backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Dùng thuốc trị táo bón cho bà bầu có ảnh hưởng đến thai nhi?

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai · Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 22/05/2022

    Dùng thuốc trị táo bón cho bà bầu có ảnh hưởng đến thai nhi?

    Mặc dù không nguy hiểm nhưng táo bón khi mang thai khiến mẹ bầu không tránh khỏi cảm giác khó chịu. Trong một số trường hợp, mẹ bầu không thể cải thiện chứng táo bón thông qua chế độ ăn uống hoặc tập luyện. Vì vậy, nhiều phụ nữ mang thai thắc mắc rằng dùng thuốc trị táo bón cho bà bầu có sao không?

    Táo bón là tình trạng phổ biến trong thai kỳ do mẹ bầu đang có những thay đổi về sinh lý ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa, chẳng hạn như gia tăng nồng độ hormone progesterone gây giảm nhu động ruột. Thêm vào đó là áp lực từ tử cung ngày càng lớn hoặc việc mẹ bầu bổ sung sắt, canxi… đều có thể góp phần gây ra táo bón.

    Thuốc trị táo bón hay còn được gọi là thuốc nhuận tràng vẫn có thể được sử dụng trong thai kỳ như một giải pháp tạm thời. Bài viết sau của Hello Bacsi sẽ lý giải chi tiết hơn về vấn đề thuốc trị táo bón có ảnh hưởng như thế nào đến thai kỳ. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn thì các mẹ vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc nhé!

    Dùng thuốc trị táo bón cho bà bầu có an toàn trong thai kỳ?

    Đối với việc điều trị chứng táo bón trong thai kỳ, cách tốt nhất là bạn nên thử các phương pháp tự nhiên, bao gồm bổ sung thực phẩm giàu chất xơ, uống nhiều nước, tập thể dục đều đặn… để cải thiện trước khi quyết định dùng bất cứ loại thuốc nào.

    Nếu các giải pháp tự nhiên không đem đến hiệu quả, việc dùng thuốc trị táo bón cho bà bầu có thể cần thiết. Tương tự như nhiều loại thuốc khác, hiện vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về độ an toàn của thuốc nhuận tràng trong thai kỳ. Tuy nhiên, thực tế trong nhiều năm nay cho thấy vẫn có một số loại thuốc trị táo bón được dùng cho mẹ bầu và không gây rủi ro cho thai nhi.

    Đối với một số mẹ bầu táo bón nghiêm trọng hoặc kéo dài thì không tránh được việc phải dùng thuốc nhuận tràng. Điều quan trọng là bạn không nên lạm dụng thuốc khi mang thai vì một số loại thuốc nhuận tràng có thể khiến bạn mất nước và mất cân bằng điện giải. Cách tốt nhất là bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để được kê đơn thuốc nhuận tràng và tư vấn dùng thuốc theo liệu trình phù hợp.

    Thông tin cụ thể về ảnh hưởng của các nhóm thuốc nhuận tràng đối với thai kỳ

    Như đã đề cập, các nghiên cứu về việc dùng thuốc trị táo bón cho bà bầu còn khá hạn chế. Tuy nhiên, vẫn có một số ít nghiên cứu đã cung cấp được thông tin về ảnh hưởng của các nhóm thuốc trị táo bón (thuốc nhuận tràng) cụ thể đối với mẹ bầu. Trong đó bao gồm:

    Thuốc nhuận tràng tạo khối

    thuốc trị táo bón cho bà bầu

    Thuốc nhuận tràng tạo khối là polisaccarit có nguồn gốc thiên nhiên hoặc tổng hợp. Khi hút nước, các chất này tạo thành một khối gel làm mềm phân và kích thích nhu động ruột. Nhóm thuốc này thường phù hợp để điều trị tình trạng khối phân cứng và nhỏ. Các nghiên cứu cho thấy thuốc nhuận tràng tạo khối không hấp thụ vào máu và không liên quan đến nguy cơ dị tật ở thai nhi.

    Do đó, đây là nhóm thuốc trị táo bón cho bà bầu được xem là an toàn và có thể dùng thường xuyên. Tuy nhiên, không phải lúc nào việc dùng thuốc nhuận tràng tạo khối cũng đem lại hiệu quả như mong muốn. Đôi khi, việc dùng thuốc có thể gây ra một số tác dụng phụ như đầy hơi, chướng bụng hoặc chuột rút.

    Thuốc nhuận tràng thẩm thấu

    Đây là loại thuốc được chia làm 3 nhóm chính gồm muối (natri clorua, kali clorua…), các polyalcohol không hấp thu (lactulose, sorbitol, glycerin) và polyethylene glycol. Thuốc là dung dịch ưu trương hút nước vào lòng ruột nhờ tác dụng thẩm thấu để làm tăng nhu động ruột.

    Thuốc nhuận tràng thẩm thấu thường không gây hại cho mẹ bầu. Tuy nhiên, mẹ không nên lạm dụng vì việc dùng thuốc này trong thời gian dài có thể dẫn đến mất cân bằng điện giải.

    Thuốc nhuận tràng kích thích

    Đây là nhóm thuốc kích thích đầu mút thần kinh của niêm mạc kết tràng làm tăng nhu động ruột. Do vậy, thuốc này vừa được dùng trong điều trị táo bón vừa được dùng làm sạch ruột để chuẩn bị cho phẫu thuật.

    Một số thuốc nhuận tràng kích thích như bisacodyl hoặc senna có tính sinh khả dụng kém và dường như không liên quan đến dị tật thai nhi. Tuy nhiên, thuốc thường gây nhiều tác dụng phụ như đau quặn bụng, rối loạn nước – điện giải, hạ kali máu hoặc mất trương lực ruột nếu dùng lâu dài. Vì vậy, đây không phải là thuốc trị táo bón cho bà bầu được các chuyên gia y khoa khuyến khích sử dụng.

    Thuốc trị táo bón cho bà bầu: Mẹ có nên dùng thuốc làm mềm phân?

    thuốc trị táo bón cho bà bầu

    Nhóm thuốc làm mềm phân là muối docusate. Các chế phẩm này chứa lượng lớn muối canxi, natri và kali. Về cơ chế điều trị táo bón, thuốc này có tác dụng làm giảm sức căng bề mặt của khối phân để tăng lượng nước mà phân hấp thụ trong ruột giúp người bệnh đi tiêu dễ hơn.

    Trong một số nghiên cứu, natri docusate không gây tác dụng phụ cho mẹ bầu khi dùng thuốc. Tuy nhiên, có một trường hợp báo cáo về việc bà mẹ dùng natri docusate trong suốt thai kỳ có liên quan đến triệu chứng hạ kali máu ở trẻ sơ sinh.

    Thuốc nhuận tràng bôi trơn

    Dầu khoáng trong loại thuốc nhuận tràng này có tác dụng tạo thêm một lớp bôi trơn cho thành ruột và ngăn phân không bị khô. Qua đó giúp khối phân dễ di chuyển hơn trong ruột già. Thuốc nhuận tràng bôi trơn không gây tác dụng phụ nhưng mẹ bầu được khuyên không nên dùng vì thuốc có thể làm giảm sự hấp thu của các vitamin tan trong chất béo như vitamin A, D, E, K…

    Nhìn chung, các nhóm thuốc trị táo bón (thuốc nhuận tràng) thường không hấp thu vào máu và không tăng nguy cơ dị tật cho thai nhi. Do đó, việc dùng thuốc trị táo bón cho bà bầu thường không gây hại nếu bạn dùng thuốc phù hợp và chỉ dùng trong thời gian ngắn.

    Tuy nhiên, lời khuyên là mẹ vẫn nên ưu tiên các giải pháp trị táo bón tự nhiên như tăng lượng chất xơ từ thực phẩm và uống đủ nước và chế độ ăn uống, kết hợp với việc tập thể dục đều đặn mỗi ngày. Việc dùng thuốc trị táo bón chỉ nên được xem là lựa chọn thứ hai và cần được tư vấn, chỉ định bởi bác sĩ mẹ nhé!

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Thạc sĩ - Dược sĩ - Giảng viên Lê Thị Mai

    Dược · Đại học Nguyễn Tất Thành


    Tác giả: Hoàng Oanh Nguyễn · Ngày cập nhật: 22/05/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo