backup og meta

Trẻ tự kỷ: Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị

Trẻ tự kỷ: Nguyên nhân, dấu hiệu, chẩn đoán và điều trị

Trẻ tự kỷ thường có các dấu hiệu không rõ ràng. Do đó, nếu cha mẹ không quan tâm, theo dõi sát sẽ dễ bỏ qua những biểu hiện ban đầu đến khi nhận thấy dấu hiệu bất thường thì trẻ đã có những rối loạn nặng hơn. Điều này dẫn đến việc chẩn đoán muộn khiến trẻ không nhận được chăm sóc đặc biệt từ sớm.

Tự kỷ hay còn được gọi là rối loạn phổ tự kỷ là thuật ngữ dùng để mô tả một nhóm các tình trạng khác nhau liên quan đến sự phát triển bất thường của não bộ. Các chuyên gia ước tính chung tỷ lệ trẻ bị tự kỷ là khoảng 1 trên 100 trẻ em.

Vì là một nhóm các tình trạng đa dạng nên mỗi trẻ tự kỷ cũng sẽ gặp mức độ khó khăn trong tương tác xã hội, hành vi và giao tiếp khác nhau. Một số trẻ tự kỷ có thể sinh sống độc lập nhưng một số khác lại có nguy cơ bị khiếm khuyết chức năng nghiêm trọng và cần được hỗ trợ suốt đời. Thông thường, các đặc điểm của chứng tự kỷ có từ thời thơ ấu nhưng thường không được chẩn đoán sớm mà phải mất một khoảng thời gian lâu mới được phát hiện. Để tìm hiểu rõ và cụ thể hơn về chứng rối loạn này, mời bạn đọc tiếp bài viết sau của Hello Bacsi! 

Rối loạn phổ tự kỷ là gì? 

1. Rối loạn phổ tự kỷ là gì?

Rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ em

Rối loạn phổ tự kỷ (ASD) được định nghĩa là một rối loạn phát triển thần kinh liên quan đến các triệu chứng bao gồm:

  • Sự thiếu hụt liên tục trong giao tiếp và tương tác xã hội trong nhiều bối cảnh khác nhau, chẳng hạn như:
    • Cách tiếp cận xã hội bất thường và không thể trò chuyện xã giao, từ việc khó chia sẻ cảm xúc, sở thích cho đến không thể bắt đầu hoặc phản hồi các tương tác xã hội.
    • Khả năng giao tiếp bằng lời nói hay ngôn ngữ hình thể kém, bất thường trong giao tiếp bằng mắt hoặc khiếm khuyết trong việc hiểu và sử dụng cử chỉ, có thể hoàn toàn không có biểu cảm khuôn mặt và khả năng giao tiếp phi ngôn ngữ.
    • Có khiếm khuyết trong việc phát triển, duy trì và thấu hiểu các mối quan hệ, từ việc khó khăn trong điều chỉnh hành vi cho phù hợp các bối cảnh xã hội khác nhau cho đến khó kết bạn, khó chia sẻ những điều tưởng tượng, không quan tâm đến bạn bè xung quanh.
  • Các kiểu hành vi, sở thích hoặc hoạt động hạn chế, lặp đi lặp lại, ví dụ các trường hợp như:
    • Chuyển động vận động, sử dụng đồ vật hoặc nói những lời theo khuôn mẫu, lặp đi lặp lại.
    • Cố chấp, cứng nhắc trong thói quen hoặc các kiểu hành vi bằng lời nói/ ngôn ngữ hình thể như phải có nghi thức chào hỏi cố định, phải đi cùng một tuyến đường hoặc ăn cùng một loại thức ăn mỗi ngày, suy nghĩ cứng nhắc, cảm thấy rất khó khăn và đau khổ khi phải thay đổi.
    • Hạn chế về sở thích, có sự bất thường nhất định về cường độ hoặc mức độ tập trung như có sở thích quá mức bình thường với một điều gì đó, gắn bó mạnh mẽ với một đồ vật…
    • Phản ứng quá mức hoặc giảm phản ứng với những tác nhân tác động đến các giác quan hoặc có sở thích bất thường với một số cảm giác từ môi trường, chẳng hạn như phản ứng tiêu cực với âm thanh, mùi hương nào đó, cảm thấy mê hoặc bởi ánh sáng hoặc những chuyển động lạ, thờ ơ với cảm giác đau…

Mỗi trẻ rối loạn phổ tự kỷ đều không giống nhau cũng như có những hạn chế khác nhau, gây ra những thách thức trong việc tiếp nhận thế giới thông qua các giác quan, cơ thể và suy nghĩ. Khi các hạn chế này càng nhiều sẽ cản trở đến khả năng phát triển và học hỏi của trẻ tự kỷ. 

2. Rối loạn phổ tự kỷ và rối loạn phát triển thần kinh

Rối loạn phổ tự kỷ và rối loạn phát triển thần kinh

Bạn có thể thấy một số trẻ bị tăng động tự kỷ nhưng cũng có những trẻ lầm lì, thụ động hơn. Rối loạn phổ tự kỷ thực sự rất đa dạng, là một thuật ngữ rộng bao hàm cả các nhóm rối loạn phát triển thần kinh. Sau đây là 5 rối loạn phát triển thần kinh với các đặc trưng của chứng tự kỷ:

  • Hội chứng Asperger hay còn được phân loại là rối loạn phổ tự kỷ cấp độ 1. Trẻ tự kỷ trong nhóm này có trí thông minh cao hơn mức trung bình và kỹ năng ngôn ngữ tốt nhưng gặp khó khăn trong giao tiếp xã hội. Trẻ thường có biểu hiện không linh hoạt trong suy nghĩ và hành vi, gặp khó khăn khi chuyển đổi các hoạt động khác nhau, không có khả năng thể hiện cảm xúc trong lời nói, khó khăn trong tương tác với bạn bè và người xung quanh.
  • Hội chứng Rett là một rối loạn phát triển thần kinh hiếm gặp được phát hiện ở trẻ sơ sinh, chủ yếu ảnh hưởng ở các bé gái. Trẻ tự kỷ thuộc hội chứng này gặp khó khăn trong hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống nhưng nếu được chăm sóc phù hợp thì trẻ vẫn có thể tận hưởng cuộc sống trọn vẹn. Trẻ mắc hội chứng Rett sẽ mất khả năng vận động và phối hợp như bình thường, hạn chế trong việc giao tiếp và nói chuyện, khó thở trong một số trường hợp. 
  • Rối loạn phân rã ở trẻ em (Childhood disintegrative disorder – CDD), còn có các tên gọi khác là hội chứng Heller, loạn thần tan rã. Đây là rối loạn phát triển thần kinh được xác định bởi sự khởi phát muộn các vấn đề phát triển về ngôn ngữ, kỹ năng vận động hoặc chức năng xã hội. Trẻ có thể vẫn phát triển bình thường rồi gặp phải trở ngại sau 3 tuổi và kéo dài đến 10 tuổi, khiến trẻ bị hạn chế kỹ năng hoặc khả năng ở một số khía cạnh (như mất khả năng ngôn ngữ, sử dụng từ vựng, kỹ năng đi vệ sinh, kỹ năng xã hội, kỹ năng vận động). Điều này có thể khiến các bậc phụ huynh bất ngờ và sốc tâm lý vì không hề nghĩ con mình bị rối loạn phổ tự kỷ. Rối loạn phân rã ở trẻ em phổ biến hơn ở các bé trai, 9/10 trường hợp mắc phải rối loạn này là ở bé trai. 
  • Hội chứng Kanner, một rối loạn tự kỷ điển hình. Trẻ mắc hội chứng Kanner thường có vẻ ngoài thu hút, thông minh cùng với các đặc trưng cơ bản của rối loạn như thiếu gắn bó về mặt tình cảm với người khác, gặp khó khăn về giao tiếp và tương tác, không kiểm soát được lời nói, rối loạn ám ảnh với việc cầm nắm đồ vật, có khả năng ghi nhớ thuộc lòng và nhận thức không gian tốt nhưng gặp nhiều khó khăn trong các lĩnh vực khác. 
  • Rối loạn phát triển lan tỏa, không biệt định (PDD-NOS). Đây là một dạng tự kỷ nhẹ và sẽ biểu hiện một loạt các triệu chứng, phổ biến nhất là gặp khó khăn trong phát triển ngôn ngữ và xã hội. Trẻ thường chậm phát triển ngôn ngữ, chậm đi và các kỹ năng vận động khác. Cha mẹ có thể quan sát và nhận thấy trẻ có những khiếm khuyết ở một số kỹ năng, chẳng hạn như tương tác với người khác.

Nguyên nhân trẻ tự kỷ

Nguyên nhân trẻ tự kỷ

Các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây ra rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ nhỏ. Rối loạn này có thể xuất hiện do gene hoặc cấu trúc não có vấn đề cũng như các hóa chất trong não tiết ra bất thường.

Một số yếu tố được cho là khiến trẻ có nhiều nguy cơ mắc chứng tự kỷ hơn, bao gồm các yếu tố môi trường và di truyền, chẳng hạn như:

  • Cha mẹ sinh con khi tuổi tác đã cao
  • Sinh con trước đó bị tự kỷ hoặc gia đình có thành viên bị tự kỷ
  • Tiếp xúc với độc tố trong môi trường trước hoặc sau khi sinh
  • Nhiễm trùng nặng như viêm màng não hoặc viêm não dẫn đến tổn thương não
  • Biến chứng khi sinh dẫn đến tình trạng não trẻ bị thiếu oxy
  • Sinh non rất sớm hoặc cân nặng khi sinh rất thấp
  • Nhiễm trùng trước khi sinh.

Dấu hiệu trẻ tự kỷ

Dấu hiệu tự kỷ ở trẻ em

Dấu hiệu trẻ tự kỷ thường liên quan đến các vấn đề bất thường trong giao tiếp, tương tác xã hội cũng như có hành vi hoặc sở thích hạn chế, có tính lặp đi lặp lại. Một số trẻ không bị rối loạn phổ tự kỷ cũng có thể biểu hiện một số triệu chứng tương đồng nhưng dấu hiệu tự kỷ của trẻ thật sự gây cản trở đến cuộc sống, khiến trẻ gặp rất nhiều khó khăn.

Sau đây là các nhóm dấu hiệu và triệu chứng tự kỷ ở trẻ mà cha mẹ nên chú ý quan sát, theo dõi để kịp thời đưa trẻ đi khám nếu thấy nghi ngờ.

1. Gặp vấn đề trong kỹ năng giao tiếp và tương tác xã hội

Trẻ tự kỷ thường cảm thấy khó khăn khi học các kỹ năng giao tiếp và tương tác xã hội. Do đó, bạn có thể nhận thấy một vài dấu hiệu tự kỷ ở trẻ như:

  • Né tránh hoặc không giữ giao tiếp bằng mắt được lâu
  • Trẻ được 9 tháng tuổi, không phản ứng khi nghe gọi tên 
  • Không biểu lộ cảm xúc trên khuôn mặt như vui, buồn, tức giận, ngạc nhiên khi được 9 tháng tuổi
  • Không chơi các trò chơi tương tác đơn giản như ú òa khi được 12 tháng tuổi.
  • Rất ít hoặc không biểu hiện cử chỉ nào khi được 12 tháng tuổi, như không vẫy tay tạm biệt.
  • Không chia sẻ sở thích với người khác khi được 15 tháng tuổi.
  • Không chia sẻ điều thú vị cho cha, mẹ hoặc người thân khi được 18 tháng tuổi.
  • Không nhận ra người khác đang buồn bã, tổn thương khi được 2 tuổi.
  • Không để ý đến những đứa trẻ khác và không tham gia chơi cùng chúng khi trẻ 3 tuổi.
  • Không có xu hướng chơi đóng kịch, nhập vai thành các nhân vật khác như giả làm cô giáo hoặc siêu nhân khi đã 4 tuổi.
  • Không hát, nhảy hoặc hành động bắt chước người khác khi trẻ được 5 tuổi.

2. Hành vi hoặc sở thích hạn chế hoặc lặp đi lặp lại

Biểu hiện của trẻ tự kỷ có thể dễ nhận thấy khi có những điều bất thường trong hành vi và sở thích, bao gồm:

  • Xếp đồ chơi hoặc các đồ vật ngay ngắn, theo thứ tự nhất định và rất bực tức khi bị thay đổi.
  • Lặp lại một số từ hoặc cụm từ nhiều lần, thường là những từ kỳ quặc.
  • Chơi đồ chơi theo đúng 1 cách ở mỗi lần chơi.
  • Tập trung vào một số bộ phận đặc biệt của các đồ vật, chẳng hạn như thích bánh xe.
  • Bực tức, cáu gắt khi có những thay đổi nhỏ không đúng ý.
  • Có xu hướng bị ám ảnh, chiếm hữu.
  • Phải tuân theo một số thói quen nhất định.
  • Hay đập tay, lắc đầu, lắc người hoặc xoay tròn.
  • Có phản ứng bất thường với mọi thứ phát ra âm thanh, mùi, vị, hình dạng hoặc các yếu tố kích thích đến cảm xúc.

3. Các dấu hiệu khác ở trẻ tự kỷ

Hầu hết trẻ mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ sẽ có những đặc điểm liên quan khác như:

  • Chậm phát triển ngôn ngữ
  • Chậm phát triển kỹ năng vận động
  • Chậm phát triển nhận thức hoặc kỹ năng học tập
  • Hành vi hiếu động thái quá, bốc đồng hoặc mất tập trung
  • Động kinh hoặc rối loạn co giật
  • Thói quen ăn uống và ngủ nghỉ bất thường
  • Các vấn đề đường tiêu hóa (như táo bón)
  • Tâm trạng hoặc phản ứng cảm xúc bất thường
  • Lo âu, căng thẳng hoặc cảm giác lo lắng quá mức
  • Không cảm thấy sợ hãi hoặc sợ hãi hơn mức bình thường.
Dấu hiệu tự kỷ ở mỗi trẻ sẽ không giống nhau, trẻ có thể không có hết tất cả những biểu hiện kể trên hoặc có thêm những triệu chứng khác. Nếu nghi ngờ con mắc phải rối loạn phổ tự kỷ, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ chuyên môn kiểm tra, đánh giá và đưa ra chẩn đoán chính xác.

Trẻ bị tự kỷ được chẩn đoán như thế nào? 

chẩn đoán trẻ mắc hội chứng tự kỷ

Các bác sĩ sẽ dựa trên một số hướng dẫn đưa ra chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ dưới 2 tuổi. Trẻ được chẩn đoán sớm có thể được điều trị ngay lập tức. Việc chẩn đoán rối loạn phổ tự kỷ thường dựa trên 2 nguồn thông tin chính là:

Nhiều chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên tất cả trẻ em nên được kiểm tra rối loạn phổ tự kỷ cũng như các rối loạn phát triển khác trước tuổi lên 2 và thường tìm kiếm các vấn đề sau đây khi khám cho bé:

  • Không bập bẹ, chỉ trỏ hoặc làm cử chỉ khi được 12 tháng tuổi.
  • Không nói được từ nào khi được 16 tháng tuổi.
  • Không biết dùng cụm từ gồm 2 từ khi chạm mốc 2 tuổi hoặc chỉ lặp đi lặp lại từ ngữ, bắt chước âm thanh của người, vật xung quanh.
  • Không giao tiếp bằng ánh mắt dù đã 3 – 4 tháng tuổi.

Không có xét nghiệm nào giúp phát hiện và làm cơ sở chẩn đoán cho rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ. Tuy nhiên, bác sĩ có thể đề nghị thực hiện xét nghiệm di truyền để kiểm tra các biến thể gene liên quan đến chứng tự kỷ để thu hẹp nguyên nhân gây ra sự khác biệt trong hoạt động não bộ của trẻ. Từ đó, bác sĩ có thể đưa ra những phương pháp hỗ trợ trẻ tự kỷ hiệu quả.

Điều trị và phòng ngừa 

1. Điều trị

điều trị hội chứng rối loạn phổ tự kỷ

Điều mà nhiều cha mẹ muốn biết nhất khi con nhận chẩn đoán bị rối loạn phổ tự kỷ chính là “trẻ tự kỷ có chữa được không?“. Thực tế, rối loạn phổ tự kỷ không được xem như một căn bệnh thực thể để có thể chữa trị hoàn toàn vì đây chỉ là trường hợp não bộ có cách hoạt động khác với bình thường. Do đó, các biểu hiện tự kỷ sẽ luôn tồn tại dưới một hình thức nào đó, ngay cả khi các dấu hiệu nhận thấy ít dần theo thời gian.

Các chuyên gia sẽ đưa ra những phương pháp giúp điều hòa cảm giác cho trẻ tự kỷ, xử lý những khía cạnh gây thách thức đến khả năng của trẻ hoặc ngăn cản trẻ phát huy điểm mạnh. Việc này bao gồm một loạt các liệu pháp giúp trẻ xây dựng các kỹ năng cần thiết. Thực hiện những liệu pháp hỗ trợ này càng sớm, lý tưởng nhất là khi trẻ dưới 3 tuổi, thì càng có hiệu quả về lâu dài, cũng như mang lại nhiều lợi ích tích cực cho trẻ.

Các liệu pháp hỗ trợ, xử lý hành vi của trẻ tự kỷ gồm:

  • Liệu pháp hành vi, như phân tích hành vi ứng dụng (ABA)
  • Liệu pháp gia đình
  • Liệu pháp ngôn ngữ
  • Liệu pháp nghề nghiệp

Ngoài ra, trẻ tự kỷ cũng cần điều trị các tình trạng, bệnh lý đồng mắc khác kèm theo như:

Các tình trạng, bệnh lý đi kèm chứng tự kỷ sẽ được điều trị bằng những phương pháp như:

2. Phòng ngừa

Không có cách nào giúp ngăn ngừa rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ nhỏ. Điều nên làm là nhận biết để chẩn đoán sớm và có biện pháp can thiệp hỗ trợ hữu ích để cải thiện hành vi, kỹ năng và sự phát triển của trẻ. Các liệu pháp này có ích cho mọi lứa tuổi.

Mỗi trẻ tự kỷ đều có những biểu hiện khác nhau, không bị hết các triệu chứng của rối loạn phổ tự kỷ nên có thể thể học cách sử dụng các kỹ năng và có cuộc sống tốt.

Trẻ tự kỷ và các thắc mắc thường gặp

trẻ mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ

1. Dấu hiệu trẻ tự kỷ sớm là gì? Trẻ tự kỷ thường có hành vi nào? 

Dấu hiệu trẻ tự kỷ sớm, dấu hiệu trẻ tự kỷ dưới 6 tháng hoặc dưới 12 tháng thường thấy có các hành vi như là:

  • Không thể hiện sự thích thú trên gương mặt
  • Không giao tiếp bằng mắt
  • Không phản ứng khi được gọi tên hoặc nguồn phát ra âm thanh, có khi không giật mình khi nghe thấy tiếng động lớn
  • Không quan tâm đến các trò chơi mà bình thường trẻ nhỏ thích thú
  • Không làm các cử chỉ tay chân, chẳng hạn như không biết đưa tay để đòi bế
  • Không nói bập bẹ hoặc phát ra âm thanh như tiếng cười, khóc, la hét khi thích thú hoặc khó chịu, tức giận.

Vậy trẻ tự kỷ có bám mẹ không? Có thể thấy trẻ tự kỷ thường khó khăn trong việc biểu lộ cảm xúc và sẽ không có xu hướng bám mẹ hay gắn bó thân thiết với một người nào.

Với trẻ sơ sinh chưa có khả năng ngôn ngữ, chỉ “giao tiếp” qua tiếng khóc thì việc nhận biết trẻ tự kỷ qua tiếng khóc cũng đã được nghiên cứu và cho thấy cơ sở tiềm năng. Qua các nghiên cứu, tiếng khóc trẻ tự kỷ được ghi nhận qua thiết bị theo dõi âm thanh thường có những đặc điểm như:

  • Cao độ cao hơn bình thường
  • Tiếng khóc thể hiện sự căng thẳng, khó chịu ở mức cao
  • Khóc dai dẳng, khóc nhiều và rất khó dỗ. 

Tuy nhiên, các nghiên cứu vẫn còn hạn chế vì chỉ thực hiện trên quy mô nhỏ và cần có thiết bị theo dõi âm thanh để phân tích tiếng khóc của trẻ. Nếu thấy trẻ có những biểu hiện khác thường thì hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được kiểm tra, tư vấn về tình trạng của con.

2. Các dấu hiệu trẻ tự kỷ 2-3 tuổi mà bố mẹ có thể nhận biết là gì?  

Dấu hiệu trẻ tự kỷ 2-3 tuổi hay 2 tuổi trở lên nói chung thường là:

  • Khó khăn trong giao tiếp với mọi người xung quanh, không hòa nhập và thích thu mình trong thế giới riêng, có xu hướng không chơi chung với những trẻ khác cùng độ tuổi.
  • Thích chơi một số đồ vật nhất định, quan sát kỹ hình dạng, màu sắc của đồ vật nhưng không quan tâm đến công dụng của chúng.
  • Không có trí tưởng tượng sáng tạo trong các hoạt động vui chơi, học tập.
  • Khó khăn khi phải thích nghi với những thay đổi trong sinh hoạt hằng ngày và môi trường xung quanh, thường bắt mọi người tuân thủ theo nếp sinh hoạt cố định.
  • Có thể kháng cự, không hợp tác hoặc tăng động quá mức, hành vi bốc đồng, hung hăng.

Một số người nhận thấy trẻ tự kỷ hay đi nhón chân, điều này có đúng không? Tại sao trẻ tự kỷ thường đi nhón chân? Thực tế, trẻ hay có thói quen đi nhón chân từ khoảng 1 tuổi, khi bắt đầu tập đi và tự dừng hành động này khi được 2 tuổi. Tuy nhiên, trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ lại hình thành thói quen đi nhón chân lâu hơn có thể do nhiều lý do, như bị rối loạn xử lý giác quan, rối loạn tiền đình gây cảm giác mất thăng bằng, trương lực cơ yếu, nhạy cảm quá mức từ các cơ ở chân. Trường hợp trẻ tự kỷ đi nhón chân cần được can thiệp hỗ trợ khắc phục sớm để tránh những rủi ro tai nạn hoặc gây ảnh hưởng đến các cơ vận động ở chân.

3. Làm thế nào để dạy trẻ tự kỷ tập nói? 

dạy trẻ bị hội chứng rối loạn phổ tự kỷ tập nói

Trẻ tự kỷ chậm nói là hiện tượng thường xảy ra, cũng như trẻ sẽ gặp khó khăn trong giao tiếp và có xu hướng muốn nói chuyện rất trễ. Các báo cáo cho thấy trẻ tự kỷ thường bắt đầu tập nói và học hỏi từ môi trường xung quanh từ 6 tuổi trở đi. Để dạy trẻ tự kỷ tập nói cha mẹ cần kiên nhẫn hỗ trợ con bằng cách:

  • Giúp trẻ tăng tương tác với thế giới bên ngoài
  • Để ý đến sở thích và những điều mà trẻ quan tâm để tạo sự kết nối, thúc đẩy bé nói chuyện
  • Sử dụng ngôn từ đơn giản để trẻ dễ làm quen và lặp lại
  • Tập giao tiếp phi ngôn ngữ bằng các cử chỉ, hành động để trẻ có thể nhận biết
  • Dạy trẻ về các đồ vật và cảm giác liên quan
  • Dùng các thiết bị công nghệ hỗ trợ, kích thích sự hứng thú của trẻ
  • Giao tiếp bằng ánh mắt với trẻ
  • Cho con không gian riêng và thời gian để học nói
  • Tham gia vào câu lạc bộ dành cho trẻ tự kỷ. 

Bạn có thể nghe được rất nhiều phương pháp dạy trẻ tự kỷ chậm nói thành công, thế nhưng điều quan trọng là hãy nhẫn nại và tin tưởng con mình. Mỗi trẻ sẽ có những phản ứng, hành vi khác nhau nên đừng so sánh với các trường hợp khác mà bạn nghe thấy. Trẻ tự kỷ không chỉ cần được dạy về cách tập nói mà còn phải được quan tâm chăm sóc về nhiều mặt. Vì vậy, bố mẹ cần tìm hiểu thật kỹ về tình trạng của con cũng như những biện pháp hỗ trợ trẻ phát triển.

4. Cách dạy trẻ rối loạn phổ tự kỷ hiệu quả? Có nên cho trẻ tự kỷ học trường chuyên biệt không?

Cách dạy trẻ rối loạn phổ tự kỷ hiệu quả

Gia đình là môi trường tốt nhất giúp trẻ tự kỷ phát triển vì đó là môi trường quen thuộc, giúp trẻ cảm thấy thoải mái, an tâm và bắt đầu khả năng thực hành, luyện tập các kỹ năng cần thiết. Cha mẹ khi tìm hiểu cách dạy trẻ rối loạn phổ tự kỷ cần kiên nhẫn, nắm vững các nguyên tắc giáo dục cũng như tìm cách để thấu hiểu con mình. Bạn có thể tìm hiểu, tham khảo thêm các sách về tự kỷ, các bộ sách hỗ trợ trẻ tự kỷ để biết thêm thông tin cũng như cách dạy dỗ trẻ hữu hiệu, chẳng hạn như:

  • Thúc đẩy giao tiếp – 300 trò chơi và các hoạt động cho trẻ tự kỷ. Tác giả: Simone Griffin – Dianne Sandler. Nhà xuất bản Phụ Nữ.
  • Hướng dẫn cha mẹ thực hành trị liệu hoạt động cho trẻ tự kỷ. Tác giả: Cara Koscinski. Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam.
  • Bộ sách “Con về” và  “Con về không phải bởi phép màu“. Tác giả: Đỗ Hải Ninh. Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam.
  • Nuôi dạy trẻ có rối loạn phổ tự kỷ trong môi trường gia đình. Nhiều tác giả (chủ biên: GS. TS. BS Nguyễn Thanh Liêm). Nhà xuất bản Phụ Nữ.
  • Những đứa trẻ mộng mơ. Nhiều tác giả (chủ biên: GS. TS Nguyễn Thanh Liêm). Nhà xuất bản Phụ Nữ.

Để cách dạy trẻ rối loạn phổ tự kỷ có hiệu quả, bạn cần lưu ý những điều sau:

  • Bắt đầu từ những đồ vật, hoạt động mà trẻ yêu thích để tiếp cận được đến thế giới riêng của con.
  • Kiên trì thực hiện việc dạy dỗ vì trẻ tự kỷ thường không chú ý tập trung và tương tác ngay từ ban đầu.
  • Luôn tạo không khí vui vẻ, thoải mái để trẻ có hứng thú tham gia các hoạt động. Tránh việc bắt ép, đe dọa có thể khiến trẻ phản kháng mãnh liệt.
  • Dạy trẻ mọi lúc, mọi nơi, trong bất kỳ tình huống, hoạt động nào của gia đình.

Khi trẻ đến độ tuổi đi học, tùy theo mức độ rối loạn phổ tự kỷ của con mà cha mẹ nên lựa chọn môi trường giáo dục phù hợp. Hãy trao đổi với các chuyên gia, bác sĩ để đưa ra lựa chọn tốt nhất với trẻ. Trẻ tự kỷ có đi học được không thì hoàn toàn được nhưng cần đưa con đến trường có chương trình giáo dục đặc biệt.

Như vậy, việc có nên cho trẻ tự kỷ học trường chuyên biệt không thì chắc chắn câu trả lời là nên. Tại đó, trẻ tự kỷ sẽ được tiếp xúc với mô hình giáo dục chuyên biệt để vừa có khả năng học tập theo các chương trình phù hợp với khả năng của  trẻ, lại vừa được theo dõi, thăm khám, can thiệp trị liệu để quá trình phục hồi khả năng nhận thức tích cực hơn. Bạn có thể tham khảo một số trung tâm, trường cấp 1 cho trẻ tự kỷ tại Thành phố Hồ Chí Minh để tìm hiểu về môi trường học tập cho trẻ tự kỷ:

  1. Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục Hoa Cúc Trắng. Địa chỉ: 35 Xô Viết Nghệ Tĩnh, phường 24, quận Bình Thạnh.
  2. Trung tâm dạy trẻ tự kỷ Hướng Dương. Địa chỉ: 30/4 Nguyễn Cửu Vân, phường 7, quận Bình Thạnh.
  3. Trường giáo dục chuyên biệt Tương Lai. Địa chỉ: 27-29 Ngô Quyền, phường 10, quận 5.
  4. Trung tâm giáo dục Rồng Việt. Địa chỉ: 122 Phan Xích Long, phường 3, quận Bình Thạnh.
  5. Trung tâm giáo dục hòa nhập Nhân Hòa. Địa chỉ: 16 Đường 18, phường 8, quận Gò Vấp.
  6. Trường hòa nhập Trí Đức Việt. Địa chỉ: 774 Thống Nhất, phường 15, quận Gò Vấp.
  7. Trường chuyên biệt dành cho trẻ tự kỷ quốc tế Thảo Điền. Địa chỉ: 10 Đường số 12, phường Thảo Điền, quận 2.

Tại Hà Nội, các phụ huynh có thể tham khảo các trung tâm sau:

  1. Trung tâm giáo dục chuyên biệt NHC Việt Nam. Địa chỉ: Số nhà 235, phố Quan Hoa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội
  2. Trung tâm Happy House. Địa chỉ: 1 Ngõ 1 Hoàng Ngọc Phách, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội
  3. Trung tâm Tuệ Quang. Địa chỉ: Số 11 ngõ 25 Trần Hữu Tước, Q. Đống Đa, Hà Nội
  4. Trung tâm Phục hồi chức năng trẻ em VietHealth. Địa chỉ: Ngõ 26 Vạn Phúc, Q. Ba Đình, Hà Nội.
  5. Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP). Địa chỉ: Số 48, Tổ 39, Ngõ 251/8 Nguyễn Khang, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

5. Cha mẹ cần làm gì khi con bị tự kỷ?

Cha mẹ cần làm gì khi con bị tự kỷ?

Khi biết con mình bị rối loạn phổ tự kỷ, cha mẹ cần cố gắng giữ tinh thần và hỗ trợ trẻ phát triển tốt các khả năng có thể, để cải thiện các kỹ năng sống cũng như đảm bảo cho con có khả năng hòa nhập với cộng đồng. Khi con bị tự kỷ, cha mẹ cần làm:

  • Tìm hiểu càng nhiều càng tốt về các dạng rối loạn phổ tự kỷ để có kiến thức đúng.
  • Kết nối với cộng đồng các gia đình cũng có con mắc chứng tự kỷ.
  • Tạo ra nếp sống và thói quen nhất quán.
  • Tìm kiếm sự trợ giúp từ các chuyên gia, bác sĩ.
  • Hiểu về các quyền liên quan đến giáo dục, đánh giá và nhận trị liệu cho trẻ tự kỷ.
  • Chú ý đến sức khỏe thể chất và tinh thần cho toàn bộ thành viên trong gia đình.
  • Tìm kiếm các nguồn lực hỗ trợ trẻ tự kỷ như các tổ chức ở địa phương và quốc gia.

6. Trẻ bị tự kỷ lớn lên sẽ như thế nào? Trẻ tự kỷ sống được bao lâu? 

Trẻ tự kỷ vẫn có thể lớn lên bình thường và có một cuộc sống tốt đẹp như những người khác nếu được chăm sóc, hỗ trợ phù hợp. Người tự kỷ cũng có những điểm mạnh và điểm yếu nên nếu biết cách phát huy tốt các điểm mạnh sẽ giúp người tự kỷ đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, chứng tự kỷ là một phổ rối loạn rất đa dạng liên quan đến não bộ từ nhẹ đến nặng, tức là không phải người tự kỷ nào cũng như nhau. Một số người bị tự kỷ với khiếm khuyết chức năng nghiêm trọng sẽ cần có sự giúp đỡ, chăm sóc hàng ngày trong suốt cuộc đời.

Một tín hiệu đáng mừng là đã có nghiên cứu phát hiện ra một số trẻ em được chẩn đoán mắc rối loạn phổ tự kỷ khi còn nhỏ và can thiệp hiệu quả sẽ có thể mất dần các triệu chứng khi lớn lên. Nghiên cứu cho thấy trẻ tự kỷ có khả năng tiến triển với những liệu pháp chuyên sâu, giúp trẻ có cuộc sống tốt hơn.

Vấn đề trẻ tự kỷ sống được bao lâu thì không có nhiều số liệu thống kê. Một nghiên cứu từ Viện Karolinska Thụy Điển theo dõi hơn 27.000 người được chẩn đoán mắc rối loạn phổ tự kỷ ở quốc gia này từ năm 1987 – 2009 và so sánh với khoảng 2,6 triệu người không bị tự kỷ. Kết quả cho thấy tuổi thọ trung bình của toàn dân là 70 tuổi. Trong khi đó, nhóm người rối loạn phổ tự kỷ có tuổi thọ trung bình là 54 tuổi và nhóm có khuyết tật nhận thức chỉ có tuổi thọ dưới 40 tuổi. Nguyên nhân khiến tuổi thọ của người rối loạn phổ tự kỷ thấp hơn bình thường liên quan đến bệnh tim mạch, tự tử và động kinh.

7. Các dấu hiệu dễ gây nhầm lẫn trẻ tự kỷ với trẻ bình thường là gì? Trẻ tự kỷ có hay cười không? 

Trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ có hay cười không?

Một số dấu hiệu có thể khiến cha mẹ nhầm lẫn con mình bị tự kỷ và lo lắng thái quá, chẳng hạn như:

  • Trẻ chậm nói, kém tập trung hơn những đứa trẻ khác
  • Giao tiếp ngôn ngữ kém, phản xạ kém
  • Trẻ bình thường nhưng mắc phải các bệnh lý khác có triệu chứng khá giống tự kỷ như khuyết tật thính giác, bệnh u xơ cứng củ, hội chứng Williams…

Thực tế, một số trẻ chậm phát triển hơn bạn bè đồng trang lứa nhưng vẫn có khả năng vận động thể chất và tinh thần bình thường. Ngoài ra, trẻ không có biểu hiện né tránh giao tiếp bằng mắt, có thể nhận ra cảm xúc của người khác và kết nối tốt với người thân, nghe hiểu mọi người nói chuyện thì phần lớn là trẻ không mắc chứng tự kỷ. Tốt nhất, cha mẹ nên đưa con đi khám ở một vài nơi để được kiểm tra và nhận được chẩn đoán đúng về vấn đề đang gặp phải ở trẻ, từ đó có cách can thiệp khắc phục hợp lý.

Xét về biểu cảm, nhiều cha mẹ còn băn khoăn không biết trẻ tự kỷ có hay cười không khi thấy con mình cười nhiều. Trẻ cười bình thường sẽ cần biểu hiện cảm xúc trên khuôn mặt cùng với ánh mắt hướng về người khác. Tuy nhiên, những trẻ tự kỷ hay có khiếm khuyết trong khía cạnh này nên hầu như trẻ tự kỷ rất ít cười. Một nghiên cứu thực hiện bởi Đại học California – Davis (Hoa Kỳ) cho thấy, những đứa trẻ thiếu giao tiếp, không có khả năng ngôn ngữ và tiếng cười khi được 6 tháng tuổi có nhiều khả năng bị rối loạn phổ tự kỷ.

8. Tình trạng rối loạn giấc ngủ ở trẻ tự kỷ có phổ biến không? Làm thế nào để bé ngủ ngon? 

Nghiên cứu cho thấy 80% trẻ tự kỷ gặp phải vấn đề về giấc ngủ, thường có khả năng bị khó ngủ. Tình trạng rối loạn giấc ngủ có thể là một phần của rối loạn phổ tự kỷ ở một số trẻ. Nguyên nhân có thể là do có một thành phần hóa chất được sản sinh ra gây khó ngủ ở trẻ tự kỷ.

Nếu thấy trẻ có dấu hiệu mất ngủ, khó ngủ, ngủ không đủ giấc (thiếu ngủ) thì cha mẹ nên thử áp dụng một số cách giúp tạo môi trường thoải mái cho trẻ khi ngủ, bao gồm:

Nếu bạn đã thử mọi cách nhưng trẻ vẫn gặp phải những vấn đề giấc ngủ thì nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ.

9. Trẻ tự kỷ sợ gì nhất? 

Trẻ tự kỷ sợ gì nhất

Trẻ tự kỷ thường có cảm giác sợ hãi trước những tác nhân hay trong các trường hợp trông có vẻ bình thường, chẳng hạn như:

  • Sợ âm thanh lớn, âm thanh xuất hiện bất ngờ
  • Sợ ánh sáng mạnh, chói, bao gồm cả ánh sáng mặt trời
  • Sợ không gian nhỏ hẹp hoặc không gian quá đông người, hỗn loạn (sợ đám đông)
  • Tiếp xúc với người lạ
  • Sợ một số đồ vật không hiểu lý do như gấu bông, búp bê, chú hề, bong bóng, con lắc…
  • Sợ một số chất liệu như một số loại vải
  • Sợ thang máy, bậc thang, cửa cuốn, cửa kính xoay tròn…

Mỗi trẻ tự kỷ sẽ có những nỗi sợ khác nhau và mức phản ứng với những tác nhân gây sợ hãi cũng khác nhau. Bạn chỉ có thể quan sát và ghi nhận để biết con mình sợ điều gì nhất, từ đó hạn chế các trường hợp để trẻ tiếp xúc với điều đó.

10. Trẻ bị tự kỷ và trầm cảm có gì khác nhau? 

Tự kỷ và trầm cảm là hai vấn đề khác nhau, trẻ bị tự kỷ không có nghĩa là bị trầm cảm và ngược lại. Để phân biệt hai khái niệm này, bạn có thể xem bảng tóm tắt dưới đây:

Tự kỷ Trầm cảm
Phân loại Thuộc nhóm rối loạn phát triển thần kinh Thuộc nhóm rối loạn cảm xúc (rối loạn khí sắc)
Đặc điểm chính – Thiếu hụt về giao tiếp và tương tác xã hội.
– Hạn chế về hành vi và sở thích, thường lặp đi lặp lại.
– Khí sắc trầm buồn.

– Mất sự quan tâm thích thú.

– Cạn kiệt năng lượng.

Một số dấu hiệu đi kèm – Không biết tương tác với người khác.

– Không biết cách kết bạn và duy trì mối quan hệ.

– Không nhận biết, phân biệt được thái độ, hành vi của người khác.

– Có thể kèm theo chậm phát triển.

– Có thể kèm theo rối loạn các giác quan như thính giác, thị giác, khứu giác…

– Thể hiện sự chán nản, mất hứng thú, niềm vui trong cuộc sống.

– Cảm giác tội lỗi hoặc bản thân thấp kém.

– Có một số triệu chứng phổ biến về rối loạn hành vi nhận thức, rối loạn ăn uống, rối loạn giấc ngủ.

– Giảm tập trung chú ý.

Nguyên nhân – Chưa rõ nguyên nhân chính xác. Các yếu tố nguy cơ đang được nghiên cứu liên quan đến gene, chất dẫn truyền thần kinh.

– Các triệu chứng xuất hiện từ khi còn nhỏ, ở trẻ dưới 3 tuổi, không phải do tác động từ người xung quanh.

– Mang tính bẩm sinh.

– Chưa rõ nguyên nhân nhưng có 2 giả thuyết được đưa ra là giả thuyết về sinh học và giả thuyết về tâm lý xã hội.

– Thường xuất hiện sau hoặc cùng với tác động từ bên ngoài.

Dấu hiệu trầm cảm có thể xuất hiện bất kỳ độ tuổi nào, không nhất thiết từ khi sinh ra.

11. Có thể chữa lành não bộ cho trẻ tự kỷ được không? 

Có thể chữa lành não bộ cho trẻ tự kỷ được không? 

Hỗ trợ sức khỏe não bộ rất quan trọng với tất cả mọi người, nhất là ở những trẻ tự kỷ. Nghiên cứu cho thấy mạch máu não ở những người bị tự kỷ không ổn định, khiến lưu lượng máu bị ảnh hưởng. Ngoài ra, vấn đề có thể đến từ các tế bào thần kinh não ở trẻ tự kỷ không khỏe mạnh bình thường. Do đó, cha mẹ có thể cải thiện sức khỏe não bộ để hỗ trợ cho trẻ tự kỷ bằng cách:

Tuy nhiên để chữa lành não bộ cho trẻ tự kỷ thì không thể. Hoạt động của não bộ vốn rất phức tạp, bạn chỉ có thể hỗ trợ tạo điều kiện cho não có khả năng hoạt động tốt nhất, cải thiện những khiếm khuyết chức năng có thể.

12. Loại sữa đặc biệt cho trẻ tự kỷ chậm nói có tốt như lời đồn không? 

Gần đây, các nghiên cứu đã phát hiện ra trẻ tự kỷ đặc biệt là thể tăng động có cải thiện rõ rệt tình trạng bệnh nếu ăn chế độ ăn không có casein và gluten. Trong khí đó, casein là thành phần chính trong đạm sữa bò nên trẻ tự kỷ không nên uống các loại có chứa casein. Do đó, loại sữa dành cho trẻ tự kỷ cần được loại bỏ casein bằng đạm đậu nành hoặc dùng sữa chứa casein thủy phân tạo thành các chuỗi oligopeptid và axit amin sẽ giúp trẻ dễ tiêu hóa và hấp thu, không gây dị ứng với đạm sữa bò.

Dinh dưỡng đặc biệt góp phần làm giảm nhanh chóng các rối loạn ở trẻ tự kỷ nhưng vẫn đảm bảo cho trẻ tăng trưởng và phát triển thể chất bình thường. Do đó, cha mẹ có thể lựa chọn các loại sữa đặc biệt dành riêng cho trẻ tự kỷ không có casein, có thể giúp làm giảm nhanh chóng triệu chứng, nhưng vẫn đảm bảo cân bằng và đầy đủ chất dinh dưỡng.

13. Quy trình làm giấy chứng nhận khuyết tật cho trẻ tự kỷ như thế nào? Cần những thủ tục gì?

giấy chứng nhận khuyết tật cho trẻ tự kỷ

Trong các điều luật của Luật Người khuyết tật hoàn toàn không quy định cụ thể hội chứng tự kỷ thuộc dạng khuyết tật nào. Đây chính là nguyên nhân gây khó khăn trong khi áp dụng vào thực tế cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, lợi ích của những người mắc chứng tự kỷ.

Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH được đưa ra vào đầu 2019 bởi Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành các quy định công nhận rằng rối loạn phổ tự kỷ được xếp vào dạng khuyết tật khác. Theo đó, tại các biểu mẫu thông tin về mục dạng khuyết tật đã có đề cập đến hội chứng về rối loạn phổ tự kỷ. Trình tự, thủ tục xin giấy xác nhận mức độ khuyết tật cho trẻ tự kỷ tóm tắt như sau:

  1. Người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp gửi đơn lên Ủy ban Nhân dân (UBND) cấp xã nơi người khuyết tật cư trú.
  2. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận đơn đề nghị xác nhận mức độ khuyết tật thì Chủ tịch UBND cấp xã phải có trách nhiệm triệu tập Hội đồng xác nhận mức độ khuyết tật và gửi thông báo về thời gian xác định mức độ khuyết tật về cho người khuyết tật hoặc người đại diện hợp pháp của họ.
  3. Hội đồng xác định mức độ khuyết tật bao gồm các thành viên sau đây: Chủ tịch UBND cấp xã, Trạm trưởng trạm y tế xã/ phường; Công chức cấp xã phụ trách công tác thương binh và xã hội, Đại diện của Ủy ban Mặt trận Tổ Quốc hoặc Hội Phụ nữ, Đoàn thanh niên, người đứng đầu tổ chức của người khuyết tật xã/ phường.
  4. Sau khi có quyết có quyết định của hội đồng thẩm định thì trong vòng 05 ngày làm việc thì Chủ tịch UBND cấp xã phải niêm yết công khai kết quả và cấp giấy xác nhận khuyết tật.

Các trường hợp đặc biệt sau sẽ cần có Hội đồng y khoa giám định:

  • Hội đồng giám định mức độ khuyết tật không đánh giá được mức độ khuyết tật của người khuyết tật.
  • Người khuyết tật hoặc người giám hộ hợp pháp của người khuyết tật không đồng ý với kết luận của hội đồng xác nhận mức độ khuyết tật.
  • Có bằng chứng về việc hội đồng xác nhận mức độ khuyết tật có đánh giá không khách quan.

Nếu được công nhận thì trẻ tự kỷ hay người tự kỷ nói chung sẽ hoàn toàn sẽ được nhận phụ cấp hàng tháng theo hệ số 2,0 – 2,5 (720.000 – 900.000 đồng); các hỗ trợ đặc biệt về giáo dục, chăm sóc sức khỏe, đào tạo về công việc để tự nuôi sống bản thân. Để nhận được trợ cấp thì bạn cần nộp Hồ sơ đề nghị trợ cấp cho người khuyết tật lên UBND cấp xã nơi cư trú.

Hello Bacsi hi vọng rằng với những thông tin được chia sẻ trong bài, các bậc phụ huynh đã hiểu hơn về trẻ tự kỷ, từ đó có biện pháp chăm sóc – nuôi dạy – hỗ trợ trẻ tốt hơn. Ngoài ra, cha mẹ đừng quên tham gia Cộng đồng Nuôi dạy con để cùng chia sẻ về các vấn đề của trẻ tự kỷ, để từ đó hỗ trợ con tốt hơn.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Autism https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/autism-spectrum-disorders Ngày truy cập 04/01/2025

About Autism https://www.icdl.com/parents/about-autism?gad_source=1&gclid=Cj0KCQiA9667BhDoARIsANnamQZ_9V0itLJMkrGf-h8oOtje4RT1Fn8HXUBMH3cMuObkLEKEh3JvPbgaAt_mEALw_wcB Ngày truy cập 04/01/2025

What Are the 5 Types of Autism? https://www.integrityinc.org/what-are-the-5-types-of-autism/ Ngày truy cập 04/01/2025

What causes autism? https://www.autismspeaks.org/what-causes-autism Ngày truy cập 04/01/2025

Signs and Symptoms of Autism Spectrum Disorder https://www.cdc.gov/autism/signs-symptoms/index.html Ngày truy cập 04/01/2025

Clinical Testing and Diagnosis for Autism Spectrum Disorder https://www.cdc.gov/autism/hcp/diagnosis/index.html Ngày truy cập 04/01/2025

Autism https://my.clevelandclinic.org/health/articles/autism Ngày truy cập 04/01/2025

Autism spectrum disorder https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/autism-spectrum-disorder/symptoms-causes/syc-20352928 Ngày truy cập 04/01/2025

What Is Autism Spectrum Disorder? https://www.psychiatry.org/patients-families/autism/what-is-autism-spectrum-disorder Ngày truy cập 04/01/2025

What is autism? https://www.nhs.uk/conditions/autism/what-is-autism/ Ngày truy cập 04/01/2025

Early Autism May Not Last a Lifetime https://www.nih.gov/news-events/nih-research-matters/early-autism-may-not-last-lifetime Ngày truy cập 04/01/2025

Hướng dẫn cha mẹ nhận biết trẻ tự kỷ qua từng độ tuổi https://benhviennhitrunguong.gov.vn/huong-dan-cha-me-nhan-biet-tre-tu-ky-qua-tung-do-tuoi.html Ngày truy cập 04/01/2025

Những nhầm lẫn hay gặp về chứng tự kỷ ở trẻ https://bvnguyentriphuong.com.vn/noi-tam-than-kinh/nhung-nham-lan-hay-gap-ve-chung-tu-ky-o-tre Ngày truy cập 04/01/2025

Tự kỷ có phải là trầm cảm không? https://tytphuongsoky.medinet.gov.vn/cham-soc-suc-khoe-tre-em/tu-ky-co-phai-la-tram-cam-khong-cmobile11044-98079.aspx Ngày truy cập 04/01/2025

Brain Health in Autism https://tacanow.org/family-resources/brain-health-in-autism/ Ngày truy cập 04/01/2025

Hiệu quả của dùng sữa đạm thuỷ phân cho trẻ tự kỷ https://benhviennhitrunguong.gov.vn/hieu-qua-cua-dung-sua-dam-thuy-phan-cho-tre-tu-ky.html Ngày truy cập 04/01/2025

Dạy con tự kỷ tại nhà https://benhviennhitrunguong.gov.vn/day-con-tu-ky-tai-nha-2.html Ngày truy cập 04/01/2025

Phiên bản hiện tại

13/01/2025

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: Hôm qua

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo