Các triệu chứng có thai khác
11. Trở nên nhạy cảm hơn với mùi vị
Ngay từ khi thai nhi được 2 tuần tuổi, bạn sẽ nhạy cảm đặc biệt với nhiều mùi khác nhau. Đây là một trong những tác dụng phụ do mức estrogen tăng cao. Bạn trở nên nhạy cảm hơn hẳn với mùi xung quanh mình. Đó có thể là mùi nước hoa, mùi thơm của một loại trái cây hay đơn giản là mùi của món ăn nào đó cũng có thể làm bạn cảm thấy khó chịu, thậm chí buồn nôn.
12. Thường xuyên chóng mặt

Khi mang thai, một số thai phụ có thể sẽ bị chóng mặt, váng đầu. Nguyên nhân là do nhịp tim tăng dẫn đến tốc độ bơm máu và lượng máu lưu thông trong cơ thể tăng, trong khi đó huyết áp lại giảm đầu thai kỳ rồi tăng dần vào cuối thai kỳ. Những thay đổi này trong cơ thể sẽ khiến những cơ quan khác đều phải nhanh chóng điều chỉnh theo để kịp thích nghi. Điều này sẽ làm mẹ bầu bị choáng váng, chóng mặt. Nếu bạn bị ngất xỉu, hãy đến gặp bác sĩ ngay vì có thể nó là dấu hiệu không tốt.
13. Tâm trạng thay đổi thất thường
Mẹ bầu có thể chuyển sang trạng thái “sáng nắng chiều mưa” một cách thất thường. Tất cả là do sự thay đổi mạnh mẽ lượng hormone trong cơ thể khiến tâm trạng theo đó mà khó kiểm soát. Khi đang vui vẻ, bạn vẫn có thể trở nên tủi thân, nóng giận hoặc cảm thấy khó chịu, bứt rứt trong người. Tuy nhiên, khi cơ thể đã quen dần với quá trình “bầu bí”, những thay đổi thất thường đó của bạn sẽ tự nhiên biến mất.
14. Khó thở và hụt hơi
Trong những ngày đầu mang thai, thỉnh thoảng bạn sẽ cảm thấy hơi tức ngực và có cảm giác khó thở. Ngoài ra, bạn cũng có cảm giác hơi thở của mình ngắn hơn thường lệ (hụt hơi). Nguyên nhân là do cơ thể vẫn chưa thích nghi với sự thay đổi hormone. Khi thai nhi lớn hơn, đặc biệt là trong tam cá nguyệt thứ 3, việc phải cung cấp thêm oxy cho thai nhi đang phát triển trong bụng sẽ khiến bạn phải hít nhiều oxy hơn trong mỗi lần thở cũng, gây ra tình trạng khó thở và hụt hơi này.
15. Dấu hiệu có thai: Đau đầu

Hormone progesterone trong cơ thể tăng lên một cách đột biến cộng với việc thiếu hụt lượng hồng cầu trong máu là nguyên nhân khiến nhiều chị em thường xuyên có cảm giác đau đầu khi mang thai. Lúc này, bạn nên tăng cường lượng nước uống hàng ngày và kiểm tra lượng hồng cầu trong máu cũng như bổ sung các chất dinh dưỡng cần thiết.
16. Nám da
Da của mẹ bầu thường sẽ xuất hiện các vết nám cũng như dễ sậm màu hơn trong thời gian bầu bí. Hàm lượng hormone estrogen và progesterone cùng với lưu lượng máu trong cơ thể thai phụ tăng cao dẫn tới sự gia tăng sắc tố melanin một cách bất thường. Chính điều này sẽ dẫn tới sự hình thành các đốm nám thâm đen, phân bổ tập trung nhiều nhất là ở vùng mặt. Vì vậy, bạn hãy sử dụng kem chống nắng thường xuyên để ngăn ngừa cũng như cải thiện phần nào các vết thâm sạm nhé.
17. Cảm giác chán ăn là dấu hiệu có thai
Việc không muốn ăn uống bất cứ thứ gì dù cơ thể đang rất đói là hiện tượng tương đối phổ biến trong tam cá nguyệt đầu tiên. Mẹ bầu sẽ đột nhiên cảm thấy rằng những thức ăn mà trước đây mình từng rất thích thì bây giờ lại hoàn toàn không có hứng thú gì, thậm chí là cảm thấy ngán.
18. Dấu hiệu có thai: Trễ kinh

Trễ kinh gần như là dấu hiệu mang thai phổ biến nhất mà chị em thường nghĩ đến khi mang thai tuần đầu tiên. Sau khi trứng được thụ tinh, bạn sẽ không có kinh nguyệt trong suốt thai kỳ và vài tháng sau sinh. Để chính xác hơn, bạn nên kiểm tra xem mình có thêm các dấu hiệu mang thai khác không. Nguyên do là hiện tượng trễ kinh đôi khi chỉ là do bạn đang bị stress hay thay đổi thói quen sinh hoạt hay đang dùng một số loại thuốc nào đó.
19. Que thử thai xuất hiện 2 vạch
Thông thường sau 1-2 tuần bị trễ kinh, việc dùng que thử thai sẽ cho ra kết quả chính xác nhất và nhanh nhất giúp bạn xác định liệu mình có đang mang thai hay không. Que thử thai cho kết quả dựa trên nồng độ hormone HCG trong cơ thể bạn. Đây là loại hormone chỉ xuất hiện khi bạn đang mang thai. Tốt nhất, bạn nên mua ít nhất 2 bộ que thử. Trong một số trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như thai ngoài tử cung hay khi bạn đang sử dụng thuốc lợi tiểu, que thử thai có thể cho kết quả không được chính xác lắm.
20. Buồn nôn hoặc nôn

Ốm nghén luôn là cơn ác mộng của nhiều chị em và có thể xuất hiện khá sớm trong thai kỳ. Bên cạnh đó, có người phải chịu đựng tình trạng này suốt 9 tháng mang thai. Bạn có thể cảm thấy buồn nôn, nôn hoặc nôn khan bất kỳ thời điểm nào trong ngày ngay cả khi chưa kịp ăn gì hay khi ngửi thấy một mùi vị nào đó. Đôi khi, bạn thấy buồn nôn và nôn nhưng không nghiêm trọng đến mức nôn ra tất cả những gì mình ăn.
Một số ít thai phụ lại có phản ứng thai nghén tương đối nghiêm trọng như nôn mửa nhiều lần và không thể kiểm soát, ảnh hưởng tới việc ăn uống thậm chí xuất hiện hiện tượng mất nước và trúng độc (ói mửa do thai nghén). Trong trường hợp như vậy, mẹ bầu cần phải đến bệnh viện để được theo dõi và điều trị kịp thời, tránh phát sinh các trường hợp xấu.
21. Dấu hiệu mang thai: Chảy máu cam
Bạn có thể ngạc nhiên khi biết rằng, hiện tượng chảy máu cam là một dấu hiệu mang thai mà nhiều mẹ bầu gặp phải nhưng hay bỏ qua. Trong thời gian mang thai, cơ thể mẹ bầu sẽ sản xuất nhiều máu hơn và các hormone trong thai kỳ tạo áp lực làm giãn nở các mạch máu nhỏ trong mũi khiến bạn dễ bị chảy máu.
Tuy nhiên, triệu chứng này gần như không có nguy hại gì nhiều đến sức khỏe của cả mẹ và bé. Trong nhiều trường hợp, hiện tượng này sẽ nhanh chóng qua đi mà không cần dùng đến thuốc.
Nếu đã có thai và nôn nóng muốn biết giới tính của con, bạn có thể tham khảo cách nhận biết mang thai bé trai và bé gái của Hello Bacsi. Ngoài ra, bạn hãy đi khám thai định kỳ để cả mẹ và bé được chăm sóc sức khỏe một cách tốt nhất. Chúc bạn trải qua một thai kỳ khỏe mạnh, nhiều niềm vui.
Có thể bạn quan tâm: Công cụ tính ngày dự sinh online mới nhất
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!