backup og meta

Điều trị thai ngoài tử cung bằng thuốc bao lâu thì thai ra? Mẹ cần lưu ý gì?

Điều trị thai ngoài tử cung bằng thuốc bao lâu thì thai ra? Mẹ cần lưu ý gì?

Tình trạng thai ngoài tử cung có thể được điều trị bằng thuốc và phẫu thuật. Thế nhưng, trong trường hợp nào thì việc điều trị thai ngoài tử cung bằng thuốc được áp dụng và liệu cách điều trị này có an toàn?

Thai ngoài tử cung là tình trạng trứng đã thụ tinh phát triển bên ngoài tử cung, thường là trong ống dẫn trứng với hơn 90% các trường hợp và 5% xảy ra ở các bộ phận khác như buồng trứng, cổ tử cung, ổ bụng hoặc sẹo mổ trước đó. Nếu không can thiệp kịp thời, thai nhi lớn dần sẽ gây vỡ, dẫn đến chảy máu ồ ạt và có thể đe dọa đến tính mạng. Phẫu thuật là cách điều trị phổ biến nhất, ngoài ra, bác sĩ cũng có thể chỉ định điều trị nội khoa thai ngoài tử cung.

Điều trị thai ngoài tử cung bằng thuốc được áp dụng trong trường hợp nào?

Có hai hình thức thường được sử dụng để điều trị thai ngoài tử cung là dùng thuốc và phẫu thuật. Nếu điều trị thai ngoài tử cung bằng thuốc, loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất là Methotrexate. Thuốc này có tác dụng ngăn không cho các tế bào phát triển bằng cách cản trở sự tổng hợp của DNA và phá vỡ sự nhân lên của tế bào. Từ đó, làm chấm dứt thai kỳ và vòi trứng sẽ được bảo tồn.

Việc điều trị nội khoa thai ngoài tử cung được chỉ định trong một số trường hợp sau:

  • Bệnh nhân có huyết động học ổn định (tỉnh táo, mạch và huyết áp ổn định, không có dấu hiệu thiếu máu), không có dấu hiệu chảy máu hoặc xuất huyết màng bụng
  • Kích thước khối thai không được vượt quá 3,5 cm khi siêu âm
  • Không có tim thai, không có dấu hiệu vỡ ống dẫn trứng
  • Nồng độ beta-hCG (βhCG) trong máu dưới 5000 – 10000 mIU/mL (dưới 5000 điều trị đơn liều, dưới 10000 điều trị đa liều).

Có thể bạn quan tâm: Các phương pháp xét nghiệm chẩn đoán thai ngoài tử cung phổ biến

Chống chỉ định điều trị nội khoa thai ngoài tử cung khi nào?

điều trị thai ngoài tử cung bằng thuốc

Phương pháp điều trị nội khoa thai ngoài tử cung không được áp dụng trong các trường hợp:

  • Thai ngoài tử cung vỡ hoặc huyết động học không ổn định: mạch nhanh, huyết áp tụt, da niêm mạc nhợt nhạt, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn
  • Có dấu hiệu vỡ ống dẫn trứng như đau bụng dưới nhiều và tăng dần, siêu âm có lượng dịch ước lượng hơn 300ml
  • Có kết quả bất thường trong một số xét nghiệm trước khi hóa trị (giảm bạch cầu, giảm tiểu cầu…)
  • Quá mẫn cảm với Methotrexate
  • Đang nuôi con bằng sữa mẹ
  • Suy giảm miễn dịch
  • Nghiện rượu
  • Mắc phải các bệnh lý liên quan đến gan, rối loạn chức năng máu, thiếu máu, các bệnh về phổi, viêm loét dạ dày, rối loạn chức năng thận, gan
  • Từ chối điều trị thai ngoài tử cung bằng thuốc.

Ưu và nhược điểm của việc điều trị thai ngoài tử cung bằng Methotrexate

Việc điều trị thai ngoài tử cung bằng thuốc có tỷ lệ thành công lên đến 95% cùng với đó là những ưu điểm như:

  • Tránh được phẫu thuật và các tai biến của thuốc mê
  • Bảo tồn được vòi trứng, duy trì khả năng sinh sản
  • Có thể theo dõi ngoại trú.

Tuy nhiên, phương pháp điều trị này cũng tồn tại một số nhược điểm như:

  • Thời gian theo dõi dài (2–6 tuần)
  • Có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau bụng, chảy máu âm đạo, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, chóng mặt, rụng tóc, loét niêm mạc (môi, lưỡi, dạ dày). Tuy nhiên tỉ lệ xảy ra rất thấp, hầu như không xảy ra khi dùng phác đồ đơn liều (1 liều duy nhất).
  • Cần theo dõi nồng độ βhCG cho đến khi có kết quả âm tính.

Điều trị nội khoa thai ngoài tử cung thực hiện như thế nào?

điều trị thai ngoài tử cung bằng thuốc

Trước khi điều trị, việc xét nghiệm máu sẽ được thực hiện để xác định chức năng của gan, thận, tủy xương và nồng độ βhCG. Ngoài ra, các bác sĩ cũng sẽ giải thích chi tiết với bạn về lợi ích, rủi ro, cách thực hiện cũng như lưu ý chăm sóc sau đó.

Nếu kết quả xét nghiệm đáp ứng các tiêu chí trên, bạn sẽ được tiêm thuốc điều trị thai ngoài tử cung bằng Methotrexate một liều, ngày tiêm tính là ngày 1. Sau đó, bạn sẽ được theo dõi nồng độ β-hCG  vào ngày 4, ngày 7. Nếu nồng độ βhCG ngày 7 giảm ít nhất 15% so với ngày 4 thì được xem là thành công.

Nếu nồng độ βhCG vẫn chưa giảm đủ sau liều đầu tiên, bác sĩ có thể khuyến nghị thêm một liều Methotrexate khác. Bạn sẽ được theo dõi cẩn thận cho đến khi không còn βhCG trong máu. Trong trường hợp, nồng độ βhCG ngày càng tăng hoặc giảm dưới 15%, bạn sẽ được can thiệp bằng phẫu thuật.

Nhiều mẹ thắc mắc chích methotrexate bao lâu thì thai ra? Sau khi tiêm Methotrexate 1–3 ngày, bạn sẽ cảm thấy đau bụng do phần thai tách khỏi vị trí bám. Tình trạng này có thể kéo dài 24–48 giờ với huyết động học ổn định. Ngoài ra, nồng độ βhCG trong máu cũng tăng trong 4 ngày đầu điều trị, đi kèm với đó là xuất huyết âm đạo.

Trong quá trình điều trị, nếu gặp phải các triệu chứng sau khi tiêm thuốc thai ngoài tử cung dưới đây, bạn cần đi khám ngay lập tức:

  • Đau bụng dữ dội
  • Chảy máu âm đạo nhiều
  • Tim đập nhanh
  • Ngất xỉu.

Cần tránh gì sau khi điều trị thai ngoài tử cung bằng thuốc

Trong quá trình điều trị nội khoa thai ngoài tử cung, bạn cần tránh:

  • Tập các bài thể dục nặng
  • Quan hệ tình dục
  • Uống rượu
  • Sử dụng các loại viên uống và thực phẩm có chứa axit folic như rau có lá màu xanh đậm, nước cam và đậu (giảm tác dụng Methotrexate)
  • Dùng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen. Những loại thuốc này có thể ảnh hưởng đến tác dụng của Methotrexate.
  • Ăn các thực phẩm gây đầy hơi, khó chịu
  • Tiếp xúc lâu với ánh sáng mặt trời. Bởi Methotrexate có thể gây nhạy cảm với ánh nắng mặt trời.

Nếu muốn mang thai lại sau điều trị nội khoa thai ngoài tử cung, bạn cần ngừa thai ít nhất 3-6 tháng. Để biết được các biện pháp ngừa thai thích hợp, bạn cần tham khảo với bác sĩ đang điều trị cho bạn.

Có thể bạn quan tâm: Sau mổ thai ngoài tử cung bao lâu có thai lại? Thụ thai có dễ thành công?

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Treatment Ectopic pregnancy https://www.nhs.uk/conditions/ectopic-pregnancy/treatment/ Ngày truy cập: 14/6/2021 

Methotrexate Treatment of Ectopic Pregnancy: Experience at Nizwa Hospital with Literature Review https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3191676/ Ngày truy cập: 14/6/2021 

Ectopic Pregnancy https://www.acog.org/womens-health/faqs/ectopic-pregnancy Ngày truy cập: 14/6/2021 

Ectopic Pregnancy Medication https://emedicine.medscape.com/article/2041923-medication Ngày truy cập: 14/6/2021 

Ectopic Pregnancy Treatment & Management https://emedicine.medscape.com/article/2041923-treatment#d11 Ngày truy cập: 14/6/2021 

Phiên bản hiện tại

14/07/2022

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

Mang thai ngoài tử cung có dấu hiệu gì? Xử lý và phòng ngừa ra sao?

Những dấu hiệu thai ngoài tử cung đáng chú ý bạn đã biết?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 14/07/2022

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo