backup og meta
Chuyên mục
Công cụ

5

Hỏi bác sĩ
Lưu

Vì sao trẻ chậm biết đi? Khi nào cần đưa trẻ đi khám?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 04/01/2024

    Vì sao trẻ chậm biết đi? Khi nào cần đưa trẻ đi khám?

    Trong năm đầu tiên, trẻ sẽ đạt được nhiều cột mốc phát triển, đặc biệt là ở khả năng vận động từ việc biết lật, biết bò, biết ngồi cho đến biết đi. Mặc dù trẻ thường biết đi vào khoảng 1 tuổi nhưng không phải tất cả trẻ em đều đạt được tốc độ phát triển như nhau. Đôi khi, trẻ chậm biết đi một chút cũng có thể khiến ba mẹ lo lắng bé yêu có đang phát triển bình thường hay không?

    Sự thật là có khá nhiều nguyên nhân lý giải cho việc trẻ chậm biết đi. Thế nhưng không phải nguyên nhân nào cũng mang tính nghiêm trọng. Bài viết sau sẽ giúp bạn tìm hiểu chi tiết hơn về việc bé chậm đi khi nào là bình thường và khi nào là bất thường?

    Vì sao trẻ chậm biết đi? 5 nguyên nhân điển hình

    Thông thường, em bé của bạn đã có thể chập chững bước đi khi tròn 1 tuổi. Tuy nhiên, một số trẻ có thể biết đi sớm hơn hoặc muộn hơn mốc thời gian trên.

    Vậy, nếu trẻ 13, 14, 15 tháng chưa biết đi thì có phải là một vấn đề nghiêm trọng không? Vì sao bé 1 tuổi chưa biết đi hay thậm chí là chưa biết đứng?

    Đối với trẻ chậm biết đi, chắc hẳn cha mẹ sẽ có đôi chút lo lắng về khả năng phát triển của con. Sau đây là nguyên nhân lý giải cho tình trạng bé chậm đi mà bạn cần biết:

    1. Trẻ chậm biết đi do di truyền

    trẻ chậm biết đi

    Nếu cha, mẹ hoặc cả hai có tiền sử chậm biết đi trong thời thơ ấu thì khả năng cao là sẽ di truyền đặc điểm này cho bé cưng.

    Nếu trẻ chậm biết đi nhưng vẫn phát triển về kỹ năng ngôn ngữ, giao tiếp, nhận thức… thì bạn không cần lo lắng. Bởi vì trường hợp này không liên quan đến bất kỳ bệnh lý nào. Thay vào đó, ba mẹ cần kiên nhẫn và khuyến khích con tự tin tập đi nhiều hơn.

    2. Bé chậm đi do sinh non

    Trẻ sinh non thường có tốc độ phát triển chậm hơn bình thường so với các em bé cùng tuổi nhưng sinh đủ tháng. Trong trường hợp này, trẻ chậm biết đi ở mức độ nào thường phụ thuộc vào số tháng sinh non.

    Thông thường, trẻ sinh non chậm biết đi cũng không có gì đáng lo ngại, miễn là em bé của bạn phát triển tốt về tổng thể và không có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.

    3. Do tính cách của em bé

    Một số em bé không vội vã tập đi chỉ vì không muốn, nhưng ba mẹ thường hiểu lầm rằng trẻ chậm biết đi. Có những bé chỉ thích nằm, ngồi chơi một chỗ hoặc một số bé có thể nhút nhát hay sợ hãi không dám bước đi vì sợ té ngã.

    Thực tế, những tình huống này rất bình thường và không có nghĩa là trẻ chậm đi hay trẻ chậm phát triển. Điều ba mẹ cần làm là quan sát và chơi với con thường xuyên để hiểu hơn về lý do trẻ không chịu tập đi nhé!

    4. Trẻ chậm biết đi do mắc bệnh lý nào đó

    trẻ chậm biết đi

    Trẻ chậm biết đi kết hợp với khả năng vận động kém hoặc có những tư thế bất thường có thể là do trẻ đang mắc một trong những bệnh lý sau:

  • Bại não: Trẻ bại não luôn gặp khó khăn về vận động cũng như bất thường trong các tư thế ngồi hay đứng. Chẳng hạn như trẻ thích ngồi ở tư thế chân cong về phía sau như chữ “W” và trườn đi bằng cách kéo lê chân thì đây có thể là dấu hiệu của bại não.
  • Các bệnh về cơ: Bé 1 tuổi chưa biết đứng có thể do nguyên nhân gì? Việc mắc một số bệnh về cơ như loạn dưỡng cơ, teo cơ, viêm cơ, bệnh cơ bẩm sinh… có thể khiến trẻ chậm biết đi. Các dấu hiệu của bệnh về cơ ở trẻ giúp bạn dễ nhận biết là trẻ kiểm soát đầu kém, tay và chân yếu ớt không có lực. Đa phần trẻ mắc bệnh về cơ thường không thể đứng hoặc bước đi.
  • Các hội chứng và bệnh mãn tính: Hội chứng Down, hội chứng Prader-Willi, hội chứng Williams… có thể khiến bé chậm biết đi cũng như không thể phát triển các kỹ năng khác như ngôn ngữ, vận động tinh, nhận thức…
  • 5. Các vấn đề thể chất khác

    Một số vấn đề thể chất hoặc điều kiện phát triển cũng có thể khiến bé chậm biết đi, trong đó bao gồm:

    • Mẹ mắc bệnh nhiễm trùng hoặc nhiễm độc tố trước khi sinh.
    • Trẻ bị viêm màng não, bệnh tim bẩm sinh, xương thủy tinh… thường chậm biết đi.
    • Trẻ từng bị chấn thương ở đầu.
    • Bé chậm biết đi do mắc bệnh còi xương hoặc suy dinh dưỡng.
    • Trước 1 tuổi trẻ thường bị ốm, nằm viện trong thời gian dài, ít vận động, vui chơi như bình thường nên có thể ảnh hưởng đến khả năng tập đi.

    Bạn có thể quan tâm:

    Trẻ chậm biết đi có đáng lo? Khi nào cần đưa trẻ đi khám?

    trẻ chậm biết đi

    Trong hầu hết trường hợp, trẻ chậm biết đi không phải là vấn đề đáng lo ngoại trừ nguyên nhân liên quan đến bệnh lý. Bởi vì tốc độ phát triển cơ bắp chân của mỗi trẻ thường khác nhau nên sẽ có trẻ biết đi sớm và có trẻ biết đi muộn.

    Để xác định được việc em bé của bạn chưa biết đi sau 1 tuổi có đáng lo ngại hay không thì cách tốt nhất là bạn nên quan sát tổng thể sự phát triển của bé. Nếu bé chậm biết đi nhưng vẫn có thể vịn vào đồ đạc để đứng lên, biết cầm nắm đồ vật khéo léo, biết kéo bàn ghế, có kỹ năng ngôn ngữ, nhận thức… thì bạn không cần quá lo lắng vì trẻ vẫn đang phát triển bình thường.

    Bên cạnh sức mạnh cơ bắp, việc tập đi còn liên quan đến khả năng giữ thăng bằng và sự tự tin. Vì vậy mà em bé của bạn sẽ cần thời gian nhiều hơn để tự tin bước đi. Điều ba mẹ cần làm đó là khuyến khích, giúp đỡ và hạn chế bồng bế con quá nhiều. Bạn nên tạo điều kiện cho trẻ ngồi chơi dưới sàn nhà để tăng khả năng vận động nhiều hơn.  

    Trong trường hợp trẻ 1 tuổi chưa thể đứng lên được (kể cả khi được người lớn hỗ trợ) và trẻ 18 tháng chưa thể bước đi thì bạn nên đưa trẻ đi khám để được bác sĩ kiểm tra. Bên cạnh vấn đề trẻ chậm biết đi, nếu em bé của bạn có thêm một số đặc điểm bất thường như chân có vẻ yếu, bắp chân không đều, đi khập khiễng… thì bạn cũng nên đưa con đi khám càng sớm càng tốt nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 04/01/2024

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo