backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Bà bầu bị táo bón có nên rặn không? 4 mẹo hay giúp hạn chế táo bón

Thông tin kiểm chứng bởi: Lan Quan


Tác giả: Nhi Bui · Ngày cập nhật: 10/11/2023

    Bà bầu bị táo bón có nên rặn không? 4 mẹo hay giúp hạn chế táo bón

    “Bà bầu bị táo bón có nên rặn không?” là câu hỏi mà nhiều mẹ bầu thường rỉ tai nhau mỗi khi gặp rắc rối với việc đi tiêu do táo bón. Nguyên nhân là bởi nếu mẹ bầu không rặn sẽ không tống xuất được khối phân to cứng ra ngoài và cảm thấy vô cùng khó chịu, nhưng rặn nhiều thì lại sợ ảnh hưởng đến bé con trong bụng. 

    Mang thai là hành trình nhiều thú vị nhưng cũng lắm gian truân, mẹ bầu không chỉ trải qua nhiều sự thay đổi bên trong cơ thể mà còn gặp nhiều vấn đề mà trước giờ có thể chưa từng gặp phải. Trong số đó, tình trạng táo bón là hiện tượng thường gặp ở nhiều mẹ bầu. Táo bón không chỉ gây ra nhiều phiền toái trong việc đi đại tiện mà còn có thể khiến mẹ bầu thắc mắc, lo lắng rằng “bà bầu bị táo bón có nên rặn không”, rặn nhiều có ảnh hưởng gì đến em bé không. 

    Trong bài viết dưới đây, hãy cùng Hello Bacsi đi tìm lời giải đáp cho câu hỏi trên và khám phá các mẹo giúp bà bầu hạn chế nguy cơ bị táo bón khi mang thai nhé. 

    Tại sao phụ nữ mang thai thường xuyên bị táo bón?

    Có rất nhiều nguyên nhân khiến bà bầu thường xuyên gặp khó khăn trong việc đi đại tiện, cụ thể như: 

  • Thay đổi nội tiết tố: Sự thay đổi nồng độ hormone progesterone trong thai kỳ là nguyên nhân chính khiến nhu động ruột hoạt động kém hiệu quả, dẫn đến thức ăn di chuyển chậm hơn trong ống tiêu hóa và làm tăng nguy cơ bị táo bón. 
  • Thuốc hoặc thực phẩm bổ sung sức khỏe: Việc dùng một số loại thuốc như thuốc chống ói, thuốc chống trào ngược hoặc các thực phẩm bổ sung sức khỏe như viên uống bổ sung sắt, canxi, vitamin tổng hợp cho bà bầu… cũng là một nguyên nhân khiến tình trạng táo bón ở bà bầu trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Chế độ sinh hoạt: Chế độ ăn ít chất xơ và không vận động thường xuyên do cơ thể mẹ bầu nặng nề, khó di chuyển cũng là yếu tố góp phần gây táo bón khi mang thai. 
  • Việc đại tiện khó khăn trong thời gian dài, không chỉ khiến mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi mà còn kéo theo nhiều vấn đề sức khỏe khác, chẳng như: 

  • Luôn cảm thấy mệt mỏi do khó đi đại tiện và đôi khi còn bị chuột rút liên tục 
  • Mẹ bầu dễ cáu gắt hơn, tình trạng lo âu căng thẳng ở mẹ bầu luôn ở mức cao 
  • Làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác như nứt kẽ hậu môn, bệnh trĩ, sưng tĩnh mạch, sưng hậu môn… 
  • Tình trạng phân ứ đọng trong trực tràng lâu ngày có thể làm sản sinh ra nhiều chất độc như phenol, ammoniac, indol… 
  • Việc mẹ bầu chán ăn do luôn cảm thấy no (đầy hơi), nặng bụng… dần dần sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của thai nhi, vì cơ thể mẹ không cung cấp đủ dinh dưỡng cho con. 
  • Giải đáp: Bà bầu bị táo bón có nên rặn không? 

    bà bầu bị táo bón có nên rặn không

    Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, về mặt lý thuyết thì hành động rặn mỗi khi bà bầu bị táo bón sẽ không gây ảnh hưởng gì đến thai nhi. Tuy nhiên, lời khuyên dành cho bà bầu vẫn là không nên rặn khi đi đại tiện, vì có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng hơn, cụ thể như: 

    • Khi bà bầu dùng lực rặn để ép phân ra ngoài, có thể kích thích các cơn gò tử cung. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến sẩy thai (nếu trong tam cá nguyệt đầu tiên) hoặc sinh non (nếu trong tam cá nguyệt thứ ba) 
    • Việc cố gắng đẩy phân ra ngoài, có thể làm tăng nguy cơ nứt kẽ hậu môn, dẫn đến nhiều bệnh lý nhiễm trùng khác như bệnh trĩ, sa trực tràng, nhiễm trùng âm đạo…

    Do đó, câu trả lời cho thắc mắc “bà bầu bị táo bón có nên rặn không?” là không nên bạn nhé! Thế nên, để giảm bớt nguy cơ bị táo bón khi bầu bí, các mẹ bầu nên tham khảo những thông tin bên dưới!

    Mẹo giúp bà bầu hạn chế nguy cơ bị táo bón khi mang thai 

    Theo Hiệp hội Mang thai Hoa Kỳ (American Pregnancy Association – APA), trong suốt thời gian thai kỳ, hầu như mẹ bầu nào cũng từng gặp phải tình trạng táo bón ít nhất một vài lần. Nhưng may mắn, tất cả đều không phải là triệu chứng bệnh lý và có thể cải thiện dễ dàng thông qua việc điều chỉnh thói quen sống hằng ngày. 

    Sau đây là một số mẹo giúp mẹ bầu hạn chế gặp phải tình trạng táo bón hoặc giảm nhẹ các triệu chứng táo bón để mẹ bầu “dễ thở” hơn gồm: 

    1. Tăng cường chất xơ vào chế độ ăn uống

    Mẹ bầu nên thực hiện chế độ ăn với các thực phẩm giàu chất xơ mỗi ngày, lượng chất xơ nên có từ 25 đến 30 gram trong mỗi khẩu phần ăn. Điều này giúp phân mềm hơn, dễ đi tiêu hơn và giảm bớt hành động rặn mỗi khi bị táo bón. Một số thực phẩm nhiều chất xơ mà mẹ bầu có thể tham khảo như: 

    • Trái cây như áo, bơ, chuối… : Với hàm lượng chất xơ khoảng từ 3 – 10g trên mỗi trái có kích thước vừa phải. 
    • Thực phẩm nguyên hạt như yến mạch, bánh mì nguyên hạt, ngũ cốc nguyên hạt: Các loại thực phẩm này thường sẽ có hàm lượng chất xơ từ 3 – 5g cho mỗi cốc đầy. 
    • Rau củ như cà rốt, khoai tây, khoai lang…: Sẽ có hàm lượng chất xơ từ 1 – 4g cho mỗi cốc đầy. 

    2. Uống nhiều nước

    Nước sẽ làm mềm chất thải bên trong ruột và giúp cải thiện tình trạng căng thẳng mỗi khi đi tiêu ở phụ nữ mang thai, nên mẹ bầu hãy đảm bảo uống nhiều nước, từ 8 đến 12 cốc nước mỗi ngày (khoảng 2 – 3 lít nước).

    Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên cân nhắc bổ sung thêm nhiều thực phẩm giàu nước trong chế độ dinh dưỡng, ví dụ như: dưa (dưa hấu, dưa lê, dưa lưới…), cam, dâu tây, rau diếp, cần tây… 

    3. Vận động thường xuyên 

    bà bầu bị táo bón có nên rặn không

    Một số bài tập như đi bộ chậm, tập yoga hoặc ngồi thiền có thể giúp nhu động ruột hoạt động tốt hơn, tăng tốc độ tiêu hóa và giúp mẹ bầu đi tiêu đều đặn hơn, cải thiện tình trạng táo bón khi mang thai. Do đó, các mẹ bầu nên cố gắng dành 30 phút để vận động nhẹ mỗi ngày.

    Lưu ý, mẹ bầu cũng nên hạn chế các bài tập có nguy cơ té ngã hoặc chấn thương như đi bộ nhanh, đạp xe… để tránh gây va chạm, dễ dẫn đến các vấn đề không mong muốn. 

    4. Điều chỉnh liều lượng thực phẩm bổ sung 

    Khi mang thai, mỗi ngày mẹ bầu cần dùng viên uống bổ sung nhiều vitamin và khoáng chất như axit folic, sắt, canxi… và điều này có thể là nguyên nhân thúc đẩy tình trạng táo bón thêm nghiêm trọng hơn. Vậy nên, khi nghi ngờ bị táo bón do bổ sung nhiều khoáng chất, mẹ bầu nên trao đổi lại với bác sĩ sản khoa và điều chỉnh liều lượng thích hợp hơn. 

    Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên cân nhắc dùng thêm thực phẩm chứa probiotic để bổ sung các vi khuẩn có lợi như Lactobacillus hoặc Bifidobacteria, giúp phân mềm hơn và dễ dàng di chuyển bên trong ruột, thúc đẩy tiến trình tiêu hóa diễn ra trơn tru hơn. Các thực phẩm giàu probiotic mà mẹ bầu có thể cân nhắc thêm vào chế độ ăn gồm: sữa chua, súp miso, thực phẩm lên men (dưa chua, kim chi…)… 

    Vậy là qua những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được trong bài viết trên, mẹ bầu đã tìm được câu trả lời cho thắc mắc “bà bầu bị táo bón có nên rặn không?” rồi đúng không. Song song đó, mẹ bầu không cần quá lo lắng về tình trạng táo bón, mà hãy thử áp dụng các mẹo thay đổi thói quen sống được Hello Bacsi gợi ý ở trên để nhanh chóng tạm biệt những khó chịu do tình trạng táo bón gây ra nhé.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Thông tin kiểm chứng bởi:

    Lan Quan


    Tác giả: Nhi Bui · Ngày cập nhật: 10/11/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo