backup og meta

Nhau thai là gì? Thực hư về những lợi ích của việc ăn nhau thai

Nhau thai là gì? Thực hư về những lợi ích của việc ăn nhau thai

Từ lâu, trong Đông y đã đề cập đến việc dùng nhau thai như một vị thuốc giúp bồi bổ sức khỏe. Sự thực việc ăn bánh nhau có đem lại phép màu như những lời đồn thổi?

Ăn nhau thai (thuật ngữ tiếng Anh là “placentophagy”) không còn là ý tưởng mới mẻ, nhưng hiện vẫn đang là vấn đề gây nhiều tranh cãi. Hiện nay, một số ngôi sao điện ảnh thế giới cũng cho biết rằng mình từng ăn nhau thai. Cùng Hello Bacsi tìm hiểu vấn đề này cũng như vai trò của bánh nhau đối với mẹ bầu và thai nhi trong thai kỳ để hiểu rõ hơn về cơ quan đặc biệt này.

Nhau thai là gì?

Nhau thai hay còn gọi là nhau, bánh nhau, được gắn vào thành tử cung. Nhau là một cơ quan rất quan trọng nối thai nhi với cơ thể mẹ qua dây rốn. Đây là một cơ quan đặc biệt, duy nhất mà cơ thể tạo ra khi bạn mang thai và tự loại bỏ trong quá trình sinh con. Nhau đảm nhận nhiệm vụ cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho thai nhi phát triển, tiết ra một số kích thích tố cần thiết cho cơ thể người mẹ trong quá trình mang thai. Ngoài ra, bánh nhau còn bảo vệ thai nhi khỏi nguy cơ bị nhiễm trùng.

Sau khi sinh, cơ thể bạn sẽ không cần đến nhau thai nữa. Nếu trẻ được sinh tự nhiên, cơ thể bạn sẽ tự đẩy nhau ra ngoài theo đường âm đạo. Nếu bạn sinh mổ, bác sĩ sẽ lấy bánh nhau khỏi tử cung của bạn. Nhau thường có trọng lượng từ 0,4 – 0,9kg, hình tròn và dẹt, bề mặt nổi nhiều gân máu trông như gân lá sen khô.

Bạn có biết toàn bộ bánh nhau phải được loại bỏ khỏi tử cung sau khi bạn sinh con. Nếu bạn bị sót nhau thai sau khi sinh, bác sĩ phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ để ngăn ngừa chảy máu và nhiễm trùng.

Nhau thai được hình thành như thế nào?

Nhau thai và thai nhi trong tử cung

3 tuần sau khi trứng được thụ tinh, nang buồng trứng (hoàng thể) phân rã,  bắt đầu sản xuất hormone progesterone và cung cấp chất dinh dưỡng cho thai nhi trong ba tháng đầu của thai kỳ.

Khi thai được 4 tuần, phôi bám vào thành tử cung. Một số tế bào của phôi tách ra, bám sâu hơn vào lớp niêm mạc tử cung. Một trong những tế bào sẽ hình thành và phát triển thành bánh nhau. Bước qua tam cá nguyệt thứ hai, bánh nhau đảm trách việc cung cấp ô xa và các dưỡng chất cần thiết cho thai nhi, vận chuyển chất thải từ thai nhi vào máu mẹ.

Trong tuần thứ 12 của thai kỳ, bánh nhau có cấu trúc hoàn chỉnh và sẽ tiếp tục tăng trưởng theo kích thước của bé. Điều này giúp bánh nhau có thể cung cấp nhiều ô xy và dưỡng chất hơn cho bé.

Vai trò của nhau thai đối với mẹ bầu và thai nhi

Nhau thai sẽ lọc oxy, đường và các chất dinh dưỡng từ máu của mẹ cung cấp cho thai nhi thông qua dây rốn. Ngoài ra, nhau cũng lọc ra các chất có thể gây hại cho thai nhi, loại bỏ carbon dioxide và các chất thải ra khỏi máu của bé. Bánh nhau như một hàng rào phòng vệ giúp máu của mẹ không xâm lấn máu của thai nhi, tránh cho bé khỏi các nguy cơ bị nhiễm trùng. Vào cuối thai kỳ, nhau truyền các kháng thể từ cơ thể mẹ để bảo vệ trẻ sau khi sinh được sinh ra.

Trong thai kỳ, nhau tạo ra một số kích thích tố cần thiết cho cơ thể người mẹ, chẳng hạn như lactogen, estrogen và progesterone. Những hormone này đóng vai trò quan trọng trong thai kỳ.

Rượu, chất nicotine có trong thuốc lá và một vài loại thuốc có thể đi qua bánh nhau, gây tổn thương cho thai nhi. Do đó, các thai phụ cần tuân thủ chặt chẽ các chỉ định của bác sĩ trong việc dùng thuốc, tránh dùng các chất kích thích và thuốc bừa bãi.

Những yếu tố có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của nhau thai

Sức khỏe của thai nhi phụ thuộc vào sức khỏe nhau thai. Việc bánh nhau gặp một số vấn đề trong thai kỳ và sau khi sinh như nhau bong non, nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, sót nhau sau khi sinh… gây tác động nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và bé. Do đó, bạn hãy khám thai định kỳ theo chỉ định của bác sĩ để đảm bảo có một thai kỳ khỏe mạnh.

Có rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến sức khỏe nhau thai. Dưới đây là những yếu tố điển hình:

  • Tuổi của bạn khi mang thai: Các bà mẹ mang thai khi đã ngoài 40 tuổi có nguy cơ gặp các vấn đềvề nhau thai cao hơn.
  • Vỡ ối sớm: Trong tử cung của mẹ, thai nhi được bao quanh bởi một màng chứa đầy dịch gọi là túi ối. Nếu túi ối bị vỡ trước khi sinh, nguy cơ gặp các vấn đề nhau thai có thể tăng lên.
  • Huyết áp cao.
  • Mang thai nhiều lần: Việc bạn từng mang thai nhiều lần cũng làm gia tăng các nguy cơ mà nhau thai có thể gặp.
  • Rối loạn đông máu: Đây cũng là một yếu tố khiến nhau thai có nguy cơ gặp các vấn đề xấu gia tăng.
  • Từng phẫu thuật tử cung: Việc bạn từng phẫu thuật tử cung như mổ lấy thai, có thể làm tăng nguy cơ gặp vấn đề về nhau thai.
  • Không bao giờ có vấn đề với nhau thai.
  • Hút thuốc lá hoặc lạm dụng thuốc trong thai kỳ.
  • Chấn thương bụng: Việc bạn từng bị chấn thương vùng bụng sẽ làm tăng nguy cơ xấu cho bánh nhau.

Tại sao nhiều người lại ăn nhau thai?

Như đã đề cập ở trên nhau là cơ quan cung cấp oxy, năng lượng, vitamin, khoáng chất và chất dinh dưỡng để thai nhi sinh trưởng từ một vài tế bào đơn giản trở thành người. Nhau còn có tác dụng vận chuyển sắt và vitamin B6, B12 cũng như estrogen và progesterone, 2 hormone quan trọng trong hậu sản. Do đó tuy chỉ chứa protein và chất béo, thành phần dinh dưỡng có ở nhiều thực phẩm khác nhưng nhiều người vẫn đề cao vai trò dinh dưỡng của bánh nhau đối với sức khỏe.

Những người ủng hộ việc ăn nhau thai cho rằng điều đó có thể bảo vệ chống lại chứng trầm cảm sau sinh (PPD). Trường hợp này chỉ đúng khi bạn ăn nhau của chính mình, chống chỉ định ăn nhau của người khác bởi bạn sẽ có nguy cơ bị nhiễm các bệnh truyền nhiễm như rubella, viêm gan, HIV/AIDS… Những người này cũng chỉ ra rằng hầu hết động vật có vú cũng thường ăn nhau thai của chúng.

Trong y học cổ truyền, bánh nhau khô được gọi là “tử hà sa”, có công dụng bổ khí, dưỡng huyết, ích tinh. Tử hà sa dùng để chữa các bệnh suy nhược, gầy yếu, phụ nữ thiếu máu, muộn con, thiếu sữa khi sinh nở, nam giới bị di tinh, liệt dương…

Có nên ăn nhau thai không?

Các nhà khoa học vẫn còn đang nghiên cứu để tìm câu trả lời rằng liệu bánh nhau có thật sự mang lại lợi ích cho con người hay không. Nghiên cứu trên chuột bạch cho thấy ăn nhau thai có thể giúp chuột mẹ giảm đau sau khi sinh và tiết nhiều sữa hơn so với những chuột mẹ không ăn. Ngoài ra, nghiên cứu không phát hiện nguy cơ nào khi ăn nhau thai.

Tuy nhiên, ở một vài trường hợp mẹ bị bệnh khi mang thai, ví dụ tiền sản giật, nhau có thể chứa các protein gây stress. Chưa nhà khoa học nào chứng minh được việc ăn bánh nhau có gây ra những tác động xấu hay không, nhưng nếu có chính là những tác động mà các protein này gây nên. Nhìn chung, các chuyên gia không khuyến khích bạn ăn nhau thai.

Thực tế trong Đông y cũng chưa có công trình nghiên cứu cụ thể nào chứng minh được những công dụng kể trên của bánh nhau. Do đó, những gì mà bạn nghe nói về những công dụng thần kỳ mà bánh nhau đem lại cũng chỉ là những lời truyền miệng mà thôi.

Có thể bạn quan tâm: Bà bầu ăn gan heo được không? Ăn gan khi mang thai cần lưu ý gì?

Chế biến nhau thai bằng cách nào?

Viên nang nhau thai

Một trong các phương pháp phổ biến mà phụ nữ sử dụng trong việc chế biến nhau để ăn là hấp cách thủy, rán với trứng hay phơi khô, sấy khô và làm thành thuốc viên. Uống những viên thuốc làm từ bánh nhau được sấy khô có thể dễ hơn so với việc nhìn, sờ và ăn sống. Tuy nhiên việc sử dụng nhiệt độ để chế biến rất có thể làm mất các lợi ích của nhau.

Một số phụ nữ chia sẻ họ cảm thấy khó chịu sau khi ăn nhau thai. Nếu bạn có cơ hội trò chuyện trực tiếp với những phụ nữ từng thử ăn nhau này, bạn sẽ thấy có rất nhiều luồng ý kiến khác nhau. Nhưng đa số những ý kiến này đều dựa trên trải nghiệm cá nhân và không có bằng chứng khoa học.

Bạn nên làm gì nếu muốn thử ăn nhau thai?

Kiểm tra các chính sách của bệnh viện phụ sản

Theo quy định của Bộ Y tế, nhau được xem là chất thải giải phẫu thuộc nhóm chất thải lây nhiễm trong các loại chất thải y tế. Do đó, bánh nhau được xử lý như chất thải độc hại, loại bỏ cùng với các chất thải khác (từ kim tiêm đến máu). Nếu muốn giữ lại nhau, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ, làm việc trước với bệnh viện để biết bệnh viện có chấp thuận cho bạn lấy bánh nhau sau khi sinh hay không.

Tuân theo các nguyên tắc an toàn 

Khi vừa lấy được nhau thai, bạn nên làm lạnh hay chế biến nhau ngay lập tức bởi nhau cũng có thể hư giống như các loại “thịt” khác. Một số bà mẹ thuê người chế biến bánh nhau chuyên nghiệp làm khô nhau, nghiền nhau khô thành bột và biến bột đó thành các viên thuốc có thể uống hằng ngày.

Nếu bạn làm theo cách này, nhớ lưu ý nhắc họ không cho thêm các loại thảo mộc hay thành phần không rõ vào hỗn hợp. Một số bà mẹ khác loại phần màng (lớp mỏng nhất của mô) khỏi bánh nhau, rồi chế biến giống như các loại thịt khác trong các món chiên, hầm, sốt spaghetti, tẩm cay hay làm chả. Một phương pháp khác đó chính là bạn có thể làm sinh tố bằng nhau đông lạnh.

Theo dõi sức khỏe bản thân

Không cần biết bạn chế biến bánh nhau như thế nào, hãy ngưng ngay việc uống thuốc hay ăn nhau nếu bạn cảm thấy khó chịu sau khi ăn. Nếu bị trầm cảm sau sinh, bạn không nên mong đợi gì từ “phép màu” của nhau thai mà hãy nhờ đến sự tham vấn bác sĩ, để được tư vấn và điều trị phù hợp.

Hello Bacsi hy vọng đã cung cấp những thông tin hữu ích về bánh nhau cũng như những lời khuyên cho bạn và gia đình về việc ăn nhau thai sau khi sinh. 

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Eating the Placenta https://www.whattoexpect.com/pregnancy/ask-heidi/eating-the-placenta.aspx Ngày truy cập 14/07/2017

Should I Eat My Placenta? http://www.webmd.com/baby/should-i-eat-my-placenta#1 Ngày truy cập 14/07/2017

What is the placenta? https://www.pregnancybirthbaby.org.au/what-is-the-placenta Ngày truy cập 26/6/2018 

4 Hal yang Perlu Anda Ketahui Seputar Plasenta (Ari-Ari Bayi) https://hellosehat.com/kehamilan/perkembangan-janin/apa-itu-plasenta-ari-ari-bayi/ Ngày truy cập 27/6/2018

Is it safe to eat my placenta?

https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/labor-and-delivery/expert-answers/eating-the-placenta/faq-20380880#:~:text=While%20some%20claim%20that%20placentophagy,to%20you%20and%20your%20baby.Truy cập ngày 21/03/2022

Opinion: Placenta-Eating Went Mainstream When Many Doctors Stopped Listening

https://www.npr.org/sections/health-shots/2019/12/27/791556565/opinion-placenta-eating-went-mainstream-when-many-doctors-stopped-listening Truy cập ngày 21/03/2022

Phiên bản hiện tại

21/03/2022

Tác giả: Lan Quan

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Cập nhật bởi: Hoàng Oanh Nguyễn


Bài viết liên quan

Bí quyết chọn serum cho bà bầu: Làm đẹp an toàn trong thai kỳ

Eo thon dáng gọn với 8 cách giảm cân sau sinh đơn giản


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 21/03/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo