Xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục
Có một số bệnh lây nhiễm qua đường tình dục (STI) có thể dẫn đến vô sinh hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ và thai nhi. Ví dụ, bệnh chlamydia và bệnh lậu có thể làm hỏng ống dẫn trứng, dẫn đến bệnh viêm vùng chậu, có thể gây vô sinh. Cụ thể:
- Bệnh chlamydia: Bệnh liên quan đến chuyển dạ sinh non và sinh con nhẹ cân. Nếu nhiễm trùng truyền sang trẻ trong khi sinh, trẻ có thể bị nhiễm trùng mắt, viêm phổi…
- Bệnh lậu: có thể dẫn đến sảy thai, vỡ ối sớm, sinh non và nhẹ cân khi sinh. Việc lây bệnh sang trẻ sơ sinh có thể dẫn đến nhiễm trùng máu ở mắt, khớp hoặc đe dọa tính mạng của trẻ.
- Bệnh giang mai: Nếu được chẩn đoán sau khi mang thai 20 tuần, bệnh sẽ làm tăng nguy cơ sinh non, suy thai, thai chết lưu. Bệnh cũng gây ra các vấn đề với nhiều cơ quan, bao gồm não, tim, da, mắt, tai, răng và xương của bé, như tổn thương não, giảm thính lực và thị lực… Nhưng nếu người mẹ được điều trị sớm, tốt nhất là trước khi mang thai, nhiễm trùng có thể sẽ không truyền sang em bé.
- Bệnh HIV: có thể truyền sang con trong bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ. Việc chẩn đoán và điều trị sớm có thể giúp giảm nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con.
- Viêm gan: viêm gan B và viêm gan C có thể truyền cho trẻ trong quá trình sinh nở. Trẻ sơ sinh bị nhiễm bệnh khi sinh ra có thể phát triển thành nhiễm trùng viêm gan mãn tính, gây ra các vấn đề cho sức khỏe bé.
Chính vì vậy, cần xét nghiệm các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục ở cả người mẹ và người cha để điều trị và phòng ngừa kịp thời.
Kiểm tra nội tiết tố và tuyến giáp
Bác sĩ có thể kiểm tra xem nội tiết tố của người mẹ có ở mức mong đợi trong các giai đoạn khác nhau của chu kỳ hay không. Một số xét nghiệm để kiểm tra nội tiết tố bao gồm đo hormone kích thích nang trứng (FSH), mức độ estrogen và mức progesterone. Tuy nhiên, các xét nghiệm nội tiết tố không bắt buộc trong tất cả các trường hợp.
Bác sĩ cũng có thể chọn kiểm tra chức năng của tuyến giáp, xét nghiệm xem người mẹ có bị suy giáp hay không. Hormone tuyến giáp thấp có thể ảnh hưởng đến việc giải phóng trứng từ buồng trứng và ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Các nguyên nhân cơ bản của suy giáp như rối loạn tuyến yên cũng có thể làm giảm cơ hội mang thai. Bên cạnh đó, suy giáp cũng ảnh hưởng đến sự phát triển hệ thần kinh trung ương của thai nhi, khiến trẻ sinh ra bị hạn chế tăng trưởng. Ngược lại, nếu người mẹ bị cường giáp có thể gây ra tình trạng thai nhi phát triển tuyến giáp lớn. Các vấn đề về tuyến giáp có thể được xác định thông qua một xét nghiệm máu đơn giản gọi là xét nghiệm TSH.
Kiểm tra vú
Khám và siêu âm vú để kiểm tra các khối u có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ và thai nhi.
Siêu âm ổ bụng
Siêu âm ổ bụng để kiểm tra xem có hay không bất kỳ dị thường nào trong cơ thể liên quan đến gan, lách, tụy, thận, tử cung, buồng trứng…
Những điều cần chuẩn bị và lưu ý khi xét nghiệm trước khi mang thai

Việc xét nghiệm trước khi mang thai là cực kỳ quan trọng. Vì vậy, khi có ý định sinh em bé, các cặp vợ chồng nên đi khám sàng lọc càng sớm càng tốt. Thời điểm phù hợp để cho ra kết quả tốt nhất là khoảng 3 – 6 tháng trước khi mang thai. Khi đi xét nghiệm trước khi mang thai, cần chuẩn bị những điều sau:
- Sổ khám sức khỏe và các giấy tờ liên quan
- Tiền sử bệnh lý cá nhân và gia đình của cả người vợ và người chồng, bao gồm những bệnh di truyền, dị ứng, bệnh mãn tính, bệnh đã và đang mắc phải, các loại vắc xin đã tiêm, từng phẫu thuật hay chưa…
- Những loại thuốc đang dùng.
- Lịch sử mang thai (nếu có), những vấn đề trong quá trình mang thai trước đây và tình trạng sức khỏe của con.
- Cần tìm hiểu kỹ các xét nghiệm trước khi mang thai để biết loại xét nghiệm nào yêu cầu nhịn ăn, nhịn tiểu…
- Chuẩn bị sẵn những thắc mắc cần hỏi ý kiến bác sĩ.
- Phụ nữ nên đi vào thời điểm sau khi sạch kinh 3-5 ngày (nếu được)
Ngoài ra, các cặp vợ chồng cũng cần lưu ý, việc thực hiện các xét nghiệm trước khi mang thai là vô cùng cần thiết, đặc biệt đối với các trường hợp sau đây:
- Phụ nữ từng sinh non, bị sảy thai, thai chết lưu…
- Em bé sinh ra bị dị tật bẩm sinh.
- Phụ nữ muốn mang thai nhưng đã trên 35 tuổi, đàn ông đã trên 40 tuổi.
- Gia đình có người thân hoặc bản thân người cha, người mẹ bị mắc bệnh rối loạn di truyền.
- Đi khám sức khỏe tiền thai ngay cả khi người mẹ đã sinh con khỏe mạnh trước đây. Sức khỏe của phụ nữ có thể đã thay đổi kể từ lần mang thai trước đó.
Hy vọng bài viết trên đã cung cấp cho bạn những thông tin về các xét nghiệm trước khi mang thai cần thiết cho cả người chuẩn bị làm cha và người sắp làm mẹ.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!