backup og meta

Sinh mổ bao lâu thì lành? Chăm sóc sau sinh mổ

Sinh mổ bao lâu thì lành? Chăm sóc sau sinh mổ

Quá trình sinh mổ lấy đi rất nhiều năng lượng của mẹ và bé. Mẹ sinh mổ không chỉ lo lắng “sinh mổ bao lâu lành” mà còn phải lo cho sức khỏe của bé. Bởi nhiều nghiên cứu đã chứng minh bé sinh mổ có sức đề kháng kém hơn trẻ sinh thường và có nguy cơ cao mắc phải nhiều bệnh về đường ruột và hô hấp hơn do sinh mổ làm rối loạn sự cân bằng vi khuẩn. 

Nếu mẹ cũng đang có những nỗi lo về sức khỏe của bé sinh mổ cũng như tình trạng vết mổ sau sinh, đọc ngay bài viết của Hello Bacsi để nhanh lấy lại sức khỏe và chăm sóc bé sinh mổ được tốt hơn nhé!

Sinh mổ bao lâu thì lành hay sinh mổ bao lâu thì hết đau?

Sinh mổ bao lâu thì lành hay sinh mổ bao lâu thì hết đau… là thắc mắc chung của không ít mẹ bầu phải sinh con bằng phương pháp này. Sau phẫu thuật sinh mổ, bạn thường phải mất 3 – 4 ngày ở bệnh viện để được theo dõi và 6 tuần nghỉ ngơi tại nhà để có thể phục hồi hoàn toàn.

Mỗi phụ nữ có mức độ đau riêng và tình trạng sức khỏe khác nhau nên thời gian phục hồi cũng sẽ không giống nhau. Tùy từng người mà cơn đau nhức có thể kéo dài đến 8 tuần sau sinh, thậm chí là lâu hơn. Tuy nhiên, hầu hết sẽ cảm thấy bớt đau sau vài ngày và hồi phục hoàn toàn sau 6 tuần. Ngoài ra, thời gian hồi phục sau ca mổ bắt con còn tùy thuộc vào việc đây là lần thứ mấy bạn sinh mổ.

Thực tế, có một vài bà mẹ cảm thấy tình trạng đau càng ngày càng trầm trọng, nhất là sau ca phẫu thuật khoảng 1 tuần. Trong khi một vài người lại hoàn toàn khỏe mạnh chỉ sau vài ngày.

Sau sinh mổ có nên sử dụng thuốc giảm đau?

Nếu bạn cảm thấy tê ngoài màng cứng hoặc tủy sống sau sinh mổ, bác sĩ chuyên khoa sẽ tiêm morphin hoặc một vài loại thuốc khác để giảm cơn đau của bạn đến 24 giờ sau.

Bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc có chứa thành phần giảm đau, ví dụ như acetaminophen. Đôi khi bác sĩ sẽ kê đơn thuốc giảm đau cho bạn khi xuất viện nhưng không phải mẹ bỉm sữa nào cũng đều cần dùng những viên thuốc giảm đau này.

Giải pháp thay thế cho việc dùng thuốc để giảm đau sau sinh mổ

hồi phục sức khỏe sau sinh mổ

Thay vì sử dụng thuốc giảm đau, việc ngồi dậy và đi lại chậm rãi cũng giúp bạn giảm đau và phục hồi nhanh chóng. Sau ca mổ bắt con khoảng 24 giờ, bạn nên cố gắng ngồi dậy và đi bộ thong thả. Việc này nhằm giảm áp lực trong ổ bụng, giúp cơn đau giảm đi phần nào, tăng lưu thông máu, giúp ngăn ngừa viêm phổi, táo bón và ngăn ngừa sự hình thành các cục máu đông…

Ở nhiều nơi còn sử dụng phương pháp quấn bụng để giảm đau cho phụ nữ sau sinh mổ bằng cách sử dụng một loại băng quấn có chất liệu co giãn như vải thun để quấn quanh bụng. Một nghiên cứu vào tháng 7 năm 2015 tại Canada đã cho thấy việc quấn bụng làm tăng khả năng đi lại của bệnh nhân thực hiện phẫu thuật bụng và ngăn ngừa những cơn đau dữ dội. Tuy nhiên, việc này chỉ mới dừng lại ở nghiên cứu mà chưa có công bố chính thức, vì vậy, nếu muốn thử, bạn hãy xin lời khuyên từ bác sĩ.

Giải đáp những thắc mắc liên quan đến việc sinh mổ

sinh mổ bao lâu thì quan hệ được

1. Vết mổ sau sinh mổ, bao lâu thì lành?

Câu trả lời cho thắc mắc vết mổ sau sinh bao lâu thì lành hay vết sinh mổ bao lâu thì lành hay sinh mổ bao lâu thì vết thương lành… là không có thời điểm cụ thể. Thời gian để vết thương sinh mổ lành phụ thuộc vào cơ địa, tình trạng sức khỏe và cách chăm sóc vết thương của bạn.

Sau sinh, bạn cần chăm sóc vết mổ cẩn thận, thường xuyên theo dõi để nhận biết các dấu hiệu bất thường như nhiễm trùng vết mổ… Hãy đi khám ngay nếu bạn có một trong những yếu tố sau:

  • Vết mổ sưng, nóng, có màu đỏ, đau hoặc rỉ dịch
  • Bạn bị sốt cao hơn 38°C
  • Âm đạo chảy rất nhiều máu hoặc dịch âm đạo có mùi hôi…

2. Sau sinh mổ bao lâu thì quan hệ được?

Thường trước khi xuất viện, bác sĩ sẽ ghi lịch hẹn yêu cầu bạn đến bệnh viện kiểm tra vào khoảng 4 tuần sau đó. Ở lần kiểm tra này, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám âm đạo, cổ tử cung, vết mổ, đo huyết áp và kiểm tra cân nặng, chỉ định bạn siêu âm để kiểm tra tử cung để đánh giá mức độ phục hồi. Từ đó, bác sĩ sẽ đánh giá được tình trạng sức khỏe của bạn và đưa ra lời khuyên thích hợp về thời điểm quan hệ sau sinh mổ an toàn, cũng như tư vấn phương pháp tránh thai sau sinh.

Thông thường, mẹ bỉm sữa chỉ nên quan hệ sau thời điểm mổ bắt con khoảng 6 tuần. Đây là thời điểm mà cơ thể bạn đã phục hồi, những cơn đau từ vết mổ đã có thể biến mất.

Nếu có băn khoăn về việc sinh mổ bao lâu thì đặt vòng được hay tránh thai sau sinh mổ, bạn hãy trao đổi ngay với bác sĩ ở lần thăm khám này. Dựa trên tình hình sức khỏe của bạn, mức độ phục hồi của tử cung, bác sĩ sẽ giải đáp chính xác cho bạn và tư vấn về thời điểm thích hợp tiến hành đặt vòng tránh thai hay áp dụng hình thức tránh thai phù hợp.

3. Cần lưu ý gì khi cho con bú sau sinh mổ?

Thời gian cho bé bú sau sinh mổ sẽ tùy thuộc vào sức khỏe của bạn và bé. Bạn có thể cho bé bú ngay trong một giờ đầu sau sinh hoặc nếu sinh mổ bằng hình thức gây mê toàn thân, bạn có thể chờ khoảng 4 đến 6 giờ khi thuốc mê bớt tác dụng. Sau sinh, bạn nên cho bé bú càng sớm càng tốt, điều này không chỉ tăng sức đề kháng cho bé mà còn giúp mẹ nhanh hồi phục, giảm nguy cơ băng huyết.

Theo nghiên cứu, trẻ sinh mổ thường“thiệt thòi” hơn trẻ sinh thường. Bởi trẻ sinh mổ không có cơ hội tiếp xúc với lợi khuẩn tại đường sinh tự nhiên của mẹ cũng như mất đi đi cơ hội được bú sữa non trong vòng vài giờ đầu sau sinh. Điều này khiến hệ vi sinh đường ruột dễ bị mất cân bằng, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển hệ miễn dịch và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý.

Dựa vào kết quả nghiên cứu được thực hiện với 2 triệu trẻ em tại Đan Mạch từ tháng 1/1973 đến tháng 3/2016, trẻ sinh mổ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, viêm khớp, bệnh Celiac và bệnh viêm ruột cao hơn đáng kể so với trẻ sinh thường [9] Không chỉ dừng lại ở đó, kết quả nghiên cứu vào tháng 11/2020 được tổng hợp dữ liệu từ hơn 7 triệu ca sinh ở Đan Mạch, Scotland, Anh và Úc từ năm 1996 đến năm 2015 còn cho thấy trẻ sinh mổ có nhiều khả năng nhiễm các loại nhiễm trùng lâm sàng, đặc biệt là nhiễm trùng đường tiêu hóa, hô hấp và nhiễm virus. Nguy cơ này vẫn cao đối với trẻ em từ 2-5 tuổi. Ngoài ra, kết quả của gần 2000 bài nghiên cứu về mối liên hệ giữa trẻ sinh mổ và bệnh hen suyễn cũng cho thấy trẻ sinh mổ có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao hơn.

Chính vì vậy, đối với trẻ sinh mổ, sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu để xây dựng hệ miễn dịch và nâng cao sức đề kháng cho trẻ. Nhờ vào các chất đạm, chất béo, lactose và các loại vitamin, sữa mẹ giúp bổ sung một lượng lớn dưỡng chất giúp trẻ sinh mổ khỏe mạnh, chống lại các bệnh viêm nhiễm.

4. Sinh mổ nên ăn gì?

“Sinh mổ nên ăn gì” là câu hỏi của rất nhiều bà mẹ sau sinh. Một chế độ dinh dưỡng đầy đủ giúp đẩy nhanh quá trình hồi phục và cung cấp năng lượng là cần thiết cho cơ thể. Hãy duy trì thói quen ăn uống lành mạnh như khi bạn còn mang thai. Hãy ăn đa dạng các loại thực phẩm giàu protein, vitamin C, chất sắt để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể. Do đó, có thể bác sĩ sẽ kê toa cho bạn dùng bổ sung vitamin và sắt sau sinh để ngăn ngừa tình trạng thiếu chất.

  • Thực phẩm có hàm lượng protein cao: thịt, cá, thịt gà, trứng, các chế phẩm từ sữa, các loại hạt và đậu.
  • Thực phẩm giàu vitamin C: cam, bưởi, dâu tây, dưa hấu và đu đủ. Đây cũng những loại trái cây tốt cho mẹ sau sinh mổ.
  • Thực phẩm giàu sắt là các loại thịt đỏ (thịt bò, cá hồi), gan, đậu khô, hoa quả khô và ngũ cốc giàu chất sắt.

Ngoài ra, bạn đừng quên bổ sung vào khẩu phần ăn hàng ngày các loại thực phẩm giàu vitamin A như rau xanh, trái cây, cà rốt và khoai lang.

Một điều quan trọng là bạn hãy uống đủ nước, khoảng 8 – 10 ly/ngày. Điều này giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước và táo bón sau sinh. Ngoài ra, bạn có thể uống sữa, nước trái cây, ăn sữa chua ít béo để đáp ứng nhu cầu canxi của cơ thể và giúp tăng tiết sữa mẹ.

Để giải đáp cho câu hỏi “Ăn gì để nhiều sữa sau sinh mổ”, bạn hãy tìm hiểu qua bài viết “Ngũ cốc lợi sữa giúp mẹ gọi sữa về nhiều cho bé bú no“.

5. Giảm cân sau sinh mổ

Giảm cân sau sinh mổ

Bạn thường thấy trên truyền hình và tạp chí về việc các ngôi sao nữ dường như giảm cân rất nhanh sau sinh. Thực tế, quá trình giảm cân sau sinh không thể diễn ra nhanh như vậy. Bạn mất đến 9 tháng mang thai thì cũng cần bấy nhiêu thời gian để giảm cân. Các bà mẹ cho con bú thường giảm cân sau sinh nhanh hơn các bà mẹ không cho con bú.

Việc giảm cân sau sinh mổ thường chỉ nên bắt đầu sau khi sinh được 6 tuần. Để việc giảm cân sau sinh mổ đạt hiệu quả, bạn không nên ăn quá nhiều, tránh các thức ăn vặt và thực phẩm chứa nhiều năng lượng nhưng nghèo dinh dưỡng. Lưu ý là việc thực hiện chế độ ăn kiêng nghiêm ngặt và dùng thuốc hỗ trợ giảm cân để giảm mỡ bụng sau sinh mổ có thể gây hại cho bạn và bé (trường hợp bé bú sữa mẹ). Bạn nên giảm cân bằng cách giảm lượng chất béo trong khẩu phần ăn. Hãy tập thể dục với cường độ vừa phải 30 phút mỗi ngày. Đây là cách giảm cân hiệu quả và an toàn nhất.

Sau sinh, bạn có thể thử tập các bài tập sau:

  • Hít thở sâu: Sau sinh, bạn thường nằm/ngồi khá lâu nên hãy hít 2 – 3 hơi thở sâu, chậm sau mỗi nửa giờ. Điều này có thể giúp ngăn ngừa tắc nghẽn phổi sau sinh.
  • Xoay vai: Mỗi giờ, ban nên ngồi thẳng và xoay vai khoảng 20 lần theo cả chiều từ trước ra sau, từ sau về trước. Việc này giúp hạn chế tình trạng khớp vai bị cứng.
  • Kéo căng cơ thể nhẹ nhàng: Bạn đứng tựa vào tường, từ từ giơ hai tay lên trên đầu cho đến khi bạn cảm thấy các cơ ở bụng căng ra. Giữ trong 5 giây, hạ tay xuống thư giãn. Bạn có thể tập động tác này 10 lần/ngày để tăng tính linh hoạt xung quanh các mũi khâu của bạn.

Hello Bacsi tin rằng khi bạn càng cảm thấy thoải mái, việc phục hồi sẽ càng nhanh. Hy vọng qua bài viết trên bạn đã giải đáp được thắc mắc “sinh mổ bao lâu thì lành?” cũng như biết cách chăm sóc cơ thể sau khi sinh tốt nhất.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. C-Section Birth Associated with Numerous Health Conditions https://www.center4research.org/c-section-birth-health-risks/ Ngày truy cập: 4/3/2022

2. Human Milk Oligosaccharides: Health Benefits, Potential Applications in Infant Formulas, and Pharmacology  https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7019891/Ngày truy cập: 4/3/2022

3. Bifidobacterium animalis subsp. lactis BB-12 in reducing the risk of infections in early childhood https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/26372517/Ngày truy cập: 4/3/2022

4. Cesarean Section – What to Expect After C-Section. www.webmd.com/baby/tc/cesarean-section-what-to-expect-after-c-section . Ngày truy cập 3/7/2016

5. Recovering from a c-section www.babycenter.com/0_recovering-from-a-c-section_221.bc . Ngày truy cập 3/7/2016

6. Recovery and Care After a C-Section https://www.webmd.com/baby/recovery-after-c-section#1 Ngày truy cập 22/8/2018

7. Nutrition and Diet After Cesarean Birth https://www.healthpages.org/health-a-z/nutrition-diet-after-cesarean-birth/ Ngày truy cập 22/8/2018

8. C-Section: Tips for a Fast Recovery https://www.healthline.com/health/pregnancy/c-section-tips-for-fast-recovery Ngày truy cập 17/8/2020

9. Caesarean Delivery and Risk of Chronic Inflammatory Diseases (Inflammatory Bowel Disease, Rheumatoid Arthritis, Coeliac Disease, and Diabetes Mellitus): A Population Based Registry Study of 2,699,479 Births in Denmark During 1973–2016 https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC7073427/ Ngày truy cập: 10/3/2022

10. Dietary Nucleotides – Nutrition https://www.novocib.com/Nucleotide_Analysis_Services.html Ngày truy cập: 10/3/2022

Phiên bản hiện tại

28/03/2023

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Thảo Nguyễn


Bài viết liên quan

Sinh mổ: Mẹ và bé phải đối mặt với những nguy cơ gì?

Sinh mổ bao lâu thì lành? Chăm sóc sau sinh mổ


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 28/03/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo