Trong thai kỳ, lượng nước ối quá nhiều hoặc quá ít đều có thể gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ bầu cũng như sự phát triển của thai nhi. Việc căn cứ vào bảng chỉ số nước ối tính theo mm ở mỗi tuần thai sẽ giúp bác sĩ và mẹ bầu theo dõi lượng nước ối định kỳ nhằm phát hiện những bất thường và có hướng xử lý kịp thời.
Vậy chỉ số nước ối là gì? Bảng chỉ số nước ối theo mm ở mỗi tuần thai ra sao và những giá trị nào mà mẹ bầu cần lưu ý? Đâu là những dấu hiệu bất thường và mẹ bầu nên làm gì trong trường hợp này? Mời các mẹ bầu cùng Hello Bacsi tìm hiểu thêm trong bài viết sau nhé.
Chỉ số nước ối tính theo mm được đo như thế nào?
Trên thực tế, lượng nước ối trong cơ thể mẹ bầu sẽ thay đổi theo từng thời điểm của thai kỳ và thường được biểu thị bằng các chỉ số ối. Theo đó, chỉ số nước ối (amniotic fluid index – AFI) là thông số biểu thị lượng nước ối trong tử cung người mẹ theo từng giai đoạn phát triển của thai nhi.
Bằng cách theo dõi chỉ số này, bác sĩ có thể biết được lượng nước ối của mẹ bầu đang ở mức bình thường hay bất thường (thừa ối hoặc thiếu ối).
AFI được tính toán bằng cách chia tử cung thành bốn phần bằng nhau và đo ối ở 4 góc này theo trục dọc ở mỗi khoang, sau đó cộng cả 4 số đo này lại. Tổng các số đo này sẽ cho ra chỉ số AFI. Thông thường, chỉ số nước ối (AFI) được đo bằng đơn vị milimet (mm).
Các mức chỉ số nước ối tính theo mm của từng tuần thai
Chỉ số ối bình thường dao động trong khoảng 50-250mm. Chỉ số nước ối theo tuần thai của mẹ bầu sẽ thay đổi theo từng thời điểm của thai kỳ, đặc biệt là theo mỗi tuần thai. Để nắm rõ về sự thay đổi này, các mẹ bầu có thể tham khảo các chỉ số dưới đây.
1. Chỉ số nước ối bình thường
Thông thường, bảng chỉ số nước ối tính theo mm của tuần sẽ bao gồm các giá trị chỉ số nước ối ở các bách phân vị khác nhau, bao gồm bách phân vị thứ 3, 5, 50, 95 và 97,5. Trong đó, bách phân vị là giá trị dùng để ước tính tỷ lệ dữ liệu trong một tập số liệu rơi vào vùng cao hơn hoặc thấp hơn so với một giá trị cho trước. Chẳng hạn như bách phân vị thứ 5 nghĩa là chỉ có ít hơn 5% thai phụ có chỉ số nước ối tính theo mm như bạn.
Theo nghiên cứu của TR.Moore và JE Cayle trên 791 phụ nữ mang thai bình thường cho thấy, bảng chỉ số nước ối tính theo mm từ tuần 16 – 20 (đơn vị tính là mm) có giá trị tham khảo như sau:
Tuần thai | Bách phân vị thứ 3 | Bách phân vị thứ 5 | Bách phân vị thứ 50 | Bách phân vị thứ 95 | Bách phân vị thứ 97,5 |
---|---|---|---|---|---|
16 | 73 | 79 | 121 | 185 | 201 |
17 | 77 | 83 | 127 | 194 | 211 |
18 | 80 | 87 | 133 | 202 | 220 |
19 | 83 | 90 | 137 | 207 | 225 |
20 | 86 | 93 | 141 | 212 | 230 |
Bảng chỉ số nước ối tính theo mm từ tuần 21 – 28
Ở giai đoạn này, chỉ số nước ối ở mẹ bầu tăng lên tương đối đáng kể. Theo đó, bảng chỉ số nước ối tính theo mm từ tuần 21 – 24 dựa trên nghiên cứu của Moore và Cayle sẽ như sau:
Tuần thai | Bách phân vị thứ 3 | Bách phân vị thứ 5 | Bách phân vị thứ 50 | Bách phân vị thứ 95 | Bách phân vị thứ 97,5 |
---|---|---|---|---|---|
21 | 88 | 94 | 143 | 214 | 233 |
22 | 89 | 97 | 145 | 216 | 235 |
23 | 90 | 98 | 146 | 218 | 237 |
24 | 90 | 98 | 147 | 219 | 238 |
Bảng chỉ số nước ối tính theo mm từ tuần 25 – 42
Ở giai đoạn từ tuần 25 – 42 tuần, chỉ số nước ối tính theo mm ở mẹ bầu có xu hướng thay đổi tương đối nhiều. Tuy nhiên, càng về giai đoạn sau của thai kỳ, chỉ số này sẽ càng giảm. Dưới đây là bảng chỉ số nước ối tính theo mm của các tuần thai trong giai đoạn từ tuần 25 – 42. Bảng này sẽ giúp nhiều mẹ bầu giải đáp một số thắc mắc thường gặp như: chỉ số AFI tuần 32 là bao nhiêu hoặc thai 37 tuần nước ối bao nhiêu là đủ?
Tuần thai | Bách phân vị thứ 3 | Bách phân vị thứ 5 | Bách phân vị thứ 50 | Bách phân vị thứ 95 | Bách phân vị thứ 97,5 |
---|---|---|---|---|---|
25 | 89 | 97 | 147 | 221 | 240 |
26 | 89 | 97 | 147 | 223 | 242 |
27 | 85 | 95 | 146 | 226 | 245 |
28 | 86 | 94 | 146 | 228 | 249 |
29 | 84 | 92 | 145 | 231 | 254 |
30 | 82 | 90 | 145 | 234 | 258 |
31 | 79 | 88 | 144 | 238 | 263 |
32 | 77 | 86 | 144 | 242 | 269 |
33 | 74 | 83 | 143 | 245 | 274 |
34 | 72 | 81 | 142 | 248 | 278 |
35 | 70 | 79 | 140 | 249 | 279 |
36 | 68 | 77 | 138 | 249 | 279 |
37 | 66 | 75 | 135 | 244 | 275 |
38 | 65 | 73 | 132 | 239 | 269 |
39 | 64 | 72 | 127 | 226 | 255 |
40 | 63 | 71 | 123 | 214 | 240 |
41 | 63 | 70 | 116 | 194 | 216 |
42 | 63 | 69 | 110 | 175 | 191 |
2. Chỉ số nước ối thấp
Tình trạng ít nước ối gây ra nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả mẹ và bé. Chỉ số AFI được đánh giá là thiếu ối khi chỉ số nước ối tính theo mm ≤ 50mm. Tình trạng này làm tăng nguy cơ:
- Dị tật bẩm sinh: Áp lực lên các cơ quan nội tạng có thể gây ra các dị tật bẩm sinh ở thai nhi.
- Thai nhi chậm phát triển: Thiếu nước ối hạn chế không gian cho thai nhi vận động và phát triển.
- Sẩy thai, thai chết lưu: Trong trường hợp thiếu nước ối nghiêm trọng, thai nhi có thể không đủ sức sống để tồn tại và dẫn đến sảy thai hoặc thai chết lưu.
- Sinh non: Thiếu nước ối làm tăng nguy cơ sinh non.
- Hội chứng hít phân su: Khi thiếu ối, thai nhi có thể hít phải phân su, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm cho bé.
- Biến chứng khi chuyển dạ: Thiếu nước ối có thể gây khó khăn trong quá trình chuyển dạ, tăng nguy cơ phải mổ lấy thai.
3. Chỉ số nước ối cao (Đa ối)
Không chỉ thiếu nước ối gây hại, mà tình trạng dư thừa nước ối cũng tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Chỉ số AFI được đánh giá là cao (đa ối) khi chỉ số nước ối tính theo mm ≥ 250 mm. Mẹ bầu và thai nhi có thể phải đối mặt với các nguy cơ bao gồm:
- Sinh non: Lượng nước ối quá nhiều có thể gây áp lực lên tử cung, dẫn đến co thắt tử cung sớm và sinh non.
- Vỡ ối non: Màng ối căng quá mức dễ bị vỡ sớm, gây rò rỉ nước ối.
- Sa dây rốn: Dây rốn có thể bị sa xuống trước khi ngôi thai lọt xuống, gây nguy hiểm cho thai nhi.
- Bong nhau non: Lớp nhau thai bong ra khỏi thành tử cung sớm hơn dự kiến, ảnh hưởng đến sự cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi.
- Bất thường về ngôi thai: Thai nhi có thể nằm lệch hoặc ngôi ngược, gây khó khăn cho quá trình chuyển dạ.
- Khó thở: Tử cung to quá mức do lượng nước ối nhiều có thể chèn ép lên các cơ quan trong bụng, gây khó thở cho mẹ bầu.
- Đau lưng: Áp lực lên cột sống cũng có thể khiến mẹ bầu bị đau lưng.
- Bất thường về phát triển: Dư thừa nước ối có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, gây ra các dị tật bẩm sinh.
Tình trạng | Chỉ số nước ối AFI (mm) | Điều cần lưu ý |
---|---|---|
Vô ối | < 30mm | Thai nhi sẽ gặp nguy hiểm, có thể chết lưu hoặc sinh non. |
Thiểu ối | ≤ 50mm | Tăng tỷ lệ dị tật bẩm sinh hoặc thai nhi phát triển bất thường. |
Bình thường | 50 – 250mm | Việc AFI tiệm cận giới hạn trên có thể được một số bác sĩ đọc là dư ối, nhưng nhìn chung vẫn trong giới hạn bình thường. |
Đa ối | ≥ 250 mm | Mẹ bầu có thể bị vỡ ối sớm, sinh non, bong nhau non, ngôi thai đảo lộn… |
Những yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số nước ối tính theo mm
Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số nước ối, bao gồm:
- Tuổi thai: Lượng nước ối thay đổi theo từng giai đoạn của thai kỳ.
- Sức khỏe của mẹ: Các bệnh lý như tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp có thể ảnh hưởng đến lượng nước ối.
- Sức khỏe của bé: Các dị tật bẩm sinh ở thận, phổi, hệ tiêu hoá có thể gây ra thiếu hoặc thừa nước ối.
- Rối loạn nhau thai: Nhau thai lão hóa sớm, bong nhau non có thể gây ảnh hưởng đến lượng nước ối.
Biện pháp điều chỉnh chỉ số nước ối
Chỉ số nước ối tính theo mm đóng vai trò quan trọng trong thai kỳ. Cả tình trạng thiếu và thừa nước ối đều có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt đến cả mẹ và bé. Vì vậy, việc điều chỉnh chỉ số nước ối là rất cần thiết.
1. Biện pháp tăng chỉ số nước ối thấp
- Uống nhiều nước: Nước là thành phần chính của nước ối. Việc uống đủ 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày giúp tăng lượng nước ối đặc biệt những tuần thai nhỏ. Sau 17 tuần, thận thai nhi bắt đầu đảm nhận việc tạo ra nước ối, uống nước trong giai đoạn này chủ yếu duy trì các hoạt động sống của mẹ và giảm nguy cơ nhiễm khuẩn tiết niệu cho mẹ. Nên uống nước chia nhỏ nhiều lần thay vì uống một lượng lớn nước cùng một lúc.
- Ăn nhiều trái cây: Các loại trái cây như dưa hấu, dưa lưới, bưởi… chứa nhiều nước giúp bổ sung lượng nước cho cơ thể.
- Bổ sung các thực phẩm giàu nước như súp, canh, cháo…
2. Biện pháp giảm chỉ số nước ối khi cao
- Giảm lượng muối: Muối làm tăng khả năng giữ nước trong cơ thể.
- Giảm đồ ngọt, đồ nếp (xôi, bánh chưng), kiểm tra chỉ số đường máu hoặc làm nghiệm pháp đường loại trừ tiểu đường thai kỳ.
- Theo dõi cân nặng: Tăng cân quá nhanh có thể là dấu hiệu của việc tích trữ quá nhiều nước.
- Đảm bảo cung cấp đủ các nhóm chất như: Protein và chất đạm trong khẩu phần ăn hằng ngày, nên ưu tiên bổ sung các loại thực phẩm như hải sản, thịt động vật.
- Ăn nhiều rau xanh nhưng phải hạn chế các loại rau chứa nhiều nước và không nên chế biến chúng dưới dạng canh hoặc súp.
- Hạn chế ăn trái cây mọng nước như cam, bưởi, dưa hấu… Thay thế bằng các loại hoa quả khác nhiều chất xơ và vitamin như táo, lê, chuối, đu đủ,…
Khi nào nên kiểm tra chỉ số nước ối tính theo mm?
Việc kiểm tra chỉ số nước ối là một phần quan trọng trong quá trình khám thai, giúp bác sĩ đánh giá tình trạng sức khỏe của mẹ và bé. Từ đó đưa ra những chẩn đoán và điều trị phù hợp. Thông thường, chỉ số nước ối tính theo mm sẽ được đo trong các lần siêu âm định kỳ. Các mốc siêu âm quan trọng bao gồm:
- Siêu âm đầu thai kỳ: Để xác định tuổi thai, số lượng thai nhi và đánh giá các dấu hiệu bất thường ban đầu.
- Siêu âm giữa thai kỳ: Đánh giá sự phát triển của thai nhi, đo chiều dài xương đùi, ước tính cân nặng và kiểm tra lượng nước ối.
- Siêu âm cuối thai kỳ: Đánh giá sự trưởng thành phổi của thai nhi, tư thế của thai nhi và lượng nước ối.
- Các lần khám khác: Ngoài các lần siêu âm định kỳ, bác sĩ có thể chỉ định đo lượng nước ối thêm nếu có các dấu hiệu bất thường như: thai máy ít, bụng bầu tăng trưởng chậm hoặc quá nhanh, rò rỉ dịch âm đạo, có tiền sử sinh non hoặc các vấn đề về thai kỳ trước đó.
Nếu chỉ số nước ối tính theo mm bất thường, bác sĩ có thể chỉ định thêm các xét nghiệm để tìm hiểu nguyên nhân và đánh giá tình trạng sức khỏe, bao gồm:
- Siêu âm Doppler: Đánh giá dòng máu chảy qua dây rốn và nhau thai.
- Xét nghiệm máu: Kiểm tra các chỉ số như đường huyết, protein niệu, chức năng gan, thận…
- Xét nghiệm nước tiểu: Kiểm tra nhiễm trùng đường tiểu, protein niệu.
- Siêu âm 5D: Đánh giá chi tiết hơn về cấu trúc của nhau thai và dây rốn.
Việc thực hiện các xét nghiệm bổ sung sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể và quyết định của bác sĩ.
FAQs – Những câu hỏi liên quan đến chỉ số nước ối tính theo mm
AFI bao nhiêu là bình thường trong tam cá nguyệt thứ 3?
Trong tam cá nguyệt thứ 3, chỉ số AFI bình thường sẽ dao động trong khoảng 5 – 25cm.
- AFI < 5cm: Thiếu ối
- AFI > 25cm: Đa ối
Mẹ bầu có thể tự điều chỉnh chỉ số nước ối không?
Việc điều chỉnh chỉ số nước ối là một vấn đề phức tạp và cần có sự can thiệp của bác sĩ. Mẹ bầu không thể điều chỉnh chính xác các chỉ số nước ối nhưng có thể điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt để góp phần cải thiện tình trạng ối tốt hơn.
Khi nào cần gặp bác sĩ nếu chỉ số nước ối tính theo mm không đạt chuẩn?
Khi chỉ số ối không đạt chuẩn, tức là hoặc quá ít (thiếu ối) hoặc dư ối (đa ối), mẹ bầu cần hết sức lưu ý theo dõi và thăm khám thường xuyên. Khi gặp các dấu hiệu sau mẹ bầu cần đến bệnh viện kiểm tra ngay:
- Thai nhi ít cử động
- Bụng bầu tăng trưởng quá nhanh hoặc quá chậm
- Rò rỉ dịch âm đạo
- Đau bụng dưới.
Theo dõi chỉ số nước ối tính theo mm là một phần quan trọng trong quá trình mang thai. Để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và bé, mẹ bầu nên khám thai đều đặn và tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Nếu muốn tìm hiểu thêm về các vấn đề liên quan đến thai kỳ hãy truy cập HelloBacsi để tìm hiểu thêm nhiều bài viết.
[embed-health-tool-due-date]