backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Sự phát triển của trẻ từ 2 - 5 tuổi có gì đặc biệt?

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 29/03/2021

    Sự phát triển của trẻ từ 2 - 5 tuổi có gì đặc biệt?

    Sự phát triển của trẻ là mối quan tâm hàng đầu của ba mẹ, đặc biệt là khi con đang trong giai đoạn từ 2 – 5 tuổi. Đây là giai đoạn con yêu phát triển rất nhanh và rất cần bạn ở bên đấy.

    Khi hiểu rõ sự phát triển của trẻ 2 – 5 tuổi, ba mẹ sẽ có hướng chăm sóc bé hợp lý hơn và thích nghi kịp thời với những thay đổi của bé. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu các bé trong độ tuổi này sẽ có những mốc phát triển nào để bạn có thể thúc đẩy sự phát triển này nhé.  

    Sự phát triển của trẻ từ 2 đến 5 tuổi

    Trong khoảng thời gian từ 2 đến 5 tuổi, các bé phát triển rất nhanh về các mặt sau:

    1. Phát triển thể chất

    Trong những năm này, bé sẽ phát triển thể lực và chiều cao khá nhanh. Bạn có thể tham khảo bảng thể hiện sự phát triển chiều cao và cân nặng của trẻ 2 – 5 tuổi sau: 

    bảng chiều cao cân nặng của trẻ

    2. Phát triển nhận thức

    Trẻ ở độ tuổi từ 2 – 5 có những bước tiến lớn về khả năng suy nghĩ và lập luận. Trong những năm này, bé sẽ học được chữ cái, số đếm, màu sắc và hình khối.

    3. Phát triển cảm xúc và quan hệ xã hội

    Trong độ tuổi từ 2 đến 5, trẻ dần học cách kiểm soát cảm xúc của bản thân. Khi cán mốc 5 tuổi, bé sẽ dần hiểu được tầm quan trọng của bạn bè.

    4. Phát triển ngôn ngữ

    Hầu hết trẻ 2 tuổi đã có thể nói ít nhất 50 từ. Khi được 5 tuổi, bé có thể biết hàng nghìn từ và có thể ttrò chuyện mạch lạc cũng như kể chuyện.

    5. Phát triển giác quan và kỹ năng vận động

    Khi được 2 tuổi, hầu hết các bé đều có thể bước lên cầu thang từng bậc một, đá bóng và vẽ các nét đơn giản. Đến 5 tuổi, hầu hết các bé có thể tự mặc và cởi quần áo cũng như viết một số chữ thường, chữ in hoa và biết tô màu. 

    Mỗi trẻ sẽ có tốc độ phát triển riêng và đạt được những mốc trên vào thời điểm khác nhau. Cũng có thể bé chậm phát triển ở một kỹ năng nhưng lại phát triển nhanh ở kỹ năng khác.

    Các mốc phát triển theo độ tuổi

    sự phát triển của trẻ từ 2 - 5 tuổi

    Trẻ sẽ có các mốc phát triển khác nhau ở từng độ tuổi.

    1. Sự phát triển của trẻ 3 tuổi

    Ở mốc 3 tuổi, hầu hết các bé sẽ:

    • Cao lên và trông gầy hơn so với những năm ở độ tuổi tập đi. Bé có thể sẽ tăng khoảng 2kg và cao lên khoảng 7,5cm so với năm bé 2 tuổi. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này là rất khác nhau ở mỗi bé. 
    • Biết chơi những trò đóng vai, hiểu những hướng dẫn đơn giản có 3 bước và thích các trò ghép hình đơn giản.
    • Biết tên, tuổi và giới tính của mình.
    • Thích có bạn cùng chơi nhưng vẫn không thích chia sẻ đồ chơi.
    • Không còn bám ba mẹ như trước.
    • Đã có thể tự ngồi đi vệ sinh.
    • Có thể nhảy, chạy, leo trèo, đạp xe ba bánh và đá bóng.

    2. Sự phát triển của trẻ 4 tuổi

    Ở mốc 4 tuổi, hầu hết các bé sẽ:

    • Tăng khoảng 2kg và cao lên khoảng 7,5cm so với năm 3 tuổi. Tốc độ phát triển này là khác nhau ở mỗi bé.
    • Có thể nói tên của mình, xác định được một số màu cơ bản và kết hợp những thứ giống nhau (chẳng hạn như có thể ghép được một đôi tất).
    • Phân biệt được tưởng tượng và thực tế.
    • Có thể nói câu hoàn chỉnh với ít nhất 5 hoặc 6 từ, kể chuyện và hát.
    • Có thể đứng bằng một chân, đi xe ba bánh, ném bóng quá đầu, lên xuống cầu thang mà không cần bám vào bất cứ thứ gì.

    3. Sự phát triển của trẻ 5 tuổi

    Ở mốc 5 tuổi, hầu hết các bé sẽ:

    • Tăng khoảng 2kg và cao lên khoảng 4 – 5cm so với năm 4 tuổi. Tuy nhiên, tốc độ phát triển này là khác nhau ở mỗi bé.
    • Biết địa chỉ của nhà mình.
    • Thuộc hầu hết các chữ cái trong bảng chữ cái, có thể đếm đến 10 và hiểu các khái niệm cơ bản về thời gian.
    • Muốn làm hài lòng người khác và thích có bạn bè. Tuy nhiên, đôi khi những đứa trẻ ở độ tuổi này có thể có hành vi không tử tế.
    • Có thể duy trì cuộc hội thoại và sử dụng ngữ pháp phức tạp hơn ví dụ như thì tương lai.
    • Có thể nhảy lò cò, lộn nhào và nhảy dây. 
    • Có thể tự mặc và cởi quần áo.

    Những vấn đề thường gặp ở trẻ 2 – 5 tuổi

    trẻ 2 đến 5 tuổi ngủ

    Sự phát triển của trẻ 2 – 5 tuổi có thể đi cùng nhiều vấn đề về giấc ngủ, cảm xúc hay các hành vi không tốt.

    1. Giấc ngủ

    Trẻ độ tuổi 2 – 5 cần ngủ khoảng 11 đến 13 giờ mỗi ngày. Tuy nhiên, đôi khi, con có thể không chịu ngủ. Để giúp bé xây dựng thói quen ngủ lành mạnh, bạn có thể:

    • Xây dựng thói quen vào giờ ngủ: Bạn có thể cho bé làm một số việc theo thứ tự giống nhau mỗi đêm để con hiểu mình sắp phải đi ngủ khi làm những việc này. Ví dụ, bạn có thể xây dựng thói quen cho con đánh răng, sau đó thay đồ rồi đọc sách cho bé nghe trước giờ ngủ.
    • Trấn an khi bé thức giấc: Đôi khi bé có thể thức giấc giữa đêm và muốn được ba mẹ chú ý hoặc trấn an nên bạn hãy cố gắng trấn an bé mỗi khi bé thức giấc. Nếu con ngủ phòng riêng và bạn đi vào phòng bé để kiểm tra con, hãy vào thật nhanh và nhẹ nhàng để tránh ảnh hưởng đến bé. 
    • Giúp con bớt gặp ác mộng: Các bé với trí tưởng tượng phong phú có thể sợ ban đêm và dễ gặp ác mộng. Bạn có thể cải thiện tình hình này bằng cách hạn chế cho con tiếp xúc với phim ảnh hay sách báo có hình ảnh đáng sợ. Bạn cũng có thể nói chuyện với bé trước giờ ngủ về những hoạt động trong ngày để bé bớt lo lắng. Nếu bé hoảng sợ khi đang ngủ, bạn hãy ôm và trấn an bé.

    2. Sự an toàn

    Để giữ an toàn cho con, bạn cần hiểu khả năng của con và môi trường hiện tại là gì. Những bé chưa có nhiều kỹ năng vận động, leo trèo có thể có thể cần nhiều sự quan tâm hơn ở sân chơi hay chỗ công cộng. 

    3. Hành vi

    Trẻ từ 2 đến 5 tuổi có nhiều cảm xúc mãnh liệt mà bé không hiểu hết được. Vậy nên, con không phải lúc nào cũng nghe lời bạn. Một số vấn đề về hành vi phổ biến ở trẻ là:

    • Hay giận dữ: Vấn đề bộc phát cảm xúc có thể rất phổ biến ở lứa tuổi này. Nhiều trẻ từ 1 đến 4 tuổi nổi cơn giận dữ ít nhất một lần một tuần. Đôi khi, những cơn giận dữ này đi kèm những hành vi có thể làm tổn thương người khác như đánh, cắn, xô đẩy và la hét. Những lúc này, bạn đừng la rầy hay đánh trẻ mà hãy đợi bé bình tĩnh. 
    • Mút ngón tay: Đối với trẻ dưới 4 tuổi, việc mút ngón tay thường không phải vấn đề nghiêm trọng và bé có thể bỏ dần thói quen này trong độ tuổi từ 3 – 6. Tuy nhiên, những trẻ mút ngón tay thường xuyên hoặc mút mạnh dù đã hơn 3 hoặc 4 tuổi có thể có các vấn đề về cảm xúc, răng miệng hoặc giao tiếp.
    • Ngừng thở: Đôi khi trẻ có thể ngừng thở nếu thấy tức giận, thất vọng, đau đớn hoặc sợ hãi. Đây chỉ là một phản xạ của cơ thể với cảm xúc nhưng có thể khiến trẻ bất tỉnh nên bạn cần chú ý.

    Cách thúc đẩy sự phát triển của trẻ

    trẻ 2 tuổi

    Có rất nhiều việc bạn có thể làm để thúc đẩy sự phát triển của trẻ 2 tuổi đến 5 tuổi ở mọi mặt.

    1. Phát triển thể chất

    Ba mẹ có thể tham khảo một số cách sau để giúp bé phát triển thể chất:

    • Cho trẻ cơ hội vận động nhiều hơn: Bạn có thể đưa bé đến sân chơi, tham gia lớp học nhảy hoặc đơn giản là cùng chạy đua với con ở sân nhà. Những hoạt động này cho phép con giải phóng năng lượng dư thừa và khuyến khích con phát triển các kỹ năng thể chất mới.
    • Giúp con học thói quen ăn uống lành mạnh: Ba mẹ hãy cho con thử nhiều loại thực phẩm lành mạnh thuộc các nhóm dinh dưỡng khác nhau. Tuy nhiên, bạn không nên ép bé ăn mà hãy để con tự quyết định mình ăn gì và ăn bao nhiêu.

    2. Phát triển nhận thức

    Một số cách có thể giúp bé phát triển nhận thức tốt hơn là:

  • Khuyến khích trẻ khám phá: Các bé được khám phá sẽ nhanh học được các kỹ năng mới và giải quyết vấn đề tốt hơn. Vậy nên, bạn hãy tạo cơ hội cho con khám phá bằng cách cho con nhiều thứ để chơi, đọc, sáng tạo và xây dựng. Tuy nhiên, bạn cần đảm bảo những đồ chơi bạn cho bé là an toàn và phù hợp với lứa tuổi nhé.
  • Tạo cảm giác an toàn cho bé: Cảm giác an toàn là nền tảng để bé khám phá, phát triển các kỹ năng xã hội, khả năng thích ứng và phát triển cảm xúc. Vậy nên, bạn hãy tạo cảm giác an toàn cho bé bằng cách luôn quan tâm con, nhất quán trong lời nói và hành động cũng như làm gương cho bé nhé. Khi cảm thấy an toàn, con cũng sẽ gần gũi và chia sẻ nhiều hơn với ba mẹ đấy.
  • 3. Phát triển cảm xúc và xã hội

    Để giúp bé phát triển cảm xúc và xã hội, ba mẹ có thể thử các cách sau:

    • Để con được chơi cùng bạn bè: Khi con được chơi với những bé khác dù chỉ 1 ngày trong tuần cũng sẽ có thể thực hành và phát triển các kỹ năng xã hội, cảm xúc và ngôn ngữ quan trọng.
    • Khuyến khích bé tự kiểm soát cảm xúc: Ở độ tuổi từ 2 – 5, bé có thể khó kiểm soát được hành vi và cảm xúc của mình. Bạn hãy kiên nhẫn làm gương và hướng dẫn con cách hành xử phù hợp với mọi người để con có thể học theo và điều chỉnh bản thân. Ba mẹ cũng hãy khuyến khích con nghĩ về cảm xúc của người khác để bé phát triển khả năng đồng cảm với mọi người xung quanh.
    • Giúp con xây dựng sự tự tin: Ba mẹ có ảnh hưởng lớn nhất đến niềm tin của trẻ về bản thân. Vậy nên, bạn hãygiúp con xây dựng sự tự tin cho bé bằng cách khen khi con hoàn thành tốt một việc nào đó hay khi con giúp đỡ mọi người.

    4. Phát triển ngôn ngữ

    Bạn có thể thử một số cách sau để giúp con phát triển ngôn ngữ:

    • Đọc sách cho con nghe: Dù ở độ tuổi nào, việc đọc sách cho bé cũng cần thiết vì việc này giúp con có cơ hội tiếp xúc với âm thanh và nhịp điệu của ngôn ngữ.
    • Tạo cơ hội cho con nói chuyện với người khác: Việc lắng nghe và nói chuyện với mọi người, kể cả trẻ em và người lớn, giúp con hiểu và sử dụng ngôn ngữ tốt hơn.

    5. Phát triển giác quan và vận động

    Bạn hãy cho trẻ thử nghiệm nhiều môi trường vui chơi và vận động khác nhau (trong nhà hoặc ngoài trời) để bé có cơ hội phát triển các giác quan và kỹ năng vận động. Ví dụ, bé có thể dành thời gian tập múa trong nhà rồi sau đó đến công viên vui chơi. 

    Những hoạt động này cải thiện khả năng phối hợp và các kỹ năng điều khiển các cơ lớn khác. Bạn cũng có thể cho trẻ thử các hoạt động nghệ thuật như vẽ tranh, cắt dán hay chơi nhạc cụ để phát triển các kỹ năng vận động tinh.

    Khi hiểu được các mốc phát triển từ 2 – 5 tuổi, ba mẹ sẽ có thể thúc đẩy sự phát triển của trẻ đến tối đa. Con yêu sẽ trưởng thành thật vui vẻ, khỏe mạnh nếu bạn biết cách quan tâm và giúp đỡ đấy.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Như Vũ · Ngày cập nhật: 29/03/2021

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo