backup og meta

Dấu hiệu dọa sảy thai thường diễn ra khi nào? Bác sĩ khuyên cách giữ thai kỳ trọn vẹn

Dấu hiệu dọa sảy thai thường diễn ra khi nào? Bác sĩ khuyên cách giữ thai kỳ trọn vẹn

Dọa sảy thai là nỗi lo của nhiều mẹ bầu, đặc biệt là khi có dấu hiệu dọa sảy thai 3 tháng đầu thai kỳ. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu dọa sảy thai và sảy thai là vô cùng quan trọng để có những can thiệp và xử lý kịp thời.

Trong bài viết này, mẹ bầu hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về những thời điểm dễ bị sảy thai, các dấu hiệu cảnh báo dọa sảy thai cần lưu ý, thông tin liên quan đến sảy thai tự nhiên và đặc biệt là những lời khuyên hữu ích từ các chuyên gia để mẹ bầu bảo vệ thai kỳ một cách an toàn.

Thời gian nào dễ bị sảy thai nhất?

Nguy cơ sảy thai ở tam cá nguyệt thứ nhất (3 tháng đầu thai kỳ)

Khoảng 80% tình trạng sảy thai xảy ra trong tam cá nguyệt đầu tiên, phần lớn xảy ra trước 10 tuần. Đây là khoảng thời gian thai nhi dễ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bất lợi. Nguy cơ sảy thai giảm đáng kể sau tuần thứ 12.

Nguy cơ sảy thai ở tam cá nguyệt thứ hai (3 tháng giữa thai kỳ)

Trong tam cá nguyệt thứ hai, nguy cơ sảy thai giảm xuống còn khoảng 1-5%. Thai nhi đã phát triển ổn định hơn, nhưng vẫn có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như tử cung bất thường, cổ tử cung yếu hoặc một số tình trạng sức khỏe của mẹ bầu.

Sau tuần thứ 20, tình trạng ngưng thai được gọi với thuật ngữ là thai chết lưu. Thai chết lưu có thể có nhiều nguyên nhân, bao gồm các vấn đề về nhau thai hoặc dây rốn, các tình trạng di truyền ảnh hưởng đến thai nhi hoặc các biến chứng khi mang thai.

Nguyên nhân phổ biến gây dọa sảy thai 

Sảy thai thường xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Bất thường nhiễm sắc thể: Chiếm khoảng 50% các trường hợp sảy thai trong tam cá nguyệt đầu tiên. Lỗi này xảy ra khi trứng hoặc tinh trùng mang số lượng nhiễm sắc thể bất thường, khiến phôi thai không thể phát triển bình thường.
  • Độ tuổi của mẹ bầu: Học viện Sản phụ khoa Hoàng gia Anh lưu ý rằng ở độ tuổi 30, nguy cơ sảy thai là 1/5 và ở độ tuổi trên 40, nguy cơ sảy thai là 1/2. Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy nguy cơ sảy thai thấp nhất ở phụ nữ trong độ tuổi 25–29
  • Tình trạng sức khỏe của mẹ bầu: Các tình trạng như tiểu đường không kiểm soát, bệnh thận nặng, lupus, nhiễm trùng, bệnh tuyến giáp, vấn đề về nội tiết tố, các bất thường về cấu trúc tử cung hoặc cổ tử cung yếu đều có thể gây hại đến thai nhi.
  • Yếu tố lối sống: Hút thuốc, uống rượu, sử dụng ma túy hoặc dinh dưỡng kém đều có thể ảnh hưởng xấu đến thai kỳ, đặc biệt trong giai đoạn đầu.
  • Yếu tố ngoại cảnh: Tiếp xúc với bức xạ hoặc một số loại thuốc (như isotretinoin) cũng có thể gây hại.

Điều quan trọng là hầu hết các trường hợp sảy thai không liên quan đến hành động của mẹ bầu. Vì vậy, mẹ bầu không nên tự trách bản thân khi gặp phải tình trạng này.

Dọa sảy thai và dấu hiệu dọa sảy thai

Dọa sảy thai (dân gian gọi là động thai) là tình trạng chảy máu âm đạo xảy ra trong 20 tuần đầu của thai kỳ. Hiện tượng này ảnh hưởng đến khoảng 20-30% phụ nữ mang thai. Không phải lúc nào dọa sảy thai cũng dẫn đến sảy thai, bởi khoảng 70% các trường hợp vẫn có thể tiếp tục mang thai thành công.

sảy thai ra máu trong bao lâu

Các dấu hiệu dọa sảy thai phổ biến bao gồm:

  • Ra máu, dịch hồng kèm chất nhầy: Có thể từ chảy máu nhẹ đến lượng máu nhiều hơn kèm cục máu đông. Dịch có thể có màu hồng nhạt, đỏ sẫm hoặc đen.
  • Đau bụng dưới: Thường là những cơn đau âm ỉ hoặc co thắt nhẹ.
  • Đau lưng dưới: Cảm giác đau ê ẩm, tương tự đau lưng trong kỳ kinh nguyệt.
  • Khám thai âm tính.

Việc nhận biết sớm các dấu hiệu dọa sảy thai là rất quan trọng để kịp thời can thiệp và bảo vệ thai nhi.

Dọa sảy thai 3 tháng đầu: Rủi ro cao và cách phòng tránh

Vì sao dọa sảy thai thường diễn ra trong tam cá nguyệt đầu tiên?

Quá trình làm tổ và phát triển bào thai chưa ổn định

  • Trứng đã thụ tinh bám vào thành tử cung diễn ra trong những tuần đầu của thai kỳ. Đồng thời, tam cá nguyệt đầu tiên cũng là giai đoạn quan trọng trong quá trình hình thành hệ thần kinh, tim và các cơ quan khác của thai nhi.
  • Sự phát triển nhanh chóng và chưa ổn định này khiến thai nhi dễ bị tác động bởi các bất thường về gen hoặc các yếu tố bên ngoài.
  • Ngoài ra, sự xuất hiện của nhau thai trong tam cá nguyệt đầu tiên cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi, dẫn đến dọa sảy thai và làm tăng nguy cơ sảy thai.

Ảnh hưởng bởi các yếu tố nguy cơ

  • Mẹ bầu căng thẳng, làm việc quá mức và có lối sống, sinh hoạt kém lành mạnh có thể dẫn đến tình trạng dọa sảy thai.
  • Các tình trạng sức khỏe của người mẹ, chẳng hạn như nhiễm trùng, chấn thương vùng bụng hoặc các bệnh lý như tiểu đường, béo phì, bệnh tuyến giáp cũng có thể là yếu tố nguy cơ dọa sảy thai.

Cách giảm rủi ro dọa sảy thai 3 tháng đầu

cách giảm doạ sảythai

Để giảm nguy cơ gặp phải dọa sảy thai 3 tháng đầu, mẹ bầu nên tham khảo những lời khuyên sau:

  • Ăn uống lành mạnh: Tăng cường các thực phẩm giàu axit folic, sắt, canxi và protein để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi; tránh các thực phẩm sống, chưa qua chế biến hoặc chứa nhiều chất bảo quản; không sử dụng rượu bia, thuốc lá.
  • Nghỉ ngơi đầy đủ: Hạn chế làm việc quá sức hoặc nâng vật nặng; dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý để giảm căng thẳng và tăng cường sức khỏe tổng thể.
  • Kiểm soát các bệnh lý mãn tính: Nếu mẹ bầu có các bệnh lý như tiểu đường, cao huyết áp… thì cần quản lý chặt chẽ theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Giữ tinh thần thoải mái: Stress có thể ảnh hưởng tiêu cực đến thai kỳ, do đó mẹ bầu cần tìm cách thư giãn như tập yoga, thiền…
  • Tuân thủ lịch khám thai định kỳ: Khám thai định kỳ giúp bác sĩ theo dõi sát sao sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Qua đó, có thể phát hiện sớm các dấu hiệu bất thường và can thiệp kịp thời.
Dù đã thực hiện các biện pháp phòng ngừa, mẹ bầu vẫn cần lưu ý rằng không phải tất cả các trường hợp dọa sảy thai đều có thể kiểm soát được. Quan trọng là mẹ cần luôn giữ liên lạc với bác sĩ để nhận được sự hỗ trợ tốt nhất.

Sảy thai tự nhiên và những điều cần lưu ý

Sảy thai tự nhiên là gì?

Sảy thai tự nhiên là tình trạng thai nhi mất trước tuần thứ 20 của thai kỳ mà không có bất kỳ sự can thiệp y tế nào. Điều này khác với việc phá thai chủ động bằng thuốc hoặc chỉ định chấm dứt thai kỳ của bác sĩ.

sảy thai tự nhiên

Nếu không tìm ra nguyên nhân cụ thể, nguy cơ sảy thai có thể tiếp tục xảy ra ở những lần mang thai tiếp theo. 

Một đánh giá vào năm 2021 cho thấy nguy cơ sảy thai chiếm khoảng 15,3% trong tổng số các trường hợp mang thai được biết đến. Tỷ lệ xảy ra một lần sảy thai là khoảng 10,8%, hai lần sảy thai là 1,9%, ba lần hoặc nhiều hơn chiếm 0,7%.

Dấu hiệu sảy thai tự nhiên

Các dấu hiệu sảy thai tự nhiên có thể bao gồm:

  • Chảy máu âm đạo: Đây là dấu hiệu sớm và phổ biến nhất. Máu có thể ra dưới dạng đốm máu hoặc chảy máu nhiều kèm cục máu đông.
  • Đau bụng dưới hoặc đau lưng
  • Dịch hoặc mô bất thường từ âm đạo
  • Giảm triệu chứng thai kỳ: Sự biến mất đột ngột của các triệu chứng thai kỳ như buồn nôn, căng tức ngực có thể là một tín hiệu sảy thai.

Không phải tất cả các trường hợp chảy máu trong thai kỳ đều dẫn đến sảy thai. Máu sảy thai sẽ tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của từng trường hợp:

  • Dọa sảy thai: Máu có màu đỏ hoặc đen, có lẫn dịch nhầy, ra ít, ra từng đợt.
  • Sảy thai không hoàn toàn (một phần nhau thai vẫn còn trong tử cung): Ra máu âm ỉ và tiếp diễn.
  • Sảy thai hoàn toàn: Đau từng cơn ở bụng dưới, máu ra dữ dội, đột ngột theo từng cơn co tử cung. Máu vẫn tiếp tục chảy âm ỉ trong vài ngày hoặc vài tuần.
  • Sảy thai băng huyết: Máu ra nhiều, màu đỏ tươi có lẫn máu cục, có biểu hiện choáng váng.

Ngoài ra, căn cứ vào thời điểm sảy thai mà máu sảy thai cũng sẽ khác nhau:

  • Sảy thai 4 tuần đầu: Nhiều chị em thắc mắc sảy thai sớm ra máu như thế nào hay máu sảy thai có màu gì? Trong giai đoạn này, sảy thai ra máu cục có lẫn với một số mô màu trắng hoặc xám. Phôi thai chỉ có kích thước bằng hạt gạo nên rất khó nhìn thấy.
  • Sảy thai 6 tuần: Trễ kinh bị ra máu cục có phải sảy thai không? Nếu bị sảy thai, bạn có thể thấy huyết khối với một túi nhỏ chứa đầy chất lỏng.
  • Sảy thai 8 tuần: Máu có lẫn mô có màu đỏ sẫm, có thể nhìn giống như gan. Bạn có thể thấy một túi có phôi bên trong, có kích thước bằng một hạt đậu nhỏ.
  • Sảy thai 10 tuần: Máu có lẫn mô màu đỏ sẫm, trông giống như thạch. Túi thai sẽ nằm bên trong một trong những cục máu đông.
  • Sảy thai từ 12 đến 16 tuần: Dịch âm đạo chảy ra đầu tiên, sau đó là một ít máu và cục máu đông. Thai nhi nhỏ xíu và đã hình thành đầy đủ, bé cũng có thể được gắn vào dây rốn và nhau thai.
  • Sảy thai từ 16 đến 20 tuần: Xuất hiện những cục máu đông lớn màu đỏ trông giống như gan và các mảnh mô khác trông giống như màng tế bào. Xuất hiện các cơn đau giống như đau đẻ. Bé đã được hình thành đầy đủ và có thể nằm gọn trong lòng bàn tay.

Sảy thai nhưng không có dấu hiệu gì

doạ sảy thai

Một số mẹ bầu bị sảy thai nhưng không có dấu hiệu cụ thể nào để nhận biết. Trong y khoa, tình trạng này được gọi là missed miscarriage (sảy thai bỏ lỡ). Mô của nhau thai và phôi thai vẫn còn lại trong tử cung, nhưng phôi thai đã chết hoặc không phát triển.

Khác với sảy thai thông thường, vốn thường kèm theo các triệu chứng như chảy máu âm đạo, đau bụng, co thắt tử cung… trong nhiều trường hợp, sảy thai bỏ lỡ không gây ra bất kỳ triệu chứng nào đáng chú ý.

Một số mẹ có thể nhận thấy dịch tiết màu nâu hoặc giảm bớt các dấu hiệu mang thai ban đầu như buồn nôn, đau ngực. Tuy nhiên, những thay đổi này thường không đủ rõ ràng để nhận biết tình trạng thai đã ngừng phát triển.

Sảy thai bỏ lỡ thường được phát hiện qua siêu âm, thường là siêu âm thai định kỳ. Do đó, mẹ bầu cần đi khám thai đầy đủ theo lịch để phát hiện sớm tình trạng và có phương án ổn định thể chất lẫn tinh thần.

Ăn gì dễ sảy thai?

Dinh dưỡng phù hợp đặc biệt quan trọng giúp mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh và an toàn. Vậy ăn gì dễ sảy thai nhất?

Để giảm nguy cơ sảy thai, đặc biệt trong 3 tháng đầu thai kỳ, mẹ bầu cần tránh những thực phẩm và đồ uống sau:
  • Thực phẩm sống và tái: Hải sản sống (sushi, sashimi, gỏi cá sống), thịt tái, trứng sống và sữa chưa tiệt trùng dễ gây nhiễm khuẩn toxoplasma, E. coli, listeria, salmonella, làm tăng nguy cơ sảy thai.
  • Các loại cá chứa thủy ngân cao: Cá thu vua, cá ngừ, cá kiếm có thể gây hại đến hệ thần kinh và sự phát triển của thai nhi.
  • Gan động vật: Ăn nhiều gan có thể dẫn đến dư thừa vitamin A, gây dị tật và sảy thai.
  • Một số rau củ và trái cây có khả năng gây co thắt tử cung và tăng nguy cơ sảy thai như dứa (thơm), đu đủ xanh, rau ngót, chùm ngây, khổ qua, nha đam
  • Đồ uống chứa chất kích thích:
    • Caffeine: Theo Hiệp hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), phụ nữ mang thai mỗi ngày không nên tiêu thụ quá 200mg caffeine.
    • Rượu, bia, thức uống có cồn: Ảnh hưởng nghiêm trọng đến trí não và sự phát triển của thai nhi.

Các bước xử lý khi bị sảy thai tự nhiên

Khi gặp tình huống sảy thai tự nhiên, mẹ bầu cần thực hiện các bước sau để đảm bảo an toàn sức khỏe và hỗ trợ phục hồi:

Tìm kiếm sự trợ giúp y tế

  • Mẹ bầu hãy gặp bác sĩ để xác nhận tình trạng và kiểm tra xem các mô thai đã được đẩy hết ra ngoài tử cung chưa.
  • Bác sĩ sẽ kiểm tra các biến chứng như nhiễm trùng hoặc mô sót lại, đồng thời hướng dẫn cách giảm triệu chứng và phục hồi.

Nghỉ ngơi và phục hồi sức khỏe

  • Hãy dành thời gian để cơ thể nghỉ ngơi, phục hồi thể chất và tinh thần.
  • Sảy thai có thể gây mất sức và ảnh hưởng nặng nề đến tâm lý, do đó, chăm sóc bản thân là điều quan trọng.

Hỗ trợ tinh thần

  • Sự mất mát này thường đi kèm cảm giác buồn bã, tội lỗi và thất vọng, thậm chí khiến nhiều mẹ bầu gặp phải trầm cảm hoặc lo âu kéo dài.
  • Việc đối mặt với nỗi đau này đòi hỏi mẹ cần sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè và đôi khi là chuyên gia tâm lý để vượt qua.

Lên kế hoạch cho thai kỳ tương lai

  • Nếu có ý định mang thai lại, hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn về thời gian chờ đợi và các biện pháp an toàn cần thiết.
  • Một lần sảy thai không nhất thiết làm tăng nguy cơ trong các thai kỳ sau.

Hãy nhớ rằng, việc tìm kiếm hỗ trợ y tế và tinh thần là rất cần thiết để vượt qua giai đoạn này một cách an toàn và tích cực.

Dấu hiệu dọa sảy thai: Khi nào cần gặp bác sĩ?

Trong thai kỳ, việc theo dõi các dấu hiệu bất thường rất quan trọng. Mẹ bầu nên gặp bác sĩ ngay khi có các triệu chứng sau:

  • Chảy máu âm đạo: Bất kỳ tình trạng chảy máu âm đạo nào trong thai kỳ, đặc biệt là trong 20 tuần đầu tiên, đều phải được báo ngay cho bác sĩ để xác định nguyên nhân và tình trạng thai kỳ.
  • Đau bụng hoặc đau lưng dữ dội, kéo dài hoặc ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.
  • Giảm hoặc mất các triệu chứng mang thai như buồn nôn, căng tức ngực.
  • Không cảm nhận được thai máy sau khi đã quen với chuyển động của bé.

Bác sĩ tư vấn cách giữ gìn thai kỳ

Liên hệ cấp cứu ngay khi có các dấu hiệu sau:

  • Chảy máu nhiều: Máu ra ồ ạt, thấm đẫm băng vệ sinh trong thời gian ngắn, có nguy cơ mất máu nghiêm trọng.
  • Cơn đau nghiêm trọng: Đau bụng hoặc đau lưng dữ dội, không thuyên giảm.
  • Dấu hiệu nhiễm trùng: Sốt, ớn lạnh, khí hư mùi hôi, hoặc đau bụng nặng.

Lời khuyên từ chuyên gia: Làm sao để có một thai kỳ an toàn?

Dưới đây là những hướng dẫn để mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh và tránh được nguy cơ sảy thai:

Tuân thủ lịch khám thai định kỳ: Đảm bảo thăm khám với bác sĩ đúng lịch để theo dõi sự phát triển của thai nhi, phát hiện và xử lý sớm các vấn đề bất thường.

Duy trì lối sống lành mạnh:

  • Chế độ ăn uống: Ưu tiên thực phẩm giàu dinh dưỡng như rau củ, trái cây, ngũ cốc nguyên hạtuống đủ nước mỗi ngày.
  • Tập thể dục: Vận động nhẹ nhàng theo hướng dẫn của bác sĩ, tránh các hoạt động mạnh hoặc các môn thể thao va chạm.
  • Quản lý căng thẳng: Thư giãn bằng thiền, yoga hoặc các bài tập hít thở.
  • Ngủ đủ giấc: Bảo đảm giấc ngủ chất lượng giúp mẹ bầu khỏe mạnh.

Tránh các yếu tố nguy cơ:

  • Không hút thuốc, uống rượu hoặc sử dụng chất kích thích; hạn chế uống cà phê
  • Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào.

Kiểm soát các bệnh lý mãn tính: Mẹ bầu có bệnh nền như tiểu đường, huyết áp cao hoặc rối loạn tuyến giáp cần theo dõi và điều trị tích cực dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.

Quan hệ tình dục an toàn: Tham khảo ý kiến bác sĩ nếu có dấu hiệu bất thường như chảy máu, đau hoặc tiền sử biến chứng khi mang thai

Xử lý dọa sảy thai: Khi có triệu chứng như đau bụng hoặc ra máu, mẹ bầu cần nghỉ ngơi, giữ vệ sinh tốt và thăm khám ngay để được theo dõi và điều trị kịp thời.

Dọa sảy thai và sảy thai là những tình huống nhạy cảm, đòi hỏi sự hiểu biết và xử lý đúng cách. Hy vọng bài viết đã giúp các mẹ bầu hiểu rõ hơn về các dấu hiệu cảnh báo dọa sảy thai và sảy thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ, cũng như các bước xử lý sau khi sảy thai tự nhiên và các tình huống cần hỗ trợ y tế khẩn cấp.

Mẹ bầu cần chủ động theo dõi cơ thể, thực hiện khám thai định kỳ và liên hệ bác sĩ ngay khi phát hiện bất thường. Sự chủ động và chăm sóc đúng cách sẽ giúp mẹ bầu trải qua thai kỳ an toàn và khỏe mạnh hơn.

Chuyên mục Mang thai của HelloBacsi thường xuyên đăng tải các bài viết chủ đề chăm sóc mẹ trong thai kỳ hoặc chăm sóc mẹ sau sinh. Các bài viết được tham vấn chuyên môn bởi đội ngũ chuyên gia, bác sĩ cộng tác và Ban tham vấn y khoa HelloBacsi. Mời bạn ghé thăm chuyên mục hoặc tham gia cộng đồng mang thai của chúng tôi để cùng trao đổi, thảo luận, cập nhật kiến thức thai kỳ hữu ích.

[embed-health-tool-due-date]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Threatened Miscarriage https://www.winchesterhospital.org/health-library/article?id=223394 Ngày truy cập: 17/8/2021 

Threatened Miscarriage  https://www.swbh.nhs.uk/wp-content/uploads/2012/07/Threatened-miscarriage-ML4609.pdf Ngày truy cập: 17/8/2021 

Types of miscarriage https://www.pregnancybirthbaby.org.au/types-of-miscarriage Ngày truy cập: 17/8/2021 

Sleeping While Pregnant: First Trimester 

https://www.sleepfoundation.org/pregnancy/sleeping-during-1st-trimester  Ngày truy cập: 17/8/2021 

Miscarriage https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pregnancy-loss-miscarriage/symptoms-causes/syc-20354298#:~:text=Miscarriage%20is%20the%20spontaneous%20loss,doesn’t%20realize%20she’s%20pregnant.  Ngày truy cập: 17/8/2021 

Phiên bản hiện tại

02/01/2025

Tác giả: Dung Nguyễn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Văn Thu Uyên

Cập nhật bởi: Linh Nguyễn


Bài viết liên quan

Sảy thai muộn: Làm sao để mẹ sớm phục hồi thể chất và cảm xúc?

Giải đáp: Sảy thai tự nhiên bao lâu có kinh lại? Bạn có dễ mang thai sau sảy thai?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Văn Thu Uyên

Sản - Phụ khoa · Bệnh viện Phụ sản Hà Nội


Tác giả: Dung Nguyễn · Ngày cập nhật: 3 tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo