backup og meta

Các bệnh về da ở trẻ em thường gặp và cách phòng tránh

Làn da trẻ em thường nhạy cảm với các tác nhân bên ngoài hơn người lớn, làm cho trẻ dễ mắc phải một số bệnh lý ngoài da. Vì thế, các bậc phụ huynh cần hiểu biết về các bệnh về da hay gặp ở trẻ em để kịp thời phát hiện, điều trị hoặc có biện pháp phòng ngừa hiệu quả cho con.

Các vấn đề trên da có thể là dấu hiệu cho thấy trẻ đang gặp phải một bệnh lý về da nào đó, chẳng hạn như bị nổi ban, mụn nhọt, mề đay, mảng da sẫm màu… Tùy thuộc vào nguyên nhân bệnh lý mà trẻ cần nhận được sự điều trị phù hợp, có thể là dùng kem bôi ngoài da hoặc phải uống thuốc kháng sinh, kháng viêm theo chỉ định từ bác sĩ. 

Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu những bệnh về da ở trẻ em phổ biến cùng các thông tin liên quan, giúp cha mẹ theo dõi sức khỏe con tốt hơn.

Điểm mặt các bệnh về da ở trẻ em thường gặp

Ngoài những biểu hiện trên da, các bệnh về da ở trẻ em có thể gây ra thêm một số triệu chứng kèm theo như sốt, biếng ăn, quấy khóc, viêm đường hô hấp… Cha mẹ cần phải nhìn nhận toàn diện các dấu hiệu, triệu chứng để có những biện pháp chăm sóc ban đầu phù hợp và dễ dàng trao đổi với bác sĩ, giúp quá trình chẩn đoán bệnh nhanh chóng, hiệu quả.

1. Bệnh tay chân miệng

bệnh tay chân miệng ở trẻ

Bệnh tay chân miệng khá phổ biến ở trẻ nhỏ, do nhiễm virus coxsackie và có nguy cơ bùng phát thành dịch do lây lan nhanh qua đường hô hấp (khi ho, hắt hơi, nói chuyện gần) hoặc tiếp xúc với bề mặt nhiễm virus (đồ chơi, tay nắm cửa, thanh vịn cầu thang…). Bệnh thường xảy ra trong khoảng từ mùa hè, đầu mùa thu.

Biểu hiện bệnh tay chân miệng ở trẻ như sau:

  • Khởi phát, trẻ thường có biểu hiện mệt mỏi, đau miệng, biếng ăn, hay chảy nước miếng.
  • Sau đó vài ngày, các mụn nước bắt đầu xuất hiện ở khu vực lòng bàn tay, bàn chân, quanh miệng hoặc có vết loét trong miệng.

Trẻ có thể không cần điều trị đặc hiệu mà chỉ cần theo dõi để hệ miễn dịch tiêu diệt hoàn toàn virus gây bệnh. Các triệu chứng thường thuyên giảm và biến mất sau khoảng 7 – 10 ngày. Nếu trẻ có biểu hiện bất thường hoặc triệu chứng ngày càng nghiêm trọng, kéo dài thì mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ để có cách điều trị phù hợp.

Để phòng ngừa bệnh tay chân miệng ở trẻ em, cha mẹ nên giữ vệ sinh tốt cho trẻ, hạn chế đưa trẻ đến các khu vực vui chơi công cộng trong thời điểm có dịch tay chân miệng. Nếu thấy con có dấu hiệu mắc bệnh, cha mẹ nên chủ động cho trẻ cách ly ở nhà để không lây lan virus gây bệnh, đồng thời cho trẻ có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe. 

2. Thủy đậu 

Thủy đậu từng là một bệnh nhiễm trùng ám ảnh một thời, có khả năng lây lan và khá phổ biến ở trẻ nhỏ nhưng đã được kiểm soát, ngăn ngừa hiệu quả nhờ vào vaccine thủy đậu. Trẻ em tham gia chương trình tiêm chủng mở rộng sẽ được tiêm vaccine phòng ngừa thủy đậu đầy đủ.

Virus varicella-zoster gây bệnh thủy đậu lan truyền qua các giọt bắn hô hấp. Trẻ nhiễm virus sẽ tiến triển thành bệnh với các dấu hiệu:

  • Sau khi nhiễm virus, trẻ bắt đầu có biểu hiện sốt, viêm họng trước.
  • Tiếp đó, các ban ngứa và mụn đỏ phồng rộp trên da xuất hiện, từ vùng mặt lan rộng xuống ngực và khắp cơ thể. 
  • Mụn nước xuất hiện ban đầu là mụn nước trong, sưng đỏ, sau đó vỡ ra, khô lại và đóng thành vảy. 

Bệnh thủy đậu có thể gây ra các biến chứng viêm phổi, viêm não rất nguy hiểm.

Các trường hợp thủy đậu ở trẻ nhỏ thường cần điều trị triệu chứng, giảm đau ngứa và ngăn ngừa gãi các vết mụn nước để tránh nhiễm trùng thứ phát. Cha mẹ không nên tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh trừ khi các tổn thương bị nhiễm trùng và có chỉ định từ bác sĩ. Trẻ bị thủy đậu cần nghỉ ở nhà cho đến khi tổn thương cuối cùng trên da đã đóng vảy.

3. Viêm da tiếp xúc – một trong các bệnh về da ở trẻ em thường gặp 

Viêm da tiếp xúc cũng là một trong các bệnh về da ở trẻ em thường gặp, xảy ra khi trẻ có tiếp xúc trực tiếp với hóa chất hoặc chất gây dị ứng (dị nguyên). Các sản phẩm có thể gây ra tình trạng này gồm xà phòng, mỹ phẩm, sản phẩm tẩy rửa, chất tiết từ côn trùng (kiến ba khoang), thực vật (thường xuân, thù du, gỗ sồi)…

Biểu hiện thường thấy trên da là:

  • Phát ban đỏ, thường xuất hiện trong vòng 48 giờ khi da tiếp xúc với tác nhân dị ứng
  • Ngứa da, gây cảm giác khó chịu
  • Sưng nề, nổi mụn nước hoặc mụn mủ (trường hợp nặng)

Cha mẹ nên cố gắng xác định tác nhân gây viêm da tiếp xúc là gì để tránh cho trẻ tiếp xúc lại. Vệ sinh các vùng da bị dị ứng bằng nước muối sinh lý. Trường hợp trẻ có biểu hiện dị ứng nặng nên đến gặp bác sĩ để điều trị, có thể sử dụng thuốc bôi chứa corticoid theo chỉ định để cải thiện các triệu chứng trên da.

4. Rôm sảy – Phát ban nhiệt

trẻ bị rôm sảy, phát ban nhiệt

Rôm sảy hay phát ban nhiệt thường xảy ra khi thời tiết nóng, ẩm khiến ống tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn, thường thấy ở trẻ em do tuyến mồ hôi của trẻ chưa phát triển hoàn chỉnh. Nguyên nhân phần lớn là do ma sát trên bề mặt da với quần áo gây nóng, bí da. Những trường hợp này cha mẹ sẽ thấy:

  • Xuất hiện các đốm màu hồng đỏ trên da ở những vùng hay đổ mồ hôi như đầu, cổ, lưng, nách…
  • Nổi ban đỏ ở chỗ nếp gấp da như khuỷu tay, đùi, nách, háng…

Cách tốt nhất giúp trẻ hết rôm sẩy, phát ban nhiệt là hạn chế để tiết mồ hôi bằng cách sử dụng quạt thông khí hoặc điều hòa, mặc quần áo có chất liệu mỏng nhẹ, thoáng khí. Khi làn da của trẻ được giữ sạch sẽ, thoáng mát sẽ khiến triệu chứng rôm sảy biến mất nhanh chóng mà không cần phải điều trị thêm.

Để hạn chế tình trạng này, cha mẹ nên chú ý lựa chọn quần áo thoáng mát, rộng rãi, phù hợp cho trẻ trong mùa nóng hoặc khi hoạt động nhiều để tránh ứ nhiệt. Bên cạnh đó, phòng ngủ của trẻ cũng cần thông thoáng, mát mẻ và không cho trẻ mặc quá nhiều quần áo.

5. Chàm 

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, chàm sữa là một dạng viêm da cơ địa khá phổ biến do hệ miễn dịch của trẻ đang nhạy cảm quá mức. Khi trẻ bị chàm, bạn sẽ nhận thấy: 

  • Trẻ nổi mảng đỏ ở hai bên má trong thời kỳ bú mẹ, có thể kèm theo tình trạng dị ứng khác
  • Da khô, nổi ban đỏ, có vảy bong tróc và gây ngứa.

Bệnh chàm có thể giảm dần khi trẻ lớn hơn. Chàm không phải là một tình trạng nguy hiểm nhưng cần được chăm sóc đúng cách để tránh trẻ ngứa và gãi trầy da dễ bị nhiễm trùng. Cha mẹ cần tắm rửa hàng ngày cho trẻ bị chàm với dung dịch làm sạch lành tính, phù hợp, không dùng xà phòng có tính tẩy rửa mạnh và bôi kem dưỡng ẩm da ngay sau khi tắm.

6. Nấm da – Lang ben 

nấm da - lang ben là một trong các bệnh về da ở trẻ em

Môi trường ẩm ướt dễ tạo điều kiện cho vi nấm phát triển và gây nhiễm nấm da ở trẻ em, có thể dẫn đến nấm toàn thân, nấm da đầu hoặc các bệnh nấm da cụ thể như lang ben. Bệnh nấm da thường chỉ tấn công trên lớp da và không ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể. Trẻ có thể nhiễm nấm da từ người khác, vật nuôi hoặc từ các đồ vật bị nhiễm nấm như mũ, áo hoặc bị nấm khi mặc quần áo ẩm ướt, bí mồ hôi…

Bệnh nấm da thường có biểu hiện như sau:

  • Xuất hiện những mảng sần hoặc sẩn đỏ rồi lan rộng dần xung quanh tạo thành hình vòng nhẫn
  • Vùng da bị tổn thương thường ngứa dữ dội
  • Đôi khi vùng da bị nhiễm nấm phồng rộp, đóng viền vảy và lan ra xung quanh.

Nếu nghi ngờ trẻ bị nấm da, hãy đưa con đến gặp bác sĩ da liễu để kiểm tra. Nếu trẻ bị nấm toàn thân, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc trị nấm bôi ngoài da lên những vùng da bị ảnh hưởng. Thời gian nấm da khỏi hoàn toàn thường mất 3 – 4 tuần nhưng bạn vẫn nên tiếp tục bôi thuốc cho con theo hướng dẫn của bác sĩ. Những trường hợp bị nấm da nặng, trẻ sẽ cần uống thuốc điều trị theo chỉ định từ bác sĩ.

7. Chốc lở 

Chốc lở là một bệnh về da dễ lây lan do vi khuẩn gây ra (thường là Staphylococcus aureus hoặc Streptococcus pyogenes). Khu vực dễ bị nhiễm khuẩn nhất là mặt, cánh tay, chân. Bệnh chốc lở – một trong các bệnh về da ở trẻ em phổ biến, thường xảy ra ở trẻ em trong độ tuổi từ 2 – 5 tuổi. Biểu hiện tiến triển dần từng bước:

  • Xuất hiện tổn thương dạng mụn nước trên da
  • Mụn nước vỡ ra gây chảy dịch, đóng vảy màu vàng nâu như mật ong
  • Tạo thành các vết lở loét ngoài da.

Chốc lở có thể lan sang những vùng da lành khác khi trẻ cào gãi các tổn thương này. Để điều trị, cha mẹ cần dùng thuốc kháng sinh dạng bôi ngoài da hoặc đường uống theo chỉ định của bác sĩ.

Bệnh chốc lở thường lây truyền qua đường tiếp xúc khi trẻ chơi chung với nhau qua các tổn thương trên da, chơi chung đồ chơi… Do đó, cha mẹ cần tập thói quen rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước cho trẻ, vệ sinh đồ chơi sạch sẽ để phòng ngừa bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh.

8. Bệnh ghẻ ở trẻ em: một trong các bệnh về da ở trẻ em thường gặp 

bệnh ghẻ ở trẻ - một trong các bệnh về da ở trẻ em

Bệnh ghẻ ngứa ở trẻ em là một loại bệnh về da thường gặp do bọ ghẻ gây ra, rất dễ lây lan và cần được điều trị cẩn thận. Bọ ghẻ lây lan thông qua tiếp xúc da – da với người nhiễm bệnh. Bọ ghẻ có thể trú ngụ ở nhiều nơi, như trên drap trải giường, khăn tắm, quần áo hoặc thậm chí trong tã vải.

Trẻ bị bệnh ghẻ thường có các dấu hiệu:

  • Nổi mẩn đỏ lớn ở gót chân, giữa các ngón tay, ngón chân, bên trong cổ tay hoặc khuỷu tay
  • Da sần sùi
  • Nốt mụn nhỏ, có mủ trắng
  • Vết phát ban màu đỏ hoặc tím
  • Các đường lượn sóng màu nâu hoặc bạc, chạy dọc ở phía bên trong cổ tay

Việc điều trị bệnh ghẻ ở trẻ em chủ yếu là dùng thuốc bôi ngoài da theo chỉ định. Một số trường hợp nặng thì trẻ sẽ cần uống thuốc điều trị ghẻ ngứa. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên chăm sóc trẻ tại nhà để giảm nhẹ triệu chứng bệnh trẻ như dùng nước muối sinh lý để rửa sạch vùng da tổn thương.

9. Viêm da dị ứng 

Viêm da dị ứng cũng là một trong các bệnh về da ở trẻ em thường thấy. Tình trạng này có xu hướng kéo dài, bùng phát định kỳ và có khi kèm theo các vấn đề sức khỏe khác như hen suyễn, sốt. Triệu chứng viêm da dị ứng ở trẻ em hay xuất hiện ở khuỷu tay, đầu gối, các vị trí nếp gấp da hoặc cổ, mắt cá chân với biểu hiện:

  • Nổi mẩn đỏ trên da
  • Ngứa ngáy, khó chịu
  • Các mảng da khô và dày lên, thô cứng
  • Các vết phát ban có thể rỉ dịch (trong suốt hoặc màu vàng), thậm chí là chảy máu khi bị trầy xước

Hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị giúp chữa khỏi bệnh viêm da dị ứng. Cha mẹ chỉ có thể giúp trẻ giảm nhẹ các triệu chứng đau, ngứa bằng các thuốc kháng viêm, giảm đau và hạn chế trẻ gãi trầy xước vùng da tổn thương để tránh nhiễm trùng nặng thêm. Bên cạnh đó, bạn có thể cho trẻ dùng các sản phẩm chăm sóc da giúp làm mềm da để da trẻ không bị sần, dày lên và thô ráp.

10. Nổi mề đay kích ứng 

Nổi mề đay là kết quả từ phản ứng dị ứng, xuất hiện sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng, chẳng hạn như thực phẩm, thay đổi thời tiết hoặc một số loại thuốc mà cơ thể mẫn cảm. Mề đay thường xuất hiện dưới dạng:

  • Những vết ban sần, phù nề có màu hồng đỏ ở một vùng da hoặc toàn cơ thể
  • Có thể gây đau đớn, khó chịu

Tình trạng này thường diễn tiến nhanh nhưng cũng biến mất nhanh sau đó, thường hết sau vài giờ.

Mặc dù tình trạng nổi mề đay không nguy hiểm nhưng nếu trẻ kèm theo các vấn đề khó thở, ho, thở khò khè thì có thể là dấu hiệu cảnh báo có phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Trong trường hợp này, bạn hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám và điều trị thích hợp bằng thuốc chống dị ứng.

11. Ban đỏ nhiễm khuẩn hay “bệnh thứ năm’’

trẻ bị bệnh ban đỏ nhiễm khuẩn

Ban đỏ nhiễm khuẩn (bệnh thứ năm) do virus parvovirus B19 gây ra. Đây là một trong các bệnh về da ở trẻ em, phổ biến ở trẻ từ 5 – 15 tuổi và thường tự khỏi mà không cần điều trị. Các triệu chứng thường kéo dài 1 – 3 tuần.

  • Bắt đầu với các triệu chứng giống như cúm.
  • Sau khi mắc phải mầm bệnh 2 – 3 tuần, các vết ban sẽ dần xuất hiện trên mặt. Ban đầu, các vết ban giống như vết bị tát ở mặt và các vùng xung quanh miệng trông sẽ tái xanh.
  • Một đường hay điểm đỏ có thể xuất hiện trên tay và lan ra ngực, lưng và đùi. Các vết đỏ có thể nhạt đi nhưng sẽ trở nặng khi tiếp xúc với nhiệt như tắm nước nóng, tắm nắng. Các vết đỏ này có thể tồn tại đến vài tuần nhưng cũng có khi không xuất hiện.

Bệnh thứ năm không nghiêm trọng đối với hầu hết trẻ em và không có biện pháp điều trị cụ thể. Các biện pháp giải quyết chỉ nhằm giảm các triệu chứng. Ví dụ, nếu con bị sốt hoặc đau, bạn có thể dùng paracetamol theo hướng dẫn. Nếu triệu chứng mới xuất hiện như trẻ cảm thấy mệt mỏi, sốt cao, bạn cần nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ.

12. U mềm lây

U mềm lây ở trẻ em là một dạng bệnh phát ban do virus Molluscum contagiosum gây ra, thường không gây đau đớn nhưng khiến trẻ bị ngứa và dễ để lại sẹo. Thời gian virus tồn tại trên da mỗi trẻ sẽ khác nhau, các nốt u mềm có thể tồn tại từ hai tháng đến bốn năm.

Trẻ bị u mềm lây thường xuất hiện một vài các tổn thương nhỏ trên da nhưng không gây đau. Những vết sưng này có thể xuất hiện đơn lẻ hoặc thành một mảng với số lượng lên đến 20 nốt, bao gồm các biểu hiện:

  • Phát ban đi kèm với những đốm rất nhỏ có kích thước bằng đầu đinh ghim
  • Một vài tuần sau, các nốt u mềm sẽ dần lớn bằng hạt đậu
  • Sờ vào các nốt u có cảm giác mềm và mịn, đôi khi có vết lõm nhỏ ở giữa
  • Không gây đau nhưng gây ngứa cũng như sưng lên
  • Có thể xuất hiện ở hầu hết mọi nơi trên da ngoại trừ lòng bàn tay, lòng bàn chân.
Hầu hết trường hợp u mềm lây ở trẻ em sẽ tự biến mất mà không cần điều trị. Mỗi vết sưng sẽ tự lành sau khoảng 2 – 3 tháng. Các nốt u mới có thể xuất hiện sau khi các nốt cũ biến mất nên có khi rất lâu thì tình trạng này mới biến mất hoàn toàn trên da trẻ.

13. Ban đỏ nhiễm độc sơ sinh

bệnh ban đỏ nhiễm độc sơ sinh

Đây là một bệnh về da lành tính, thường không có triệu chứng và chỉ xảy ra ở trẻ sơ sinh. Ban đỏ nhiễm độc sơ sinh xảy ra ở 30 – 70% trẻ sinh đủ tháng, là loại phát ban da vô hại và tự thoái lui phổ biến nhất. Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được biết rõ. Biểu hiện nhìn thấy là:

  • Tổn thương là dạng dát và sẩn ban đỏ có xuất hiện mụn mủ ở trung tâm
  • Các tổn thương thường được bao quanh bởi một quầng ban đỏ lan tỏa, loang lổ rất đặc trưng
  • Xuất hiện chủ yếu ở mặt, thân và các chi ngoại trừ lòng bàn tay, lòng bàn chân.

Tình trạng này thường tự khỏi trong vòng 2 tuần sau khi sinh. Nếu bệnh có diễn biến khác, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ nhi khoa để được thăm khám, kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân và có cách điều trị phù hợp.

14. Bong vảy da do tụ cầu

Hội chứng bong vảy da do tụ cầu là một bệnh nhiễm trùng da nghiêm trọng do vi khuẩn Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) gây ra. Bong vảy da do tụ cầu là một trong các bệnh về da ở trẻ em hiếm gặp nhưng đối tượng có nguy cơ cao là trẻ dưới 6 tuổi, đặc biệt ở trẻ sơ sinh.

Tụ cầu này tạo ra độc tố làm tẩy tế bào chết khiến các lớp da bên ngoài bị phồng rộp và bong tróc như bị bỏng.

  • Ban đầu, trẻ sẽ có các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, mệt mỏi, cáu gắt, ớn lạnh, biếng ăn…
  • Ở vị trí mang bỉm tã hoặc xung quanh gốc cuống rốn của trẻ sơ sinh và trên mặt ở trẻ em có thể xuất hiện những thương tổn có màu đỏ trên da.
  • Khi độc tố được giải phóng sau 24 – 48 giờ, vùng da đỏ giới hạn ở điểm xâm nhập của vi khuẩn hoặc lan rộng ra toàn thân, sưng phù nề, gây đau. Bề mặt da xuất hiện bọng nước mềm, nông, dễ vỡ và có thể liên kết với nhau thành mảng rộng sau đó tróc ra, bong vảy mỏng như giấy nến, để lại nền da đỏ.

Trong nhiều trường hợp, trẻ cần nhập viện để điều trị nội trú. Công tác điều trị thường bao gồm dùng kháng sinh đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch để loại bỏ nhiễm trùng, thuốc giảm đau và kem bôi để bảo vệ vùng da thương tổn khỏi các tác nhân bên ngoài. Khi các mụn nước bị vỡ có thể làm tăng nguy cơ mất nước nên trẻ cần được bù nước đủ. Việc điều trị thường có hiệu quả sau 24 – 48 giờ và phục hồi hoàn toàn sau 5 – 7 ngày.

15. Mụn cóc 

bệnh mụn cóc - một trong các bệnh về da ở trẻ em thường gặp

Mụn cóc thường phát triển trên da do một loại virus human papillomavirus (HPV) gây ra. Virus này khiến các tế bào ở lớp ngoài cùng của da phát triển nhanh chóng. Virus gây bệnh có thể truyền nhiễm khi tiếp xúc với hạt mụn này hoặc sử dụng chung đồ vật như khăn tắm, quần áo với người bệnh…

Các loại mụn cóc và đặc điểm như sau:

  • Mụn cóc thông thường xuất hiện nhiều trên các ngón tay, xung quanh móng và trên mu bàn tay, ở những nơi da bị xước, nốt mụn có chấm nhỏ màu đen, sờ vào thấy sần sùi.
  • Mụn cóc ở chân có thể phát triển thành các cụm dày đặc, thường phẳng hoặc mọc ẩn bên trong (khi đi cảm giác đau do cấn phải nốt mụn ẩn).
  • Mụn cóc phẳng có thể mọc ở bất cứ nơi nào, ở trẻ em thường bị nổi ngay trên mặt, kích thước nhỏ hơn và ít sần sùi hơn, có khuynh hướng phát triển với số lượng lớn (20 – 100 nốt mụn).
  • Mụn cóc sợi mảnh có sợi dài hoặc mập như ngón tay mọc trên da, thường phát triển trên mặt ở xung quanh miệng, mắt, mũi và phát triển rất nhanh.

Mụn cóc xuất hiện ở trẻ em và thanh thiếu niên do hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn thiện. Đa phần các trường hợp mụn cóc là lành tính và có thể tự biến mất. Tuy nhiên, bạn cũng cần phòng ngừa và điều trị tình trạng mụn cóc cho trẻ bằng cách giữ nhà cửa sạch sẽ và các vật dụng cá nhân cần được vệ sinh thường xuyên.

16. Viêm da liên cầu 

Đúng như tên gọi, nhiễm liên cầu khuẩn gây viêm da là một nhóm bệnh về da có thể xảy ra ở cả trẻ em và người lớn. Liên cầu khuẩn thường trú ở những vùng da có nhiều lông, chất bã nhờn, mồ hôi và khi gặp điều kiện thuận lợi (vết thương, tiếp xúc môi trường bẩn…) thì sẽ sinh sôi và gây bệnh. Viêm da liên cầu có thể được phân thành từng bệnh cụ thể gồm:

  • Chốc loét (ecthyma)
  • Viêm mô tế bào (cellulitis)
  • Viêm quầng (erysipelas)
  • Chốc lây (impetigo)
  • Viêm cân mạc hoại tử (necrotising fasciitis)

Tổn thương thường thấy trên da là xuất hiện mụn nước trên vùng da bị nhiễm liên cầu khuẩn, gây sưng, đau. Việc điều trị sẽ cần dùng thuốc kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh.

các bệnh về da ở trẻ em

Làm thế nào để phòng tránh các bệnh ngoài da cho trẻ? 

Nhìn chung, các bệnh về da ở trẻ em có nguy cơ lây nhiễm và tiến triển nghiêm trọng phần lớn nguyên nhân là do nhiễm trùng (vi khuẩn, virus hoặc nấm). Để phòng tránh các trường hợp nhiễm trùng gây bệnh ngoài da cho trẻ thì cha mẹ cần lưu ý:

  • Thường xuyên rửa tay cho trẻ với xà phòng và nước, lau khô tay sau khi rửa.
  • Tắm rửa, vệ sinh thân thể trẻ mỗi ngày để hạn chế tích tụ mầm bệnh.
  • Luôn giữ da trẻ trong tình trạng khô thoáng vì da ẩm ướt sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển gây nhiễm trùng da ở trẻ nhỏ.
  • Cắt sạch móng tay cho trẻ để ngăn ngừa vi khuẩn, virus, nấm trú ngụ dưới móng tay.
  • Giữ môi trường sống sạch sẽ, thường xuyên vệ sinh, lau dọn nhà cửa, phòng ngủ thật sạch để hạn chế tình trạng ẩm thấp, không tạo điều kiện cho vi sinh vật gây hại xâm nhập và sinh sôi.
  • Nếu có vết côn trùng cắn/ đốt, hãy vệ sinh sạch sẽ bằng nước muối sinh lý và băng lại (nếu cần thiết) để tránh trẻ gãi trầy xước da, ngăn ngừa nhiễm trùng.
  • Kiểm tra các tổn thương trên da xem có dấu hiệu nhiễm trùng không, nếu nghi ngờ là có thì nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay.

Các bệnh về da ở trẻ em và những thắc mắc thường gặp 

1. Trẻ sơ sinh bị khô da có sao không? Da trẻ bị khô là thiếu chất gì? 

trẻ sơ sinh bị khô da

Trẻ sơ sinh bị khô da có thể do nhiều nguyên nhân, một số trường hợp không có gì đáng lo ngại và chỉ cần chăm sóc cho trẻ tốt hơn nhưng đôi khi da khô có thể là dấu hiệu liên quan đến bệnh lý về da. Trẻ sơ sinh có thể bị khô da do:

  • Hiện tượng lột da trong giai đoạn sơ sinh, da sẽ khô và bong tróc từng mảng để thay lớp da mới.
  • Da khô cho trẻ bị mất nước khi điều kiện môi trường quá nóng, hanh khô.
  • Da trẻ sơ sinh nhạy cảm có thể bị khô da sau khi tiếp xúc với một số hóa chất có trong sản phẩm như sữa tắm, phấn rôm, xà phòng còn tồn đọng trên quần áo…
  • Cho trẻ sơ sinh tắm quá lâu hoặc quá nhiều lần cũng khiến da khô hơn, dễ bong tróc.
  • Trẻ sơ sinh bị khô da do ảnh hưởng từ các bệnh về da như chàm, vảy cá, viêm da cơ địa…

Da trẻ bị khô cũng có thể do thiếu hụt một số dưỡng chất cần thiết trong cơ thể, bao gồm:

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần chú ý đến một số dấu hiệu khác ngoài tình trạng khô da, chẳng hạn như khi trẻ thiếu chất có thể biểu hiện chậm lớn, biếng ăn, hay quấy khóc, thường xuyên ốm vặt. Để điều trị tình trạng khô da hiệu quả thì cha mẹ cần xác định được nguyên nhân cụ thể là gì. Do đó, hãy cho trẻ khám sức khỏe định kỳ và trao đổi với bác sĩ những dấu hiệu bất thường ở trẻ để có cách giải quyết hợp lý.

2. Da bé bị nổi sần như da gà không ngứa là do đâu?

Bé bị nổi sần như da gà nhưng không ngứa có thể là dấu hiệu của bệnh dày sừng nang lông (keratosis pilaris) – một trong các bệnh về da ở trẻ em thường gặp. Trên da trẻ sẽ có những hạt nhỏ, thô ráp, da khô hơn, các u sần có màu da hoặc hơi hồng và sờ vào có cảm giác nhám như da gà. Vùng da nổi sần thường thấy ở mặt sau cánh tay, mặt trước đùi và hai bên má, đôi khi lan rộng khắp cơ thể (hiếm gặp).

Bệnh dày sừng nang lông thường là do di truyền và không lây nhiễm. Nguyên nhân là do da chết gây bít tắc lỗ chân lông, tạo nên các cục u sần khô, cứng. Bệnh này không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng có thể điều trị giảm nhẹ, hạn chế tái phát bằng các sản phẩm dưỡng ẩm da phù hợp.

3. Bé bị nổi mụn nước ở tay là do đâu, có sao không? 

Thông thường, mụn nước nổi ở tay chứa dịch lỏng trong suốt hoặc dịch máu tùy theo vấn đề gặp phải. Khi những mụn này vỡ sẽ gây ra ngứa, rát, đau và chảy dịch, thậm chí có thể gây phản ứng ở vùng bên cạnh hoặc toàn thân. Các nguyên nhân khiến bé bị nổi mụn nước ở tay gồm:

Hầu hết tình trạng nổi mụn nước ở tay có khả năng tự khỏi sau vài ngày. Tuy nhiên, cha mẹ cần chú ý giữ vệ sinh cho bé, không để bé gãi trầy xước vùng da tổn thương để tránh bị nhiễm trùng. Nếu có những triệu chứng bất thường kèm theo, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ để kiểm tra ngay.

4. Bệnh nấm da ở trẻ sơ sinh gây ảnh hưởng gì không? Thuốc trị nấm da ở trẻ em là thuốc nào? 

trẻ bị bệnh nấm da

Nấm da là một bệnh về da ở trẻ em khá phổ biến, có thể xuất hiện ở cả trẻ sơ sinh. Trẻ có thể bị nấm da ở tay, chân, mông, đùi, thân mình hoặc nấm trên da đầu. Trẻ bị nấm da thường không phải là tình trạng nguy hiểm nhưng có khả năng gặp biến chứng nhiễm trùng nếu con gãi trầy xước vùng da tổn thương. Do đó, cha mẹ nên cắt ngắn móng tay hoặc mang bao tay cho trẻ.

Nếu nghi ngờ con bị nấm da, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ da liễu để kiểm tra và được chỉ định thuốc trị nấm da ở trẻ em phù hợp. Nếu trẻ bị nấm da toàn thân, bác sĩ thường kê đơn thuốc bôi chống nấm, dùng 2 lần/ ngày xung quanh khu vực da bị nấm. Trường hợp nấm da nặng, trẻ có thể cần dùng đến thuốc trị nấm da đường uống theo chỉ định. Để điều trị nấm da đầu, bác sĩ có thể cho dùng phối hợp thuốc bôi ngoài da và dầu gội trị nấm da đầu.

5. Nách bé bị thâm đen là do đâu? Trẻ dậy thì bị thâm nách có sao không? 

Nách bé bị thâm đen bất thường có thể là dấu hiệu của một bệnh về da có tên là bệnh gai đen (acanthosis nigricans). Khi mắc phải căn bệnh này, vùng da có nhiều nếp gấp như nách, sau cổ, khuỷu tay, háng sẽ có những mảng da hoặc đường sọc sẫm màu, thâm đen và dày hơn. Vùng da tối màu này có thể nhìn giống như một lớp nhung đen hoặc mảng mụn cơm tối màu, cảm giác như dính bẩn trên da.

Nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh gai đen là béo phì, ngoài ra cũng có thể ảnh hưởng bởi một số bệnh lý khác như đái tháo đường type 2, hội chứng Cushing, hội chứng buồng trứng đa nang, suy giáp, tác dụng phụ từ một số loại thuốc như steroid. Khi thấy trẻ có dấu hiệu bất thường trên da, cha mẹ nên đưa con đến bệnh viện kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân từ đó mới có cách điều trị phù hợp.

Hi vọng qua bài viết này, cha mẹ đã có thêm nhiều thông tin về các bệnh về da ở trẻ em để có thể nhận biết và kịp thời can thiệp, chăm sóc cũng như điều trị nếu cần thiết.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Seborrheic dermatitis https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/seborrheic-dermatitis/symptoms-causes/syc-20352710 Ngày truy cập 08/12/2024

Newborn Skin: Common Skin Problems https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC5574071/ Ngày truy cập 08/12/2024

Skin rashes in babies https://www.nidirect.gov.uk/conditions/skin-rashes-babies Ngày truy cập 08/12/2024

Pediatric Non-Infectious Skin Conditions https://childrensnational.org/visit/conditions-and-treatments/skin-disorders/noninfectious-skin-conditions Ngày truy cập 08/12/2024

Skin Problems in Children https://my.clevelandclinic.org/health/articles/6951-skin-problems-in-children Ngày truy cập 08/12/2024

How To Stop Skin Infections https://www.kidshealth.org.nz/skin-infections/how-to-stop-skin-infections Ngày truy cập 08/12/2024

Keratosis Pilaris https://www.nationwidechildrens.org/conditions/keratosis-pilaris Ngày truy cập 08/12/2024

Acanthosis Nigricans https://kidshealth.org/en/parents/acanthosis.html Ngày truy cập 08/12/2024

How To Get Rid of Dark Armpits https://health.clevelandclinic.org/how-to-get-rid-of-dark-armpits Ngày truy cập 08/12/2024

Phát ban ở nhũ nhi và Trẻ nhỏ https://www.msdmanuals.com/vi/professional/khoa-nhi/tri%E1%BB%87u-ch%E1%BB%A9ng-%E1%BB%9F-tr%E1%BA%BB-nh%C5%A9-nhi-v%C3%A0-tr%E1%BA%BB-em/ph%C3%A1t-ban-%E1%BB%9F-nh%C5%A9-nhi-v%C3%A0-tr%E1%BA%BB-nh%E1%BB%8F#C%C4%83n-nguy%C3%AAn_v8948123_vi Ngày truy cập 08/12/2024

Phiên bản hiện tại

07/01/2025

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: Tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo