backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Sự thật về 10 tác hại của trà sữa: Người dùng đừng làm ngơ!

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 18/11/2022

    Sự thật về 10 tác hại của trà sữa: Người dùng đừng làm ngơ!

    Bạn thích mê những ly trà sữa thơm ngon nên thường xuyên sử dụng loại thức uống này. Bạn có biết các tác hại của trà sữa gây ra đối với sức khỏe là rất đáng lo ngại? 

    Hiện nay, trà sữa đã trở thành một loại thức uống phổ biến ở các nước như: Ấn Độ, Đài Loan, Campuchia và Việt Nam… Có không ít người thừa nhận mình “nghiện” loại thức uống này và dùng mỗi ngày bởi hương vị hấp dẫn của nó. Thế nhưng, liệu bạn có biết những tác hại của trà sữa đối với sức khỏe người dùng là không hề nhỏ? Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ phân tích thành phần, đề cập đến những tác hại của món thức uống dễ “gây nghiện” này.

    Điểm mặt 10 tác hại của trà sữa đối với sức khỏe

    1. Gây mất ngủ

    Đây là một trong những tác hại của trà sữa mà bạn dễ nhận thấy nhất. Nguyên nhân là cũng giống như cà phê, trà, cụ thể là trà đen, loại trà được sử dụng để pha trà sữa rất giàu caffeine. Việc uống quá nhiều trà sữa, đặc biệt là vào chiều tối khiến cơ thể dung nạp quá nhiều caffeine. Điều này có thể trở thành nguyên nhân gây ra tình trạng  trằn trọc, mất ngủ ở một số người, nhất là trẻ nhỏ.

    Thực tế là với người lớn, nếu uống 1 ly trà sữa thì tình trạng mất ngủ hiếm khi xảy ra, nhưng trẻ em sẽ gặp nguy cơ cao.

    2. Lo lắng

    Có không ít người thắc mắc tác hại của trà sữa là gì, uống trà sữa có tốt không hay uống trà sữa mỗi ngày có tốt không? Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trong khi một số loại trà thảo dược như hoa cúc được biết đến với công dụng thư giãn, việc uống trà sữa có thể khiến người dùng rơi vào trạng thái lo lắng nếu uống quá nhiều.

    Điều này là do công dụng kích hoạt các tế bào não của trà nhằm giúp người dùng tỉnh táo hơn. Uống nhiều trà sữa có thể gây ra sự mất cân bằng các hóa chất trong não khiến một số người rơi vào trạng thái lo lắng quá mức.

    Với người lớn, uống một lượng nhỏ trà sữa có thể giúp thư giãn nhưng nếu dùng hơn 150ml/ngày sẽ có nguy cơ rơi vào trạng thái lo lắng. Do đó, với trẻ nhỏ, việc chỉ uống một lượng trà sữa nhỏ cũng có nguy cơ khiến các bé lâm vào trạng thái lo lắng, căng thẳng thái quá.

    3. Ngộ độc thực phẩm là một tác hại của trà sữa rất dễ xảy ra

    Việc người bán không bảo quản trà sữa đúng cách, sử dụng thành phần, nguyên liệu không có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, không đảm bảo yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm có thể khiến người dùng bị ngộ độc thực phẩm.

    4. Táo bón

    Trà có chứa caffeine, một chất rất tuyệt vời cho hệ thống bài tiết và có thể giúp nhuận tràng. Ngoài ra, trà cũng chứa chất theophylline có tác dụng giải độc cơ thể, làm dịu tâm trí, thư giãn cơ bắp và cải thiện lưu lượng máu rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu dung nạp quá nhiều theophylline từ trà sữa có thể khiến người dùng bị mất nước dẫn đến táo bón.

    Ngoài ra, việc tiêu thụ quá nhiều tinh bột từ hạt trân châu có trong trà sữa cũng là nguyên nhân khiến người dùng dễ bị táo bón, nhất là trẻ em.

    5. Da bị nổi mụn

    gây nổi mụn - tác hại của trà sữa

    Nhiều chị em thường thắc mắc uống trà sữa nhiều có tốt không hay tác hại của trà sữa đối với làn da là gì? Theo các chuyên gia sức khỏe, một trong những tác hại của trà sữa nếu uống nhiều là có thể bị nổi mụn. Nếu uống với lượng nhỏ, trà có thể giúp giải độc, nhưng uống quá nhiều sẽ khiến cơ thể bị nóng, gây mất cân bằng các chất trong cơ thể làm cho da bị nổi mụn. Các vùng da dễ bị ảnh hưởng nhất là mặt, cổ và ngực.

    Đối với các bé đang trong độ tuổi dậy thì, người gặp vấn đề về mụn nên hạn chế sử dụng loại thức uống này để bảo vệ da.

    6. Tác hại của trà sữa: Gây thừa cân, béo phì

    Trà sữa rất nhiều đường và năng lượng rỗng. Nếu thường xuyên uống loại thức uống này, bạn không chỉ phải đối mặt với nguy cơ cao bị thừa cân, béo phì mà còn bị thiếu hụt dinh dưỡng. Mặt khác trẻ em cần tích lũy nhiều dưỡng chất để đáp ứng nhu cầu phát triển của cơ thể, việc trẻ uống quá nhiều trà sữa sẽ gây ra những tác hại khôn lường cho sự phát triển của trẻ.

    Lời khuyên cho hội những người yêu thích món thức uống gây nghiện này là cần hạn chế lượng topping kem béo, trân châu, sữa đặc, sirô… vào ly trà sữa. Đối với những người đã có cân nặng vượt chuẩn nên tránh dùng trà sữa.

    7. Mất cân bằng huyết áp

    Nhiều người thường thắc mắc rằng uống nhiều trà sữa có tốt không? Câu trả lời chắc chắn là không. Bởi một trong những tác hại nguy hiểm nhất của việc uống quá nhiều trà là gây ra sự mất cân bằng huyết áp. Với một lượng nhỏ, trà có thể giúp cải thiện quá trình lưu thông máu, duy trì sức khỏe của tim, não, các chức năng thần kinh và giúp cải thiện hệ thống miễn dịch.

    Vậy uống trà sữa nhiều có tốt không câu trả lời là nếu bạn tiêu thụ quá nhiều trà thông qua việc uống trà sữa sẽ làm cho nhịp tim của bạn tăng nhanh dẫn đến tình trạng huyết áp cao hoặc huyết áp giảm do tính chất thư giãn của trà. Tình trạng huyết áp tăng hoặc giảm đều không tốt cho sức khỏe. Do đó, bạn nên tránh uống trà sữa quá nhiều.

    Thay vào đó, bạn có thể thử các loại trà thảo mộc “thân thiện hơn” với sức khỏe như trà hoa cúc, trà táo đỏ, trà lá ổi

    8. Gây tổn thương gan, thận

    Không ít người bán trà sữa thay vì dùng trà để chế biến trà sữa đã dùng các hóa chất khác nhau để pha chế nhằm gia tăng lợi nhuận. Điều này có thể gây tổn thương đến chức năng gan, thận… của người sử dụng.

    Do đó, nếu mê món trà sữa, bạn nên học cách tự chế biến món thức uống này qua bài viết Cách làm trà sữa thơm ngon và tốt cho sức khỏe.

    9. Tác hại của trà sữa: Nguy cơ gây ngạt thở

    Vào tháng 8 năm 2018, tại thành phố Hồ Chí Minh, bé gái 11 tuổi tử vong vì hạt trân châu có trong trà sữa mắc vào đường thở gây ngạt. Việc trẻ dùng ống hút hút thật mạnh hạt trân châu hay các thực phẩm có dạng hạt làm bằng bột dẻo dễ khiến chúng lọt vào thanh quản, gây ngạt thở.

    Do đó, với trẻ nhỏ, nếu cho trẻ uống trà sữa trân châu, bạn không nên cho trẻ dùng ống hút mà hãy thay thế bằng thìa. Ngoài ra, bạn nên hướng dẫn bé ăn một cách từ tốn, chậm rãi để bảo đảm an toàn.

    Bạn hãy đọc thêm bài viết Tìm hiểu phương pháp sơ cứu khi trẻ bị mắc nghẹn ở cổ để biết cách xử trí khi gặp tình huống tương tự.

    10. Không tốt cho người bệnh đái tháo đường

    Trà sữa là một loại thức uống giàu đường và tinh bột nên những người có nguy cơ bị đái tháo đường hay đang bị căn bệnh này nên hạn chế dùng để không gây hại cho sức khỏe.

    Có những thành phần nào trong ly trà sữa thơm ngon

    tác hại của trà sữa

    Ngoài những tác hại kể trên thì ở một khía cạnh nào đó trà sữa có tốt không? Để có câu trả lời cụ thể, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về những thành phần làm nên lý trà sữa. Một ly trà sữa thường bao gồm 5 thành phần chính sau:

    1. Trà

    Trà được dùng để pha chế trà sữa thường là trà đen, trà xanh, trà ô long… Nếu người bán sử dụng các loại trà này để chế biến trà sữa thì loại thức uống này có chứa chất chống oxy hóa, có tác dụng tốt cho sức khỏe.

    Thực tế là để tăng hương vị cho trà nhằm thu hút người tiêu dùng, người bán thường tẩm thêm các hương liệu hóa chất vào trà như hương sen, hương nhài, hương bạc hà… Những loại hương liệu này thường chứa các hóa chất độc hại có nguồn gốc hữu cơ như: penzylacetat, P-dimethoxy penzin… gây hại cho sức khỏe người dùng.

    Ngoài ra, vì lý do nào đó mà người bán trà sữa không sử dụng trà mà thay bằng hóa chất tạo vị trà hoặc sử dụng trà tẩm ướp hương liệu độc hại (kể trên) có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng.

    2. Sữa

    Để kích thích khẩu vị và gia tăng lợi nhuận, người bán trà sữa thường sử dụng kem béo thay cho sữa tươi, sữa đặc. Kem béo chứa rất nhiều dầu thực vật được hydro hóa, có thể khiến người dùng gặp các vấn đề về sức khỏe như: tắc mạch máu, tăng cholesterol xấu, giảm cholesterol tốt. Chưa kể đến hàm lượng canxi, các vitamin và protein trong kem béo rất thấp so với sữa tươi nên có thể khiến người dùng bị thiếu chất – một trong những tác hại của trà sữa nếu uống quá nhiều mà bạn cần lưu ý.

    3. Hạt trân châu

    Hạt trân châu được làm chủ yếu từ tinh bột lọc hoặc tinh bột sắn (chiếm khoảng 80% thành phần), đường cô đặc, hương liệu và gần như không có chất xơ, protein hay bất kỳ loại khoáng chất nào. Do đó, hạt trân châu chứa rất nhiều năng lượng nhưng lại thiếu hụt gần như hoàn toàn các vitamin, khoáng chất thiết yếu và gần như không có giá trị dinh dưỡng nào.

    Lượng trân châu trong một cốc trà sữa có thể cung cấp tới 100 calo.

    4. Đường

    Bạn có biết trong 1 ly trà sữa có thể chứa đến 50g đường, trong khi đó theo Hiệp Hội tim mạch Hoa Kỳ, lượng đường tiêu thụ tối đa mỗi ngày không quá:

    • 37,5g/ngày (tương đương với 9 thìa cà phê đường, cung cấp khoảng 150 calo) đối với nam giới.
    • 25g/ngày (tương đương với 6 thìa cà phê đường, cung cấp khoảng 100 calo) đối với nữ giới.

    Do đó, dễ dàng nhận thấy việc uống một ly trà sữa có thể khiến người dùng tiêu thụ quá nhiều đường so với nhu cầu của cơ thể. Ngoài ra, Hiệp Hội Tim mạch Hoa Kỳ cũng khuyến cáo: Càng ăn ít đường càng tốt cho sức khỏe.

    5. Các thành phần khác

    Để làm đa dạng thêm lựa chọn cho các thực khách “nghiện” loại thức uống này, người bán không ngừng bổ sung thêm topping cho trà sữa như: thạch, pudding trứng, kem phô mai, ca cao, kem tươi, bánh plan… Đây là những nguồn thực phẩm giàu năng lượng nhưng ít dưỡng chất.

    Ngoài ra, người bán cũng có thể sử dụng thêm trái cây tươi, sirô trái cây để tạo thêm hương vị cho loại thức uống này. Trái cây và sirô cũng là các nguồn cung cấp năng lượng cho cơ thể mà bạn cần cân nhắc để không sử dụng quá nhiều.

    Do đó, uống một ly trà sữa đồng nghĩa với việc bạn vừa cung cấp cho cơ thể một nguồn năng lượng lên đến trên 300 calo, tương đương với khoảng 1/5 mức năng lượng mà một người trưởng thành cần cho cả một ngày dài.

    Những lưu ý khi uống trà sữa

    Tác hại của trà sữa

    Các tác hại của trà sữa kể trên có thể xảy ra với bất kỳ ai có thói quen thường xuyên tiêu thụ loại thức uống này, nhất là trẻ nhỏ.

    Do có các đặc tính giúp thư giãn cơ bắp, làm dịu tâm trí, tăng lưu lượng máu và thải độc cơ thể nên trà sữa có thể không phải là loại thức uống phù hợp với phụ nữ mang thai. Nguyên nhân là việc thư giãn cơ bắp quá nhiều hoặc có quá nhiều yếu tố giải độc trong cơ thể thai phụ hoặc lưu lượng máu không đều có thể dẫn đến sẩy thai. Do đó, mẹ bầu nên hạn chế uống trà sữa để tránh các tác hại không mong muốn của loại thức uống này.

    Ngoài ra, những axit béo có trong trà sữa còn nguy hại hơn cả mỡ động vật. Việc dung nạp quá nhiều axit này có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh trùng ở nam giới, kinh nguyệt không đều ở nữ giới. Đây là hai trong số nhiều yếu tố nguy cơ góp phẩn gây ra tình trạng vô sinh.

    Nếu tín đồ của loại thức uống này, bạn nên chọn mua trà sữa ở cửa hàng uy tín, sử dụng nguyên liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Ngoài ra, bạn nên lưu ý người bán cho ít đường hoặc không cho đường vào trà, dùng sữa tươi để pha trà thay cho sữa đặc hoặc kem béo.

    Trà sữa không phải loại thức uống mà chúng ta có thể sử dụng hàng ngày. Đối với trẻ nhỏ, bạn không nên cho bé uống trà sữa quá gần bữa ăn chính. Điều này có thể khiến trẻ có cảm giác no dẫn đến ăn ít hoặc bỏ ăn gây thiếu hụt dưỡng chất.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 18/11/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo