backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

1

Hỏi bác sĩ
Lưu

Liên cầu khuẩn nhóm B là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị, phòng ngừa

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Văn Hoàn · Bệnh truyền nhiễm · Đại học Y dược Hải Phòng


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 28/11/2023

    Liên cầu khuẩn nhóm B là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị, phòng ngừa

    Nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B có thể gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng như nhiễm trùng huyết, viêm phổi, viêm màng não… cho mọi người ở mọi độ tuổi khác nhau, đặc biệt là ở trẻ sơ sinh. 

    Tham khảo ngay những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi để hiểu rõ về liên cầu khuẩn nhóm B.

    Liên cầu khuẩn nhóm B là gì?

    Liên cầu khuẩn nhóm B (Streptococcus nhóm B) là vi khuẩn gam dương (Strep nhóm B, GBS) gây ra bệnh liên cầu khuẩn nhóm B. Loại vi khuẩn này thường sống trong đường tiêu hóa và đường sinh dục của con người.

    Thông thường, liên cầu khuẩn nhóm B không gây hại ở người lớn khỏe mạnh và hầu hết mọi người sẽ không nhận ra bản thân mang vi khuẩn hay có bất kỳ triệu chứng nào. Tuy nhiên, vi khuẩn này có thể là một vấn đề nghiêm trọng nếu ảnh hưởng đến:

    • Phụ nữ mang thai, vì sẽ lây truyền sang cho em bé trong quá trình chuyển dạ
    • Trẻ sơ sinh, vì có thể gây ra những triệu chứng nguy hiểm
    • Người lớn mắc bệnh mãn tính hoặc bệnh nặng (đái tháo đường, bệnh gan…)
    • Người lớn tuổi, vì có thể gây nhiễm trùng lặp đi lặp lại hoặc nghiêm trọng
    • Người bị suy giảm miễn dịch.

    Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ

    1. Nguyên nhân nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B và con đường lây lan

    liên cầu khuẩn nhóm B

    Có không ít ý kiến thắc mắc về việc tại sao bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B hay nguyên nhân nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B là do đâu?

    Theo các chuyên gia, liên cầu khuẩn nhóm B sống trong cơ thể người một cách tự nhiên, kể cả ở những người khỏe mạnh. Liên cầu khuẩn Strep nhóm B có thể đến và đi nhanh chóng, tồn tại trong cơ thể trong thời gian ngắn hoặc luôn ở trong cơ thể của một người.

    Đến nay, vẫn chưa ai biết rõ con đường lây lan của liên cầu khuẩn nhóm B. Vi khuẩn này không lây truyền qua đường tình dục, cũng như không lây lan qua thức ăn hoặc nước uống. Bạn không thể nhiễm GBS từ người khác, cũng không thể mắc bệnh qua những vật dụng bạn chạm tay vào.

    Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, phụ nữ mang thai có thể truyền vi khuẩn cho con trong quá trình sinh nở. Đây cũng là nguyên nhân dương tính GBS ở hầu hết trẻ sơ sinh mắc bệnh liên cầu khuẩn nhóm B trong tuần đầu tiên sau sinh.

    Liên cầu khuẩn nhóm B có thể lây sang em bé khi sinh qua đường âm đạo nếu em bé tiếp xúc hoặc nuốt phải dịch lỏng có chứa GBS.

    2. Đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B

    Bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh liên cầu khuẩn nhóm B (GBS), nhưng một số người có nguy cơ bị nhiễm GBS cao hơn những người khác. Ở một độ tuổi nhất định hoặc có một số tình trạng sức khỏe nhất định có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh do GBS, điển hình là:

    2.1. Trẻ sơ sinh

    Bệnh do GBS thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh. Trẻ sơ sinh có nhiều nguy cơ phát triển bệnh liên cầu khuẩn nhóm B nếu:

    • Người mẹ mang GBS trong người
    • Người mẹ xét nghiệm dương tính với vi khuẩn GBS vào cuối thai kỳ
    • Người mẹ phát sốt khi chuyển dạ (hơn 38 độ C)
    • Người mẹ trải qua hơn 18 giờ từ khi vỡ ối đến khi sinh con
    • Người mẹ bị nhiễm trùng các mô nhau thai và nước ối (viêm màng đệm)
    • Người mẹ bị nhiễm trùng đường tiết niệu khi mang thai
    • Người mẹ từng sinh em bé bị bệnh liên cầu khuẩn nhóm B
    • Em bé sinh non (sớm hơn 37 tuần tuổi thai).
    Cứ 4 phụ nữ mang thai thì có 1 thai phụ bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B.

    Thống kê cho thấy

    2.2. Người lớn

    Ở người lớn, tại sao bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B? Theo các chuyên gia, hầu hết các trường hợp mắc bệnh liên cầu khuẩn nhóm B ở người lớn là xảy ra ở những người mắc các bệnh lý khác làm suy giảm hệ thống miễn dịch.

    Các vấn đề sức khỏe khác làm tăng nguy cơ nhiễm Strep nhóm B ở người lớn bao gồm:

    Càng lớn tuổi, nguy cơ mắc bệnh do GBS càng cao. Những người từ 65 tuổi trở lên có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với những người dưới 65 tuổi.

    Các loại nhiễm trùng phổ biến do liên cầu khuẩn nhóm B gây ra

    liên cầu khuẩn nhóm B

    Streptococcus nhóm B có thể gây ra nhiều loại nhiễm trùng, trong đó, một số bệnh nhiễm trùng có thể đe dọa tính mạng.

    • Nhiễm trùng máu
    • Phản ứng cực đoan của cơ thể đối với nhiễm trùng (Sepsis). Đây là tình trạng nhiễm trùng máu do vi khuẩn, virus, nấm gây ra, nhưng phạm vi nhiễm trùng không chỉ trong máu mà tình trạng nhiễm trùng ảnh hưởng đến chức năng nhiều cơ quan khác trong cơ thể, dẫn đến xuất hiện hội chứng đáp ứng viêm toàn thân (SIRS).
    • Viêm màng não: Nhiễm trùng màng não và tủy sống
    • Viêm phổi
    • Nhiễm trùng xương và khớp
    • Nhiễm trùng đường tiết niệu
    • Nhiễm trùng da và mô mềm.

    Ở trẻ em, liên cầu khuẩn nhóm B thường gây ra ba loại nhiễm trùng đầu tiên. Rất hiếm khi vi khuẩn GBS gây viêm màng não ở người lớn.

    Triệu chứng và dấu hiệu nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B 

    Dấu hiệu nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B là gì? Theo các chuyên gia, những dấu hiệu nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B ở những độ tuổi khác nhau là không giống nhau.

    1. Trẻ sơ sinh

    Các triệu chứng của bệnh liên cầu nhóm B ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường bao gồm:

    • Sốt
    • Chán ăn, bỏ bú
    • Khó chịu, hay cáu gắt
    • Phản ứng chậm hoặc hôn mê (khó đánh thức bé)
    • Trương lực cơ yếu
    • Khó thở
    • Da xanh xao
    • Hay bồn chồn
    • Phát ban
    • Vàng da.

    Tuy nhiên, các dấu hiệu nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B ở trẻ sơ sinh còn tùy thuộc vào loại nhiễm trùng mà bé mắc phải. Có hai loại nhiễm trùng GBS ở trẻ sơ sinh:

    • GBS khởi phát sớm: Xảy ra trong 7 ngày đầu đời, thường là vào ngày đầu tiên, cụ thể là trong vòng 6 giờ sau khi sinh. Khoảng một nửa số ca nhiễm GBS ở trẻ sơ sinh là khởi phát sớm. Hầu hết trẻ sơ sinh bị nhiễm liên cầu nhóm B trong quá trình chuyển dạ và phát bệnh trong tuần đầu tiên sau sinh đều cho thấy những triệu chứng bệnh rõ rệt, thậm chí là những triệu chứng bệnh nặng. Trẻ nhiễm GBS khởi phát sớm thường có các dấu hiệu như sốt, khó thở và buồn ngủ.
    • GBS khởi phát muộn: Xảy ra khi bé được từ 7 ngày đến 3 tháng tuổi. Những trẻ có các triệu chứng khởi phát muộn có thể trông khỏe mạnh khi mới sinh và trong tuần đầu tiên của cuộc đời. Sau đó, bé thường có các dấu hiệu như ho hoặc nghẹt mũi, khó ăn, sốt, buồn ngủ hoặc co giật.

    2. Dấu hiệu nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B ở phụ nữ mang thai

    Một số phụ nữ có kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn GBS trong quá trình kiểm tra định kỳ vào cuối thai kỳ. Vậy phụ nữ mang thai nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B có triệu chứng gì? Thực tế, những phụ nữ này thường không cảm thấy bị bệnh hoặc có bất kỳ triệu chứng nào.

    Tuy nhiên, việc xét nghiệm GBS trong tuần thứ 35 đến 37 của thai kỳ có thể giúp xác định mẹ bầu có bị nhiễm GBS hay không.

    3. Người lớn và những đối tượng khác

    liên cầu khuẩn nhóm B

    Liên cầu khuẩn nhóm B thường “cư trú” ở ruột, âm đạo, trực tràng, bàng quang hoặc cổ họng của người lớn, nhưng nhiều người không có dấu hiệu hoặc triệu chứng gì.

    Tuy nhiên, trong một số trường hợp, Strep nhóm B có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc các bệnh nhiễm trùng khác nghiêm trọng hơn.

    Các triệu chứng khi mắc bệnh liên cầu khuẩn nhóm B phụ thuộc vào bộ phận bị nhiễm trùng trong cơ thể. Dưới đây là các triệu chứng liên quan đến 5 bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất do liên cầu nhóm B gây ra ở người lớn:

    3.1. Nhiễm trùng huyết và phản ứng cực đoan của cơ thể đối với nhiễm trùng (Sepsis)

    Các triệu chứng của nhiễm trùng huyết và phản ứng cực đoan của cơ thể đối với nhiễm trùng (Sepsis) bao gồm:

    • Sốt
    • Ớn lạnh
    • Phản ứng chậm
    • Lú lẫn, thiếu tỉnh táo.

    3.2. Viêm phổi

    Các triệu chứng của viêm phổi bao gồm:

    • Sốt
    • Ớn lạnh
    • Ho
    • Thở nhanh hoặc khó thở
    • Tức ngực, nhất là khi thở hoặc ho.

    3.3. Nhiễm trùng da và mô mềm

    Nhiễm trùng da và mô mềm thường xuất hiện dưới dạng vùng da bị sưng hoặc bị nhiễm trùng và có thể là:

    • Ửng đỏ
    • Sưng hoặc đau
    • Khi chạm vào có cảm giác ấm nóng
    • Chứa đầy mủ hoặc dịch tiết khác
    • Những người bị nhiễm trùng da cũng có thể bị sốt.

    3.4. Nhiễm trùng xương và khớp

    Nhiễm trùng xương và khớp thường xuất hiện dưới dạng đau ở vùng bị nhiễm trùng và cũng có thể bao gồm:

    • Sốt
    • Ớn lạnh
    • Sưng tấy hoặc đỏ quanh vị trí nhiễm trùng
    • Đau ở vùng nhiễm trùng
    • Cứng đờ hoặc không thể cử động hay điều khiển tay chân, khớp bị nhiễm trùng.

    3.5. Nhiễm trùng đường tiết niệu

    • Có nhu cầu đi tiểu ngay lập tức và dai dẳng
    • Nóng rát hoặc đau khi đi tiểu
    • Đi tiểu thường xuyên với một lượng nhỏ nước tiểu
    • Nước tiểu có màu đỏ, hồng tươi hoặc màu nâu sẫm – một dấu hiệu của máu trong nước tiểu
    • Đau vùng xương chậu.

    Biến chứng

    1. Ảnh hưởng của liên cầu khuẩn nhóm B đối với trẻ sơ sinh

    Biến chứng ở trẻ sơ sinh mắc bệnh liên cầu khuẩn nhóm B còn tùy thuộc vào loại nhiễm trùng GBS mà bé mắc phải.

    • Đối với GBS khởi phát sớm: Bé có nguy cơ gặp phải những biến chứng như viêm phổi, nhiễm trùng huyết hoặc viêm màng não.
    • Đối với GBS khởi phát muộn: GBS khởi phát muộn có thể gây nhiễm trùng huyết hoặc viêm màng não.

    Ngoài ra, trẻ sơ sinh bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B có thể gặp các vấn đề lâu dài, chẳng hạn như điếc và khuyết tật, nhất là những trẻ bị viêm màng não. Ngay cả khi được chăm sóc tốt, trẻ sơ sinh vẫn có thể tử vong.

    2. Biến chứng ở phụ nữ mang thai nhiễm GBS

    • Liên cầu nhóm B có thể gây ra một số trường hợp sảy thai, thai chết lưu và sinh non.
    • Mẹ bầu cũng có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng máu, nhiễm trùng nhau thai và nước ối (viêm màng đệm), viêm nội mạc tử cung

    3. Ở người lớn tuổi hoặc người mắc bệnh mãn tính

    • Nhiễm trùng GBS nghiêm trọng, chẳng hạn như nhiễm trùng huyết, viêm phổi… có thể gây tử vong.
    • Liên cầu khuẩn nhóm B có thể dẫn đến nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng máu, viêm phổi, nhiễm trùng xương và khớp, nhiễm trùng van tim (viêm nội tâm mạc), viêm màng não…

    Chẩn đoán

    chẩn đoán liên cầu khuẩn nhóm B

    Nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B có thể được chẩn đoán bằng cách:

    • Lấy các mẫu dịch cơ thể vô trùng như máu và dịch tủy sống, sau đó xem xét liệu liên cầu khuẩn nhóm B có phát triển từ các mẫu (nuôi cấy) hay không. Có thể mất vài ngày để có được những kết quả này vì vi khuẩn cần thời gian để phát triển.
    • Xét nghiệm tìm kháng nguyên SGB qua mẫu máu, nước tiểu, dịch não tủy người bệnh.
    • Xét nghiệm mẫu nước tiểu, vì đôi khi GBS có thể gây nhiễm trùng đường tiết niệu (nhiễm trùng tiểu hoặc nhiễm trùng bàng quang).

    Liên cầu khuẩn nhóm B thường vô hại ở những người trưởng thành khỏe mạnh. Nhưng đối với thai phụ thì cần làm xét nghiệm tầm soát Strep nhóm B trong tam cá nguyệt thứ ba

    Cách điều trị liên cầu khuẩn nhóm B

    liên cầu khuẩn nhóm B

    Cách điều trị liên cầu khuẩn nhóm B là như thế nào? Việc điều trị tình trạng nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B phụ thuộc vào loại nhiễm trùng mà GBS gây ra.

    Thông thường, bác sĩ sẽ sử dụng thuốc kháng sinh để chữa bệnh GBS. Đôi khi, những người bị nhiễm trùng mô mềm và xương có thể cần điều trị bổ sung, chẳng hạn như phẫu thuật. Điều quan trọng là phải bắt đầu điều trị càng sớm càng tốt.

    Hầu hết phụ nữ mang thai dương tính với GBS sẽ được tiêm kháng sinh qua đường tĩnh mạch (IV) sau khi bắt đầu chuyển dạ. Thời gian tốt nhất để điều trị là trong quá trình chuyển dạ

    Ở trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh do GBS, kể cả trường hợp bị nhiễm GBS khởi phát sớm hoặc GBS khởi phát muộn, thì trẻ sẽ được điều trị bằng kháng sinh qua đường tiêm tĩnh mạch.

    Phòng ngừa nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B

    Đến nay, vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa liên cầu khuẩn nhóm B. Các nhà nghiên cứu đang chế tạo và thử nghiệm vắc xin để ngăn ngừa nhiễm GBS ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.

    Hiện tại, có 2 cách tốt nhất để ngăn ngừa trẻ sơ sinh mắc bệnh liên cầu khuẩn nhóm B trong tuần đầu tiên sau sinh:

    1. Xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B ở phụ nữ mang thai

    liên cầu khuẩn nhóm B

    Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) và Đại học Y tá – Hộ sinh Hoa Kỳ (ACNM) khuyến cáo phụ nữ nên xét nghiệm vi khuẩn GBS khi mang thai từ 36 đến 37 tuần.

    Xét nghiệm này rất đơn giản và không gây tổn thương cho mẹ và bé. Bác sĩ sẽ dùng tăm bông để lấy mẫu từ âm đạo và trực tràng, sau đó gửi chúng đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm.

    Những phụ nữ dương tính với liên cầu khuẩn nhóm B thường không có triệu chứng gì, và kết quả xét nghiệm cũng không có nghĩa là mẹ và bé đang bị bệnh, mà là người mẹ có nhiều nguy cơ truyền vi khuẩn sang cho con trong khi sinh.

    Để ngăn ngừa trẻ sơ sinh bị lây truyền GBS trong quá trình sinh nở, cần áp dụng biện pháp phòng ngừa thứ hai.

    2. Sử dụng thuốc kháng sinh trong quá trình chuyển dạ

    Cách phòng ngừa nhiễm liên cầu nhóm B cho trẻ sơ sinh là tiêm thuốc kháng sinh qua đường tĩnh mạch cho phụ nữ mang thai có nguy cơ cao mắc GBS trong quá trình chuyển dạ. Không thể tiêm kháng sinh trước khi bắt đầu chuyển dạ vì vi khuẩn có thể phát triển trở lại nhanh chóng.

    Bác sĩ thường kê đơn một loại kháng sinh gọi là beta-lactam, bao gồm penicillinampicillin. Trong đó, penicillin là loại kháng sinh thường được dùng nhất để ngăn ngừa bệnh khởi phát sớm ở trẻ sơ sinh.

    Mặc dù điều trị bằng thuốc kháng sinh trong quá trình chuyển dạ có thể giúp ngăn ngừa bệnh liên cầu khuẩn nhóm B khởi phát sớm ở trẻ, nhưng phương pháp điều trị này không ngăn ngừa bệnh khởi phát muộn.

    Thuốc kháng sinh rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa bệnh liên cầu khuẩn nhóm B ở trẻ sơ sinh. Hầu hết trẻ sinh ra từ những phụ nữ có kết quả xét nghiệm dương tính với vi khuẩn GBS không cần điều trị nếu người mẹ đã được tiêm kháng sinh trong quá trình chuyển dạ.

    Lưu ý

    Các chiến lược phòng ngừa nhiễm liên cầu nhóm B ở trẻ sơ sinh được chứng minh là không hiệu quả bao gồm:
    • Cho người mẹ UỐNG thuốc kháng sinh
    • Uống trước khi bắt đầu chuyển dạ
    • Vệ sinh vùng sinh dục hoặc toàn thân trước khi chuyển dạ (birth canal washes) với chất khử trùng chống vi khuẩn gọi là chlorhexidine.

    Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu hơn về liên cầu khuẩn nhóm B.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ - Giảng viên Nguyễn Văn Hoàn

    Bệnh truyền nhiễm · Đại học Y dược Hải Phòng


    Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 28/11/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo