backup og meta

Hen suyễn ở trẻ em: Các bậc phụ huynh cần biết

Hen suyễn ở trẻ em: Các bậc phụ huynh cần biết

Hen suyễn là một chứng bệnh mạn tính, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của nhiều người, kể cả trẻ em. Vì trẻ còn quá nhỏ nên việc chẩn đoán và điều trị hen suyễn không hề dễ dàng cho bác sĩ cũng như các bậc phụ huynh. 

Bài viết sau đây, Hello Bacsi sẽ bật mí cho bạn những thông tin cơ bản về hen suyễn ở trẻ em, giúp bạn có được sự chuẩn bị tốt nhất để ngăn ngừa cũng như chữa trị kịp thời cho con.

Hen suyễn ở trẻ em

Tỷ lệ trẻ em mắc bệnh hen suyễn đang ngày càng tăng. Đây là tình trạng mạn tính phổ biến nhất ở trẻ em. Đến nay, các chuyên gia vẫn chưa chắn chắn về lý do tại sao tỷ lệ hen suyễn ở trẻ em tăng nhanh như vậy. Có thể chính các chất ô nhiễm có trong môi trường cộng với việc tiếp xúc nhiều tác nhân dị ứng có trong thức ăn và thế giới xung quanh chính là thủ phạm âm thầm gây hen suyễn ở trẻ.

Hen suyễn là chứng bệnh mạn tính khi đường dẫn khí bị viêm dẫn đến các triệu chứng ảnh hưởng đến việc hô hấp. Tình trạng này có thể do phản ứng miễn dịch với các chất kích ứng (chất dị ứng như khói bụi, phấn hoa và nấm mốc) và những chất ô nhiễm trong môi trường (như khói thuốc lá) gây ra. Thực tế giữa hen suyễn và dị ứng có mối quan hệ mật thiết với nhau. 60% bệnh nhân hen suyễn do dị ứng hoặc sốt gây ra. Trẻ em bị các loại dị ứng trong thời kỳ sơ sinh như chàm hay dị ứng thức ăn thường mang nguy cơ cao mắc bệnh hen suyễn cao.

Viêm đường hô hấp trên hoặc không khí lạnh chính là nguyên nhân làm bộc phát các cơn hen. Những triệu chứng hen suyễn xuất hiện khi đường dẫn khí tiếp xúc với các chất kích ứng, sau đó phản ứng dị ứng khiến cho chúng sưng lên, co thắt và tiết dư thừa chất nhầy. Đường dẫn khí bị co thắt tạo ra âm thanh như tiếng huýt sáo khi thở gọi là thở khò khè.

Trẻ bị thở khò khè

Ở trẻ sơ sinh, đường dẫn khí của trẻ thường rất nhỏ, vì vậy chỉ cần một chút sưng tấy cũng đủ khiến trẻ khó thở. Điều này làm phát sinh thở khò khè. Thở khò khè thường phổ biến ở trẻ trước 1 tuổi và gây ra bởi các virus cảm cúm. Virus hợp bào hô hấp (RSV) là một ví dụ phổ biến. Loại virus này thường gây ra loại viêm phổi gọi là viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ. RSV thường bắt đầu như bệnh cảm thông thường với các triệu chứng như ho và tắc nghẽn, sau đó tiến triển nghiêm trọng hơn thành các triệu chứng như khó thở, thở khò khè và ho dai dẳng.

Các nguyên nhân khác có thể gây thở khò khè ở trẻ sơ sinh bao gồm:

Bạn nên đưa con đến khám bác sĩ ngay khi trẻ có dấu hiệu thở khò khè, kể cả bề ngoài của trẻ có tỉnh táo và thoải mái. Các triệu chứng dưới đây cho thấy trẻ đang có vấn đề về hô hấp:

  • Thở nhanh hơn bình thường
  • Mũi phập phồng
  • Da tái xanh xung quanh vùng môi.

Làm thế nào để chẩn đoán hen suyễn ở trẻ em?

Thở khò khè chưa chắc là dấu hiệu của bệnh hen suyễn. Thông thường trẻ sơ sinh thở khò khè thường được cho là mắc các bệnh về đường hô hấp. Đáng tiếc là cho đến hiện nay vẫn chưa có bài kiểm tra hay xét nghiệm nào có thể chẩn đoán hen suyễn ở trẻ sơ sinh. Chúng ta không thể tiến hành đo chức năng phổi vì trẻ còn quá nhỏ. Gia đình cần chăm sóc và quan sát trẻ thường xuyên để biết được nguyên nhân khiến trẻ thở khò khè. Nếu tình trạng này xảy ra sau khi trẻ tiếp xúc với bụi bẩn hoặc đột nhiên bộc phát mà không bị viêm đường hô hấp trên thì đây chính xác là bệnh hen suyễn. Đồng thời, khi bạn cho trẻ tiến hành các liệu pháp chữa trị hen suyễn, cơ thể trẻ hoàn toàn phản ứng lại với chúng thì chắc chắn khả năng hen suyễn ở trẻ là chính xác.

Giữa hen suyễn và dị ứng có mối quan hệ mật thiết với nhau. Nếu trẻ có tiền sử mắc phải các loại dị ứng như bệnh chàm (viêm da dị ứng), trẻ hoàn toàn có khả năng bị hen suyễn. Ngoài ra, gia đình có tiền sử dị ứng và hen suyễn cũng khiến trẻ có nguy cơ mắc bệnh.

Bên cạnh đó, bạn cần lưu ý không phải trẻ mắc bệnh hen suyễn nào cũng xuất hiện triệu chứng thở khò khè. Một vài trẻ sẽ bộc phát các triệu chứng khác như ho mạn tính, đặc biệt là ho vào ban đêm hoặc phát ho mỗi khi trời trở lạnh. Nếu trẻ cứ tiếp tục ho dai dẳng đến 5 tuổi thì bạn nên cho trẻ tiến hành đo chức năng phổi để chẩn đoán hen suyễn.

Làm thế nào để điều trị hen suyễn ở trẻ em?

Việc điều trị bệnh suyễn đòi hỏi rất nhiều thời gian để phối hợp với bác sĩ. Bạn nên học cách sử dụng thuốc cho con cũng như kiểm soát hơi thở của trẻ. Bất cứ khi nào trẻ xuất hiện những triệu chứng khác thường, bạn cần đưa trẻ đến khám bác sĩ kịp thời. Mức độ nghiêm trọng của bệnh suyễn có thể thay đổi nhiều lần trong vòng một năm do thời tiết thay đổi. Bệnh cũng tiến triển khác nhau khi trẻ lớn lên. Bạn nên đưa trẻ đến khám bác sĩ ít nhất 3 lần một tháng để có thể giúp trẻ kiểm soát được hết các triệu chứng cũng như theo dõi liệu trình điều trị, từ đó có những thay đổi phù hợp với tình trạng sức khỏe của trẻ.

Bác sĩ thường kê 2 loại thuốc cơ bản sau để giúp trẻ điều trị hen suyễn:

  • Thuốc có tác dụng nhanh sử dụng mỗi khi lên cơn. Albuterol thường là loại thuốc phổ biến có trong toa giúp làm giảm triệu chứng hen suyễn. Loại thuốc này có thể được sử dụng dưới dạng uống. Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả tốt nhất, bạn nên cho trẻ sử dụng thuốc thông qua máy xông khí dung hoặc ống hít cầm tay. Máy xông khí dung sẽ giúp biến đổi thuốc sang dạng hơi để trẻ dễ dàng hấp thu trực tiếp vào trong phổi thông qua mặt nạ của máy. Thuốc albuterol có tác dụng giúp mở phổi và giảm co thắt dường dẫn khí để trẻ có thể dễ dàng hấp thu nhiều khí hơn. Máy khí dung hoạt động rất nhanh chóng, thường chỉ mất một vài phút để hấp thu thuốc. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý máy có thể khiến trẻ sơ sinh dễ bị kích thích và hốt hoảng. Nếu cơn hen đặc biệt nghiêm trọng, bạn nên cho trẻ sử dụng loại thuốc khác như corticosteroid. Corticosteroid có cả dạng lỏng và viên. Bạn cũng có thể tiêm thuốc vào tĩnh mạch cho trẻ trong 3 đến 5 ngày.
  • Thuốc ngăn ngừa các kích ứng và viêm nhiễm đường dẫn khí lâu dài. Nếu con của bạn mắc chứng thở khò khè, đòi hỏi chữa trị bằng thuốc albuterol nhiều hơn 2 hoặc 3 lần một tuần, bác sĩ có thể sẽ thêm những loại thuốc dự phòng vào chế độ dinh dưỡng của trẻ. Bên cạnh ngăn ngừa thở khò khè để tránh dẫn đến những vấn đề hô hấp, các loại thuốc dự phòng này còn có vai trò quan trọng trong việc giúp phổi tránh khỏi tổn thương và viêm sưng. Hai loại thuốc chống viêm sưng được sử dụng ở trẻ em là cromolyn sodium và corticosteroid dạng hít. Để chúng phát huy tác dụng, bạn nên cho trẻ sử dụng mỗi ngày bất kể trẻ có bộc phát các triệu chứng bệnh hay không. Cromolyn sodium thường phát huy tác dụng sau 4 tuần sử dụng và corticosteroid là sau 2 tuần. Mặc dù có một vài tác dụng phụ, song cromolyn sodium vẫn rất an toàn. Nếu con của bạn mắc bệnh hen suyễn nghiêm trọng, bạn cần cho con sử dụng corticosteroid dưới dạng hơi. Chúng sẽ đi trực tiếp đến phổi của trẻ và có ít tác dụng phụ hơn thuốc dạng viên hoặc lỏng.

Mục tiêu của việc điều trị hen suyễn là giúp con loại bỏ những triệu chứng cản trở việc thở để con có thể tham gia tất cả hoạt động thể chất dễ dàng mà không cần lo lắng quá nhiều về sức khỏe.

Những loại thực phẩm thường gây hen suyễn ở trẻ em

Các nhà khoa học đã tiến hành một nghiên cứu toàn diện về dị ứng thực phẩm. Họ xét nghiệm máu ở trẻ em và người lớn để xác định mức độ dị ứng của những người này đối với một số thực phẩm thông thường. Trên Tạp chí Dị ứng và Miễn dịch học lâm sàng vào năm 2010 đã công bố rằng những người bị hen suyễn thường dễ dị ứng với thức ăn hơn nhiều so với những người không hen suyễn. Ngoài ra, bệnh hen suyễn càng nặng thì dị ứng thực phẩm càng dễ xảy ra.

Các nhà nghiên cứu cho rằng những nguyên nhân gây ra dị ứng thức ăn và hen suyễn rất khác nhau ở từng người bệnh. Tuy nhiên, cần chú ý hạn chế những loại thực phẩm sau để tránh làm nặng thêm tình trạng hen suyễn ở trẻ em.

Tôm

Dị ứng với tôm và sò là một tình trạng rất thường gặp, ở mọi lứa tuổi. Nếu bé dị ứng nặng với loại thực phẩm này thì ngay cả ngửi mùi hương khi chế biến các loài động có vỏ này cũng có thể kích hoạt phản ứng dị ứng thực phẩm.

Đậu phộng

Tình trạng dị ứng đậu phộng ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở trẻ em. Việc tránh xa loại thực phẩm này thật sự khá khó khăn vì chúng là loại nguyên liệu rất thường được dùng trong nấu ăn. Đối với các loại bánh kẹo trong siêu thị, không phải lúc nào bảng nguyên liệu cũng liệt kê rõ ràng. Thành phần này cũng có thể được tìm thấy trong tất cả mọi thứ từ dầu trộn salad, bánh tráng miệng, nước sốt và thực phẩm cho người ăn chay. Ngoài ra, tình trạng nhiễm chéo trong quá trình chế biến có thể làm bé dị ứng ngay với cả những thực phẩm không chứa đậu phộng.

Sữa

Dị ứng sữa thường gặp ở trẻ em hơn người lớn. Khi bé bị dị ứng với loại thực phẩm này, bạn cần hết sức cảnh giác vì có một số loại thực phẩm chứa một ít sữa trong đó chẳng hạn như thịt và cá ngừ đóng hộp – vốn có chứa một loại protein sữa như chất kết dính. Vì vậy, hãy đọc thật kỹ nhãn hiệu trước khi mua hàng và phải hỏi kỹ đầu bếp về các thành phần trong thức ăn họ chế biến khi bạn đưa bé đi ăn ở ngoài.

Trứng

Bạn có thể sử dụng gelatin, nấm men, và bột nở để thay thế trứng trong một số công thức nấu ăn. Ngoài ra, bạn nên cảnh giác với những loại thực phẩm có chứa trứng trong đó. Một số thức uống, thực phẩm nướng, mì ống và thậm chí cả bánh quy đôi khi có thể được làm từ trứng. Vì vậy, bạn cần đọc kỹ thông tin thành phần sản phẩm trước khi ăn.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Baby Asthma Basics http://www.parents.com/baby/health/asthma/baby-asthma/ ngày truy cập 27/11/2017

Asthma http://kidshealth.org/en/parents/asthma-basics.html ngày truy cập 27/11/2017

Phiên bản hiện tại

30/05/2022

Tác giả: Thinh Ta

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Ngân Phạm


Bài viết liên quan

Trẻ bị nôn không sốt không đi ngoài: Bố mẹ cần làm gì?

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Thinh Ta · Ngày cập nhật: 30/05/2022

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo