backup og meta

Hội chứng bong vảy da do tụ cầu

Hội chứng bong vảy da do tụ cầu

Tìm hiểu chung

Hội chứng bong vảy da do tụ cầu là gì?

Hội chứng bong vảy da do tụ cầu (Staphylococcal Scalded Skin Syndrome hay SSSS – 4S) là một bệnh nhiễm trùng da nghiêm trọng do vi khuẩn staphylococcus aureus (tụ cầu vàng) gây ra. Vi khuẩn này tạo ra độc tố làm tẩy tế bào chết khiến các lớp da bên ngoài bị phồng rộp và bong tróc như bị bỏng. 

Hội chứng hiếm gặp này còn được gọi là bệnh Ritter, tỷ lệ mắc 56/100.000 người. Trẻ dưới 6 tuổi (đặc biệt là trẻ sơ sinh) là đối tượng có nguy cơ cao nhất. Bệnh hiếm khi xảy ra ở người lớn tuổi khỏe mạnh trừ khi có bệnh như ung thư giai đoạn cuối, suy thận hoặc bị suy giảm miễn dịch (nhiễm HIV) và tỷ lệ tử vong có thể lên đến 60%.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng bong vảy da do tụ cầu là gì?

Các dấu hiệu ban đầu của bệnh thường bắt đầu bằng các triệu chứng đặc trưng của nhiễm trùng như:

  • Sốt
  • Cáu gắt
  • Mệt mỏi
  • Ớn lạnh
  • Cảm giác mất sức
  • Chán ăn
  • Viêm kết mạc

Ở vị trí mang bỉm tã hoặc xung quanh gốc dây rốn của trẻ sơ sinh và trên mặt ở trẻ em có thể xuất hiện những thương tổn đỏ da. Ở người lớn thì những vết loét này có thể xuất hiện bất cứ vị trí nào.

Khi độc tố được giải phóng sau 24-48 giờ, người bệnh có thể biểu hiện những triệu chứng như:

  • Vùng da đỏ giới hạn ở điểm xâm nhập của vi khuẩn hoặc lan rộng ra toàn thân, phù nề, gây đau
  • Bề mặt da xuất hiện bọng nước mềm, nông, dễ vỡ
  • Các bọng nước có thể liên kết với nhau thành mảng rộng sau đó tróc ra, bong vảy mỏng như giấy nến, để lại nền da đỏ ẩm
  • Dấu hiệu Nikolsky dương tính

Những trường hợp nặng, bệnh nhân có thể bị mất nước, rối loạn điện giải hoặc các rối loạn khác. Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, bệnh tiến triển trong vòng 5-7 ngày sau đó các thương tổn khô lại, bong vảy da và khỏi. 

Nguyên nhân

Nguyên nhân của hội chứng bong vảy da do tụ cầu là gì?

Triệu chứng của hội chứng bong vảy da do tụ cầu SSSS
Trẻ mắc hội chứng bong vảy da do tụ cầu

Vi khuẩn gây ra hội chứng này thực tế lại tồn tại khá phổ biến ở những người khỏe mạnh. Theo Hiệp hội Bác sĩ Da liễu Anh, có đến 40% người trưởng thành mang vi khuẩn này và thường là trên da hoặc niêm mạc nhưng chúng không có ảnh hưởng bất lợi.

Vấn đề chỉ phát sinh khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua những vết thương hở, vết trầy xước, viêm nhiễm trên da hay thủy đậu. Vi khuẩn sản sinh độc tố tại chỗ, làm hỏng khả năng liên kết da. Lớp da phía trên sau đó tách ra khỏi các lớp sâu bên dưới, gây ra sự bong tróc đặc trưng của hội chứng bong vảy da do tụ cầu. Kháng thể kháng độc tố do người bệnh sản xuất ra có khả năng khống chế sự lan tràn của độc tố nên bệnh có tính khu trú.

Trường hợp người bệnh thiếu kháng thể bảo vệ là điều kiện thuận lợi cho độc tố lan nhanh trong máu qua mao mạch tới thượng bì gây nên các tổn thương bỏng rộp trên khắp da. Vùng ảnh hưởng có thể bắt đầu từ mũi, mắt, mỏm cụt rốn, vòm họng hoặc từ một vết thương hay tình trạng nhiễm trùng như viêm phổi, viêm xương tủy, viêm nội tâm mạc

Vì hệ thống miễn dịch và thận chưa phát triển toàn diện để loại bỏ các độc tố ra khỏi cơ thể nên trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh có nguy cơ cao nhất. Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Annals of Internal Medicine, 98% trường hợp hội chứng bong vảy da do tụ cầu xảy ra ở trẻ em dưới 6 tuổi. Người lớn có hệ miễn dịch yếu hoặc chức năng thận kém cũng dễ mắc bệnh. 

Chẩn đoán và điều trị

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào giúp chẩn đoán hội chứng bong vảy da do tụ cầu?

Chẩn đoán bệnh thường được thực hiện thông qua khám lâm sàng và thăm hỏi tiền sử bệnh của người bệnh.

Vì các triệu chứng của hội chứng này có thể giống với các triệu chứng về rối loạn da khác như bệnh chốc lở và một số dạng bệnh chàm, bác sĩ có thể thực hiện sinh thiết da hoặc thực hiện cấy khuẩn từ các khu vực nghi ngờ nhiễm trùng tiên phát (kết mạc, vòm họng, máu, nước tiểu, rốn ở trẻ sơ sinh…). Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện xét nghiệm máu và các mẫu niêm mạc cổ họng và mũi.

Việc chẩn đoán cần phân biệt được hội chứng này với dị ứng thuốc, hội chứng Lyell, viêm da do liên cầu.

Những phương pháp điều trị hội chứng bong vảy da do tụ cầu

Trong nhiều trường hợp, người bệnh cần nhập viện để điều trị, thường là tại khoa bỏng của bệnh viện.

Công tác điều trị thường bao gồm:

  • Dùng kháng sinh đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch để loại bỏ nhiễm trùng
  • Dùng thuốc giảm đau
  • Dùng kem bôi để bảo vệ vùng da thương tổn khỏi các tác nhân bên ngoài

Thuốc kháng viêm steroid và không steroid không được sử dụng vì chúng có thể có tác động tiêu cực đến thận cũng như hệ miễn dịch.

Khi các mụn nước vỡ và bị rỉ ra, cơ thể có thể đối diện với nguy cơ bị mất nước. Người bệnh sẽ được yêu cầu uống nhiều nước. Tác dụng của các phương pháp điều trị thường có hiệu quả sau 24-48 giờ và phục hồi hoàn toàn sau 5-7 ngày.

Biến chứng

Những biến chứng của hội chứng bong vảy da do tụ cầu là gì?

Hầu hết những người mắc hội chứng này có thể phục hồi mà không gặp biến chứng hoặc chỉ để lại sẹo trên da nếu được điều trị kịp thời. Tuy nhiên, loại vi khuẩn gây bệnh này cũng có thể gây ra những tình trạng như:

Những bệnh lý này có thể đe dọa đến tính mạng, do đó việc điều trị kịp thời là rất cần thiết và quan trọng trước khi để xảy ra biến chứng.

Tiên lượng

Hội chứng bong vảy da do tụ cầu có nguy hiểm không?

Đây là một hội chứng rất hiếm. Bệnh có thể trở nên nghiêm trọng và gây đau đớn nhưng thường không gây tử vong. Ở trẻ em, tỷ lệ tử vong thấp thường dưới 5%. Ở người lớn, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 60% do nhiễm trùng máu hoặc do bệnh nặng có từ trước. Hầu hết người bệnh được điều trị sớm sẽ phục hồi hoàn toàn và nhanh chóng, không di chứng hay sẹo. 

Hello Bacsi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay phương pháp điều trị y khoa.

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Staphylococcal Scalded Skin Syndrome. https://www.merckmanuals.com/professional/dermatologic-disorders/bacterial-skin-infections/staphylococcal-scalded-skin-syndrome#v963995 Ngày truy cập 25/3/2020

Scalded Skin Syndrome. https://www.healthline.com/health/scalded-skin-syndrome Ngày truy cập 25/3/2020

Staphylococcal scalded skin syndrome. https://dermnetnz.org/topics/staphylococcal-scalded-skin-syndrome/ Ngày truy cập 25/3/2020

Phiên bản hiện tại

01/06/2020

Tác giả: Ngà Trương

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh


Bài viết liên quan

Serum trị mụn: Cách chọn đúng và dùng đúng để da sạch mụn

Nhiễm trùng da ở trẻ nhỏ: Nguyên nhân, dấu hiệu, điều trị và phòng ngừa


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 01/06/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo