backup og meta

Kiêng cữ sau sinh mổ: Bí quyết mẹ cần biết để nhanh phục hồi

Kiêng cữ sau sinh mổ: Bí quyết mẹ cần biết để nhanh phục hồi

Sau sinh mổ, cơ thể người mẹ phải đối diện với nhiều thách thức, từ phục hồi vết mổ, cân bằng nội tiết tố đến áp lực cả về thể chất lẫn tinh thần. Chính vì vậy, việc kiêng cữ sau sinh mổ là vô cùng quan trọng, không chỉ bảo vệ sức khỏe trước mắt mà còn góp phần quyết định đến sự hồi phục lâu dài.

Trong bài viết sau, mẹ hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu kỹ hơn về những lưu ý trong việc ăn uống, sau sinh mổ nên ăn gì và kiêng gì; cách vận động an toàn, phù hợp với giai đoạn hậu sản cũng như các vấn đề sức khỏe khác mà mẹ sau sinh mổ cần lưu tâm.

Sau sinh mổ nên ăn gì và kiêng ăn gì?

Sau sinh mổ bao lâu thì ăn uống bình thường?

Sau sinh mổ, thời gian để cơ thể mẹ trở lại chế độ ăn uống bình thường phụ thuộc vào tín hiệu phục hồi của hệ tiêu hóa hơn là một mốc thời gian cố định. Thông thường, quá trình này diễn ra qua các giai đoạn:

  • Giai đoạn đầu (trong 6-8 giờ sau mổ): Ngay sau khi mổ, mẹ có thể uống nước nếu cảm thấy khát, ngoại trừ trường hợp không được bác sĩ cho phép vì lý do sức khỏe. Trong giai đoạn này, mẹ không nên ăn thức ăn đặc để tránh nguy cơ nôn mửa hoặc biến chứng. Trong một số trường hợp, mẹ có thể cần hạn chế ăn uống từ 12-24 giờ sau sinh mổ tùy theo chỉ định y tế.
  • Giai đoạn chuyển tiếp: Sau khoảng thời gian 6-8 tiếng trên, mẹ có thể bắt đầu với chế độ ăn lỏng, dễ tiêu hóa như cháo loãng, súp, sữa… trong ít nhất 1 ngày để cơ thể quen dần.
  • Giai đoạn hồi phục: Khi có tín hiệu tốt từ đường ruột như trung tiện (xì hơi), mẹ có thể chuyển qua chế độ ăn đặc hơn. Từ ngày hậu phẫu thứ ba, nếu không còn dấu hiệu đầy bụng hoặc khó tiêu, mẹ có thể dần quay lại chế độ ăn bình thường với thực phẩm đầy đủ dưỡng chất.
Dù có nghiên cứu cho thấy việc cho sản phụ ăn thức ăn đặc sớm sau sinh mổ giúp chức năng ruột phục hồi nhanh chóng và giảm thời gian nằm viện, nhưng vẫn cần thêm các bằng chứng khác để chứng minh luận điểm này. Điều quan trọng nhất là mẹ cần lắng nghe cơ thể và tham khảo ý kiến bác sĩ để điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Cơm cữ dành cho mẹ sinh mổ: Thực đơn bổ dưỡng

Nguyên tắc xây dựng thực đơn cơm cữ cho mẹ sau sinh mổ

Trong thời kỳ sau sinh, dù cần kiêng cữ sau sinh mổ, mẹ vẫn phải tập trung vào việc bổ sung các nguồn thực phẩm lành mạnh để phục hồi cơ thể và đảm bảo dinh dưỡng cho cả mẹ và bé. Dưới đây là những nguyên tắc xây dựng thực đơn cơm cữ cho mẹ sau sinh mổ:

Chế độ ăn đa dạng, đầy đủ các nhóm chất cần thiết:

Chế độ ăn cho mẹ sinh mổ

Chú ý đến lượng calo nạp vào

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), một bà mẹ đang cho con bú cần thêm 340 đến 400 kcal mỗi ngày so với lượng họ tiêu thụ trước khi mang thai, tức tổng khoảng 2.000 đến 2.800 kcal mỗi ngày. 

Dù vậy, mẹ sau sinh cũng cần nhớ rằng nhu cầu calo của từng cá nhân rất khác nhau và phụ thuộc vào kích thước cơ thể, độ tuổi, mức độ hoạt động và lượng sữa cho con bú.

Mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ về lượng calo phù hợp với bản thân để chủ động lên kế hoạch dinh dưỡng sau sinh mổ, tránh thiếu hụt hoặc dư thừa quá nhiều dẫn đến tăng cân mất kiểm soát.

Kiêng cữ sau sinh mổ: Nên ưu tiên những món ăn dễ tiêu hóa

Lựa chọn các thực phẩm mềm, dễ tiêu sẽ giúp có thể hấp thu dinh dưỡng dễ dàng hơn, giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Mẹ nên sử dụng cách chế biến hấp luộc thay vì chiên rán nhiều dầu mỡ. Thêm vào đó, mẹ hãy chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ.

Một số món ăn phù hợp với cơm cữ dành cho mẹ sinh mổ trong những ngày đầu như: Cháo bí đỏ, cháo hạt sen, cháo bột lúa mạch; canh gà, canh rau; thịt gà luộc, cá hấp, đậu hấp, rau luộc…

Cung cấp đủ nước cho cơ thể

Phụ nữ sau sinh cần uống đủ nước, ít nhất 1.5 – 2 lít nước mỗi ngày để tránh thiếu nước sau sinh và duy trì nguồn sữa mẹ. Mẹ có thể uống nước lọc, nước khoáng, nước ép trái cây, sữa, nước canh, súp…

Gợi ý thực đơn cơm cữ dành cho mẹ sinh mổ chi tiết cho tuần đầu tiên

Thứ 2:

Thứ 3:

  • Bữa sáng: 1 bát ngũ cốc trộn với sữa và trái cây tươi
  • Bữa trưa: 1 bát cơm trắng hoặc cơm gạo lứt, 1 dĩa thịt lợn kho trứng, 1 bát canh mồng tơi nấu tôm
  • Bữa chiều: 1 ly chè đỗ đen + ½ quả táo
  • Bữa tối: 1 bát cơm trắng hoặc cơm gạo lứt, 1 dĩa thịt bò sốt vang, 1 dĩa rau cải luộc.

Thứ 4:

  • Bữa sáng: 1 bát phở gà, 1 quả cam
  • Bữa trưa: 1 bát cơm trắng hoặc cơm gạo lứt, 1 dĩa tôm rang, 1 bát canh rau ngót nấu thịt bằm
  • Bữa chiều: 2 lát bánh mì vuông nguyên cám kèm mứt dâu, 1 hộp sữa tươi
  • Bữa tối: 1 bát cơm trắng hoặc cơm gạo lứt, 1 dĩa gà kho gừng, 1 bát canh bầu nấu tôm.

Thứ 5:

  • Bữa sáng: 1 bát cháo tổ yến
  • Bữa trưa: 1 bát cơm trắng hoặc cơm gạo lứt, 1 dĩa tôm hấp, 1 bát canh cà rốt su hào nấu xương
  • Bữa chiều: 1 hộp sữa chua, 1 nửa quả bơ và một ít hạt dinh dưỡng
  • Bữa tối: 1 bát cơm trắng hoặc cơm gạo lứt, 1 dĩa thịt lợn luộc chấm mắm, 1 bát canh bí đỏ.

Thứ 6:

  • Bữa sáng: 1 bát súp gà trứng chim cút, 1 ly nước ép cam
  • Bữa trưa: 1 bát cơm trắng, 1 dĩa đậu phụ luộc, 1 bát canh đu đủ móng giò
  • Bữa chiều: 1 ly chè đậu xanh, 1 dĩa đu đủ chín
  • Bữa tối: 1 bát cơm trắng, 1 dĩa thịt vịt luộc, 1 bát canh rau ngót thịt bằm.

Thứ 7:

  • Bữa sáng: 1 bát cháo gà hạt sen, 1 dĩa trái cây tươi và 1 ly sữa tươi không/ ít đường
  • Bữa trưa: 1 bát cơm trắng hoặc cơm gạo lứt, 1 dĩa nấm hương xào hẹ, 1 bát canh sườn non nấu khoai tây và củ cải đỏ, 1 ly nước dừa tươi
  • Bữa chiều: 1 bát phở bò kèm rau sống sạch
  • Bữa tối: 1 bát cháo gạo lứt, 1 dĩa gà luộc hấp hành, 1 dĩa rau thập cẩm luộc, 1 ly sữa tươi không/ ít đường.

Chủ nhật:

  • Bữa sáng: Bánh mì trứng ốp la, 1 hộp sữa chua không đường
  • Bữa trưa: 1 bát cơm trắng, 1 dĩa tôm luộc chấm muối tiêu, 1 bát canh cải xoong nấu thịt băm, 1 ly nước chanh mật ong
  • Bữa chiều: 1 bát bún chả cá kèm rau sống sạch
  • Bữa tối: 1 bát cơm trắng, 1 dĩa thịt bò xào hành tây, 1 dĩa rau cải bó xôi luộc.

Bữa sáng cho mẹ sau sinh mổ: Ăn gì để khỏe mạnh?

Bữa sáng là bữa ăn quan trọng giúp mẹ sau sinh mổ phục hồi năng lượng sau một đêm dài. Việc ăn sáng đầy đủ, đúng giờ sẽ cung cấp dưỡng chất thiết yếu cho mẹ và duy trì nguồn sữa chất lượng cho bé.

Bữa ăn sáng cho mẹ sinh mổ

Các món ăn sáng phù hợp cho mẹ sau sinh mổ

  • Món nước: Các món bún, phở, cháo như bún bò, phở bò, phở gà, cháo gà, cháo cá hồi, cháo thịt heo băm hoặc món miến, súp… đều rất thơm ngon và dễ tiêu hóa, phù hợp làm bữa sáng cho mẹ sausinh mổ.
  • Món khô: Bánh mì nguyên cám ăn kèm trứng luộc, cơm cuộn rong biển với gà hoặc cá cung cấp năng lượng và chất xơ, hạn chế táo bón cho mẹ.
  • Nước uống: Một số lựa chọn cho mẹ sau sinh vào buổi sáng như sữa ấm ít béo, nước ép trái cây tươi (như táo, lê, cam) hoặc nước ấm pha mật ong và gừng…

Lưu ý, các món ăn sáng cần kiêng cữ sau sinh mổ vì chúng không có lợi cho sức khỏe bao gồm:

  • Đồ ăn nhanh như hamburger, khoai tây chiên
  • Đồ đóng gói, thực phẩm chế biến sẵn như mì tôm ăn liền, xúc xích, thịt xông khói…
  • Các món nhiều dầu mỡ, đường như bánh ngọt, bánh rán, trà sữa

Kiêng cữ sau sinh mổ: Mẹ nên kiêng ăn gì?

Đối với kiêng cữ sau sinh mổ, mẹ cần tránh hoặc hạn chế một số thực phẩm có thể ảnh hưởng đến quá trình hồi phục và sức khỏe tổng thể:

  • Thức ăn nhiều dầu mỡ và chiên xào: Các món như gà rán, khoai tây chiên… làm chậm quá trình tiêu hóa, gây tăng cân, nóng trong người và ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình lành vết mổ.
  • Thực phẩm sống hoặc tái: Sashimi, sushi, bò tái, tôm tái… tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch cũng như nguồn sữa mẹ.
  • Thực phẩm gây đầy hơi, khó tiêu: Các món lên men như dưa muối, kim chi, cùng thực phẩm chứa nhiều fructose (dưa hấu, mận…) hoặc nước uống có ga có thể gây chướng bụng và khó tiêu, ảnh hưởng đến việc phục hồi hệ tiêu hóa.
  • Thực phẩm dễ gây dị ứng: Ăn các món dễ gây dị ứng như hải sản, đậu phộng…, có thể khiến da nổi sần, mẩn đỏ khiến vết mổ sưng tấy, mưng mủ. Nghiêm trọng hơn, mẹ có thể gặp các triệu chứng nặng của dị ứng như khó thở, sốc phản vệ
  • Thực phẩm dễ gây viêm nhiễm, để lại sẹo: Gạo nếp, rau muống… là những thực phẩm dễ gây sẹo lồi hoặc làm vết thương sưng tấy, mưng mủ.

Mẹ sinh mổ cần kiêng thực phẩm khó tiêu hóa

  • Đồ ăn có tính hàn: Cơ thể sản phụ sau sinh mổ rất dễ bị nhiễm lạnh. Thực phẩm có tính hàn như cua, ốc, rau đay… sẽ ức chế sự ngưng tụ của máu, khiến vết mổ lâu lành.
  • Các loại quả quá chua: Axit trong các loại quả như bưởi, me, xoài xanh… có thể kích thích và khó chịu dạ dày, đồng thời giảm chất lượng sữa, làm trẻ dễ bị đau bụng hoặc tiêu chảy.
  • Thực phẩm chứa nhiều chất bảo quản: Các món như chả, bún, phở công nghiệp… không có nguồn gốc rõ ràng có thể làm suy giảm hệ miễn dịch và gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
  • Thức uống có ga, đồ uống có cồn và caffeine: Các loại nước này có thể gây rối loạn tiêu hóa, mất ngủ, suy giảm sức khỏe và làm giảm khả năng tiết sữa.
  • Thức ăn và đồ uống quá nóng hoặc quá lạnh: Đồ uống và thức ăn nóng khiến mạch máu giãn ra, dễ gây chảy máu và làm vết thương khó lành. Bên cạnh đó, cũng nên tránh đồ ăn, thức uống quá lạnh để tránh cảm lạnh do đề kháng yếu.
  • Thức ăn quá mặn: Ăn quá nhiều muối, thực phẩm muối chua, đồ hộp dễ gây tăng huyết áp, ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của mẹ.
  • Đồ ăn cay: Thực phẩm quá cay hoặc chứa các gia vị mạnh như tiêu, ớt, mù tạt có thể gây khó tiêu, nóng trong người, ảnh hưởng đến chất lượng sữa.

Việc kiêng cữ sau sinh mổ là đúng nhưng cần hợp lý, tránh kiêng khem quá mức để đảm bảo sức khỏe và sự phục hồi tối ưu cho mẹ.

Kiêng cữ sau sinh mổ: Gợi ý 18 thực đơn cho mẹ

Dưới đây là gợi ý 18 thực đơn bữa chính cho mẹ sau sinh mổ với sự kết hợp cân đối giữa các nhóm chất dinh dưỡng. Các thực đơn này đảm bảo đa dạng, dễ thực hiện, phù hợp với chế độ kiêng cữ sau sinh mổ và có thể linh hoạt thay đổi theo khẩu vị của mẹ.

  1. Thực đơn cho mẹ sau sinh mổ 1
  • Tôm rang thịt lợn
  • Canh đu đủ xanh nấu mọc
  • Rau củ luộc (cà rốt, su hào)
  • Cơm trắng hoặc cơm gạo lứt
  • Tráng miệng: chuối.
  1. Thực đơn cho mẹ sau sinh mổ 2
  • Thịt bò xào cần tây
  • Canh rau ngót nấu tôm
  • 1/2 trái bắp luộc
  • Tráng miệng: đu đủ chín.
  1. Thực đơn cho mẹ sau sinh mổ 3
  • Cá kho ít gia vị
  • Canh giò heo hầm atiso
  • Rau củ luộc
  • Cơm trắng hoặc cơm gạo lứt
  • Tráng miệng: dưa hấu.
  1. Thực đơn cho bà bầu sau sinh mổ 4
  • Thịt heo kho củ cải trắng
  • Canh gà hầm ngũ quả
  • Bắp cải luộc
  • Cơm trắng hoặc cơm gạo lứt
  • Tráng miệng: đu đủ.
  1. Thực đơn cho bà bầu sau sinh mổ 5
  • Gà kho gừng
  • Canh mướp nấu tôm
  • Rau củ luộc
  • Cơm trắng hoặc cơm gạo lứt
  • Tráng miệng: xoài chín.

Thực đơn cho mẹ sau sinh mổ

  1. Thực đơn cho bà bầu sau sinh mổ 6
  • Miến gà hầm
  • Rau củ luộc
  • Tráng miệng: cam hoặc bơ.
  1. Thực đơn cho mẹ bầu sau sinh mổ 7
  • Cháo cá lóc
  • Một quả trứng gà luộc
  • Một củ khoai lang luộc
  • Tráng miệng: cam hoặc kiwi.
  1. Thực đơn cho mẹ bầu sau sinh mổ 8
  • Mực xào rau củ
  • Canh cải xà lách xoong nấu thịt băm
  • Khoai lang luộc
  • Cơm trắng hoặc cơm gạo lứt
  • Tráng miệng: Nho.
  1. Thực đơn cho mẹ bầu sau sinh mổ 9
  • Hủ tiếu giò heo
  • Rau sống sạch ăn kèm.
  • Tráng miệng: sữa chua kết hợp trái cây tươi (kiwi, việt quất, táo).
  1. Thực đơn cho mẹ bầu sau sinh mổ 10
  • Thịt bò kho
  • Canh rong biển nấu tôm
  • Rau su su luộc
  • Cơm trắng hoặc cơm gạo lứt
  • Tráng miệng: đào.
  1. Thực đơn cho mẹ sau sinh mổ 11
  • Cá hồi áp chảo sốt chanh leo
  • Canh bí đỏ hầm sườn non
  • Rau lang luộc
  • Cơm gạo lứt
  • Tráng miệng: kiwi.
  1. Thực đơn cho mẹ sau sinh mổ 12
  • Ức gà nướng thảo mộc
  • Canh cải ngọt nấu tôm
  • Khoai lang luộc
  • Tráng miệng: sữa chua không đường.
  1. Thực đơn cho mẹ sau sinh mổ 13
  • Thịt bò xào súp lơ xanh
  • Canh cà chua nấu trứng
  • Cơm trắng hoặc cơm gạo lứt
  • Tráng miệng: lê.

Kiêng cữ sau sinh mổ

  1. Thực đơn cho mẹ sau sinh mổ 14
  • Đậu hũ non sốt nấm
  • Canh rong biển nấu tôm
  • Cơm trắng
  • Tráng miệng: 1/2 quả xoài.
  1. Thực đơn cho mẹ sau sinh mổ 15
  • Chả cá thác lác chiên
  • Canh rau cải nấu thịt băm
  • Cơm gạo lứt
  • Tráng miệng: dưa lưới.
  1. Thực đơn cho mẹ sau sinh mổ 16
  • Gà hầm bí xanh
  • Canh rau ngót nấu tôm
  • Khoai môn hấp
  • Tráng miệng: chè hạt sen táo đỏ.
  1. Thực đơn cho mẹ sau sinh mổ 17
  • Tôm hấp nước dừa
  • Rau cải thìa xào
  • Cơm trắng hoặc cơm gạo lứt
  • Tráng miệng: dưa lưới.
  1. Thực đơn cho mẹ sau sinh mổ 18
  • Cá trích sốt cà chua
  • Canh mướp nấu thịt bằm
  • Rau muống luộc
  • Cơm gạo lứt
  • Tráng miệng: táo.

Cách chăm sóc sức khỏe sau sinh mổ: Từ dinh dưỡng đến vận động

Cách làm xẹp bụng sau sinh mổ

Sau khi sinh mổ, nhiều phụ nữ vẫn thấy vòng bụng của mình trông như đang mang thai vài tháng. Điều này là do tử cung, dây chằng, da và cơ bụng bị kéo căng trong thai kỳ và cần thời gian để co hồi lại. Bên cạnh đó, đối với mẹ mổ lấy thai, quá trình phẫu thuật có thể khiến cơ vùng bụng bị tách ra và trở nên yếu đi. Đồng thời, sự tích tụ mỡ do chế độ ăn uống chưa điều chỉnh cũng khiến vùng bụng trở nên to hơn.

Đây là hiện tượng tự nhiên. Việc khôi phục vóc dáng đòi hỏi thời gian và phương pháp phù hợp. Dưới đây là một số cách làm xẹp bụng sau sinh mổ hiệu quả mà mẹ có thể tham khảo và áp dụng:

  • Nuôi con bằng sữa mẹ: Việc này đốt cháy khoảng 500 calo mỗi ngày, vừa hỗ trợ giảm cân, giảm mỡ bụng, vừa tăng cường sức khỏe cho bé.
  • Chế độ ăn uống khoa học và lành mạnh: Tăng cường thực phẩm giàu protein, chất xơ, trái cây, rau củ và ngũ cốc nguyên hạt. Đồng thời, mẹ cần giảm tiêu thụ tinh bột, đường và chất béo bão hòa để thúc đẩy quá trình giảm cân.

Ngoài ra, mẹ cũng có thể sử dụng thêm các thực phẩm tự nhiên, lành tính và có công dụng giảm cân hiệu quả như:

  • Chanh: Uống nước chanh ấm giúp thanh lọc cơ thể và hỗ trợ giảm mỡ bụng sau sinh
  • Bí đao: Giúp thanh nhiệt, mát ruột và hỗ trợ giảm béo bụng. Mẹ sau sinh mổ có thể uống trà bí đao hạt chia để giảm cân.
  • Gừng, mật ong: Trà gừng mật ong có công dụng giúp làm ấm cơ thể, tăng tiết mồ hôi và hỗ trợ giảm béo bụng.
  • Sinh hoạt điều độ: Nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đủ giấc và hạn chế căng thẳng sẽ thúc đẩy quá trình giảm cân nhanh hơn.
  • Tập thể dục: Bắt đầu bằng các bài tập nhẹ như đi bộ, yoga sau khi tham khảo ý kiến bác sĩ. Các bài tập chuyên sâu giúp săn chắc cơ bụng nên được thực hiện khi sức khỏe mẹ đã ổn định, thường từ tuần thứ 12 sau sinh mổ.
  • Massage bụng: Sau 4 tuần, mẹ có thể nhẹ nhàng xoa bóp vùng bụng để cải thiện lưu thông máu và giảm mỡ bụng.
  • Sử dụng đai nịt bụng: Nên bắt đầu đeo đai sau khi sinh 6 tuần. Lúc này, vết mổ đã cơ bản lành và sức khỏe mẹ đã hồi phục. Mẹ nên chọn loại nịt bụng có chất liệu co giãn tốt, mềm mại và không gây khó chịu. Giai đoạn đầu, chỉ nên nịt bụng 1 giờ/ngày, sau đó tăng dần theo giai đoạn phục hồi.

Lưu ý:

  • Mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu tập luyện hoặc đeo đai nịt bụng.
  • Tránh đè nén hoặc tác động mạnh lên vùng bụng khi vết mổ chưa lành hẳn.
  • Theo dõi phản ứng cơ thể khi áp dụng các phương pháp liên quan đến ăn uống và tập luyện để điều chỉnh phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Bài tập thể dục sau sinh mổ giúp mẹ nhanh phục hồi

Bài tập thể dục cho mẹ sinh mổ

Theo khuyến nghị của Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), mẹ chỉ nên bắt đầu tập luyện khi đã được bác sĩ đồng ý, thường là từ 6 đến 8 tuần sau sinh. Thời gian cụ thể phụ thuộc vào mức độ phục hồi và tình trạng sức khỏe của mẹ.

Dưới đây là một số bài tập nhẹ nhàng, giúp cải thiện nhóm cơ vùng bụng và cơ sàn chậu mà mẹ có thể thử:

1. Bài tập thở bụng

  • Nằm ngửa trên sàn hoặc giường, đặt tay lên bụng
  • Hít sâu qua mũi, để bụng phồng lên, sau đó thở ra nhẹ nhàng qua miệng, đồng thời hóp bụng lại
  • Lặp lại 5-10 lần, 3 lần mỗi ngày để kích hoạt cơ bụng sâu và thư giãn.

2. Bài tập Kegel

  • Ngồi hoặc nằm, co cơ sàn chậu như khi đang nhịn tiểu
  • Giữ cơ co trong vài giây, sau đó thả lỏng
  • Lặp lại 15-25 lần, 2-3 lần mỗi ngày để tăng cường cơ sàn chậu.

3. Bài tập co – duỗi chân

  • Nằm ngửa, gập gối, bàn chân đặt trên mặt phẳng
  • Duỗi thẳng 1 chân trên mặt phẳng, sau đó thu lại
  • Lặp lại 8-10 lần cho mỗi chân.

4. Động tác cây cầu

  • Nằm ngửa, gập gối, chân mở rộng bằng hông, bàn chân đặt trên mặt phẳng
  • Nâng mông và lưng lên khỏi sàn, giữ trong vài giây rồi hạ xuống
  • Lặp lại 4-8 lần, giúp săn chắc cơ bụng, tăng cường cơ mông và lưng dưới.

5. Bài tập gập người về trước

  • Đứng thẳng, hai tay chống lên hông
  • Duỗi thẳng hai tay qua đầu và cúi về phía trước một góc 90 độ, giữ lưng thẳng
  • Trở lại tư thế ban đầu
  • Lặp lại 4-8 lần.

6. Tư thế ngồi dựa tường

  • Đứng cách tường 30-40 cm
  • Từ từ ngả người để dựa lưng về phía tường. Đùi và cẳng chân tạo góc 90 độ
  • Giữ tư thế trong 10-20 giây, tăng dần thời gian khi sức khỏe cải thiện
  • Lặp lại 5 lần.

7. Tư thế rắn hổ mang

  • Nằm sấp, hai bàn tay đặt sát vai
  • Hít vào, đồng thời nâng đầu và cổ lên từ từ, chú ý tránh căng lưng dưới
  • Thở ra, hạ thân người xuống sàn
  • Lặp lại 4-8 lần.
Lưu ý:
  • Luôn khởi động nhẹ trước khi tập và dừng ngay nếu có dấu hiệu đau hoặc mệt mỏi
  • Tập trung vào các bài tập nhẹ nhàng, không gây áp lực lên vết mổ và vùng bụng
  • Đối với vấn đề kiêng cữ sau sinh mổ, mẹ cần tránh các bài tập nâng tạ nặng hoặc đòi hỏi cường độ cao trong ít nhất 2-3 tháng đầu sau sinh, cũng như các bài tập tác động mạnh lên cơ bụng như plank, gập bụng trong 4-6 tuần đầu.

Cách ngồi dậy sau sinh mổ đúng cách, không đau

Việc ngồi dậy đúng tư thế sau sinh mổ không chỉ giúp giảm đau, hạn chế áp lực lên vết mổ mà còn hỗ trợ tuần hoàn máu, hạn chế biến chứng và giúp cơ thể mẹ phục hồi nhanh hơn. Dưới đây là hướng dẫn từng bước cách ngồi dậy sau sinh mổ an toàn, không đau:

  • Bước 1: Nằm thẳng trên giường, nhẹ nhàng co gối lên, giữ tư thế thoải mái.
  • Bước 2: Trở người nghiêng về một bên (bên thuận), giữ tư thế này trong 2-3 phút để cơ thể thích nghi và giảm đau.
  • Bước 3: Giữ nguyên tư thế nghiêng người, đưa tay thuận lên cao ngang vai. Dùng lực chống bàn tay phía trên xuống giường, kết hợp khuỷu tay phía dưới để từ từ nâng phần thân trên.  
  • Bước 4: Khi phần thân trên đã được nâng lên, nhẹ nhàng duỗi thẳng chân để không cấn vào bụng, giảm áp lực lên vết mổ.
  • Bước 5: Sau khi đã ngồi dậy, tựa lưng vào tường hoặc đặt gối mềm sau lưng để giảm đau và hỗ trợ cơ thể.

Cách ngồi dậy sau sinh mổ

Để ngồi dậy sau sinh mổ đúng cách nhất, các mẹ cần lưu ý một số điểm dưới đây:

  • Thời gian ngồi dậy: Chỉ nên ngồi dậy sau 24 giờ kể từ khi sinh mổ để tránh nguy cơ bung vết mổ.
  • Không vội vã: Thực hiện từ từ, đúng quy trình để tránh tác động mạnh đến vết mổ.
  • Nhờ người thân hỗ trợ: Nên có người thân hỗ trợ trong những lần đầu để đảm bảo an toàn.
  • Sử dụng gối mềm: Đặt thêm gối hoặc chăn mềm phía sau lưng để tạo cảm giác thoải mái.
  • Dùng thuốc giảm đau nếu cần: Nếu đau nhiều, mẹ có thể sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ định của bác sĩ.

Giải đáp những vấn đề liên quan đến sức khỏe và kiêng cữ sau sinh mổ

1. Sinh mổ 20 ngày quan hệ có sao không?

Phụ nữ sinh mổ bao lâu mới được quan hệ? Các chuyên gia sản phụ khoa thường khuyên phụ nữ sau sinh mổ nên chờ ít nhất 6 tuần trước khi quan hệ tình dục trở lại. Thời gian này giúp cơ thể hồi phục, vết mổ lành, hết đau và tử cung co lại. Đối với những trường hợp có biến chứng hoặc sức khỏe yếu, quá trình có thể kéo dài từ 8 tuần đến 3 tháng, tùy theo khuyến cáo của bác sĩ.

Như vậy, sau sinh mổ 20 ngày đã quan hệ là quá sớm, mẹ cần kiêng cữ sau sinh mổ. Lúc này, cơ thể chưa hồi phục hoàn toàn khiến việc quan hệ có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro như:

  • Đau rát âm đạo: Hormone estrogen thấp khiến âm đạo khô, giảm đàn hồi, gây khó chịu, đau rát khi quan hệ.
  • Tổn thương vết mổ: Quan hệ quá sớm có thể tác động đến vết mổ ở bụng và tử cung, làm đau, viêm nhiễm, thậm chí bục vết mổ.
  • Nguy cơ viêm nhiễm: Tử cung và âm đạo sau sinh rất nhạy cảm, dễ bị vi khuẩn tấn công, gây viêm nhiễm hậu sản, chảy máu hoặc các bệnh lây qua đường tình dục.
  • Ảnh hưởng tâm lý: Tâm lý căng thẳng, mệt mỏi do vết mổ đau và việc chăm sóc con nhỏ có thể khiến người mẹ chưa sẵn sàng, gây cảm giác sợ hãi hoặc ức chế khi quan hệ.

Quan hệ tình dục sau sinh mổ

Theo Mayo Clinic, tốt nhất mẹ sau sinh nên chờ đến khi bác sĩ xác nhận sức khỏe đã ổn định rồi mới nên quan hệ trở lại để tránh các nguy cơ không mong muốn.

2. Đau lưng sau sinh mổ: Nguyên nhân và cách giảm đau

Đau lưng sau sinh mổ là một vấn đề phổ biến mà nhiều mẹ bầu gặp phải. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này bao gồm:

  • Tác dụng phụ của gây tê tủy sống: Thủ thuật gây tê tủy sống thường được sử dụng trong quá trình mổ lấy thai có thể khiến mẹ cảm thấy đau lưng.
  • Rò rỉ dịch não tủy: Rò rỉ dịch não tủy trong quá trình gây tê cũng có thể dẫn đến đau đầu và đau cổ, đặc biệt là khi ngồi hoặc đứng.
  • Những thay đổi về thể chất: Những thay đổi đáng kể về thể chất xảy ra trước và sau khi sinh có thể góp phần gây đau lưng. Tăng cân nhiều trong khi mang thai gây áp lực lên cột sống. Bên cạnh đó, sự thay đổi trọng tâm của cơ thể khi có bầu cũng hình thành cơn đau cột sống hoặc căng cơ.
  • Những thay đổi về hormone: Trong thời kỳ mang thai, cơ thể sản xuất ra một loại hormone gọi là relaxin, làm lỏng các dây chằng ở cột sống và chậu hông, làm tăng nguy cơ viêm khớp và dây chằng.
  • Căng thẳng: Căng thẳng hoặc lo lắng sau sinh có thể gây căng cơ, đặc biệt là ở lưng.
  • Sai tư thế: Tư thế cho con bú không đúng hoặc thiếu sự cẩn thận trong các hoạt động hàng ngày sau sinh cũng có thể gây đau lưng.
  • Các yếu tố khác: Mẹ có thể bị đau lưng sau sinh mổ do bị loãng xương hoặc quá trình viêm ở khớp và dây chằng. Ngoài ra, thiếu canxivitamin D cũng góp phần gây đau lưng.

Để giảm tình trạng đau lưng sau sinh mổ, sản phụ có thể áp dụng một số biện pháp sau:

  • Tập trung nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi là điều cần thiết để cơ thể mẹ phục hồi. Mẹ nên có tư thế nằm thoải mái, kê gối dưới lưng hoặc giữa hai chân để giảm áp lực lên cột sống. Mẹ cũng cần tránh làm việc nặng gây áp lực lên vùng lưng.
  • Chọn tư thế đúng khi cho con bú: Điều này rất quan trọng để tránh căng thẳng cho cổ và lưng dưới. Mẹ chọn tư thế thoải mái, tránh cúi hoặc khom lưng trong thời gian dài và thường xuyên thay đổi tư thế để giúp giảm đau và mệt mỏi.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng: Các bài tập nhẹ nhàng có thể giúp cơ thể phục hồi và cải thiện cơn đau.
    • Các bài tập yoga hoặc bài tập thở đơn giản có thể giúp cơ thể thư giãn.
    • Đi bộ mỗi ngày có thể làm tăng lưu lượng máu đến vùng bị ảnh hưởng và giảm sự khó chịu.
    • Pilates có thể tác động vào các cơ bụng và lưng, giúp giảm đau lưng hiệu quả, nhưng mẹ chỉ nên thực hiện khi có sự chấp thuận của bác sĩ, vì một số bài tập có thể gây ra biến chứng cho vết thương.
  • Xây dựng chế độ ăn phù hợp: Ưu tiên các loại thực phẩm chống viêm và thực phẩm giàu vitamin C, chẳng hạn như quả mọng, cải xoăn và bông cải xanh để hỗ trợ phục hồi mô. Để bổ sung đạm, mẹ nên chọn thịt gia cầm và cá, hạn chế thịt đỏ.
  • Chườm nóng và lạnh: Chườm nóng và lạnh xen kẽ có thể giúp thư giãn cơ và cải thiện lưu lượng máu đến lưng. Chườm ấm bằng các loại thảo mộc như ngải cứu hoặc lá lốt rang nóng cũng có thể giúp giảm đau.
  • Massage và bấm huyệt: Các phương pháp này có tác dụng kích thích lưu thông máu, giảm đau và giảm căng thẳng hiệu quả.
  • Sử dụng thuốc giảm đau theo chỉ dẫn của bác sĩ: Nếu các phương pháp tự nhiên không đủ hiệu quả, mẹ hãy tham khảo ý kiến ​​bác sĩ về các lựa chọn thuốc giảm đau, đặc biệt là khi đang cho con bú.

3. Tiêu chảy sau sinh mổ: Nguyên nhân và cách xử lý

Không ít bà mẹ sau sinh mổ gặp phải tình trạng tiêu chảy, gây ra nhiều bất tiện và khiến sức khỏe tổng thể giảm sút. Tình trạng này có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như:

  • Thuốc kháng sinh: Trong quá trình mổ, thuốc kháng sinh thường được sử dụng để ngăn ngừa nhiễm trùng. Tuy nhiên, chúng có thể làm mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột, dẫn đến tiêu chảy.
  • Chuyển dạ kéo dài: Việc rặn đẻ lâu trước khi sinh mổ gây áp lực lớn lên vùng chậu, làm tăng nguy cơ rối loạn tiêu hóa.
  • Chế độ ăn uống: Mẹ có thể bị tiêu chảy do ăn phải thực phẩm bị nhiễm khuẩn hoặc chế độ dinh dưỡng không hợp lý, kiêng cữ sau sinh mổ thái quá hoặc ăn quá nhiều gây “quá tải” cho hệ tiêu hóa.
  • Sức đề kháng yếu: Sau sinh, cơ thể mẹ suy yếu, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn như E.coli tấn công, dẫn đến tiêu chảy.
  • Căng thẳng sau sinh: Tâm lý căng thẳng sau sinh cũng là một yếu tố góp phần gây tiêu chảy.

Nếu tiêu chảy sau sinh mổ ở mức độ nhẹ, mẹ có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản tại nhà để cải thiện tình trạng:

  • Bổ sung đủ nước: Uống đủ nước (nước lọc, nước canh, nước điện giải…) để bù nước và tránh mất điện giải.
  • Điều chỉnh chế độ ăn: Ưu tiên thực phẩm dễ tiêu hóa, hạn chế đồ ăn dầu mỡ hoặc gia vị mạnh. Mẹ có thể tham khảo chế độ ăn BRAT để cải thiện hệ tiêu hóa và làm rắn phân lỏng.
  • Sử dụng probiotics: Bổ sung sữa chua hoặc men vi sinh để khôi phục cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột.
  • Thư giãn và nghỉ ngơi: Dành thời gian nghỉ ngơi để cơ thể phục hồi tốt và nhanh chóng hơn.

Mẹ sau sinh mổ bị tiêu chảy cần đi khám nếu:

  • Tiêu chảy kéo dài hơn 2-3 ngày mà không có dấu hiệu cải thiện
  • Có các triệu chứng nặng như sốt, mất nước, buồn nôn hoặc nôn, đau bụng dữ dội, nước tiểu sẫm màu, phân có máu/ chất nhầy
  • Cảm giác mệt mỏi, tim đập nhanh hoặc kiệt sức.

4. Kinh nguyệt sau sinh mổ: Khi nào sẽ trở lại?

Đối với các mẹ không cho con bú, kinh nguyệt thường trở lại trong vòng 6 – 8 tuần sau sinh mổ. Ngược lại, nếu bạn nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, kinh nguyệt có thể bị trì hoãn trong nhiều tháng do cơ thể tiết ra hormone prolactin và một số hormone gây ức chế sản xuất estrogen.

Sự trở lại của chu kỳ kinh nguyệt sau sinh mổ thường chịu tác động của các yếu tố sau:

  • Thay đổi nồng độ nội tiết tố
  • Người mẹ có nuôi con bằng sữa mẹ hay không
  • Tình trạng sức khỏe và kinh nguyệt của mẹ trước khi mang thai
  • Tần suất hoạt động thể chất của mẹ
  • Căng thẳng sau sinh
  • Các biện pháp tránh thai.

Khi kinh nguyệt quay lại, mẹ có thể nhận thấy chu kỳ và đặc điểm kinh nguyệt không giống như trước đây. Kỳ kinh có thể không đều, màu sắc máu kinh sẫm hơn, xuất hiện máu đông hoặc cảm giác đau bụng kinh dữ dội hơn.

Mẹ cần liên hệ bác sĩ nếu gặp bất kỳ dấu hiệu bất thường nào dưới đây:

  • Máu kinh ra quá nhiều, phải thay băng vệ sinh mỗi 2 giờ.
  • Đau bụng kinh nghiêm trọng hoặc kèm theo sốt, nhức đầu dữ dội
  • Xuất hiện cục máu đông kích thước lớn
  • Kinh nguyệt có mùi hôi
  • Đau khi tiểu tiện
  • Không có kinh trong thời gian dài sau sinh, ví dụ với trường hợp mẹ cho con bú là khoảng 1 năm.

Sau sinh mổ, chăm sóc sức khỏe toàn diện là yếu tố then chốt giúp mẹ nhanh chóng hồi phục và đảm bảo nguồn sữa chất lượng cho con. Mẹ cần ưu tiên ăn uống đủ chất, kiêng cữ sau sinh mổ đúng cách và vận động nhẹ nhàng, tránh các hoạt động gắng sức trong giai đoạn đầu. Bên cạnh đó, việc giữ tinh thần thoải mái và chủ động theo dõi các biểu hiện của cơ thể cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng.

Mẹ đừng ngần ngại mà hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi áp dụng bất kỳ chế độ dinh dưỡng hay bài tập sau sinh mổ nào. Bạn cũng có thể theo dõi và tham khảo các bài viết trên Hello Bacsi để có thêm nhiều kiến thức bổ ích về Mang thai và Nuôi dạy con.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

C-section recovery: What to expect

https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/labor-and-delivery/in-depth/c-section-recovery/art-20047310

Ngày truy cập: 07/01/2025

Early Feeding of Solid Food Following Cesarean Delivery

https://www.aafp.org/pubs/afp/issues/2002/0215/p681.html

Ngày truy cập: 07/01/2025

Dinh dưỡng cho mẹ sau sinh mổ

https://tudu.com.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/suc-khoe-sau-sanh-sau-mo/dinh-duong-cho-me-sau-sinh-mo/

Ngày truy cập: 07/01/2025

Sex after pregnancy: Set your own timeline

https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/labor-and-delivery/in-depth/sex-after-pregnancy/art-20045669

Ngày truy cập: 07/01/2025

Đau lưng sau sinh mổ

https://bvnguyentriphuong.com.vn/co-xuong-khop/dau-lung-sau-sinh-mo

Ngày truy cập: 07/01/2025

Recovery after a caesarean

https://www.pregnancybirthbaby.org.au/recovery-after-a-caesarean

Ngày truy cập: 07/01/2025

Recovering after your caesarean birth

https://www.guysandstthomas.nhs.uk/health-information/planned-elective-caesarean-birth/recovering-after-your-caesarean-birth

Ngày truy cập: 07/01/2025

Exercise After Pregnancy

https://www.acog.org/womens-health/faqs/exercise-after-pregnancy

Ngày truy cập: 07/01/2025

Phiên bản hiện tại

16/01/2025

Tác giả: Dung Nguyễn

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Linh Nguyễn


Bài viết liên quan

Vì sao trẻ sinh mổ có nguy cơ suy hô hấp cao khi giao mùa? Đâu là cách để mẹ bảo vệ bé?

Chăm bé sinh mổ: Nhận biết bệnh lý đường hô hấp qua tiếng ho của trẻ


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 2 ngày trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo