backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Côn trùng đốt

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên · Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 09/06/2020

    Côn trùng đốt

    Bị côn trùng đốt hay cắn chắc hẳn không phải là một tình trạng ít gặp, nhất là ở vùng khí hậu nhiệt đới như Việt Nam. Tùy vào mức độ thương tổn do côn trùng gây ra mà bạn cần có biện pháp xử lý và điều trị thích hợp. Nếu không can thiệp sớm, một số vết đốt/ cắn có độc có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng.

    Tình trạng côn trùng đốt là gì?

    Côn trùng đốt sẽ gây ra các vết thương trên da, có thể sưng, đỏ hay phồng rộp thành mụn nước gây đau, ngứa và kích ứng da.

    Phản ứng của cơ thể với vết đốt sẽ tùy thuộc vào loại côn trùng đã đốt/ cắn bạn và độ nhạy cảm của mỗi người. Ví dụ, vết đốt của muỗi, bọ chét hay ve thường có xu hướng gây ngứa hơn là đau. Vết đốt từ ong, ong bắp cày, ong vàng, kiến lửa hay bọ cạp sẽ gây ra những phản ứng nghiêm trọng hơn.

    Ngoài ra, một số côn trùng có thể mang mầm bệnh (như virus West Nile – WNV, virus Zika, virus sốt xuất huyết…) và truyền sang người qua vết đốt.

    Các triệu chứng khi bị côn trùng đốt là gì?

    Đa số trường hợp côn trùng đốt sẽ gây một vết ngứa nhỏ trên da, đôi khi bạn có thể nhìn thấy một lỗ nhỏ trên da như kim đâm. Vết đốt có thể sưng lên và bên trong chứa dịch. Một số trường hợp gây ra phản ứng viêm xung quanh vị trí bị đốt.

    bị côn trùng đốt

    Các vết côn trùng đốt có thể tự biến mất trong vài ngày mà không cần có can thiệp điều trị y tế. Tuy nhiên, một số người lại có phản ứng dị ứng với vết côn trùng đốt nhưng hiếm khi gây dị ứng nghiêm trọng (như sốc phản vệ).

    Một số dấu hiệu và triệu chứng có thể cho thấy bạn có phản ứng dị ứng là:

    • Phát ban trên da và lan sang các khu vực khác của cơ thể
    • Khó thở
    • Đau ngực
    • Chóng mặt hoặc ngất xỉu
    • Buồn nôn
    • Nhịp tim nhanh
    • Sưng nghiêm trọng, có thể xảy ra ở một bộ phận cơ thể khác với vị trí bị đốt như sưng ở lưỡi hay môi
    • Ngứa nhiều, khó chịu
    • Thở khò khè

    Khi nhận thấy các triệu chứng trên xuất hiện, bạn cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất ngay lập tức.

    Một số người có thể có phản ứng mạnh hơn ở lần thứ hai bị côn trùng đốt, đặc biệt là khi do cùng một loại côn trùng gây ra.

    Vết đốt của côn trùng cũng có khả năng bị nhiễm trùng và dẫn đến:

    • Hình thành mủ bên trong hoặc xung quanh vết đốt
    • Sưng tuyến bạch huyết
    • Sốt
    • Cảm giác không khỏe, mệt mỏi
    • Các triệu chứng giống như cúm
    • Vùng da bị đốt có thể trở nên đỏ, đau và sưng hơn nhiều

    Tình trạng sẩn ngứa hoặc nổi mề đay trên da cũng có khả năng xuất hiện và tồn tại trong một vài ngày. Sau đó, hầu hết mọi người đều đạt được miễn dịch và không còn nhạy cảm khi bị côn trùng đốt.

    Những yếu tố nào làm tăng khả năng bị côn trùng đốt ở bạn?

    Nguy cơ bị đốt thường phụ thuộc vào yếu tố môi trường. Ví dụ, bạn có nguy cơ bị bọ chét cắn nếu tiếp xúc với động vật nuôi hay ở trong khu vực dân cư đông đúc nhưng có điều kiện vệ sinh kém. Việc chuyển vào một ngôi nhà mới sau một khoảng thời gian không có người ở cũng kích hoạt bọ chét thoát khỏi trạng thái ngưng hoạt động.

    Rệp thường thích ẩn náu trong các vật dụng cũ và các vật liệu dùng để bọc đồ đạc như nệm, quần áo… Bạn có thể bị đốt khi sinh sống ở những nhà cho thuê không được vệ sinh tốt.

    Bên cạnh đó, việc du lịch đến những nơi khác cũng làm tăng nguy cơ bị côn trùng đốt.

    Làm sao để chẩn đoán bạn bị côn trùng đốt?

    Tình trạng thường khá dễ để có thể nhận biết và chẩn đoán. Tuy nhiên, mọi người thường chỉ đến gặp bác sĩ khi họ thấy có phản ứng nghiêm trọng xảy ra sau khi bị côn trùng đốt.

    dấu hiệu vết côn trùng cắn

    Bạn nên điều trị vết côn trùng đốt như thế nào?

    Trường hợp nhẹ và không có phản ứng dị ứng thì vết đốt sẽ tự biến mất trong vòng một vài ngày. Bạn có thể chườm mát lên vùng da bị đốt hoặc dùng thuốc giảm đau dạng kem bôi hay uống để giảm bớt khó chịu.

    Khi có phản ứng dị ứng, bạn có thể mua thuốc kháng histamin tại các quầy thuốc theo hướng dẫn của dược sĩ. Các thuốc này cũng giúp giảm bớt triệu chứng hiệu quả.

    Trường hợp nặng hơn, bạn nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và chỉ định dùng thuốc phù hợp. Đôi khi, việc điều trị vết côn trùng đốt sẽ cần đến thuốc corticosteroid đường uống (như prednisolone) hoặc thuốc kháng histamin đường uống.

    Lưu ý, bạn nên tránh gãi vùng da bị đốt cho dù cảm thấy ngứa ngáy, khó chịu. Nếu vết đốt bị trầy xước hoặc các nốt mụn nước bị vỡ có thể tạo ra đường cho vi khuẩn xâm nhập và gây nhiễm trùng.

    Bên cạnh đó, bạn nên tìm kiếm nguồn gốc của côn trùng đã đốt bạn để loại trừ hoàn toàn. Ví dụ, bạn bị rệp cắn do chúng sống trong chăn nệm cũ, quần áo cũ, hãy giặt và khử trùng mọi thứ sạch sẽ.

    Biến chứng nào có thể xảy ra sau khi bị côn trùng đốt?

    Nhiễm trùng thứ phát do vi khuẩn xâm nhập qua vị trí bị đốt có thể xảy ra khi bạn gãi vào vùng da bị đốt và làm trầy xước hay vỡ mụn nước. Các loại nhiễm trùng có khả năng hình thành là viêm mô tế bào, viêm hạch bạch huyết hoặc bệnh chốc lở. Lúc này, bạn sẽ cần dùng thuốc kháng sinh để điều trị.

    Nếu bị những loài côn trùng có mang bệnh đốt, chẳng hạn như ve gây bệnh Lyme, bệnh sốt phát ban miền núi (rocky moutain spotted fever), bạn có thể có nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, viêm não, liệt mặt, tổn thương khớp, các vấn đề ở tim… khi không điều trị.

    Làm sao để phòng ngừa côn trùng đốt hiệu quả?

    Để ngăn ngừa côn trùng đốt, nhất là trong mùa mưa ẩm ướt, bạn có thể thực hiện các biện pháp sau:

    • Mắc màn khi ngủ, hạn chế mở cửa sổ hoặc lắp đặt lưới chặn côn trùng ở cửa sổ
    • Tránh đi đến các khu vực có nhiều cây cối, bụi rậm và cỏ
    • Hạn chế mặc quần áo có màu sắc tươi sáng và sử dụng mỹ phẩm có mùi thơm
    • Mặc quần áo tay dài, có thể đóng thùng hoặc nhét ống quần vào bên trong vớ/ giày nếu cần
    • Kiểm tra các chai, lọ, thùng có thể bị đọng nước
    • Sử dụng thuốc chống côn trùng phù hợp

    Lưu ý, không dùng thuốc chống côn trùng cho trẻ sơ sinh. Nếu trẻ dưới 10 tuổi, bạn không nên sử dụng thuốc chống côn trùng có chứa quá 10% DEET. Sử dụng dầu khuynh diệp cũng có thể có tác dụng nhưng không dùng cho trẻ dưới 3 tuổi.

    Nếu bạn cần sử dụng cả kem chống nắng và thuốc chống côn trùng, hãy thoa kem chống nắng trước.

    Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Lê Thị Mỹ Duyên

    Đa khoa · Bệnh viện Đa khoa Hồng Ngọc


    Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 09/06/2020

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo