational diabetes?

https://www.diabetes.org.uk/living-with-diabetes/eating/gestational-diabetes

Ngày truy cập: 09/12/2024

Gestational diabetes and your diet

https://www.tommys.org/pregnancy-information/pregnancy-complications/gestational-diabetes/gestational-diabetes-and-your-diet

Ngày truy cập: 09/12/2024

What to eat with gestational diabetes?

https://www.canberrahealthservices.act.gov.au/__data/assets/pdf_file/0006/2345577/CHS_Gestational-Diabetes-HIS-A4_V4_AADIGITAL.pdf

Ngày truy cập: 09/12/2024

Phiên bản hiện tại

16/01/2025

Tác giả: Dung Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Linh Nguyễn


Bài viết liên quan

Nguyên nhân tiểu đường tuýp 1, tuýp 2 và tiểu đường thai kỳ là gì?

Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ có cần nhịn ăn không? Nhịn ăn bao lâu?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 3 tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo