backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Xét nghiệm Double test là gì? Khi nào thực hiện và quy trình ra sao?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Văn Thuận · Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Đồng Nai - 2


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 15/08/2022

    Xét nghiệm Double test là gì? Khi nào thực hiện và quy trình ra sao?

    Việc thực hiện xét nghiệm trước khi sinh là điều vô cùng quan trọng để chẩn đoán dị tật thai nhi. Một trong những xét nghiệm mà mẹ bầu cần thực hiện là xét nghiệm Double test.

    Vậy, xét nghiệm Double test là gì? Mời bạn tham khảo bài viết dưới đây của Hello Bacsi để biết được mọi thông tin liên quan đến xét nghiệm này!

    Xét nghiệm Double test là gì?

    Xét nghiệm Double test là một xét nghiệm máu để sàng lọc bất thường nhiễm sắc thể trong tam cá nguyệt đầu tiên. Phương pháp này được thực hiện bằng cách lấy máu của người mẹ trong thời kỳ mang thai, sau đó định lượng của β-hCG (Beta Human Chorionic Gonadotropin) và PAPP-A (protein huyết tương A) có trong máu. Hai chỉ số này do nhau thai tiết ra và thay đổi trong quá trình mang thai của phụ nữ. Nếu nồng độ β-hCG và PAPP-A cao hơn hoặc thấp hơn mức bình thường, điều này cho thấy có những bất thường về nhiễm sắc thể. 

    Tuy nhiên, cần hiểu rằng, đây là một xét nghiệm dự đoán. Nghĩa là, không thể chỉ dựa vào xét nghiệm Double test mà kết luận mắc dị tật bẩm sinh của một số bệnh cho thai nhi. Kết quả của xét nghiệm Double test chỉ dự đoán xem liệu thai nhi có nguy cơ xuất hiện các bất thường về nhiễm sắc thể hay không, chứ không xác định chắc chắn liệu thai nhi có bất thường hay không. Nếu xét nghiệm Double test cho thấy có thể có vấn đề, cần phải thực hiện một vài xét nghiệm khác để xác nhận hoặc loại trừ chẩn đoán. 

    Double test thường thực hiện cùng với việc đo độ mờ da gáy (NT), các yếu tố về phía mẹ trong bộ xét nghiệm gọi là Combined test nhằm tăng độ chính xác trong tầm soát Trisomy 13, 18, 21; kết quả trả chỉ là một con số xác định mức nguy cơ chứ không phải xác nhận thai mang bất thường nhiễm sắc thể hay không. Thực tế thường làm Combined test hơn là Double test đơn thuần, nhưng một số nơi vẫn hay có thói quen sử dụng tên gọi Double test thay cho Combined test để đơn giản và phân biệt với Triple test. Khi có bất thường, tùy vào mức nguy cơ mà bác sĩ sẽ thảo luận cùng gia đình để đưa ra quyết định xét nghiệm xâm lấn.

    Mục đích của xét nghiệm Double test

    xét nghiệm double test

    Như đã đề cập, xét nghiệm Double test trước khi sinh nhằm mục đích sàng lọc những bất thường trong quá trình phát triển nhiễm sắc thể của thai nhi. Những bất thường này liên quan đến những dị tật bẩm sinh và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của thai nhi.

    Xét nghiệm Double test (hay Combined test nếu kết hợp thêm độ mờ da gáy) giúp sàng lọc những dấu hiệu bất thường về nhiễm sắc thể của một số bệnh, bao gồm:

    • Hội chứng Down: Còn được gọi là thể tam nhiễm sắc thể 21. Trong hội chứng Down:
    • Xét nghiệm Double test cho thấy β-hCG tự do tăng đáng kể.
    • Xét nghiệm Double test cho thấy PAPP-A có xu hướng giảm.
    • Siêu âm cho thấy độ mờ da gáy tăng. Độ mờ da gáy đóng vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán hội chứng Down.
    • Hội chứng Edward:  bộ nhiễm sắc thể thai nhi có 3 NST 18. Trong hội chứng Edward, cả β-hCG tự do và PAPP-A trong máu đều giảm.
    • Hội chứng Patau: Bộ nhiễm sắc thể thai nhi có 3 NST 13. Trong hội chứng Patau, β-hCG tự do và PAPP-A nói chung là thấp.

    >>> Có thể bạn quan tâm: Hỏi đáp Bác sĩ: Thai nhi có độ mờ da gáy 1.6 mm có bình thường không, có cần làm double test không?

    Đối tượng cần xét nghiệm

    Xét nghiệm Double test được khuyến cáo thực hiện cho tất cả phụ nữ mang thai, đặc biệt là những trường hợp:

  • Phụ nữ mang thai trên 35 tuổi.
  • Phụ nữ mang thai có tiền sử thai lưu, sảy thai.
  • Phụ nữ mang thai có người thân trong gia đình từng mắc bệnh dị tật bẩm sinh.
  • Phụ nữ mang thai bị nhiễm virus trong thai kỳ.
  • Kết quả siêu âm thai cho thấy độ mờ da gáy thuộc trường hợp nguy cơ cao.
  • Xét nghiệm Double test được thực hiện khi nào?

    Xét nghiệm Double test thường được thực hiện trong tam cá nguyệt đầu tiên của thai kỳ, cụ thể là thường trong khoảng thời gian mang thai từ 11 tuần đến 13 tuần 6 ngày. 

    Ưu, nhược điểm của xét nghiệm Double test

    xét nghiệm double test

    1. Ưu điểm

    • Xét nghiệm Double test không gây ra bất kỳ rủi ro nào cho thai phụ và thai nhi, vì đây chỉ là một xét nghiệm máu thông thường, không phải là một xét nghiệm xâm lấn.
    • Thời gian cho kết quả của xét nghiệm Double test cũng nhanh chóng.
    • Kết quả xét nghiệm có độ chính xác khá cao.

    2. Nhược điểm

    Double test chỉ là một xét nghiệm dự đoán, chưa phải là xét nghiệm chẩn đoán. Một số trường hợp có thể là dương tính giả. Vì vậy, nếu kết quả double test là có nguy cơ cao, thai phụ cũng không nên quá lo lắng. Cần thực hiện thêm một số xét nghiệm khác mới có thể chẩn đoán chính xác tình trạng sức khỏe của thai nhi.

    Quy trình xét nghiệm

    Mặc dù xét nghiệm Double test là một xét nghiệm máu, nhưng thai phụ không cần nhịn ăn trước khi tiến hành như những xét nghiệm máu thông thường. Vì vậy, mẹ bầu có thể ăn uống như bình thường trước khi đi xét nghiệm, trừ khi nhận được những hướng dẫn khác từ bác sĩ xét nghiệm. Ngoài ra, nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc nào, hãy báo cho bác sĩ, vì một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm và cần tạm ngưng uống cho đến khi buổi xét nghiệm hoàn tất.

    Trước khi xét nghiệm, thai phụ sẽ được giải thích chi tiết về quy trình cũng như ý nghĩa của xét nghiệm Double test. Sau đó, thai phụ cần điền đầy đủ thông tin vào phiếu xét nghiệm, bao gồm những thông tin cần độ chính xác cao như ngày đầu tiên của chu kỳ kinh cuối, ngày siêu âm thai gần nhất, tuổi thai, chiều dài đầu mông của thai nhi…

    Quy trình xét nghiệm Double test không quá phức tạp. Bác sĩ xét nghiệm sẽ tiến hành lấy máu ở tĩnh mạch tay của thai phụ và đựng trong ống nghiệm chuyên dụng rồi đem đi làm xét nghiệm. Thời gian trả kết quả xét nghiệm tùy thuộc vào từng bệnh viện, thông thường là trong vòng 1 tuần.

    Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn biết được xét nghiệm Double test là gì và quy trình thực hiện ra sao.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Văn Thuận

    Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Đồng Nai - 2


    Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 15/08/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo