Thai nhi 12 tuần tuổi phát triển nhanh chóng đến mức cân nặng của bé đạt gần gấp đôi tuần thai trước đó. Trong thời gian này, tất cả các cơ quan nội tạng của em bé 12 tuần tuổi đã phát triển đúng vị trí, cơ quan sinh dục của bé cũng đã hình thành.
Để hiểu rõ hơn về sự phát triển của thai nhi 12 tuần tuổi, mời bạn tham khảo những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi.
Thai nhi 12 tuần phát triển như thế nào?
1. Chiều dài, cân nặng thai nhi 12 tuần
Bạn đang thắc mắc thai nhi 12 tuần tuổi phát triển như thế nào hay thai nhi 12 tuần to bằng quả gì? Thai 12 tuần có kích thước tương ứng bằng một quả chanh ta. Thai nhi 12 tuần tuổi có kích thước như sau:
- Cân nặng khoảng 18 gram.
- Chiều dài đầu mông trong khoảng 5,4 – 6,0cm.
Lưu ý
- Khi thai nhi nằm trong bụng mẹ, tay chân của em bé hơi co vào thân mình, lưng có thể cong hoặc thẳng, đầu khi cúi khi ngửa. Do đó, việc hình dung thai nhi 12 tuần như quả chanh ta là đang hình dung em bé theo 1 khối co lại và ngắn lại.
- Việc tính chiều dài thai nhi chỉ mang tính chất tương đối và áp dụng cho thai trong tam cá nguyệt thứ nhất, từ 14 tuần trở đi, các cử động của thai nhi tương đối nhiều, chân tay cũng phát triển rõ hơn và có cử động gập duỗi, lúc này việc tính các thông số sinh trắc thường ít sử dụng chiều dài đầu mông hay chiều cao (từ đầu đến gót chân).
2. Thai 12 tuần phát triển như thế nào?
- Tất cả các cơ quan quan trọng và bộ phận cơ thể của bé sẽ hình thành trong tuần này.
- Cơ quan sinh dục cũng đã phát triển.
- Tim thai đã hoạt động: Mẹ có thể nghe được tim thai của bé khi bác sĩ dùng thiết bị Doppler.
- Mí mắt của bé đã phát triển hoàn chỉnh và dính chặt vào nhau cho đến cuối tam cá nguyệt thứ hai.
- Bàn tay của bé phát triển hơn một chút so với bàn chân, cánh tay dài hơn chân. Móng tay, móng chân bắt đầu mọc.
- Cử động: Những cử động thai đầu tiên đang diễn ra.
Sự phát triển của thai nhi 12 tuần tuổi
- Tất cả các cơ quan quan trọng và bộ phận cơ thể của bé sẽ được hình thành trong tuần này.
- Cơ quan sinh dục cũng đã phát triển.
- Tim thai đã hoạt động.
- Mí mắt của bé đã phát triển hoàn chỉnh.
- Bàn tay của bé phát triển, móng tay, móng chân bắt đầu mọc.
- Những cử động đầu tiên đang diễn ra.
Sự thay đổi trên cơ thể của mẹ bầu khi mang thai 12 tuần
Khi thai nhi 12 tuần tuổi, cơ thể mẹ bầu thay đổi như thế nào hay bầu 12 tuần cần chú ý những gì là những băn khoăn rất thường gặp.
1. Những thay đổi ở làn da và mái tóc của mẹ bầu khi thai nhi 12 tuần tuổi
- Nhiều mẹ mang thai tuần 12 có cảm giác rằng mình trở nên xinh đẹp hơn: da dẻ mịn màng, rạng rỡ, mái tóc bóng mượt.
- Nguyên nhân làm cho vẻ ngoài của mẹ thay đổi chính là do tăng lưu lượng máu và hoạt động của hormone thai kỳ.
- Nhờ đó lưu lượng máu đến các mạch máu nhiều hơn và các hormone làm tăng hoạt động của tuyến dầu làm cho gương mặt mẹ hồng hào hơn, săn chắc hơn và bề mặt da mịn màng hơn.
- Nhưng đôi khi điều này lại khiến không ít chị em bị mụn trứng cá khi mang thai.
2. Chảy máu chân răng, nướu nhạy cảm hơn
Trong thời gian mang thai, khi lượng máu tăng lên và nồng độ hormone thay đổi khiến:
- Nướu của mẹ bầu thường sẽ sưng lên và nhạy cảm hơn.
- Một số mẹ bầu còn bị chảy máu khi đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa. Tuy nhiên, mẹ bầu vẫn nên duy trì việc vệ sinh răng miệng và đừng quên trao đổi với bác sĩ để an tâm hơn.
3. Mang thai 12 tuần, mẹ bầu bị choáng váng, mệt mỏi
Khi thai nhi 12 tuần, những thay đổi trong quá trình lưu thông máu và nồng độ hormone có thể khiến mẹ bầu cảm thấy choáng váng, mệt mỏi hơn. Để hạn chế cảm giác choáng váng, chóng mặt, mệt mỏi khi mang thai, mẹ bầu hãy:
- Ưu tiên mặc quần áo rộng rãi
- Uống đủ nước
- Tránh đứng lâu
- Đảm bảo ăn uống điều độ có thể giúp bạn cảm thấy khỏe hơn.
Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu bạn cũng bị đau bụng hoặc chảy máu âm đạo hoặc nếu cảm giác choáng váng, mệt mỏi của bạn vẫn tiếp diễn.
4. Nhạy cảm với mùi
Từ tuần thứ 12 của thai kỳ, mẹ bầu có thể nhận thấy tình trạng ốm nghén đã dần thuyên giảm. Thế nhưng, khứu giác của mẹ bầu có thể nhạy cảm trong giai đoạn này.
Lưu ý rằng nếu mẹ đang mang thai ở tuần thứ 12 và vẫn cảm thấy buồn nôn hoặc nôn khi ngửi thấy một số mùi nhất định, hãy thử ăn đồ ăn lạnh hoặc để ở nhiệt độ phòng để tránh mùi khó chịu.
5. Đầy hơi, chướng bụng
Khi thai nhi 12 tuần, nồng độ hormone thay đổi và kích thước tử cung phát triển dần lên có thể khiến bạn cảm thấy:
- Bị đầy hơi
- Gặp các vấn đề về tiêu hóa như táo bón hoặc tiêu chảy khi mang thai 12 tuần, thậm chí là trong suốt thai kỳ.
6. Chảy máu sau khi quan hệ
Khi mang thai được 12 tuần hoặc bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ, bạn có thể thấy nhận thấy mình bị chảy chút máu sau khi quan hệ tình dục. Điều này có thể không quá nghiêm trọng nhưng thường khiến mẹ bầu lo lắng, bạn nên quan hệ tình dục nhẹ nhàng và an toàn, đặc biệt là tránh những lúc đang bị viêm âm đạo. Nếu chảy máu nhiều hoặc kèm theo đau bụng hoặc đau lưng dưới hãy đi khám ngay. Chảy máu sau quan hệ có thể liên quan đến sự xuất hiện của polyp cổ tử cung trong thai kỳ.
Thay đổi về mặt cơ thể
- Làn da và mái tóc trở nên mịn màng, bóng mượt.
- Vấn đề răng miệng: Chảy máu chân răng, nướu nhạy cảm hơn.
- Choáng váng, mệt mỏi do sự thay đổi trong quá trình lưu thông máu và nồng độ hormone trong cơ thể.
- Nhạy cảm với mùi do khứu giác trở nên nhạy cảm hơn.
- Đầy hơi, chướng bụng do nồng độ hormone thay đổi và kích thước tử cung phát triển.
- Chảy máu sau khi quan hệ.
Thai nhi 12 tuần – Lời khuyên của bác sĩ dành cho mẹ bầu
1. Thai nhi 12 tuần tuổi: Cân nặng và điều mẹ cần lưu ý là gì?
Mang thai 12 tuần, hầu như các mẹ bầu không tăng cân. Tuy nhiên, khi mẹ bước vào giai đoạn ba tháng giữa của thai kỳ, bé sẽ lớn hơn nên nhu cầu về nước, năng lượng và các chất dinh dưỡng tăng. Để cân nặng khi mang thai tăng trong tầm kiểm soát, mẹ sẽ cần:
- Có một chế độ ăn lành mạnh, hợp lý
- Có chế độ vận động thể chất phù hợp, thường xuyên.
Trong nhiều trường hợp, có thể mẹ tăng cân quá nhanh trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Nguyên do là bởi:
- Một phần là do mẹ nghĩ rằng mẹ cần ăn cho hai người nhưng thật ra nhu cầu dinh dưỡng của thai nhi 12 tuần nói riêng và thai nhi ở giai đoạn này không nhiều.
- Một phần là do việc ăn những thức ăn có nhiều calo làm mẹ cảm thấy thoải mái hơn.
Sự thật là những chất dinh dưỡng này chỉ vào mẹ mà không vào bé. Tuy nhiên, cần lưu ý là mẹ mang thai tuần 12 đừng quá lo lắng về cân nặng mà giảm cân.
Mẹ mang thai 12 tuần hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để đề ra một chế độ tăng cân hợp lý trong 6 tháng còn lại của thai kỳ nhằm:
- Đảm bảo tăng cân đều đặn cho tới tháng thứ tám
- Không tăng quá 15kg trong suốt thai kỳ.
Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về chế độ ăn uống phù hợp nhằm giúp cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cả mẹ và em bé trong suốt thai kỳ nhưng:
- Giữ được cân nặng phù hợp
- Dễ dàng giảm cân sau khi sinh
Để đạt được điều này, mẹ nên tăng cân trong ngưỡng khuyến nghị và ăn thức ăn tươi mới, giàu chất dinh dưỡng nhất có thể.
2. Thai nhi 12 tuần: Những xét nghiệm nào mẹ bầu cần thực hiện?
Tuần thai thứ 11 – 12 thường được xem là thời điểm vàng của thai kỳ vì là thời điểm để tầm soát lệch bội, siêu âm đánh giá hình thái học tam cá nguyệt thứ nhất, sau khi đo độ mờ da gáy , bạn có thể lựa chọn xét nghiệm NIPT hoặc Combined test.
Ở thời điểm này, các mẹ bầu cùng có thể thực hiện các xét nghiệm sàng lọc bệnh lý về tuyến giáp, nguy cơ xuất hiện tiền sản giật trong giai đoạn sau của thai kỳ để có phương pháp dự phòng.
Do đó, khi mang thai 12 tuần, bạn nên đi khám thai và thực hiện các xét nghiệm, sàng lọc cần thiết để chủ động bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và bé.
Sức khỏe của mẹ và thai nhi 12 tuần: Mẹ cần biết những gì để đảm bảo an toàn trong thai kỳ?
1. Nằm sấp
Trong giai đoạn tam cá nguyệt đầu tiên, mẹ có thể nằm sấp vì tử cung còn khá nhỏ và vẫn được khung xương chậu bảo vệ. Thế nhưng trong sáu tháng tiếp theo của thai kỳ, việc nằm sấp chắc chắn sẽ làm mẹ cảm thấy khó chịu.
Khi bé càng lớn, kích thước của tử cung sẽ ngày càng tăng và khi nằm ngửa, sức nặng của tử cung sẽ đè lên một tĩnh mạch lớn có vai trò truyền máu về tim, cũng như tạo áp lực cho cột sống. Đây là mối quan tâm lo ngại nhất có thể xảy ra, gây hại đến sức khỏe cả mẹ và bé.
Bên cạnh đó, tư thế ngủ của mẹ bầu cũng phải đảm bảo thai nhi được cung cấp đủ máu và dinh dưỡng, cũng như an toàn cho chính bản thân mình.
2. Ngăn ngừa nguy cơ thiếu dinh dưỡng
Khi thai nhi 12 tuần, một trong những ưu tiên hàng đầu của mẹ cần phải thực hiện là cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho thai nhi đang phát triển với tốc độ khá nhanh. Vì thế, những mẹ bầu có chế độ ăn chay thường sẽ không cung cấp đủ vitamin B1, axit folic và chất sắt cho việc sản xuất hồng cầu trong máu.
Nếu bị thiếu máu khi mang thai, mẹ bầu có nguy cơ nhiễm trùng và chảy máu cao hơn sau khi sinh. Để tránh điều này, mẹ nên chuyển sang ăn các sản phẩm từ động vật để có đủ dưỡng chất cho cả bản thân và thai nhi.
Hello Bacsi hi vọng rằng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu hơn về sự phát triển của thai nhi 12 tuần tuổi. Bên cạnh đó, các mẹ bầu cũng đừng quên gia nhập cộng đồng Mang thai trên Hello Bacsi để cùng các mẹ bầu khắp nơi chia sẻ những kinh nghiệm chăm sóc sức khỏe thai kỳ hữu ích.
[embed-health-tool-due-date]