Giai đoạn sổ nhau thai
Sau khi bé chào đời, cổ tử cung vẫn sẽ tiếp tục co bóp để đẩy nhau ra ngoài. Lúc này, bạn chỉ cần rặn nhẹ. Cơn đau ở giai đoạn này cũng giống như cơn đau bụng kinh.
Để hiểu rõ hơn về quá trình sinh con, mời bạn xem qua clip Thâm cung bí sử trong phòng sanh
Thời gian rặn đẻ khi chuyển dạ sinh con sẽ kéo dài bao lâu?
Thời gian rặn đẻ khi chuyển dạ sinh con có thể mất từ vài phút đến vài giờ tùy thuộc vào các yếu tố sau:
- Số lần sinh: Nếu đây là lần đầu sinh, các cơ vùng chậu sẽ mất nhiều thời gian để kéo căng. Còn nếu đây là lần sinh thứ hai hoặc thứ 3, bạn có thể chỉ cần rặn từ 1 – 2 lần bởi các cơ đã được kéo căng trước đó.
- Kích thước và hình dạng của xương chậu: Khung xương chậu sẽ thay đổi kích thước trong quá trình sinh. Nếu khung xương chậu của mẹ nhỏ, bé sẽ mất nhiều thời gian để đi qua kênh sinh. Trong trường hợp kênh sinh quá hẹp, thai nhi không thể chui qua được thì bác sĩ sẽ can thiệp bằng cách mổ lấy thai.
- Kích thước của trẻ sơ sinh: Xương sọ của bé rất mềm, khi đi qua kênh sinh, đầu của bé có thể bị méo mó nhưng sẽ nhanh chóng trở lại bình thường sau sinh. Nếu đầu của bé có kích thước lớn hơn so với khung xương chậu thì việc rặn đẻ sẽ mất nhiều thời gian và có khi cũng phải mổ.
- Tư thế của bé: Ngôi thuận là tư thế lý tưởng nhất. Lúc này, đầu bé sẽ quay xuống khung xương chậu, mặt úp vào bụng (đầu cúi tối đa) và có thể di chuyển dễ dàng qua kênh sinh. Còn nếu bé vẫn ở vị trí quay đầu xuống nhưng mặt lại quay ra bụng thay vì quay vào trong thì thời gian sinh nở có thể lâu hơn và có thể khiến mẹ bị đau lưng nghiêm trọng.
- Lực chuyển dạ và cường độ của các cơn co thắt: Các cơn co thắt mạnh và đều đặn sẽ giúp cổ tử cung nhanh giãn ra và giúp bạn có đủ lực để dễ đẩy em bé ra ngoài.
Khi nào tôi sẽ phải rạch tầng sinh môn?

Việc rạch tầng sinh môn là thủ thuật cắt vùng da phía âm đạo hướng xuống dưới (vùng đáy chậu) để tạo khoảng rộng giúp em bé chui ra ngoài dễ dàng. Không ai có thể đoán trước được liệu bạn có cần phải rạch tầng sinh môn hay không. Bác sĩ sẽ chỉ định rạch tầng sinh môn nếu lúc rặn tầng sinh môn giãn không tốt, thường là ở người sanh con đầu lòng:
Việc ăn uống cân bằng, khoa học và thực hiện các bài tập cơ sàn chậu trong bốn tuần trước ngày dự sinh có thể làm giảm nguy cơ rạch tầng sinh môn.
Một vết rách nhỏ ở tầng sinh môn có thể ít đau và nhanh lành hơn so với vết rạch tầng sinh môn. Sẽ có một số trường hợp dù không bị rạch tầng sinh môn nhưng mẹ vẫn phải khâu một vài mũi, là do bị rách tự nhiên lúc rặn.
Tôi sẽ một mình trong phòng sinh…?
Tùy thuộc vào nơi bạn sinh mà người thân có thể ở bên trong lúc bạn chuyển dạ sinh con hay không. Trước khi sinh, bạn có thể tham khảo trước các dịch vụ tại bệnh viện cũng như các quy định trong phòng sinh. Nếu được, bạn có thể để chồng hoặc người thân vào phòng sinh để động viên, hỗ trợ hoặc để truyền đạt nhanh nhất tình trạng cũng như những mong muốn của bạn đến bác sĩ. Tuy nhiên, nếu người thân không ở bên thì bạn cũng đừng quá lo, các bác sĩ sẽ hỗ trợ bạn.
Khi nào tôi có thể cho bé bú?
Bạn có thể bắt đầu cho bé bú ngay giờ đầu ngay sau khi sinh. Nếu bé thở nhanh hoặc bị sặc sữa, bạn có thể hỏi bác sĩ để được hỗ trợ. Trong một giờ sau sinh, bạn cũng có thể tiếp xúc “da kề da” với bé liên tục 90 phút sau sinh để tạo sự gắn kết và bạn có thể bắt đầu cho bé bú mẹ vào thời điểm này.
Lần đầu cho con bú có thể có nhiều khó khăn. Bạn sẽ cần làm quen với bé trong khi bé sẽ cần học cách ngậm ti mẹ. Do đó, đừng quá lo nếu việc cho bé bú ở lần đầu không diễn ra suôn sẻ. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách cho bé bú tốt nhất.