backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Đối tượng cần tầm soát ung thư cổ tử cung và phương pháp tầm soát

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Giang Tran · Ngày cập nhật: 4 tuần trước

    Đối tượng cần tầm soát ung thư cổ tử cung và phương pháp tầm soát

    Ung thư cổ tử cung thường gặp nhất ở những phụ nữ dưới 45 tuổi. Tuy nhiên, thực tế, những ai cấu tạo cơ thể có tử cung đều có nguy cơ mắc phải căn bệnh này. Do đó, việc khám tầm soát ung thư cổ tử cung nhằm phát hiện sớm nguy cơ, can thiệp kịp thời hạn chế nguy cơ tử vong ở các ca mắc là vô cùng quan trọng [1]. 

    Ung thư cổ tử cung là bệnh lý thường gặp ở nữ giới và rất nguy hiểm. Năm 2022, ung thư cổ tử cung được xếp vào loại ung thư phổ biến thứ 4 ở phụ nữ với 660.000 ca mắc mới, trong đó tỷ lệ tử vong do căn bệnh này được ghi nhận nhiều nhất ở khu vực châu Phi, Trung Mỹ và Đông Nam Á [2]. Tại Việt Nam, theo thống kê của Ghi nhận Ung thư toàn cầu (Globocan) năm 2020, số ca mắc mới ung thư cổ tử cung là 4.132 và số trường hợp tử vong là 2.223 [3]. 

    Những ai cần tầm soát ung thư cổ tử cung?

    Ung thư cổ tử cung là bệnh tiến triển chậm và thầm lặng, không có triệu chứng hoặc có triệu chứng khi bệnh đã ở giai đoạn muộn. Do đó, việc tầm soát ung thư cổ tử cung thường xuyên đóng vai trò rất quan trọng [2]. Mục tiêu của việc này là tìm ra sự hiện diện của virus HPV – nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung, từ đó kịp thời can thiệp, ngăn chặn tiến triển thành tiền ung thư và ung thư [4]. 

    Tất cả phụ nữ từ 21 trở lên đều cần tầm soát ung thư cổ tử cung [3].Tuy nhiên, bạn sẽ cần thực hiện thường xuyên hơn nếu thuộc những trường hợp sau [3], [5], [6]:

    • Đã từng quan hệ tình dục hoặc thường xuyên quan hệ tình dục, nhất là những trường hợp quan hệ với nhiều bạn tình trong cùng thời điểm.
    • Có hệ miễn dịch yếu như nhiễm HIV, người được ghép tạng hoặc sử dụng steroid thời gian dài.
    • Có kết quả xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung bất thường gần đây hoặc người có tiền sử bị nhiễm HPV.

    Thực tế, mọi phụ nữ từ 21 tuổi trở lên, đã có quan hệ tình dục đều có nguy cơ mắc ung thư tử cung. Thậm chí, dù bạn chỉ mới quan hệ lần đầu hay không quan hệ tình dục trong một thời gian dài, chỉ chung thuỷ với 1 bạn tình hoặc đã tiêm vaccine HPV thì đều có nguy cơ mắc bệnh [6]. Do đó, đừng chủ quan mà hãy thăm khám định kỳ và tầm soát thường xuyên.

    tầm soát ung thư cổ tử cung

    Phương pháp tầm soát ung thư cổ tử cung

    Dựa vào độ tuổi và tiền sử bệnh mà bác sĩ sẽ lựa chọn tần suất và phương pháp xét nghiệm phù hợp [3]. Thông thường, sẽ có 2 xét nghiệm chính:

    Xét nghiệm HPV

    Hơn 99% trường hợp ung thư cổ tử cung là do nhiễm virus HPV (Human papillomavirus). Đây là virus gây u nhú ở người, thường lây nhiễm qua đường tình dục và rất phổ biến, gần như xảy ra ở tất cả những phụ nữ đã có quan hệ tình dục [7], [8].

    Hầu hết trường hợp nhiễm HPV có thể tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm HPV dai dẳng, nhiễm đi, nhiễm lại trong nhiều năm sẽ dẫn đến sự thay đổi của tế bào, gây ra tiền ung thư và ung thư cổ tử cung. Do thời gian dài tiến triển, đây sẽ là cơ hội để phụ nữ đi tầm soát và phát hiện tình trạng. Từ đó, có biện pháp can thiệp, điều trị và dự phòng hiệu quả. [7], [8]. 

    Xét nghiệm HPV có thể phát hiện sự hiện diện của virus HPV trong mẫu dịch âm đạo hoặc mẫu tế bào cổ tử cung. Phương pháp này thường được áp dụng cho phụ nữ từ 25-65 tuổi với chu kỳ 3 năm 1 lần nếu kết quả âm tính. Hiện một số xét nghiệm HPV có thể xác định được sự hiện diện của 14 chủng virus HPV nguy cơ cao dẫn đến ung thư cổ tử cung, dù chưa có sự biến đổi bất thường của tế bào. Ngoài ra, xét nghiệm này cũng có thao tác lấy mẫu đơn giản, không gây đau đớn và có thể tự lấy mẫu tại nhà [9], [10].

    Xét nghiệm PAP

    tầm soát ung thư cổ tử cung

    Xét nghiệm PAP (hay phết tế bào cổ tử cung) là xét nghiệm giúp phát hiện các tế bào cổ tử cung bất thường thông qua việc quan sát các tế bào dưới kính hiển vi bởi các bác sĩ chuyên khoa. Xét nghiệm này được khuyến cáo thực hiện cho phụ nữ bắt đầu từ năm 21 tuổi. Về tần suất, bạn nên thực hiện định kỳ mỗi 3 năm/lần, trường hợp có điều kiện có thể thực hiện mỗi năm 1 lần. Tuy nhiên, căn cứ vào độ tuổi và nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung mà tần suất thực hiện có thể sẽ khác nhau theo hướng dẫn từ bác sĩ [11], [12].

    Không giống xét nghiệm HPV, xét nghiệm PAP chỉ có thể thực hiện tại cơ sở khám chữa bệnh và được bác sĩ lấy mẫu trong quá trình thăm khám phụ khoa. So với xét nghiệm HPV, nhiều nghiên cứu nhận định các xét nghiệm PAP riêng lẻ ít hiệu quả hơn trong việc phát hiện các chứng loạn sản cấp độ cao (các tế bào bất thường khả năng cao phát triển thành ung thư) [13]. Các nhà khoa học cũng phát hiện ra PAP sẽ kém hiệu quả hơn ở phụ nữ lớn tuổi vì những thay đổi sinh lý sau mãn kinh khiến các bác sĩ gặp khó khăn hơn trong việc thu thập mẫu thử ở cổ tử cung [14]. 

    Ngoài ra, xét nghiệm PAP còn nhiều điểm bất cập và hạn chế như kết quả phụ thuộc vào tay nghề của bác sĩ trong cả việc lấy mẫu và đọc kết quả. Chẳng hạn, có thể các tế bào ở vùng bác sĩ lấy vẫn bình thường nhưng các vùng khác có thể đã có biến đổi. Trong khi đó, xét nghiệm HPV được thực hiện trên các hệ thống máy hiện đại tiên tiến, đảm bảo tính khách quan của kết quả, độ chính xác cao, độ nhạy 92% cao hơn hẳn so với xét nghiệm PAP với độ nhạy 53%. Xét nghiệm HPV tìm sự hiện diện của virus HPV là tìm ra nguy cơ, ngay cả khi chưa có bất kể sự biến đổi nào trong tế bào, nên phát hiện sớm hơn rất nhiều so với xét nghiệm PAP.

    Đặc biệt, với xét nghiệm HPV, ngoài việc đến các bệnh viện lớn và các cơ sở y tế uy tín để thực hiện, bạn có thể lựa chọn xét nghiệm HPV tự lấy mẫu tại nhà một cách tiện lợi, nhanh chóng. Hiện trên thị trường đã có các sản phẩm test để bạn tự lấy mẫu, sau đó gửi mẫu thử đến các phòng xét nghiệm đạt tiêu chuẩn để phân tích. Đây là phương án nhanh chóng, tiện lợi, riêng tư cho những ai không có thời gian đi khám hoặc ngại khám phụ khoa. Kết quả xét nghiệm có thể có độ chính xác lên đến 99%. Việc bạn cần đảm bảo đó là sử dụng các thương hiệu uy tín, được cấp phép bởi các cơ quan ban ngành ở Việt Nam hoặc FDA Hoa Kỳ cũng như làm đúng theo hướng dẫn được ghi trên bao bì.

    Nếu bạn vẫn còn thắc mắc về tầm quan trọng của tầm soát ung thư cổ tử mà chưa làm test ngay, bạn có thể tư vấn với bác sĩ để được giải đáp nhé. 

    Nhìn chung, quá trình hình thành ung thư cổ tử cung thường không có những triệu chứng quá rõ ràng, các phương pháp xét nghiệm cũng không phải lúc nào cũng cho kết quả chính xác. Vì vậy, bạn cần sáng suốt lựa chọn phương pháp, địa chỉ uy tín để tầm soát ung thư cổ tử cung hiệu quả, định kỳ dù đã tiêm vaccine hay chưa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Giang Tran · Ngày cập nhật: 4 tuần trước

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo