Các dấu hiệu của rối loạn phổ tự kỷ thường không rõ ràng. Do đó, để sớm nhận biết được bé yêu có nguy cơ mắc phải hội chứng tự kỷ hay không, các bậc cha mẹ nên thực hiện bài test trẻ tự kỷ tại nhà trước khi cho con đi khám.
Rối loạn phổ tự kỷ là một tình trạng liên quan đến sự phát triển não bộ, ảnh hưởng đến cách trẻ nhận thức, giao tiếp và tương tác với những người xung quanh. Việc sớm thực hiện các bài trắc nghiệm tự kỷ cho bé sẽ giúp bạn lưu ý để cho trẻ đi khám và tầm soát giúp phát hiện sớm rối loạn này và có được phương án điều trị hiệu quả và kịp thời hơn. Trong bài viết này, Hello Bacsi giới thiệu đến bạn một bài test trẻ tự kỷ từ 16-30 tháng tuổi được nhiều chuyên gia tin tưởng sử dụng.
Bài test cho trẻ tự kỷ từ 16 – 30 tháng tuổi là gì?
Bài test trẻ tự kỷ từ 16 – 30 tháng tuổi là công cụ MCHAT-R/F (The Modified Checklist for Autism in Toddlers — Revised, with Follow-Up), được thiết kế bởi Tiến sĩ Diana L. Robins, thuộc Đại học bang Georgia (GSU), ở Atlanta và các đồng nghiệp cộng sự thuộc Đại học Connecticut ở Storrs. Đây là một công cụ sàng lọc tự kỷ dành cho các bé từ 16-30 tháng tuổi và đang có những dấu hiệu nghi ngờ mắc rối loạn phổ tự kỷ. Tuy nhiên, trong bối cảnh nước ta còn đang thiếu các công cụ sàng lọc tự kỷ, thì bài test này cũng có thể dùng được cho trẻ đến 48 tháng tuổi.
Thông thường, công cụ sàng lọc này có thể được các chuyên gia thực hiện trong những đợt thăm khám sức khỏe định kỳ cho trẻ em lúc 18 tháng tuổi hoặc 2 tuổi. Mục đích của bài test là đánh giá những nguy cơ mắc rối loạn phổ tự kỷ ở trẻ, từ đó phát hiện nhiều nhất các trường hợp có nguy cơ bị tự kỷ.
Tuy nhiên, không phải tất cả những trẻ có điểm nguy cơ cao đều bị rối loạn phổ tự kỷ. Bài test không có giá trị chẩn đoán xác định cho trẻ. Nếu kết quả bài test tự kỷ của bé nhà bạn nằm trong diện nguy cơ cao, hãy cảnh giác và đưa bé đi khám để được chẩn đoán chuyên sâu, từ đó có định hướng can thiệp kịp thời.
Giới thiệu bộ câu hỏi trong bài test trẻ tự kỷ từ 16 – 30 tháng tuổi
1. Phương pháp thực hiện
Có tổng cộng 20 câu hỏi dành cho phụ huynh của trẻ trả lời trong bài test này. Đa số các câu hỏi sẽ có ví dụ cụ thể để cha mẹ dễ dàng thực hiện theo và quan sát các biểu hiện của con. Từ đó, phụ huynh có thể đưa ra điểm số chính xác nhằm đánh giá nguy cơ tự kỷ ở trẻ.
Với mỗi câu hỏi, bạn sẽ lựa chọn một trong hai đáp án “Có”, “Không”, sau đó sẽ chấm điểm dựa theo nguyên tắc sau:
- Với các câu hỏi số 2, 5 và 12: Nếu câu trả lời là “Có” thì tính 1 điểm. Nếu là “Không” thì tính 0 điểm.
- Với các câu hỏi còn lại: Nếu câu trả lời là “Có” thì tính 0 điểm. Nếu là “Không” thì tính 1 điểm.
Lưu ý
Trong quá trình trả lời các câu hỏi, cha mẹ nên nghĩ về cách cư xử thường xuyên của trẻ. Nếu bạn từng thấy trẻ cư xử như vậy một vài lần nhưng không thường xuyên thì câu trả lời là “Không”. Ngoài ra, bạn nên hoàn thành tất cả các câu hỏi, không nên bỏ qua câu nào.
2. Bộ câu hỏi trong bài test trẻ tự kỷ từ 16 – 30 tháng tuổi
Câu 1: Nếu bạn chỉ vào một vị trí trong phòng, trẻ có nhìn theo hướng tay của bạn không?
Ví dụ, nếu bạn chỉ vào một món đồ chơi hay đồ vật, thú cưng thì bé có nhìn vào đồ chơi, đồ vật hay thú cưng đó không?
Nếu trẻ nhìn theo thì câu trả lời là “Có”, và bạn điền vào 0 điểm. Ngược lại, nếu trẻ không nhìn theo hướng tay, thì câu trả lời là “Không”, và bạn điền 1 điểm.
Câu 2: Trẻ có gặp vấn đề về thính giác không?
Ví dụ, khi có tiếng động rất lớn kế bên thì trẻ có phản ứng gì không?
Nếu bé chú ý đến nơi phát ra âm thanh, nghĩa là trẻ không gặp vấn đề về thính giác. Lúc này, câu trả lời là “Không” và bạn điền 0 điểm. Ngược lại thì điền 1 điểm, bạn nhé.
Câu 3: Trẻ có chơi trò chơi tưởng tượng hoặc giả vờ không?
Ví dụ, bé có giả vờ uống nước bằng cốc rỗng, giả vờ nói chuyện điện thoại, giả vờ cho búp bê ăn… không?
Nếu câu trả lời là “Có”, điền 0 điểm. Nếu lời đáp là “Không”, điền 1 điểm.
Câu 4: Trẻ có thích leo trèo không?
Ví dụ, bé có thích trèo lên đồ đạc trong nhà (bàn ghế, giường tủ), đồ vật ngoài trời (cầu trượt, cây cối) hoặc leo cầu thang không?
Nếu câu trả lời là “Có”, điền 0 điểm. Nếu lời đáp là “Không”, điền 1 điểm.
Câu 5: Trẻ có thường xuyên làm các chuyển động ngón tay một cách bất thường trước mắt của bé không?
Ví dụ, bé có ngọ nguậy, ngoe nguẩy hoặc đưa qua đưa lại ngón tay trước mắt của bẻ không?
Đây là câu hỏi quan trọng trong bài test trẻ tự kỷ từ 16-30 tháng tuổi, giúp sàng lọc nguy cơ tự kỷ dựa trên triệu chứng về hành vi bất thường. Nếu trẻ không có những hành động này thì bạn điền 0 điểm. Còn nếu có và thường xuyên thì hãy điền 1 điểm.
Câu 6: Trẻ có chỉ tay vào một vật gì đó để yêu cầu một việc gì hoặc để được giúp đỡ không?
Ví dụ, khi trẻ muốn lấy gói bánh, viên kẹo hay món đồ chơi để trên kệ cao nhưng không với tới được, thì bé có chỉ tay vào những món đồ đó để nhờ sự trợ giúp hay không?
Nếu có, hãy điền 0 điểm. Nếu không thì điền 1 điểm, bạn nhé!
Câu 7: Trẻ có chỉ cho bạn những thứ thú vị khiến bé thích thú không?
Ví dụ, nếu có chiếc máy bay trên bầu trời hoặc tàu hỏa chạy ngang qua… thì bé có chỉ cho bạn thấy hay không?
Nếu có, hãy điền 0 điểm. Nếu không thì điền 1 điểm!
Câu 8: Trẻ có thích chơi hoặc thể hiện sự quan tâm với những trẻ khác không?
Ví dụ, bé có quan sát những trẻ khác không, có cười với những đứa trẻ này hoặc đến chơi cùng các trẻ khác không?
Nếu câu trả lời là “Có”, điền 0 điểm. Nếu lời đáp là “Không”, điền 1 điểm.
Câu 9: Trẻ có khoe với bạn những đồ vật mà bé thích bằng cách chỉ vào, mang hay ôm những món đồ này đến cho bạn xem hay không (không phải để nhờ sự giúp đỡ của bạn mà chỉ vì muốn khoe với bạn)?
Ví dụ, trẻ có khoe với bạn một bông hoa, thú bông, hay xe tải đồ chơi mà bé yêu thích không?
Câu hỏi này trong bài test trẻ tự kỷ từ 16-30 tháng tuổi giúp đánh giá khả năng giao tiếp và tương tác xã hội của bé. Nếu câu trả lời là “Có”, điền 0 điểm. Nếu lời đáp là “Không”, điền 1 điểm.
Câu 10: Trẻ có phản ứng hay phản hồi gì khi bạn gọi tên của bé không?
Ví dụ, khi được gọi tên, bé có ngước mặt lên tìm người gọi hoặc bập bẹ, nói chuyện với người gọi và ngừng việc đang làm hay không?
Nếu có, hãy điền 0 điểm. Nếu không thì điền 1 điểm, bạn nhé!
Câu 11: Trẻ có cười lại với bạn khi bạn cười với bé không?
Nếu có, hãy điền 0 điểm. Nếu không thì điền 1 điểm, bạn nhé!
Câu 12: Trẻ có cảm thấy khó chịu vì những tiếng ồn xung quanh bé mỗi ngày không?
Ví dụ, bé có hét lên hay khóc khi nghe tiếng ồn của máy hút bụi hay tiếng nhạc to không?
Nếu câu trả lời là “Không” thì bạn điền 0 điểm. Còn nếu có thì hãy điền 1 điểm.
Câu 13: Trẻ có đi bộ không?
Nếu trẻ có thể tự bước đi một cách bình thường, không có tư thế đi kỳ lạ, thì hãy điền 0 điểm. Ngược lại, nếu trẻ không thể đi bộ, hoặc đi kiễng chân và có ngôn ngữ cơ thể kỳ lạ, cứng nhắc hoặc cường điệu, thì hãy điền 1 điểm.
Câu 14: Trẻ có nhìn vào mắt bạn khi bạn đang nói chuyện với bé, chơi cùng bé hoặc mặc quần áo cho bé không?
Đây cũng là một câu hỏi khác trong bài test trẻ tự kỷ từ 16-30 tháng tuổi giúp đánh giá khả năng giao tiếp và tương tác xã hội của bé. Nếu câu trả lời là “Có”, hãy điền 0 điểm. Ngược lại, nếu bé không giao tiếp bằng mắt với người đối diện đang trò chuyện hoặc chơi cùng bé, hãy chấm 1 điểm.
Câu 15: Trẻ có bắt chước những điều bạn làm không?
Ví dụ, bé có vẫy tay chào tạm biệt, vỗ tay, hoặc tạo ra âm thanh vui nhộn khi bạn làm như vậy không?
Nếu có, hãy điền 0 điểm. Nếu không thì điền 1 điểm, bạn nhé!
Câu 16: Nếu bạn quay đầu để nhìn gì đó, trẻ có nhìn xung quanh để xem bạn đang nhìn cái gì không?
Nếu có, hãy điền 0 điểm. Nếu không thì điền 1 điểm, bạn nhé!
Câu 17: Trẻ có cố gắng gây sự chú ý để bạn phải nhìn bé không?
Ví dụ, trẻ có nhìn bạn với mong muốn được khen ngợi, hoặc nói “Nhìn con này”, “Xem con này” hay không?
Nếu câu trả lời là “Có”, điền 0 điểm. Nếu lời đáp là “Không”, điền 1 điểm.
Câu 18: Trẻ có hiểu những gì mà bạn bảo con phải làm không?
Ví dụ, nếu bạn không chỉ tay, bé có hiểu những câu như “Để sách lên ghế” hoặc “Đưa cha/mẹ cái chăn” không?
Khả năng giao tiếp và tương tác xã hội của bé cũng được đánh giá thông qua câu hỏi này của bài test trẻ tự kỷ từ 16-30 tháng tuổi. Nếu trẻ hiểu và có thể làm theo yêu cầu, hãy điền 0 điểm. Ngược lại thì bạn chấm 1 điểm nhé.
Câu 19: Nếu có điều gì đó mới lạ xảy ra, trẻ có nhìn bạn để quan sát xem bạn cảm thấy thế nào về sự việc vừa rồi không?
Ví dụ, nếu bé nghe thấy một âm thanh lạ hoặc thú vị, nhìn thấy đồ chơi mới, thì trẻ có nhìn bạn không?
Nếu câu trả lời là “Có”, điền 0 điểm. Nếu lời đáp là “Không”, điền 1 điểm.
Câu 20: Trẻ có thích những hoạt động vận động hay không?
Ví dụ, bé có thích được lắc lư hoặc chơi xích đu bằng chân của bố mẹ không?
Nếu câu trả lời là “Có”, điền 0 điểm. Nếu lời đáp là “Không”, điền 1 điểm.
Đánh giá nguy cơ thông qua bài test trẻ tự kỷ
Từ những điểm số đã được ghi nhận thông qua những câu hỏi của bài test trẻ tự kỷ, bạn hãy cộng tổng điểm lại và so sánh với thang điểm sau đây:
- Tổng điểm từ 0-2: Nguy cơ trẻ bị tự kỷ thấp. Nếu kết quả sau bài trắc nghiệm tự kỷ nằm trong mức điểm này, cha mẹ có thể phần nào yên tâm. Tuy nhiên, nếu bạn thực hiện bài test trẻ tự kỷ khi bé dưới 2 tuổi, thì hãy đợi đến khi bé tròn 24 tháng tuổi và làm lại trắc nghiệm một lần nữa để đảm bảo kết quả chính xác nhất nhé! Còn trong thời điểm hiện tại, bạn chưa cần phải hành động gì, trừ khi trong quá trình theo dõi bé, bạn phát hiện ra những nguyên nhân hoặc yếu tố nguy cơ cho thấy nghi ngờ trẻ bị tự kỷ.
- Tổng điểm từ 3-7: Nguy cơ trẻ bị tự kỷ trung bình. Cần thực hiện bộ test MCHAT-R/F follow up để có thêm thông tin bổ sung. Cha mẹ cần theo dõi thêm những dấu hiệu của phổ tự kỷ ở trẻ và nên đưa bé đi khám để được sàng lọc chuyên sâu. Nếu kết quả sàng lọc chuyên sâu cho thấy bé không có nguy cơ bị tự kỷ thì bạn không cần quá lo lắng. Chỉ cần làm lại bài test trẻ tự kỷ trong những lần thăm khám sức khỏe định kỳ kế tiếp của bé.
- Tổng điểm từ 8-20: Nguy cơ trẻ bị tự kỷ cao. Trong trường hợp này, bạn cần đưa bé đi khám để được chẩn đoán và xác định nguy cơ tự kỷ ngay lập tức.
Tóm lại
Cha mẹ nên thực hiện bài test trẻ tự kỷ từ sớm và định kỳ. Mặc dù bài trắc nghiệm có thể cho kết quả “dương tính” giả, nhưng bài test sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về tình trạng sức khỏe tâm thần kinh của con.
Ngoài ra, khi nhận được kết quả cho thấy trẻ có nguy cơ cao bị tự kỷ, cha mẹ cần bình tĩnh, giữ vững tâm lý và đưa con đi khám chuyên khoa Tâm thần Nhi càng sớm càng tốt nhé!
Hy vọng bài test trẻ tự kỷ từ 16-30 tháng tuổi mà Hello Bacsi vừa giới thiệu giúp ích cho bạn phần nào trong việc chẩn đoán nguy cơ tự kỷ của bé. Nếu bạn có bất cứ nghi ngờ nào, hãy cho bé đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời nhé.
[embed-health-tool-vaccination-tool]