backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Sảy thai nhưng không có dấu hiệu gì: Những điều mẹ cần biết!

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung · Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 15/06/2023

    Sảy thai nhưng không có dấu hiệu gì: Những điều mẹ cần biết!

    Sảy thai là tình trạng thai nhi mất trong tử cung trước tuần thứ 20 của thai kỳ. Các triệu chứng điển hình thường là chảy máu âm đạo, đau bụng dữ dội… Tuy nhiên, vẫn có một số mẹ bầu bị sảy thai nhưng không có dấu hiệu gì.

    Để hiểu rõ vì sao phụ nữ bị sảy thai nhưng không có dấu hiệu gì và các chị em nên làm gì trong trường hợp này, hãy tham khảo những thông tin trong bài viết dưới đây của Hello Bacsi.

    Tổng quan về tình trạng sảy thai nhưng không có dấu hiệu gì

    1. Sảy thai nhưng không có dấu hiệu là gì?

    Một số mẹ bầu bị sảy thai nhưng không có dấu hiệu gì khiến nhiều người thắc mắc không biết đây là tình trạng gì, có nguy hiểm không. Thực tế, theo thuật ngữ chuyên ngành, đây gọi là hình thức “sảy thai bị bỏ lỡ” (missed miscarriage). 

    Sảy thai bị bỏ lỡ xảy ra khi sản phụ bị sảy thai nhưng không bị chảy máu, đau bụng hay chuột rút bụng và không có bất kỳ mô thai nào bị đẩy ra khỏi cơ thể. Mô của nhau thai và phôi thai vẫn còn trong tử cung, nhưng phôi thai đã chết hoặc không phát triển. Thực chất, tình trạng sảy thai lỡ không phải là bị sảy thai về mặt thể chất (physically miscarried).

    Đôi khi, thai bị sảy có thể vẫn tồn  tại trong tử cung hàng tuần hoặc thậm chí hàng tháng, cho đến khi bạn bắt đầu bị chảy máu. Nếu tử cung không tự đẩy thai ra ngoài, bạn có thể cần đến một số thủ thuật y tế để lấy thai ra khỏi tử cung.

    2. Dấu hiệu cảnh báo sảy thai bị lỡ

    sảy thai nhưng không có dấu hiệu gì

    Nhiều người thường thắc mắc sảy thai nhưng không có dấu hiệu gì có thật sự là không có bất kỳ dấu hiệu nào hay không? 

    Theo các chuyên gia sức khỏe, với tình trạng sảy thai bỏ lỡ, bạn dường như không nhận thấy điều gì bất thường. Các dấu hiệu mang thai có thể vẫn tiếp diễn nếu nhau thai vẫn tiết ra hormone hoặc các triệu chứng thai kỳ có thể trở nên “mờ nhạt” hơn. 

    Bạn cũng có thể bị tiết dịch màu nâu và chuột rút, nhưng nhiều phụ nữ không có triệu chứng gì với dạng sảy thai này: không chảy máu, không đau bụng, không chuột rút. Chỉ đến khi các triệu chứng thai kỳ (như ốm nghén và mệt mỏi) dần biến mất và tử cung ngừng phát triển lớn hơn thì mới nghi ngờ đã bị sảy thai. 

    3. Vì sao mẹ bầu bị sảy thai nhưng không có dấu hiệu gì?

    Hiện nay, vẫn chưa rõ nguyên nhân vì sao sảy thai lỡ lại xảy ra nhưng có thể lý giải vì sao các chị em không nhận biết được thai đã bị sảy.

    Trong khi hầu hết các trường hợp sảy thai đều bắt đầu với các triệu chứng đau và chảy máu, thì sảy thai bỏ lỡ thường không cho thấy một dấu hiệu nào. Các hormone thai kỳ có thể tiếp tục cao trong một thời gian sau khi thai nhi đã chết, vì vậy mà nếu dùng que thử thai vẫn cho kết quả dương tính và mẹ bầu vẫn có thể tiếp tục cảm thấy có thai.

    Trong vài tuần đầu tiên của tam cá nguyệt thứ hai, có thể còn quá sớm để cảm nhận được em bé đạp nên nếu không bị chảy máu hay đau đớn, thai phụ có thể cho rằng thai nhi vẫn đang phát triển khỏe mạnh.

    4. Chẩn đoán sảy thai nhưng không có dấu hiệu gì

    sảy thai nhưng không có dấu hiệu gì

    Sảy thai bị bỏ sót được chẩn đoán bằng kết quả siêu âm, thường là siêu âm thai khi đi khám thai định kỳ. Hình ảnh hiển thị trên kết quả siêu âm thường cho thấy túi thai có em bé (hoặc bào thai hoặc phôi thai) bên trong, nhưng không có nhịp tim và thai trông nhỏ hơn bình thường ở giai đoạn này. 

    Trong một số trường hợp, siêu âm cũng cho thấy túi thai rỗng hoặc không có túi thai nào. Phôi không phát triển hoặc ngừng phát triển ở giai đoạn rất sớm và bị cơ thể tái hấp thu.

    5. Sảy thai nhưng không có dấu hiệu gì được điều trị như thế nào? 

    Thông thường, khi bị sảy thai lỡ, mô thai vẫn còn trong tử cung. Lúc này, tùy tình trạng sức khỏe của bạn mà bác sĩ hoặc bạn có thể lựa chọn:

    • Chờ đợi để mô thai tự đào thải ra ngoài một cách tự nhiên: Nếu không có dấu hiệu nhiễm trùng, bạn có thể đợi từ 7-14 ngày sau khi xác định sảy thai để mô thai tự đẩy ra ngoài một cách tự nhiên. Nếu sau khoảng thời gian này mà thai không tự đẩy ra khỏi cơ thể, việc can thiệp bằng các thủ thuật y tế là cần thiết.
    • Dùng thuốc để đẩy nhanh quá trình đào thải mô thai: Nếu bạn không muốn chờ đợi hoặc nếu chờ đợi không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc đường uống hoặc đặt trong âm đạo. 
    • Phẫu thuật nong và nạo (D&C): Nếu bạn bị chảy máu nhiều liên tục hoặc mô thai bị nhiễm trùng hay nếu việc chờ đợi và dùng thuốc không có kết quả, thủ thuật nong và nạo hút sẽ được thực hiện. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ làm giãn cổ tử cung của bạn và loại bỏ mô thai bên trong tử cung.

    Sảy thai nhưng không có dấu hiệu gì: Phải làm sao? 

    1. Chấp nhận sự thật

    sảy thai nhưng không có dấu hiệu gì

    Thực tế, ước tính có khoảng 23 triệu ca sảy thai xảy ra mỗi năm trên toàn thế giới, tương đương với 44 ca sảy thai mỗi phút. 

    • Đối với những phụ nữ đã biết bản thân đang mang thai, có khoảng 10-20% trường hợp bị sảy thai.
    • Khoảng 80% các trường hợp sảy thai xảy ra trong tam cá nguyệt đầu tiên trước tuần thứ 12 của thai kỳ.
    • 1-5% các ca mang thai bị sảy thai trong tam cá nguyệt thứ hai (từ 13 đến 19 tuần).

    Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp phôi thai bị sảy trước khi phụ nữ biết bản thân mang thai. 

    Do đó, nếu chẳng may bị sảy thai nhưng không có dấu hiệu gì, các chị em nên chấp nhận sự thật, từ đó mới có thể vượt qua nỗi đau để tiếp tục nỗ lực trên hành trình có con trong tương lai. Một tin tích cực dành cho bạn là hầu hết những người bị sảy thai đều sẽ có một thai kỳ khỏe mạnh sau đó.

    2. Ổn định tâm lý

    sảy thai nhưng không có dấu hiệu gì

    Việc nhận thông báo rằng đã bị sảy thai trong một buổi khám thai định kỳ chắc chắn sẽ khiến bạn cảm thấy rất sốc, hoang mang, đặc biệt là khi bị sảy thai nhưng không có dấu hiệu gì.

    Một số người có thể sẽ bật khóc vì quá đau lòng, nhưng cũng có người cố gắng tỏ ra tích cực, mạnh mẽ. Nhưng thực chất, bất kỳ phụ nữ nào khi gặp phải sự việc đau buồn này đều sẽ cảm thấy đau lòng. Một loạt các cảm xúc kéo đến trong giai đoạn này là điều bình thường và thậm chí thường kéo dài một thời gian sau khi sảy thai, bao gồm:

    • Cảm giác trống rỗng
    • Tức giận 
    • Hoài nghi
    • Thất vọng
    • Buồn bã
    • Có cảm giác bị cô lập

    Bạn có thể không sẵn sàng về mặt cảm xúc để có thể thử có thai một lần nữa trong thời gian gần và cần một khoảng thời gian để vơi bớt nỗi đau. Đây là điều này là hoàn toàn dễ hiểu. Tuy nhiên, bạn cũng cần tìm cách bước qua nỗi buồn này. Hãy để gia đình, chồng, người thân, bạn bè… hỗ trợ bạn cùng bạn vượt qua nỗi đau. Một số phụ nữ có thể cần đến sự trợ giúp của bác sĩ tâm lý để ổn định cảm xúc sau khi bị sảy thai.

    Bên cạnh đó, bạn cũng đừng đổ lỗi cho bản thân vì đã sảy thai. Bởi trong thực tế, các bác sĩ đồng ý rằng, nguyên nhân sảy thai, kể cả việc sảy thai nhưng không có dấu hiệu gì hiếm khi liên quan đến bất kỳ điều gì mà người mẹ đã làm hoặc không làm. Nghĩa là việc thai bị sảy không phải lỗi của bạn!

    3. Chăm sóc sức khỏe bản thân

    Trong hầu hết các trường hợp, quá trình phục hồi thể chất sau sảy thai chỉ mất vài giờ đến vài ngày. Tuy nhiên, nếu bạn bị chảy máu nhiều, sốt hoặc đau bụng, hãy đi khám ngay. Bên cạnh đó, để chuẩn bị cho lần mang thai tiếp theo, bạn cần chăm sóc sức khỏe tốt trước khi mang thai, bao gồm:

    • Khám sức khỏe trước khi mang thai
    • Tập thể dục thường xuyên và điều độ
    • Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh, cân bằng
    • Giảm căng thẳng
    • Duy trì trọng lượng trong mức khuyến nghị
    • Nói không với thuốc lá, đồ uống có cồn
    • Bổ sung axit folic để giúp ngăn ngừa dị tật bẩm sinh

    Sảy thai nhưng không có dấu hiệu gì thường không thể ngăn ngừa được, nhưng việc có một sức khỏe tốt trước khi mang thai có thể giúp hạn chế các biến chứng thai kỳ. Do đó, ngoài việc thực hiện các khuyến nghị kể trên, bạn cần khám sức khỏe trước khi mang thai và trao đổi với bác sĩ về các vấn đề sức khỏe, các yếu tố nguy cơ có thể ảnh hưởng đến thai kỳ. 

    4. Khám sức khỏe

    sảy thai nhưng không có dấu hiệu gì

    Quá trình rụng trứng có thể diễn ra sau 2 tuần kể từ khi bị sảy thai và phụ nữ có thể có kinh nguyệt trở lại trong vòng 4-6 tuần. 

    Sau 6 tuần kể từ khi bị sảy thai nhưng không có dấu hiệu gì, bạn nên đi khám sức khỏe để đảm bảo không có vấn đề gì và tử cung đã trở lại trạng thái bình thường.

    5. Tìm hiểu những nguy cơ gây sảy thai nhưng không có dấu hiệu gì

    Để chuẩn bị cho lần mang thai tiếp theo an toàn hơn, phụ nữ nên tìm hiểu kỹ những nguy cơ có thể gây sảy thai, chẳng hạn như:

  • Tuổi tác: Phụ nữ mang thai khi quá trẻ (dưới 20 tuổi) hoặc quá lớn tuổi (trên 35 tuổi), nam giới lớn tuổi (trên 40 tuổi).
  • Chỉ số khối cơ thể BMI rất thấp hoặc rất cao.
  • Ô nhiễm không khí.
  • Phụ nữ hút thuốc, uống rượu bia hoặc dung nạp quá nhiều caffeine từ cà phê, trà hoặc nước tăng lực….
  • Nữ giới thường xuyên bị căng thẳng.
  • Phụ nữ hay thức khuya, làm việc ca đêm.
  • Tiếp xúc với thuốc trừ sâu, hóa chất độc hại.
  • Từng bị sảy thai trước đó.
  • Bị sảy thai nhưng không có dấu hiệu gì, sau bao lâu có thể mang thai lại?

    Trứng có thể bắt đầu rụng sau 2 tuần kể từ thời điểm sảy thai, nên phụ nữ có thể thụ thai từ thời điểm này nếu có quan hệ tình dục mà không dùng biện pháp bảo vệ. Tuy nhiên, bác sĩ khuyến cáo rằng các chị em nên tránh quan hệ tình dục hoặc đặt bất cứ thứ gì vào âm đạo (tampon, cốc  nguyệt san…) trong vòng 2 tuần sau khi sảy thai.

    Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), phụ nữ vừa bị sảy thai nên chờ ít nhất 6 tháng mới nên có thai lại. Một số nghiên cứu lại cho rằng, các chị em nên đợi ít nhất 3 tháng sau khi bị sảy thai mới mang thai lại để có một thai kỳ an toàn.

    Thực tế, không có thời điểm cố định mà phụ nữ có thể mang thai lần nữa sau khi sảy thai. Tùy vào tình trạng phục hồi thể chất và tâm lý của các chị em mà thời điểm mang thai lại sau sảy thai sẽ khác nhau. 

    Đến khi bạn hoàn toàn ổn định về mặt tâm lý và phục hồi về mặt thể chất, nếu muốn có thai, hãy đi khám và hỏi ý kiến bác sĩ để nhận được lời khuyên phù hợp.

    Bạn có thể quan tâm:

    Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ về tình trạng sảy thai nhưng không có dấu hiệu gì. 

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

    Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


    Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 15/06/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo