Thở khò khè hay âm thanh gần giống tiếng huýt sáo, tiếng rít phát ra từ lồng ngực trong quá trình thở là một trong những tiếng thở thường gặp ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh mổ. Tuy nhiên, đa số những âm thanh này thường nhỏ và không kéo dài, nên nhiều bố mẹ sẽ khó phát hiện. Vậy làm thế nào để kiểm tra tiếng thở của bé? Tiếng thở này có gì bất thường không? Trẻ sinh mổ bao lâu hết khò khè?
Tất cả câu hỏi trên sẽ lần lượt được giải đáp qua bài viết bên dưới. Mời bạn cùng theo dõi với Hello Bacsi!
Vì sao sinh mổ thường ảnh hưởng đến hệ hô hấp của trẻ?
Theo kết quả được công bố trên trang web British Medical Journal, các nhà nghiên cứu phát hiện rằng trẻ được sinh ra bằng phương pháp sinh mổ sẽ có nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp cao hơn so với trẻ được sinh theo đường âm đạo. Nguyên nhân gây ra sự ảnh hưởng này thường bao gồm:
- Phổi không được làm sạch dịch ối: Khi sinh qua ngả âm đạo, em bé sẽ được các cơ ở thành âm đạo và xương chậu giúp ép chất lỏng ra khỏi phổi để chuẩn bị do quá trình thở khỏe mạnh. Ngược lại, khi sinh mổ điều này sẽ không xảy ra.
- Hệ miễn dịch chậm phát triển: Vi khuẩn đường ruột là một yếu tố ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe miễn dịch. Ở những em bé sinh thường, một số lợi khuẩn sinh sống ở ngả âm đạo hoặc trên da của mẹ (nếu được da kề da ngay lập tức) đã được tìm thấy trong ruột. Các vi sinh vật có lợi này đã tạo cơ sở cho hệ vi sinh phát triển, giúp hệ miễn dịch khỏe mạnh hơn. Ngược lại, trẻ sinh mổ lại không có được điều này.
- Thời gian bắt đầu bú sữa mẹ chậm: Sữa mẹ có nhiều thành phần giúp bảo vệ hệ hô hấp của trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, việc sinh mổ khiến cho thời gian bé tiếp cận với sữa mẹ chậm hơn vì một số lý do như mẹ vẫn chưa phục hồi sau phẫu thuật, tắc sữa hoặc bé cần nuôi trong lồng kính (với những trường hợp sinh non).
Tổng quan về tiếng thở của trẻ sơ sinh
Mặc dù âm thanh thở của mỗi đứa trẻ sẽ khác nhau, nhưng nhìn chung, các bé sơ sinh dù sinh mổ hay sinh thường đều có xu hướng thở không đều, lúc nhanh lúc chậm, thỉnh thoảng có những khoảng dừng và đôi lúc, bé cũng sẽ phát ra tiếng ồn khi thở. Sau đây là các tiếng ồn đường thở phổ biến:
- Tiếng huýt sáo: Xảy ra khi có một tắc nghẽn nhỏ trong lỗ mũi, nhất là khi thở mạnh ra. Mũi của trẻ sơ sinh khá nhỏ và các bé chưa biết thở bằng miệng. Do đó, khi có một chút chất nhầy hoặc sữa khô bám trong đường thở đều có thể làm cho đường thở nhỏ hơn và gây ra tiếng rít.
- Khàn tiếng và ho liên tục: Tình trạng tắc nghẽn trong thanh quản do chất nhầy tạo ra. Đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh lý như nhiễm trùng thanh quản, khí quản và phế quản.
- Âm thanh the thé, có tiếng rít: Âm thanh do trẻ phát ra khi hít vào, đặc biệt là khi nằm ngửa. Tiếng thở này được gây ra bởi các mô dư thừa xung quanh thanh quản và thường vô hại.
- Ho: Nguyên nhân do sự tắc nghẽn trong các phế quản lớn (các bộ phận của khí quản, dẫn vào phổi) gây ra.
- Thở khò khè: Âm thanh gần giống tiếng huýt sáo. Trẻ thở khò khè khi có sự tắc nghẽn xảy ra trong tiểu phế quản (đường dẫn khí nhỏ xuất phát từ phế quản)
- Thở nhanh, gắng sức: Tình trạng thở nhanh, khó thở, đôi khi da có dấu hiệu tím tái, ho dai dẳng và phát ra âm thanh lạch cạch khi nghe bằng ống nghe. Tiếng thở nhanh thường do viêm phổi gây ra.
Tìm hiểu thêm Hơi thở của trẻ sơ sinh như thế nào là bình thường?
Trẻ sinh mổ bao lâu hết khò khè?
Thở khò khè không giống như những tiếng ồn khi thở khác. Chúng thường rất nhỏ, nhẹ và chỉ khi bố mẹ áp sát vào ngực bé hoặc bác sĩ sử dụng ống nghe thì mới phát hiện được những tiếng thở bất thường này. Tuy nhiên, bố mẹ không cần quá lo lắng khi nghe thấy con thở khò khè khi ngủ vì đa số các trường hợp đều nhẹ và có thể tự khỏi trong khoảng thời gian nhất định. Một vài trường hợp cụ thể như sau:
- Trường hợp trẻ sinh mổ bị khò khè do phổi vẫn chưa được làm sạch dịch ối thì khá phổ biến và thường sẽ biến mất khi bé hơn 3 tháng tuổi. Mẹ chỉ cần vệ sinh mũi cho con bằng nước muối sinh lý theo hướng dẫn của bác sĩ để giúp bé nhanh chóng tống hết đàm, nhớt ra ngoài.
- Trường hợp hệ miễn dịch chậm phát triển thì việc tăng cường cho bé bú mẹ sẽ giúp ích được rất nhiều. Sữa mẹ được tạo thành từ các protein, chất béo, đường và các tế bào bạch cầu, có tác dụng chống nhiễm trùng. Ngoài ra, sữa mẹ cũng có các probiotic giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch và đóng vai trò là nguồn dinh dưỡng cho vi khuẩn có lợi trong cơ thể phát triển.
- Nếu tình trạng thở khò khè diễn ra theo mùa hoặc xảy ra khi em bé tiếp xúc với một yếu tố môi trường cụ thể, chẳng hạn như khói bụi hoặc ô nhiễm không khí, thì nguyên nhân có thể do dị ứng. Bé chỉ cần tránh xa khỏi dị nguyên gây kích ứng thì hơi thở có thể ổn định trở lại.
Mặt khác, nếu bé gặp phải một số trường hợp sau thì mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để được khám và điều trị, bao gồm:
- Nếu cơn thở khò khè bắt đầu đột ngột, rất có thể là do nhiễm trùng đường hô hấp hoặc hít phải dị vật.
- Thở khò khè dai dẳng từ khi mới sinh và không giảm dần theo thời gian, điều này là dấu hiệu bé có thể đã bị dị tật bẩm sinh.
- Bé thường xuyên thở khò khè và bị bệnh đường hô hấp tái phát.
Khi đó, mẹ có thể thực hiện một số phương pháp sau để giúp bé giảm hơi thở khò khè tại nhà như:
- Sử dụng máy làm ẩm không khí: giúp bổ sung độ ẩm cho không khí, điều này có thể nới lỏng mọi tắc nghẽn trong đường thở và làm giảm khò khè.
- Nhận đủ lượng chất lỏng: Nếu trẻ thở khò khè do nhiễm trùng, điều quan trọng là phải luôn giữ cho trẻ nhận đủ lượng chất lỏng cần thiết để đảm bảo chất nhầy lỏng và giúp thông mũi. Do đó, mẹ cần làm sạch mũi cho bé, tăng tần suất cữ bú lên.
- Sử dụng bình xịt hen suyễn: Đây là một thiết bị cho phép hít thuốc dưới dạng sương mù. Nếu thở khò khè do hen suyễn, bác sĩ có thể kê đơn albuterol, cũng có thể được pha với nước muối. Lưu ý, Albuterol sẽ chỉ hoạt động nếu tình trạng thở khò khè do hen suyễn gây ra.
Bài viết trên là tổng hợp các thông tin hữu ít để giúp mẹ hiểu hơn về trẻ sinh mổ hay bị khò khè. Hy vọng thông qua bài viết đã giúp các mẹ sinh mổ chăm sóc hệ hô hấp của con tốt hơn.
[embed-health-tool-vaccination-tool]