
Nguyên nhân gây chứng sợ không gian hẹp chưa rõ ràng, nhưng những tác nhân từ môi trường có thể có ảnh hưởng lớn. Thường thì chứng này sẽ bắt đầu xuất hiện từ thời thơ ấu hay những năm dậy thì.
Chứng sợ không gian hẹp có thể là do hạch hạnh nhân trong não có vấn đề nên không thể kiểm soát quá trình quản lý nỗi sợ hãi. Hoặc chứng này là do một số biến cố như:
- Bị rối loạn khi đi máy bay
- Bị kẹt trong phương tiện công cộng đông đúc
- Vô tình bị nhốt ở một nơi khép kín như tủ đồ
- Bị phạt bằng cách nhốt vào phòng kín như phòng tắm
- Bị kẹt ở một không gian kín hay đông người trong một khoảng thời gian dài
Bạn sẽ có nguy cơ bị chứng sợ không gian hẹp cao hơn nếu bạn có ba mẹ hay thành viên trong gia đình mắc chứng này. Khi một đứa trẻ thấy người thân của mình sợ những nơi nhỏ và kín, các bé cũng sẽ lo lắng và hoảng sợ khi ở trong những không gian như vậy.
>>> Tìm hiểu: Hội chứng sợ người lạ: Những thông tin cần biết
Cách chẩn đoán chứng sợ không gian hẹp

Bạn cần đi khám ngay nếu các dấu hiệu dai dẳng không hết. Bạn hãy tránh để chứng sợ không gian trở nên quá nghiêm trọng vì chữa bệnh từ sớm có thể giúp bạn kiểm soát các dấu hiệu tốt hơn.
Bác sĩ sẽ xem xét các dấu hiệu của bạn và cho bạn làm kiểm tra thể chất. Bạn cũng cần cung cấp thông tin về tiền sử bị các hội chứng sợ hãi có các đặc điểm sau:
- Không liên quan tới các chứng rối loạn khác
- Có thể liên quan tới một biến cố trong quá khứ
- Làm ảnh hưởng tới sinh hoạt hằng ngày của bạn
- Có thể gây các cơn hoảng loạn khi bạn gặp một tình huống nào đó
Cách chữa chứng sợ không gian hẹp

Chứng sợ không gian hẹp thường được chữa bằng liệu pháp tâm lý. Bạn hãy đi tư vấn để biết cách vượt qua nỗi sợ của bản thân và kiểm soát các tình huống có thể làm mình sợ. Sau đây là những cách chữa trị bạn có thể tham khảo:
1. Liệu pháp nhận thức – hành vi
Liệu pháp nhận thức – hành vi (Cognitive Behavioral Therapy – CBT) là một liệu pháp giúp bạn học cách kiểm soát và chuyển hướng các suy nghĩ tiêu cực khi bạn gặp một tác nhân gây sợ hãi nào đó. Nếu bạn biết cách kiểm soát những suy nghĩ này, bạn sẽ kiểm soát được những hành vi của bản thân.
2. Liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý
Liệu pháp hành vi cảm xúc hợp lý (Rational Emotive Behavioral Therapy – REBT) là liệu pháp giúp bạn định hướng hành vi. Đây là một dạng của liệu pháp nhận thức – hành vi tập trung tìm ra các hành thái độ, cảm xúc và hành vi không lành mạnh. Liệu pháp sử dụng kỹ thuật thách thức các niềm tin sai trái và tạo cho người bệnh những niềm tin hợp lý và lành mạnh hơn.
3. Thư giãn và mường tượng
Các nhà trị liệu sẽ gợi ý cho bạn những phương pháp thư giãn và mường tượng để dùng trong lúc bạn bị hoảng loạn. Những phương pháp này khá đơn giản như đếm ngược từ 10 hay ngắm một bức tranh yên bình. Bạn sẽ có thể bình tĩnh lại khi cơn hoảng loạn kéo đến.
>>> Tìm hiểu thêm: Người trầm cảm có tự khỏi được không?
4. Tiếp xúc với tác nhân gây sợ
Liệu pháp tiếp xúc với tác nhân gây sợ khá phổ biến trong việc chữa trị những rối loạn lo lắng và các chứng sợ hãi vô lý. Bạn sẽ phải tiếp xúc với những tình huống có thể làm chứng sợ không gian hẹp bộc phát để có thể quen dần và kiềm chế được cơn hoảng loạn. Những tình huống này sẽ vẫn nằm trong giới hạn an toàn nên bạn hãy yên tâm nhé.
5. Uống thuốc kê toa
Bác sĩ có thể kê đơn một số loại thuốc chống trầm cảm hay chống lo âu để giúp bạn đỡ căng thẳng và giảm các dấu hiệu vật lý khác. Những loại thuốc này thường sẽ đi kèm với trị liệu tâm lý.
Chứng sợ không gian hẹp là có thể chữa được và nhiều người đã khỏi bệnh. Thậm chí, nhiều trường hợp không cần chữa mà bệnh sẽ tự khỏi khi bạn đã trưởng thành hơn. Cách kiềm chế chứng sợ không gian hẹp

Nhiều người bị chứng sợ không gian hẹp tránh tới những nơi có thể làm bệnh bộc phát. Đây không phải là một cách hay để chữa bệnh lâu dài vì bạn không thể tránh những tình huống mình sợ mãi được. Tuy nhiên, có một số cách giúp chứng sợ không gian hẹp dễ chịu hơn:
- Thở từ từ và sâu và đếm đến ba trong mỗi nhịp thở.
- Chuyển sự chú ý sang một thứ làm bạn thấy an toàn như đồng hồ đeo tay.
- Tự nhủ với bản thân cơn sợ hãi và lo lắng sẽ qua nhanh thôi.
- Thách thức nỗi sợ của mình bằng cách liên tục nhắc bản thân nỗi sợ của mình là vô lý.
- Hình dung và tập trung vào một nơi hay một khoảnh khắc thật bình yên
>>> Tìm hiểu: Hội chứng sợ đám đông khiến thế giới của bạn thu nhỏ lại
Bạn không cần phải cố tỏ ra can đảm khi cơn lo lắng ập đến. Bạn hãy nhớ ai cũng có điểm yếu và chứng sợ không gian hẹp không có gì phải xấu hổ. Những cảm xúc bạn có khi hoảng loạn không nguy hiểm và sẽ qua rất nhanh thôi.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!