backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Xét nghiệm nước tiểu khi mang thai "tiết lộ" vấn đề sức khỏe nào của mẹ?

Tác giả: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung · Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Ngày cập nhật: 10/08/2022

    Xét nghiệm nước tiểu khi mang thai "tiết lộ" vấn đề sức khỏe nào của mẹ?

    Xét nghiệm nước tiểu khi mang thai nằm trong danh sách những kiểm tra cần thực hiện để đảm bảo mẹ bầu và thai nhi không gặp vấn đề bất ổn nào. 

    Mang thai là quãng thời gian kỳ diệu bởi bạn đang nuôi dưỡng một mầm sống trong cơ thể. Để đảm bảo mẹ bầu có thể đảm đương trọng trách này, các bác sĩ sẽ thực hiện một số biện pháp phòng ngừa nhất định. Một trong số đó bao gồm xét nghiệm nước tiểu khi mang thai. Nếu bạn đang thắc mắc vì sao bài xét nghiệm này lại quan trọng đến vậy, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết sau nhé.

    Vì sao cần thực hiện xét nghiệm nước tiểu khi mang thai?

    Bác sĩ luôn đề nghị thực hiện xét nghiệm nước tiểu thai kỳ nhằm xác định sớm dấu hiệu của các tình trạng tiềm ẩn thông qua sự hiện diện của một số chất khác nhau có trong nước tiểu. Từ đó đưa ra phương án hạn chế các tác động xấu của chúng đối với mẹ bầu và thai nhi.

    Mẫu nước tiểu sẽ được đưa đến phòng phân tích để xác định xem liệu bạn có đang mắc các bệnh về thận, đái tháo đường hay thậm chí là nhiễm trùng bàng quang hay không bằng cách đo nồng độ protein, đường, vi khuẩn hoặc bất kỳ chất nào khác.

    Khi nào nên thực hiện xét nghiệm nước tiểu?

    Xét nghiệm nước tiểu khi mang thai thường được thực hiện trong lần khám thai đầu tiên của mẹ bầu. Bạn có thể chỉ thực hiện một hoặc nhiều lần xuyên suốt quá trình khám thai định kỳ. Thêm vào đó, xét nghiệm nước tiểu không gây ra bất cứ rủi ro nào nên mẹ bầu hoàn toàn yên tâm khi thực hiện bài kiểm tra này.

    Cách thực hiện xét nghiệm nước tiểu khi mang thai

    Nước tiểu sẽ được đựng trong một ống đựng vô trùng nhằm ngăn chặn vi khuẩn hoặc bất kỳ tác nhân nào khác có thể ảnh hưởng đến kết quả. Để sàng lọc một số bệnh nhất định, bác sĩ sẽ dùng que thử có hóa chất thích hợp và nhúng vào mẫu thử nước tiểu.

    Kết quả của xét nghiệm nước tiểu khi mang thai có thể tiết lộ điều gì?

    xét nghiệm nước tiểu khi mang thai

    Dưới đây là 4 vấn đề chính có thể được tìm ra khi mẹ bầu thực hiện xét nghiệm nước tiểu:

    Đái tháo đường

    Thông thường khi đang mang thai, mức đường huyết trong nước tiểu sẽ phần nào chỉ ra tình trạng sức khỏe hiện tại của bạn. Nếu cơ thể hiện tại có mức đường huyết rất cao thì nước tiểu cũng sẽ có lượng đường dư thừa. Hiện tượng này cũng liên quan đến đái tháo đường thai kỳ, một tình trạng khá phổ biến trong thời gian mang thai.

    Bệnh xảy ra khi các hormone thai kỳ trong cơ thể phá vỡ việc sản xuất insulin. Bác sĩ sẽ yêu cầu bạn làm xét nghiệm máu nếu nhận thấy có thêm bất kỳ nguy cơ nào hoặc nếu trong gia đình của bạn có người thân mắc phải chứng bệnh đái tháo đường.

    Đái tháo đường thai kỳ chủ yếu xảy trong khoảng thời gian từ tuần thai thứ 24 trở đi. Việc đường huyết không được kiểm soát trong thai kỳ có thể tăng nguy cơ trẻ mắc các vấn đề về tim, cột sống và dị tật thần kinh.

    Có thể bạn quan tâm: Xét nghiệm máu sàng lọc di truyền trước khi sinh: Vì sao mẹ bầu cần thực hiện?

    Xét nghiệm nước tiểu khi mang phát hiện bệnh nhiễm trùng

    Sự hiện diện của vi khuẩn trong nước tiểu là một dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu. Các triệu chứng đôi khi biểu hiện mập mờ khiến nhiều phụ nữ thậm chí không biết mình đang mắc bệnh. Dạng nhiễm trùng này có thể lan đến thận, từ đó gây ra vấn đề lớn cho em bé.

    Nhiễm trùng đường tiết niệu còn làm tăng nguy cơ sinh non hoặc trẻ sơ sinh nhẹ cân cũng như dẫn đến nhiều biến chứng nếu không được điều trị đúng cách và nhanh chóng. Khi xét nghiệm nước tiểu cho ra kết dương tính, bác sĩ có thể tiến hành phương pháp cấy nước tiểu. Bằng cách này, sự hiện diện của vi khuẩn có thể được xác nhận kèm theo việc chỉ định dùng kháng sinh phù hợp. Các bác sĩ thường xác định và điều trị các triệu chứng nhiễm vi khuẩn ngay từ đầu.

    Ketone

    Ketone là một hợp chất có tính axit, xuất hiện khi chất béo bị phân hủy. Nếu mắc phải đái tháo đường, thì nhiều khả năng một lượng lớn ketone sẽ hiện diện trong nước tiểu của mẹ bầu.

    Khi kết quả kiểm tra đưa ra chỉ số ketone cao, bác sĩ sẽ hỏi về thói quen ăn uống để đánh giá xem liệu bạn có gặp vấn đề gì không. Nhằm điều trị triệt để vấn đề, mẹ bầu sẽ cần đến bệnh viện để các bác sĩ đưa ra phương án phù hợp.

    Xét nghiệm nước tiểu khi mang phát hiện protein niệu (đạm niệu)

    kết quả xét nghiệm nước tiểu khi mang thai

    Protein niệu (đạm niệu) là một trong những dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu, bệnh thận mãn tính hoặc nhiễm trùng thận. Khi tình trạng này tiếp tục phát triển, nó còn trở thành dấu hiệu sớm của tiền sản giật, một dạng bệnh có thể dẫn đến cao huyết áp sau khi mẹ bầu mang thai trải qua tuần thai thứ 20 và gây nguy hiểm cho cả mẹ lẫn con.

    Nếu cả chỉ số huyết áp và protein niệu của bạn đều bình thường, bác sĩ có thể quyết định cấy nước tiểu để xác định nguyên nhân gây ra đạm niệu khi mang thai.

    Xét nghiệm nuôi cấy nước tiểu là gì?

    Nuôi cấy nước tiểu là một dạng xét nghiệm nhằm tìm ra loại vi khuẩn có trong nước tiểu để bác sĩ có thể chỉ định cho mẹ bầu dùng loại kháng sinh chính xác cho dạng nhiễm trùng đang gặp phải.

    Vì sao mẹ bầu cần xét nghiệm cấy nước tiểu?

    Phụ nữ mang thai có thể được yêu cầu xét nghiệm cấy nước tiểu nhằm tìm ra:

    • Các vi khuẩn gây ra nhiễm trùng đường tiết niệu
    • Để quyết định đúng loại kháng sinh dùng điều trị nhiễm trùng trong thai kỳ
    • Những phương pháp điều trị nhằm loại bỏ hoàn toàn bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu

    Thông thường đối với xét nghiệm cấy nước tiểu, mẹ bầu được yêu cầu thực hiện 2 lần. Lần đầu tiên nhằm kiểm tra vi khuẩn gây nhiễm trùng và lần thứ hai để kiểm tra xem nhiễm trùng đã được loại bỏ hoàn toàn chưa cũng như đảm bảo mẹ lẫn con sẽ không gặp nguy cơ có hại nào trong tương lai.

    Xét nghiệm cấy nước tiểu được thực hiện như thế nào?

    Quá trình xét nghiệm cấy nước tiểu diễn ra theo các bước sau:

    • Mẹ bầu đưa cho bác sĩ mẫu thử nước tiểu đầu tiên. Sau đó, mẫu thử sẽ được cho vào đĩa petri rồi thêm vào chất xúc tác hoặc đưa vào môi trường có yếu tố khuyến khích sự phát triển của vi khuẩn trong phòng thí nghiệm.
    • Nếu không có sự phát triển của vi khuẩn, kết quả sẽ là âm tính. Ngược lại, khi nhận thấy dấu hiệu vi khuẩn bắt đầu tăng trưởng, kết quả sẽ thành dương tính. Hơn nữa, bài xét nghiệm này sẽ có thể tiết lộ chính xác loại vi khuẩn đang phát triển và gây ra tình trạng nhiễm trùng.
    • Bạn có thể nhận được kết quả trong một hoặc hai ngày. Mặt khác, mẹ bầu có thể cần thực hiện xét nghiệm cấy nước tiểu nhiều lần trong suốt quá trình mang thai như một biện pháp phòng ngừa.

    Hy vọng những thông tin trong bài viết giúp bạn phần nào hiểu được sự cần thiết của xét nghiệm nước tiểu khi mang thai. Ngoài ra, bạn hãy có chế độ ăn uống lành mạnh cũng như cố gắng vận động để có được một thai kỳ khỏe mạnh nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tác giả:

    Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

    Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


    Ngày cập nhật: 10/08/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo