Tử cung là “ngôi nhà đầu tiên” của em bé trong bụng mẹ. Việc chăm sóc sức khỏe tử cung khi mang thai cũng là ưu tiên hàng đầu để phụ nữ có một thai kỳ khỏe mạnh.
Tử cung khi mang thai trải qua nhiều thay đổi đáng kể để thích nghi với sự phát triển của thai nhi. Kích thước tử cung có thể tăng đáng kể, từ một quả lê nhỏ ban đầu đến khi đủ lớn để chứa thai nhi đủ tháng. Một số vấn đề, bệnh lý liên quan đến tử cung có thể phát sinh trong thai kỳ và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé.
Việc phát hiện và điều trị sớm các vấn đề về tử cung trong thai kỳ là rất quan trọng để ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng cho cả mẹ và bé.
8 bệnh lý thường gặp ở tử cung khi mang thai
Tử cung đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và nuôi dưỡng thai nhi trong suốt thai kỳ. Tuy nhiên, một số tình trạng bất thường hoặc bệnh lý tử cung có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và bé.
Việc phát hiện sớm các vấn đề tử cung bằng việc khám thai định kỳ và siêu âm đóng vai trò rất quan trọng. Các tình trạng như cổ tử cung ngắn, viêm lộ tuyến cổ tử cung, hay u xơ tử cung nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng.
- Luôn theo dõi cơ thể và thông báo ngay cho bác sĩ nếu xuất hiện triệu chứng bất thường.
- Thực hiện đủ các mốc khám thai theo khuyến nghị.
- Không tự ý sử dụng thuốc hoặc thực hiện các biện pháp khi không có chỉ định từ bác sĩ.
1. Tụt cổ tử cung (sa tử cung)
Tụt cổ tử cung, hay sa tử cung, là tình trạng tử cung bị sa xuống ống âm đạo do các cơ và dây chằng nâng đỡ tử cung suy yếu. Tình trạng này có thể xảy ra với phụ nữ mang thai, nhưng phổ biến hơn sau khi mãn kinh và ở phụ nữ đã trải qua nhiều lần sinh thường.
Nguyên nhân chính dẫn đến tụt cổ tử cung:
- Sinh thường nhiều lần, đặc biệt trong trường hợp sinh con lớn hoặc rặn đẻ kéo dài, làm gia tăng áp lực lên các cơ vùng chậu.
- Suy giảm nội tiết tố – hormone estrogen sau mãn kinh có thể làm yếu các mô nâng đỡ tử cung.
- Tăng áp lực trong vùng bụng do béo phì, ho mãn tính, hoặc thường xuyên rặn mạnh khi đi đại tiện do táo bón.
Dấu hiệu nhận biết tụt cổ tử cung trong thai kỳ:
Ở giai đoạn đầu, tình trạng sa tử cung khi mang thai có thể không có biểu hiện rõ ràng. Tuy nhiên, khi sa tử cung trở nên nghiêm trọng hơn, các triệu chứng dễ nhận thấy gồm:
- Cảm giác nặng nề hoặc áp lực ở vùng chậu, đặc biệt khi đứng lâu
- Cảm giác có vật gì đó trồi ra khỏi âm đạo, thường là trong trường hợp nặng
- Đau lưng dưới kéo dài không rõ nguyên nhân
- Tiểu són, tiểu rắt, hoặc tiểu khó
- Táo bón và cảm giác không đi tiêu được hoàn toàn
- Chảy máu âm đạo bất thường
- Khó chịu hoặc đau khi quan hệ tình dục.
Phương pháp điều trị và phòng ngừa tụt cổ tử cung khi mang thai
Điều trị không phẫu thuật:
- Bài tập Kegel giúp tăng cường sức mạnh cơ sàn chậu, các cơ nâng đỡ tử cung.
- Dụng cụ nâng tử cung (Pessary). Đây là một thiết bị hỗ trợ đặt trong âm đạo để giúp nâng tử cung và giảm áp lực vùng chậu.
Điều trị bằng phương pháp phẫu thuật:
Trong trường hợp sa tử cung nặng, bác sĩ có thể đề nghị các biện pháp phẫu thuật:
- Phẫu thuật cắt bỏ tử cung. Phương pháp này thường áp dụng cho những phụ nữ không còn kế hoạch sinh con.
- Phẫu thuật không cần cắt tử cung. Kỹ thuật này đặt tử cung trở lại vị trí bình thường bằng cách cố định lại dây chằng vùng chậu. Phương pháp này phù hợp với phụ nữ vẫn muốn duy trì khả năng sinh sản.
Phòng ngừa luôn tốt hơn điều trị. Một lối sống lành mạnh có thể giúp mẹ bầu giảm thiểu nguy cơ tụt cổ tử cung:
- Kiểm soát cân nặng để giảm áp lực lên vùng chậu
- Tránh nâng vật nặng hoặc thực hiện các công việc gây áp lực lớn lên vùng chậu
- Thực hiện bài tập Kegel hàng ngày để duy trì độ bền của cơ sàn chậu, ngay cả khi không mang thai
- Ngăn ngừa táo bón bằng cách ăn nhiều chất xơ, uống đủ nước và vận động nhẹ nhàng để giữ hệ tiêu hóa hoạt động tốt.
2. Cổ tử cung ngắn: Nguy cơ sảy thai và sinh non
Tình trạng cổ tử cung ngắn có thể làm tăng nguy cơ sảy thai hoặc sinh non. Việc phát hiện sớm và áp dụng các phương pháp điều trị phù hợp có thể giúp giảm thiểu nguy cơ này.
Cổ tử cung ngắn là gì?
Cổ tử cung ngắn là khi chiều dài của cổ tử cung ngắn hơn 25mm vào khoảng tuần thứ 20 của thai kỳ. Cổ tử cung càng ngắn, nguy cơ sinh non (sinh trước tuần thứ 37) càng cao. Hầu hết phụ nữ có cổ tử cung ngắn vẫn có thể sinh con đủ tháng. Tuy nhiên, tình trạng này có thể tăng nguy cơ sinh non cao hơn mức trung bình.
Việc phát hiện cổ tử cung ngắn có ý nghĩa quan trọng trong việc chọn phương án phù hợp để giữ an toàn cho mẹ và bé trong suốt thai kỳ.
Làm sao để phát hiện cổ tử cung ngắn?
Để phát hiện cổ tử cung ngắn, siêu âm là phương pháp chẩn đoán phổ biến. Việc siêu âm đo chiều dài cổ tử cung được khuyến cáo thường quy trong khoảng 18-24 tuần thai kỳ. Với một số mẹ bầu có nguy cơ sinh non cao hơn, các bác sĩ có thể chỉ định siêu âm đo cổ tử cung sớm hơn.
- Siêu âm qua bụng. Bác sĩ có thể chỉ định nếu chiều dài cổ tử cung quan sát dễ trên siêu âm đường bụng.
- Siêu âm qua âm đạo. Nếu cổ tử cung của bạn ngắn hơn dự kiến trên siêu âm qua bụng hoặc bác sĩ gặp khó khăn khi nhìn rõ cổ tử cung của bạn trên siêu âm qua bụng, họ có thể đề nghị thực hiện siêu âm qua âm đạo.
Hướng điều trị cổ tử cung ngắn cho mẹ bầu
Cổ tử cung ngắn khi mang thai có thể được dự phòng bằng một số phương pháp để giảm nguy cơ sinh non:
- Sử dụng progesterone là phương pháp điều trị phổ biến giúp ngăn ngừa sinh non. Progesterone có thể được sử dụng dưới dạng thuốc đặt âm đạo hoặc hậu môn.
- Khâu vòng cổ tử cung sẽ được áp dụng nếu progesterone không đủ hiệu quả hoặc cổ tử cung quá ngắn (dưới 10mm). Đây là một thủ thuật phẫu thuật nhỏ nhằm ngăn chặn cổ tử cung mở sớm, giúp giữ thai nhi lâu hơn trong bụng mẹ.
Ngoài ra, trong một số trường hợp, bác sĩ có thể khuyến nghị mẹ bầu nghỉ ngơi nhiều hơn, đi lại nhẹ nhàng hoặc thậm chí nhập viện để theo dõi và điều trị. Điều này sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ chuyển dạ sớm.
3. Viêm lộ tuyến cổ tử cung: Bệnh lý phổ biến
Viêm lộ tuyến cổ tử cung (Cervical Ectropion) cũng là một trong những bệnh lý thường gặp ở tử cung trong và ngoài thai kỳ. Theo đó, các tế bào tuyến từ bên trong cổ tử cung phát triển ra ngoài bề mặt cổ tử cung, làm lộ ra các tế bào tuyến.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, đặc biệt là những người có nồng độ estrogen cao. Ngoài ra, có một số yếu tố khác có thể làm tăng khả năng mắc phải viêm lộ tuyến cổ tử cung, bao gồm:
- Sử dụng thuốc tránh thai chứa estrogen-progestin
- Cổ tử cung bị rách trong khi sinh con.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung có ảnh hưởng đến thai kỳ không?
Viêm lộ tuyến cổ tử cung thường không ảnh hưởng đến thai kỳ. Tình trạng này là lành tính và không gây ra nguy cơ cho mẹ hoặc bé. Viêm lộ tuyến cổ tử cung thường không cần điều trị, ngay cả khi đang mang thai.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nếu viêm lộ tuyến cổ tử cung không được phát hiện và điều trị kịp thời, đặc biệt khi có sự xuất hiện của nhiễm trùng (như nhiễm vi khuẩn, nấm, hoặc các bệnh lây qua đường tình dục), nó có thể:
- Làm tăng nguy cơ viêm nhiễm lan rộng.
- Gây ra các biến chứng như viêm màng ối hoặc nhiễm trùng ối.
- Dẫn đến nguy cơ sinh non hoặc vỡ ối sớm trong trường hợp viêm nhiễm không được kiểm soát.
- Tăng nguy cơ sảy thai nếu tình trạng viêm lộ tuyến gây rối loạn môi trường tử cung.
Điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung an toàn trong thai kỳ
Trong thai kỳ, việc điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung cần được thực hiện thận trọng để đảm bảo sức khỏe của mẹ và không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
Vì viêm lộ tuyến cổ tử cung thường là một tình trạng lành tính, việc điều trị có thể không cần thiết (trừ khi bạn có triệu chứng nghiêm trọng hoặc dấu hiệu viêm nhiễm).
Trong trường hợp viêm lộ tuyến kèm theo nhiễm trùng (do vi khuẩn, nấm hoặc virus), bác sĩ có thể chỉ định:
- Thuốc đặt âm đạo
- Thuốc kháng sinh
- Điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục (nếu có). Nếu viêm lộ tuyến liên quan đến bệnh lý như chlamydia hoặc lậu, bác sĩ sẽ áp dụng phác đồ điều trị phù hợp và đảm bảo an toàn.
4. Hở eo tử cung: Nguy cơ và cách xử lý
Hở eo tử cung, hay còn gọi là suy cổ tử cung, là tình trạng cổ tử cung yếu hoặc mở sớm trong thai kỳ, thường trước tuần thai thứ 24. Điều này khiến tử cung không đủ khả năng giữ thai, dẫn đến nguy cơ sẩy thai hoặc sinh non.
Nguyên nhân chính xác của suy cổ tử cung vẫn chưa được xác định rõ ràng. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cho rằng một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ, bao gồm:
- Tổn thương cổ tử cung do phẫu thuật hoặc thủ thuật trước đó (như nạo hút thai)
- Cổ tử cung bất thường bẩm sinh
- Tiền sử sinh non hoặc sảy thai không rõ nguyên nhân.
Triệu chứng cần lưu ý của hở eo tử cung khi mang thai
Hở eo tử cung thường không có triệu chứng rõ ràng, đặc biệt ở giai đoạn đầu. Tuy nhiên, một số dấu hiệu mà mẹ bầu cần lưu ý gồm:
- Cảm giác nặng ở vùng chậu
- Đau lưng âm ỉ hoặc căng tức bụng dưới
- Ra dịch âm đạo bất thường
- Ra máu âm đạo nhẹ. Đây có thể là dấu hiệu của cổ tử cung đang mở.
Do khó phát hiện, việc mẹ bầu có tiền sử hở eo tử cung hoặc tiền sử nghi ngờ có hở eo tử cung cần được theo dõi sát sao ngay từ đầu thai kỳ.
Cách điều trị hở eo tử cung cho mẹ bầu
Mục tiêu của điều trị suy hở tử cung khi mang thai là giúp duy trì thai kỳ càng lâu càng tốt. Do khó chẩn đoán, nên việc nhận biết các yếu tố nguy cơ là vô cùng quan trọng. Bác sĩ sẽ quyết định phương pháp điều trị nào là tốt nhất cho bạn dựa trên tình trạng và tiền sử bệnh lý của bạn.
Các phương pháp điều trị có thể bao gồm:
- Khâu vòng cổ tử cung là thủ thuật được thực hiện để khâu đóng cổ tử cung lại.
- Thủ thuật khâu vòng cổ tử cung thường được thực hiện vào khoảng tuần thứ 12 đến 14 của thai kỳ.
- Sau đó, vào khoảng tuần thứ 37 của thai kỳ, bác sĩ sẽ cắt chỉ để có thể sinh thường.
- Bổ sung progesterone bắt đầu từ tam cá nguyệt thứ hai.
Các phương pháp điều trị hở eo tử cung, đặc biệt là khâu vòng cổ tử cung, mang lại tỷ lệ thành công cao, lên đến 90%. Tuy nhiên, điều quan trọng là mẹ bầu cần được theo dõi và chăm sóc y tế kịp thời để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
5. Tử cung to hơn bình thường: Khi nào là bất thường?
Tử cung của mẹ mang thai sẽ phát triển và mở rộng tự nhiên để đáp ứng nhu cầu phát triển của thai nhi. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, tử cung to hơn bình thường có thể là dấu hiệu của một vấn đề tiềm ẩn, cần được bác sĩ theo dõi và kiểm tra kỹ lưỡng.
Tử cung mở rộng bất thường có thể do nhiều yếu tố, bao gồm cả các yếu tố liên quan đến thai kỳ và các bệnh lý khác. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến:
- Mang đa thai. Khi mang song thai hoặc đa thai, tử cung cần mở rộng để có đủ không gian cho các em bé. Điều này có thể làm cho tử cung to hơn bình thường so với các thai kỳ đơn.
- Nước ối quá nhiều (đa ối). Nếu lượng nước ối quá nhiều, tử cung sẽ bị căng quá mức, dẫn đến kích thước lớn hơn bình thường.
- Bệnh lý về tử cung có thể làm tử cung mở rộng ngay cả khi không mang thai hoặc trong các giai đoạn đầu thai kỳ:
- U xơ tử cung
- Lạc nội mạc tử cung
- Ung thư nội mạc tử cung
- Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).
Tử cung to hơn bình thường có ảnh hưởng gì không?
Tử cung mở rộng có thể gây ra một số tác động, bao gồm:
- Chèn ép các cơ quan lân cận như bàng quang, trực tràng và các cơ quan khác trong vùng chậu. Điều này có thể gây ra các triệu chứng như:
- Táo bón
- Đau vùng chậu
- Đi tiểu thường xuyên hoặc tiểu không tự chủ.
- Biến chứng trong thai kỳ, tăng nguy cơ:
- Sảy thai
- Sinh non
- Ngôi thai bất thường.
Tử cung mở rộng trong thai kỳ là điều bình thường. Tuy nhiên, nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào, hãy liên hệ với bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
6. Tử cung có vách ngăn: Ảnh hưởng đến thai kỳ
Tử cung có vách ngăn là một dị tật bẩm sinh, trong đó tử cung bị chia thành hai khoang bởi một lớp mô (gọi là vách ngăn). Lớp mô này có thể kéo dài từ đỉnh tử cung xuống cổ tử cung, và trong một số trường hợp, có thể tiếp tục đến âm đạo.
Hiện tượng này xảy ra do sự phát triển không hoàn chỉnh của hai ống Mullerian trong giai đoạn bào thai. Thay vì hợp nhất để tạo thành một tử cung bình thường với một khoang duy nhất, chúng hình thành một dải mô chia đôi tử cung.
Tử cung có vách ngăn có nguy hiểm không?
Mặc dù tử cung có vách ngăn không gây ra triệu chứng và có thể không được phát hiện trong suốt cuộc đời, nhưng nó lại có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản và thai kỳ.
Tăng nguy cơ sảy thai: Khoảng 35% phụ nữ có tử cung vách ngăn bị sảy thai, cao hơn so với tỷ lệ 10-20% ở phụ nữ có tử cung bình thường. Điều này xảy ra do vách ngăn thiếu máu nuôi dưỡng, khiến phôi thai không thể phát triển hoàn chỉnh khi bám vào vách ngăn.
Hạn chế không gian phát triển của thai nhi
- Vách ngăn làm giảm diện tích không gian trong tử cung, khiến thai nhi có thể bị nhẹ cân hoặc phát triển bất thường.
- Tình trạng này còn làm tăng nguy cơ sinh non và ngôi thai bất thường.
Nhau thai bám bất thường: Vách ngăn tử cung có thể ảnh hưởng đến vị trí bám của nhau thai, dẫn đến nguy cơ nhau tiền đạo hoặc nhau bong non.
Khó khăn trong chuyển dạ: Phụ nữ có tử cung vách ngăn thường đối mặt với nguy cơ chuyển dạ kéo dài hoặc không tiến triển, do đó tỷ lệ sinh mổ ở nhóm này cao hơn đáng kể.
Biện pháp điều trị vách ngăn tử cung khi mang thai
Phẫu thuật nội soi cắt bỏ vách ngăn thường được thực hiện trước khi mang thai để giảm nguy cơ sảy thai và các biến chứng khác.
Không có phương pháp điều trị nào cho các trường hợp có vách ngăn tử cung khi mang thai. Nếu bạn được chẩn đoán mắc vách ngăn tử cung trong khi mang thai, bác sĩ có thể theo dõi bạn cẩn thận hơn và đề nghị các biện pháp can thiệp để giảm nguy cơ biến chứng.
7. U xơ tử cung và polyp tử cung khi mang thai
U xơ tử cung là gì? Dấu hiệu nhận biết khi mang thai
U xơ tử cung là các khối u lành tính hình thành từ mô cơ tử cung. Chúng có thể phát triển trong hoặc trên tử cung, với kích thước dao động từ rất nhỏ (không thể thấy bằng mắt thường) đến lớn như một quả bưởi.
Nhiều trường hợp u xơ không có triệu chứng, nhưng ở một số người, tình trạng này có thể gây:
- Đau vùng chậu và gây cảm giác nặng nề ở vùng bụng dưới, thậm chí đau lưng hoặc đau chân.
- Khó chịu khi quan hệ tình dục
- Khó tiểu hoặc tiểu thường xuyên (Nếu u xơ chèn ép lên bàng quang)
- Táo bón (Nếu u xơ chèn ép trực tràng)
- Thiếu máu và mệt mỏi.
U xơ tử cung khi mang thai có thể dẫn đến các biến chứng như:
- Tăng nguy cơ sảy thai. Kích thước u xơ lớn có thể làm giảm lượng máu cung cấp đến phôi thai. Ngoài ra những u xơ tử cung dưới niêm mạc, mặc dù kích thước nhỏ vẫn có thể làm tăng nguy cơ lưu, sảy thai nhiều hơn.
- Hạn chế không gian phát triển của thai nhi, dẫn đến sinh non hoặc thai nhi nhẹ cân.
- Nhau bong non, khi nhau thai tách khỏi thành tử cung trước khi sinh, gây nguy hiểm cho mẹ và bé.
- Khả năng sinh mổ cao hơn do u xơ có thể làm cản trở chuyển dạ tự nhiên.
Polyp tử cung khi mang thai: Những điều cần lưu ý
Polyp tử cung là các khối mô nhỏ hình thành từ niêm mạc tử cung (nội mạc tử cung). Chúng xuất hiện ở phụ nữ ở mọi độ tuổi, nhưng phổ biến nhất ở những người từ 40-49 tuổi.
Triệu chứng của polyp tử cung:
- Chảy máu bất thường như: ra máu giữa các chu kỳ, hoặc chảy máu sau mãn kinh.
- Kinh nguyệt không đều
- Tiết dịch âm đạo bất thường.
- Khó thụ thai do polyp tử cung có thể cản trở quá trình làm tổ của phôi thai.
Nguy cơ của polyp tử cung khi mang thai:
- Tăng nguy cơ bong nhau thai hoặc sinh non.
- Nguy cơ chuyển hóa thành ung thư tử cung. Tuy hiếm, nhưng polyp lớn hoặc phát triển nhanh cần được theo dõi chặt chẽ.
Điều trị u xơ và polyp tử cung trong thai kỳ
Việc điều trị u xơ và polyp tử cung khi mang thai phụ thuộc vào kích thước, triệu chứng và mức độ ảnh hưởng đến mẹ và bé.
Theo dõi
- Nếu u xơ hoặc polyp nhỏ và không gây triệu chứng, bác sĩ có thể chỉ định theo dõi bằng siêu âm định kỳ.
- Việc trì hoãn điều trị đến sau khi sinh thường được ưu tiên, trừ khi có biến chứng nghiêm trọng.
Can thiệp bằng thuốc. Một số thuốc có thể được sử dụng để giảm đau hoặc kiểm soát chảy máu. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc trong thai kỳ cần được cân nhắc cẩn thận.
Phẫu thuật
- Trong trường hợp u xơ hoặc polyp gây đau đớn dữ dội, chảy máu nghiêm trọng, hoặc đe dọa đến sự an toàn của thai nhi, bác sĩ có thể chỉ định điều trị phẫu thuật cắt bỏ. Lúc này, các rủi ro cho cả mẹ và bé cần được xem xét kỹ lưỡng.
8. Ung thư cổ tử cung và thai kỳ: Hiểu đúng để phòng tránh
Trong giai đoạn đầu, ung thư cổ tử cung thường không có dấu hiệu hoặc triệu chứng. Khi ung thư phát triển, nó có thể gây ra các dấu hiệu và triệu chứng bất thường như:
- Chảy máu âm đạo bất thường
- Dịch âm đạo ra nước, có máu, có thể ra nhiều và có mùi hôi
- Đau vùng chậu hoặc đau khi giao hợp.
Những triệu chứng này không chỉ cảnh báo ung thư cổ tử cung mà còn có thể là dấu hiệu của các vấn đề khác như viêm nhiễm hoặc biến chứng thai kỳ.
Để được chẩn đoán chính xác, nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng bất thường nào, hãy liên hệ với bác sĩ ngay lập tức để được kiểm tra. Phát hiện sớm ung thư cổ tử cung có thể cải thiện đáng kể khả năng điều trị thành công.
Có nên giữ thai khi được chẩn đoán ung thư cổ tử cung?
Nếu ung thư cổ tử cung được chẩn đoán trong thai kỳ, quyết định về việc có nên tiếp tục thai kỳ hay không là một quyết định phức tạp, cần được cân nhắc trên nhiều yếu tố như:
- Giai đoạn của ung thư. Nếu ung thư ở giai đoạn đầu có thể được điều trị hiệu quả hơn và có thể cho phép tiếp tục thai kỳ cho đến khi thai nhi đủ trưởng thành.
- Tuổi thai. Điều trị ung thư trong tam cá nguyệt đầu tiên có thể gây dị tật thai nhi. Điều trị trong tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba có thể an toàn hơn cho thai nhi.
Trong trường hợp người mẹ quyết định không giữ thai, việc chấm dứt thai kỳ nên được thực hiện càng sớm càng tốt. Các phương pháp điều trị ung thư lúc này sẽ được chỉ định tương tự như đối với phụ nữ không mang thai.
Nếu người mẹ muốn tiếp tục thai kỳ, việc điều trị ung thư sẽ được điều chỉnh để đảm bảo an toàn cho thai nhi. Các lựa chọn điều trị có thể bao gồm:
- Theo dõi. Đối với ung thư ở giai đoạn rất sớm, bác sĩ có thể theo dõi tình trạng của bạn trong suốt thai kỳ và trì hoãn điều trị cho đến sau khi sinh.
- Phẫu thuật loại bỏ khối u có thể được thực hiện trong một số trường hợp, tùy thuộc vào giai đoạn của ung thư và tuổi thai.
- Hóa trị
- Thường được chống chỉ định trong ba tháng đầu thai kỳ (tam cá nguyệt thứ nhất) do nguy cơ cao gây dị tật bẩm sinh cho thai nhi, với tỷ lệ dao động từ 10-20%, tùy thuộc vào loại thuốc hóa trị và liều lượng.
- Sau tam cá nguyệt thứ nhất, đặc biệt từ tuần thứ 14 trở đi, một số loại thuốc hóa trị có thể được sử dụng. Thai kỳ lúc này đã bước qua giai đoạn hình thành cơ quan chính, nên nguy cơ dị tật giảm đáng kể. Tuy nhiên, hóa trị ung thư tử cung khi mang thai vẫn mang nhiều rủi ro như sinh non, thai nhẹ cân, và các vấn đề khác.
- Xạ trị chống chỉ định trong thai kỳ vì nó có thể gây tử vong thai nhi và sảy thai.
Phòng ngừa ung thư cổ tử cung trước và trong thai kỳ
- Tiêm phòng vắc-xin HPV
- Khám sức khỏe, bao gồm khám phụ khoa định kỳ là những biện pháp quan trọng để phòng ngừa ung thư cổ tử cung.
- Xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV, có thể giúp phát hiện sớm các bất thường ở tử cung.
Các biện pháp phòng ngừa khác bao gồm:
- Không hút thuốc lá.
- Quan hệ tình dục an toàn, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục
- Điều trị các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục khác, chẳng hạn như herpes, chlamydia, giang mai và HIV/AIDS.
Kết luận
Các vấn đề liên quan đến tử cung khi mang thai đều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học hiện đại, hầu hết các tình trạng này đều có thể được phát hiện và kiểm soát hiệu quả nếu được phát hiện sớm.
Khám thai định kỳ đóng vai trò then chốt trong việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời các vấn đề liên quan đến tử cung khi mang thai, đảm bảo một thai kỳ khỏe mạnh cho cả mẹ và bé. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào về sức khỏe thai kỳ, đừng ngần ngại để lại câu hỏi. Đội ngũ chuyên gia của Hello Bacsi luôn sẵn sàng giải đáp và hỗ trợ bạn!
[embed-health-tool-due-date]