backup og meta

Chi tiết lịch khám thai định kỳ chuẩn cho bà bầu từ bác sĩ sản khoa

Chi tiết lịch khám thai định kỳ chuẩn cho bà bầu từ bác sĩ sản khoa

Tuân thủ lịch khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ là một trong những việc rất quan trọng mà mẹ bầu không được bỏ qua. Điều này không chỉ giúp mẹ bầu được chăm sóc sức khỏe đúng cách mà còn mang lại nhiều lợi ích cho thai nhi.

Bạn biết mình mới cấn thai và băn khoăn không biết có nên đi khám thai ngay hay chưa? Khám thai lần đầu khi nào và đâu là các mốc khám thai quan trọng trong thai kỳ? Hãy cùng tham khảo các mốc khám thai và xét nghiệm quan trọng mà bác sĩ Tạ Trung Kiên chia sẻ trong bài viết sau cùng Hello Bacsi! 

Lịch khám thai định kỳ chuẩn với 15 mốc khám thai quan trọng

khám thai 3 tháng đầu

Các mốc khám thai quan trọng trong tam cá nguyệt thứ nhất (từ khi biết có thai đến 13 tuần 6 ngày)

1. Lần khám thai đầu tiên

Khám thai lần đầu khi nào là băn khoăn rất phổ biến, nhất là với những ai mang thai lần đầu. Thông thường, khám thai lần đầu thường thực hiện khi bạn có thai khoảng 5–8 tuần. Đây là một trong các mốc khám thai quan trọng nhất để đánh giá liệu bạn có thai hay không, xác định vị trí làm tổ của phôi thai cũng như tim thai. 

Bạn biết mình có thai khi nhận thấy bị trễ kinh khoảng 1 tuần, có các dấu hiệu có thai sớm hoặc dùng que thử thai thấy 2 vạch. Quy trình khám thai lần đầu thường bác sĩ sẽ cho bạn thực hiện các xét nghiệm sau:

  • Kiểm tra cân nặng, chiều cao để tính chỉ số BMI của cơ thể nhằm đánh giá xem bạn có bị thừa cân, béo phì hay không. Nếu có, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách kiểm soát cân nặng khi mang thai nhằm hạn chế các biến chứng thai kỳ có thể xảy ra.
  • Đo huyết áp để xem bạn có bị huyết áp cao hay không, có nguy cơ bị tiền sản giật không.
  • Thử nước tiểu, kiểm tra nồng độ hormone thai kỳ (hCG) để biết chắc bạn đang mang thai, phôi thai đang phát triển bình thường.
  • Siêu âm kiểm tra vị trí phôi thai và tuổi thai nhằm kịp thời phát hiện các bất thường như thai ngoài tử cung…
  • Tính tuổi thai và ngày dự sinh dựa vào ngày đầu tiên của kỳ kinh cuối.
  • Ngoài ra, bạn có thể phải tiến hành các xét nghiệm máu để kiểm tra tổng quát sức khỏe mẹ cũng như một số bệnh lây truyền ảnh hưởng thai nhi: 
    • Viêm gan B
    • Bệnh giang mai
    • HIV/AIDS
    • Nồng độ hemoglobin
    • Yếu tố Rh
    • Nhóm máu
    • Rubella 
    • Chức năng đông cầm máu
    • Chức năng gan, thận.

Những xét nghiệm kể trên thường được chỉ định thực hiện khi bạn đã mang thai được 8 tuần. Do đó, nếu đi khám thai khi thai chưa qua 8 tuần, mẹ bầu sẽ không cần thực hiện các xét nghiệm này.

Tại lần khám thai định kỳ này, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn một vài vấn đề sau:

  • Cho bạn uống bổ sung axit folic nhằm ngăn ngừa tình trạng dị tật ống thần kinh
  • Tư vấn về các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng, chế độ ăn uống và vệ sinh thực phẩm
  • Cảnh báo các yếu tố lối sống có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn hoặc sức khỏe của em bé, chẳng hạn như làm việc trong môi trường độc hại, hút thuốc, sử dụng ma túy và uống rượu, dùng các chất kích thích khác.
  • Tư vấn về các xét nghiệm sàng lọc trước sinh mà có thể bạn cần phải tiến hành trong thai kỳ.

Ngoài ra, bạn cũng sẽ cần cung cấp cho bác sĩ biết các thông tin liên quan đến thai kỳ như:

  • Thông tin về chu kỳ kinh nguyệt của bạn (đều hay bất thường)
  • Bạn từng bị sẩy thai, sinh non, tiền sản giật hoặc nhiễm trùng ở lần mang thai hay lần sinh trước
  • Bạn đang điều trị một căn bệnh mãn tính, như bệnh đái tháo đường hoặc cao huyết áp
  • Bạn đang dùng thuốc điều trị một bệnh nào đó. Nếu có thể, hãy mang sổ khám bệnh, toa thuốc hoặc thuốc mà bạn đang uống theo để bác sĩ biết cụ thể
  • Bạn hoặc bất kỳ người thân trong gia đình từng có con bị dị tật bẩm sinh như Down, nứt đốt sống…
  • Bạn hay người thân trong gia đình mắc một căn bệnh di truyền như tế bào hình liềm hoặc xơ nang.

Thông thường, bác sĩ sẽ hẹn lịch khám thai định kỳ cho lần tiếp theo sau khoảng 4 tuần. Đôi khi lịch khám thai định kỳ này có thể chỉ sau lần khám đầu tiên khoảng 1–2 tuần. Điều đó phụ thuộc vào sức khỏe của bạn hoặc tình trạng phát triển của thai nhi, tuổi thai. Bạn nên đi khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ và đừng quên mang theo sổ khám thai định kỳ nhé!

2. Lịch siêu âm thai thứ 2 vào khoảng 8 tuần mang thai

Nếu lần khám thai đầu tiên, bạn đi khám ngay sau khi mới cấn thai (thai nhỏ hơn 5 tuần), bác sĩ siêu âm chưa kiểm tra được tim thai hoặc phôi thai, bác sĩ sản khoa sẽ hẹn bạn khám thai lần thứ hai khi thai khoảng 8 tuần.

Ở lần khám thai định kỳ này, bác sĩ vẫn tiến hành các thăm khám thường quy như kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, thử nước tiểu, thử máu và siêu âm để đánh giá tình trạng phát triển của thai nhi. Đồng thời kiểm tra tim thai, tình trạng động thai nếu có. Thời điểm sau 8 tuần cũng là mốc để tính ngày dự sinh cho thai nhi theo siêu âm chính xác nhất.

3. Lần khám thai thứ 3: Tuần thai thứ 11 – 13 tuần 6 ngày

khám thai định kỳ

Kể từ tuần thai thứ 11 đến 13 tuần 6 ngày, lịch khám thai định kỳ cho bà bầu sẽ bao gồm các mốc khám thai và xét nghiệm quan trọng nên bạn cần hết sức lưu ý.

Cụ thể, để theo dõi thai kỳ và phát hiện sớm các bất thường ở thai nhi, khi khám thai, ngoài các thăm khám thường quy như kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, siêu âm thì bạn sẽ cần thực hiện các xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm Double test
  • Siêu âm kiểm tra dị dạng chi, thoát vị cơ hoành,
  • Siêu âm đo độ mờ da gáy nhằm đánh giá thai nhi có nguy cơ bị Down hay không.

Nếu kết quả siêu âm đo độ mờ da gáy nhận thấy thai nhi có nguy cơ mắc các bệnh về di truyền, bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm xét nghiệm sinh thiết gai nhau (CVS). Sinh thiết gai nhau được thực hiện sớm trong thai kỳ thường là từ tuần thứ 10 đến tuần thứ 13 nên bạn có thể sớm biết được tình trạng của bé. Xét nghiệm sinh thiết gai nhau là một xét nghiệm xâm lấn, có nguy cơ gây sẩy thai song bạn không nên quá lo lắng vì tỷ lệ rất thấp chỉ dưới 1%.

Bác sĩ sẽ dựa vào các kết quả xét nghiệm, tuổi của bạn, tuổi thai của bé sẽ tính toán tỷ lệ nguy cơ bé bị hội chứng Down, Trisomy 13 và Trisomy 18 là bao nhiêu. Bên cạnh đó nếu như mẹ bầu chưa làm bộ xét nghiệm tổng quát ở các tuần trước thì sẽ làm trong giai đoạn này.

Lịch khám thai định kỳ chuẩn trong tam cá nguyệt thứ hai (từ tuần 14 – 27 tuần 6 ngày)

Thông thường trong tam cá nguyệt thứ hai, mỗi tháng bạn sẽ phải đi khám thai định kỳ một lần theo lịch hẹn của bác sĩ. Song nếu tình trạng sức khỏe của bạn hoặc thai kỳ có vấn đề, lịch khám thai định kỳ cho bà bầu sẽ ngắn hơn. Ở tam cá nguyệt thứ hai, bác sĩ vẫn kê toa cho bạn dùng các viên uống bổ sung canxi, sắt hay các khoáng chất tốt cho phụ nữ mang thai và thai nhi.

1. Lần khám thai thứ 4: Khi thai từ 14 – 16 tuần 

Ở mốc khám thai này, bác sĩ sẽ chỉ định bạn tiến hành kiểm tra:

  • Cân nặng
  • Đo huyết áp
  • Khám thai: Kiểm tra nhịp đập của tim thai
  • Thử nước tiểu
  • Siêu âm để theo dõi sức khỏe của bạn và sự phát triển của thai nhi

Cuối buổi khám, bác sĩ sẽ kê toa cho bạn dùng các viên uống bổ sung vi chất tùy thuộc vào sức khỏe của bạn và sự phát triển của thai nhi.

2. Lần khám thai thứ 5: Khi thai được 16 – 20 tuần

Lần khám thai định kỳ thứ 5

Khám thai tuần 16 gồm những gì? Đây là một trong những cột mốc khám thai quan trọng nhất và cần thực hiện nhiều kiểm tra, xét nghiệm như:

  • Kiểm tra cân nặng
  • Đo huyết áp
  • Khám thai: Kiểm tra nhịp đập tim của thai và đo bề cao tử cung để tính tuổi thai (bác sĩ sẽ tiến hành đo khoảng cách từ đỉnh tử cung đến xương mu của bạn).
  • Thử nước tiểu để kiểm tra lượng đường, nồng độ protein để tầm soát dấu hiệu của đái tháo đường thai kỳ và nguy cơ tiền sản giật.
  • Mốc siêu âm thai quan trọng để quan sát sự phát triển của thai nhi và lượng nước ối
  • Chọc ối: Nếu các xét nghiệm trước cho biết thai nhi có nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh, bác sĩ sẽ đề nghị bạn làm xét nghiệm chọc ối vào khoảng giữa tuần thứ 15 đến 18 của thai kỳ. Kết quả chọc ối có thể có sau 24 giờ hoặc đôi khi bạn phải đợi đến 4 tuần. Lưu ý là thủ thuật này có nguy cơ sẩy thai với tỷ lệ thấp chỉ khoảng dưới 1%.
  • Xét nghiệm Triple test: Đây là loại xét nghiệm máu được thực hiện trong khoảng từ tuần thứ 16-18 tuần của thai kỳ. Xét nghiệm này giúp chẩn đoán các vấn đề sức khỏe của thai nhi như các rối loạn về gen, dị tật ống thần kinh. Bạn sẽ được tư vấn Triple test nếu chưa làm Double test trước đó. 
  • Thử máu (vào khoảng 16 – 18 tuần mang thai): Có thể bác sĩ sẽ chỉ định bạn thử máu để kiểm tra 3 hormone (estriol, B-hCG và alpha fetoprotein tự do). Các mức hormone này cung cấp thông tin về nguy cơ thai nhi mắc hội chứng Down hoặc khuyết tật ống thần kinh như nứt đốt sống.
  • Bạn cũng sẽ đươc tư vấn chích ngừa uốn ván từ giai đoạn này.

Lần khám thai tuần 16 – 20 là mốc khám thai mẹ bầu không nên bỏ qua. Ngoài ra, ở mỗi lần thăm khám, các bác sĩ thường dựa vào kết quả của các xét nghiệm để kê toa cho bạn dùng các viên uống bổ sung vi chất phù hợp.

3. Lần khám thai thứ 6: Tuần thai thứ 20 – 24

siêu âm kiểm tra thai

Ở lần khám thai định kỳ này, các mẹ bầu thường sẽ phải tiến hành:

  • Kiểm tra cân nặng
  • Đo huyết áp
  • Khám thai: Đo bề cao tử cung để tính tuổi thai, kiểm tra tim thai
  • Thử nước tiểu
  • Siêu âm để quan sát sự phát triển của thai nhi và lượng nước ối.

Khám thai ở tuần thứ 20 là một trong những lần khám thai định kỳ quan trọng. Thông thường, tuần thứ 20 của thai kỳ là mốc siêu âm thai 4D để kiểm tra hình thái thai nhi, tầm soát các bất thường (tim, chân tay, bụng, xương, não, cột sống, thận) và kiểm tra vị trí bám của nhau thai, lượng nước ối.

Sau khi xem kết quả siêu âm nếu nhận thấy thai nhi có bất thường nghiêm trọng về thể chất, bác sĩ sẽ cho bạn biết để cân nhắc có nên đình chỉ thai nghén hay không. Để đảm bảo sức khỏe cho mẹ bầu, việc đình chỉ thai nghén nên được tiến hành trước 24 tuần mang thai.

[embed-health-tool-due-date]

4. Lần khám thai thứ 7: Tuần thai thứ 24 – 27 tuần 6 ngày

Ở thời điểm khám thai định kỳ này, bạn sẽ phải tiến hành:

  • Kiểm tra cân nặng
  • Đo huyết áp
  • Khám thai: Đo khoảng cách từ đỉnh tử cung xuống xương mu để theo dõi sự phát triển của thai nhi, kiểm tra tim thai
  • Thử nước tiểu
  • Siêu âm để quan sát sự phát triển của thai và lượng nước ối.
  • Tầm soát đái tháo đường thai kỳ: Nhằm kịp thời can thiệp bằng chế độ ăn và tập luyện vận động hoặc hỗ trợ thêm bằng insulin.

Các mốc khám thai quan trọng nhất trong 3 tháng cuối hay tam cá nguyệt thứ ba (từ tuần 28 cho đến khi sinh)

khám thai định kỳ 3 tháng cuối

Khoảng từ tuần thứ 28 đến 36 của thai kỳ sẽ bao gồm các giai đoạn khám thai quan trọng, thời gian khám thai định kỳ thường là 2 tuần/lần. Kể từ sau tuần 36, bạn sẽ đi khám mỗi tuần cho đến khi sinh. Hãy cho bác sĩ biết bất cứ vấn đề sức khỏe nào mà bạn gặp như cảm giác mệt mỏi, buồn bã, co thắt, sưng, đau đầu hay phù nề hoặc có dấu hiệu xuất huyết tử cung…

Bác sĩ sẽ kiểm tra nhịp tim của bé và đo kích thước tử cung để ước tính kích thước của thai nhi, so sánh với tuổi thai nhằm đánh giá tốc độ tăng trưởng của bé. Siêu âm 3D để kiểm tra sự phát triển của thai nhi, mức nước ối trong tử cung và vị trí của bé (ngôi mông, ngôi ngang hay ngôi thuận).

Trong tam cá nguyệt thứ ba, bác sĩ vẫn kê toa cho bạn dùng viên uống chứa vi chất dinh dưỡng cần thiết cho thai phụ.

1. Lần khám thai thứ 8 – 10: Từ tuần thai 28 – 36

khám thai định kỳ 3 tháng cuối

Ở các mốc khám thai định kỳ trong giai đoạn này, ngoài các thăm khám thường quy như kiểm tra cân nặng, đo huyết áp, khám thai, bác sĩ sẽ yêu cầu bạn tiến các xét nghiệm như:

  • Máu
  • Nước tiểu
  • Siêu âm: Nếu kết quả siêu âm cho thấy thai ngôi mông, bác sĩ có thể hướng dẫn bạn xoay ngôi thai theo cách tự nhiên. Đồng thời sẽ tiến hành kiểm tra cổ tử cung để xem bạn có dấu hiệu sắp sinh hay chưa.
  • Tiêm phòng uốn ván cuống rốn: Trong khoảng thời gian này, bạn sẽ được tiêm phòng uốn ván cuống rốn sơ sinh (2 mũi cách nhau 1 tháng và mũi cuối tiêm trước sanh 4 tuần ) để phòng ngừa bệnh uốn ván cho bé.
  • Xét nghiệm Non-stress (NST): Sau tuần thứ 28 của thai kỳ, nếu đánh giá thai có vấn đề cần theo dõi kỹ, bác sĩ sẽ chỉ định bạn làm xét nghiệm này nhằm kiểm tra sức khỏe của bé, dựa trên sự thay đổi của tim thai tương ứng với chuyển động của thai. Ngoài ra, xét nghiệm còn giúp bác sĩ tìm hiểu xem thai nhi có nhận đủ oxy hay không.

Từ tuần thứ 30 trở đi, bạn lưu ý một số điều sau:

  • Đếm cử động thai: Bình thường là từ 4 lần/giờ
  • Tái khám ngay khi thấy: 
    • Đau bụng
    • Ra huyết, âm đạo ra dịch
    • Thai máy ít, máy yếu
    • Có dấu hiệu bất thường.

2. Lần khám thai thứ 11 – 14: Thai từ 36 – 40 tuần

Thông thường, khi mang thai đến giai đoạn này, lịch khám thai định kỳ chuẩn sẽ là mỗi tuần một lần. Ở mỗi lần khám, bác sĩ sẽ tiến hành các thăm khám thường quy, kiểm tra cổ tử cung kết hợp với siêu âm để theo dõi thai kỳ của bạn. Ngoài ra, bạn có thể được đề nghị làm các xét nghiệm khung chậu để đánh giá xem bạn có khả năng sinh thường hay không và xét nghiệm Non-stress test.

Nếu nhận thấy bạn có dấu hiệu sa bụng (bụng bầu tụt xuống), bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn cách nhận biết các dấu hiệu sắp sinh để kịp thời nhập viện khi dấu hiệu chuyển dạ sớm xuất hiện.

3. Lần khám thai thứ 15: Tuần thứ 40 – 42

Nếu thai 41 tuần chưa có dấu hiệu chuyển dạ, bác sĩ sẽ thăm khám kết hợp với siêu âm kiểm tra nước ối và tình trạng thai nhi. Việc này nhằm giúp bác sĩ cân nhắc liệu có nên can thiệp để bạn sinh con hay chờ đợi bạn chuyển dạ tự nhiên. 

Tầm quan trọng của việc khám thai định kỳ

Trong thời gian mang thai, bạn nên được chăm sóc sức khỏe và theo dõi thai kỳ một cách tốt nhất thông qua việc thực hiện đúng lịch khám thai định kỳ cũng như lịch siêu âm thai để đảm bảo sức khỏe của mẹ và bé. Qua đó, bác sĩ biết được tình trạng sức khỏe của bạn và thai nhi, giúp hạn chế những nguy cơ có thể xảy ra trong thai kỳ.

Qua các buổi khám thai định kỳ, bạn sẽ nắm rõ tình hình phát triển của thai nhi và được tư vấn về chế độ dinh dưỡng hay những điều cần tránh khi mang thai để có một thai kỳ khỏe mạnh. Ngoài viê, việc tuân thủ lịch khám thai định kỳ còn giúp bạn thực hiện đúng thời điểm các xét nghiệm thai kỳ quan trọng bởi một vài xét nghiệm chỉ cho kết quả chính xác trong khoảng thời gian nhất định.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng những mẹ bầu tuân thủ các mốc khám thai quan trọng giúp giảm thiểu nguy cơ tử vong của thai nhi xuống gấp 5 lần so với những mẹ bầu không khám thai. Ngoài ra, tỷ lệ những đứa trẻ được sinh ra từ các mẹ bầu không khám thai có trọng lượng nhẹ hơn so với các mẹ bầu thường xuyên khám thai.

Sau lần khám đầu tiên, bác sĩ sản khoa sẽ cho bạn lịch khám thai cụ thể của lần kế tiếp. Thông thường, thời gian khám thai định kỳ trong 6 tháng đầu là ít nhất mỗi tháng một lần. Bước qua tam cá nguyệt cuối, bạn sẽ phải đi khám thai thường xuyên hơn. Trong suốt thai kỳ, bạn sẽ có khoảng 10 – 15 lần khám thai. Với các bà mẹ đã từng sinh con, số lần khám thai ít nhất là không dưới 7 lần.

Hy vọng những chia sẻ trên đã giải đáp phần nào băn khoăn của bạn về việc khám thai định kỳ. Chúc bạn có một thai kỳ khỏe mạnh, khi sinh nở được mẹ tròn con vuông!

Có thể bạn quan tâm: Công cụ tính ngày dự sinh online mới nhất

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Diagnostic tests for your baby during pregnancy http://healthywa.wa.gov.au/Articles/A_E/Diagnostic-tests-for-your-baby-during-pregnancy Ngày truy cập 17/7/2018

What happens at prenatal care appointments?

https://www.plannedparenthood.org/learn/pregnancy/prenatal-care/what-happens-prenatal-care-appointments Ngày truy cập 05/7/2021

Prenatal care: 1st trimester visits https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/pregnancy-week-by-week/in-depth/prenatal-care/art-20044882  Ngày truy cập 05/7/2021

1st Trimester: 2nd Prenatal Visit https://www.webmd.com/baby/your-second-prenatal-visit#1 Ngày truy cập 17/7/2018

Second trimester prenatal visits https://www.babycenter.com/second-trimester-prenatal-visits Ngày truy cập 16/7/2018

Third trimester prenatal visits https://www.babycenter.com/third-trimester-prenatal-visits Ngày truy cập 16/7/2018

What to expect at your prenatal visits https://www.babycenter.com/0_what-to-expect-at-your-prenatal-visits_9252.bc Ngày truy cập 17/7/2018

 

 

 

Phiên bản hiện tại

15/10/2021

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Tạ Trung Kiên

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Bà bầu bị tiêu chảy: Mọi điều cần biết trong từng tam cá nguyệt

Kinh nghiệm ở cữ sau sinh mổ: Kiêng cữ như thế nào là khoa học?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Tạ Trung Kiên

Thẩm mỹ · Bệnh viện An Sinh TPHCM


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 15/10/2021

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo