backup og meta

Vì sao trẻ ho nhiều về đêm? Cách chăm sóc và điều trị hiệu quả

Vì sao trẻ ho nhiều về đêm? Cách chăm sóc và điều trị hiệu quả

Các cơn ho về đêm thường là thủ phạm khiến con cảm thấy khó chịu, làm gián đoạn giấc ngủ. Vậy, vì sao trẻ ho nhiều về đêm? Trẻ ho khi ngủ phải làm sao?

Trong bài viết bên dưới, Hello Bacsi sẽ chỉ ra nguyên nhân gây ho nhiều về đêm ở trẻ, đồng thời hướng dẫn cách điều trị và chăm sóc cho bé bị ho về đêm.

Vì sao trẻ ho nhiều về đêm? 5 nguyên nhân phổ biến 

Ho là một triệu chứng phổ biến ở trẻ em do nhiều nguyên nhân gây ra. Khi bị ho, ngoại trừ âm thanh phát ra tiếng ho thì các triệu chứng đi kèm là cách giúp các bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân chính xác hơn.

Vậy nguyên nhân trẻ ho về đêm là gì? Theo các chuyên gia nhi khoa, các nguyên nhân gây ho về đêm ở trẻ bao gồm: 

1. Trẻ ho nhiều về đêm do chảy dịch mũi sau

Chảy dịch mũi sau là nguyên nhân đầu tiên khiến trẻ ho nhiều về đêm có đờm. Đường thở trong cơ thể luôn được bao phủ bởi lớp chất nhầy dày đặc, giúp loại bỏ bụi bẩn, các chất gây kích ứng và ngăn ngừa nhiễm trùng.

Tuy nhiên, vì một số tình huống như nhiễm trùng hay dị ứng ở đường thở có thể khiến chất nhầy tích tụ và chảy xuống cổ họng, hay còn gọi là hiện tượng chảy dịch mũi sau. Đây là một trong những nguyên nhân gây ho và đau họng nhiều vào ban đêm ở trẻ em. 

2. Bệnh ho gà

Một số trẻ bị ho và kèm theo tiếng thở hổn hển sau khi ho có thể được chẩn đoán mắc bệnh ho gà. Đối với những trẻ đã được tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà, biểu hiện bệnh thường nhẹ và không gây ảnh hưởng gì.

Tuy nhiên, với những trẻ có hệ miễn dịch kém, thì bệnh có thể gây ra các cơn ho dữ dội và gây nguy hiểm đến tính mạng trẻ. 

3. Bệnh hen suyễn  

Tại sao trẻ ho về đêm thở khò khè hay trẻ ho nhiều về đêm và nôn là do đâu? Câu trả lời là tình trạng ho và thở khò khè vào ban đêm có thể là dấu hiệu của bệnh hen suyễn ở trẻ em. Sau đây là một số triệu chứng khác của hen suyễn: 

  • Khó thở
  • Tức ngực
  • Thở nông, nhanh
  • Các triệu chứng trở nên tồi tệ hơn khi trẻ hít phải khói, phấn hoa hoặc các tác nhân gây dị ứng cho trẻ 
  • Cảm lạnh thường xuyên… 

Trẻ ho nhiều về đêm kèm nôn mửa là những triệu chứng do hen suyễn gây ra. Lý do được các chuyên gia giải thích vì khi đường thở của trẻ gặp vấn đề, khiến trẻ không thể ho để tống các chất nhầy ra ngoài và nôn mửa là cách để cơ thể loại bỏ những chất nhầy này. 

4. Bệnh viêm phổi khiến trẻ ho về đêm và nôn

trẻ ho và nôn về đêm

Ngoài bệnh hen suyễn, viêm phổi cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ ho nhiều về đêm và nôn mửa. Sau đây là một số triệu chứng khác của viêm phổi có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể của trẻ: 

  • Nhịp thở nhanh
  • Ớn lạnh
  • Ngực đau
  • Sốt
  • Trẻ có dấu hiệu mệt mỏi và lừ đừ…

5. Bệnh cúm, Covid-19 khiến trẻ ho kèm theo sốt

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với hệ miễn dịch non nớt là những đối tượng mà virus cúm rất dễ tấn công. Khi bị cúm, trẻ có thể gặp một số tình trạng sau: 

  • Sốt
  • Ho khan
  • Nôn mửa
  • Thay đổi hành vi như chán ăn, bỏ bú… 

Thông thường, cúm chỉ là bệnh nhẹ và không quá nguy hiểm. Nhưng nếu không được điều trị kịp thời, bệnh cúm có thể tiến triển xấu và dẫn đến nhiễm trùng tai giữa

Mặc khác, ho và sốt là hai triệu chứng thường gặp nhất của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19, nên nếu mẹ nghĩ rằng con có nguy cơ đã bị nhiễm SARS-CoV-2 thì nên báo với y tế địa phương để có được hướng xử lý phù hợp.

Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh cũng thắc mắc không biết vì sao trẻ ho nhiều về đêm nhưng không sốt? Để có được câu trả lời chi tiết, mời bạn tham khảo bài viết sau: Trẻ ho nhiều về đêm nhưng không sốt: Nguyên nhân và cách khắc phục.

Trẻ ho nhiều về đêm phải làm sao?

1. Trẻ ho về đêm uống thuốc gì?

Nhiều phụ huynh thắc mắc bé ho về đêm nhiều phải làm sao? Nên cho bé uống thuốc gì? Thực chất, việc sử dụng thuốc ho không được các chuyên gia khuyến khích cho trẻ dưới 6 tuổi vì không an toàn và thuốc cũng không phát huy được hết hiệu quả điều trị.

Đặc biệt, một số thuốc ho khi sử dụng cùng các loại thuốc điều trị khác có thể làm gia tăng tác dụng phụ hoặc nguy cơ sử dụng quá liều. 

Vậy nên, nếu trẻ ho về đêm nhiều và kèm theo một số triệu chứng khác thì mẹ nên ghi chú lại các triệu chứng và tần suất các cơn ho của trẻ. Sau đó, mẹ nên đưa trẻ đến bác sĩ để được thăm khám và chỉ định điều trị phù hợp, không nên tự ý mua thuốc ho và cho trẻ sử dụng tại nhà.

2. Mách mẹ 4 cách trị ho về đêm cho trẻ tại nhà

Trẻ ho khi ngủ phải làm sao? Câu trả lời là để giảm những cơn ho về đêm của trẻ, các bậc cha mẹ có thể áp dụng những gợi ý sau:

2.1. Dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi

Làm sao cho bé hết ho khi ngủ? Hãy nhỏ mũi cho bé bằng nước muối sinh lý. Những loại thuốc nhỏ mũi không kê đơn này được coi là an toàn với trẻ nhỏ và bạn có thể mua được dễ dàng tại các hiệu thuốc.

Các ống nước muối sinh lý dạng bơm hoặc tép nhỏ mũi có thể giúp làm lỏng chất dịch nhầy để dễ dàng loại bỏ hoàn toàn. Hãy cho trẻ sử dụng nước muối sinh lý trước khi đi ngủ hoặc vào lúc nửa đêm khi trẻ tỉnh giấc vì bị ho. 

2.2. Uống đủ nước

trẻ ho về đêm

Bé ho về đêm nhiều phải làm sao? Câu trả lời là bạn nên cho trẻ ho về đêm uống đủ nước. Việc cung cấp đủ nước cho cơ thể là rất quan trọng khi trẻ bị ốm. Nước giúp cơ thể chống lại bệnh tật và giữ cho đường thở luôn ẩm.

Lưu ý là nếu trẻ không sử dụng sữa hoặc không ăn nhiều các thực phẩm có nước, trẻ có thể cần uống nhiều nước hơn bình thường. Ngoài việc bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể, mẹ cũng có thể cho con ăn kem, uống nước trái cây để tăng lượng nước và làm dịu cơn đau họng. 

2.3. Bổ sung mật ong

Nhiều bậc cha mẹ thường thắc mắc bé bị ho về đêm uống mật ong có đỡ không? Theo các chuyên gia sức khỏe, mật ong là chất tạo ngọt tự nhiên và có thể giúp làm dịu cơn đau họng. Đây cũng là chất có đặc tính kháng khuẩn và có thể  giúp cơ thể chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng.

Đối với trẻ trên 1 tuổi, hãy cho trẻ uống một muỗng cà phê mật ong hòa tan với một ly nước ấm để giúp trẻ dễ hấp thụ mật ong hơn và thuyên giảm các cơn ho. 

Một lưu ý dành cho mẹ là mật ong không an toàn cho trẻ em dưới một tuổi vì có nguy cơ gây ngộ độc. Vậy nên, chỉ sử dụng mật ong cho những trẻ em trên 1 tuổi và sử dụng lượng phù hợp. 

2.4. Bổ sung độ ẩm bằng máy tạo ẩm

Trẻ ho khi ngủ phải làm sao? Độ ẩm không khí cao có thể giúp đường thở của trẻ không bị khô và làm lỏng chất dịch nhầy, từ đó có thể làm dịu cơn ho và giảm nghẹt mũi.

Lưu ý là hãy chọn máy làm ẩm không khí lạnh sẽ an toàn và hiệu quả hơn cho trẻ em. Mẹ có thể đặt máy trong phòng ngủ của con suốt đêm hoặc đặt ở phòng mà con hoạt động nhiều nhất vào ban ngày. 

Một cách khác khi không sử dụng máy tạo độ ẩm là dùng khăn che tất cả các lỗ thoát khí của phòng tắm và xả vòi hoa sen ở mức nóng cao. Ngồi trong phòng tắm ẩm nóng có thể giúp con giảm bớt cảm giác ho tạm thời. 

Hy vọng các thông tin trong bài viết trên có thể giúp cho các bà mẹ hiểu hơn về tình trạng trẻ ho về đêm và biết cách để chăm sóc con tốt hơn. 

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Coughs and colds in children – treatment, prevention, causes | healthdirect https://www.healthdirect.gov.au/coughs-and-colds-in-children Ngày truy cập: 19/01/2024

Colds, coughs and ear infections in children – NHS https://www.nhs.uk/conditions/baby/health/colds-coughs-and-ear-infections-in-children/ Ngày truy cập: 19/01/2024

Cough in babies, children & teens https://raisingchildren.net.au/guides/a-z-health-reference/cough Ngày truy cập: 19/01/2024

Cough in children https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/24507905/ Ngày truy cập: 19/01/2024

Coughing https://kidshealth.org/en/parents/childs-cough.html Ngày truy cập 12/11/2021

Causes of nighttime toddler coughing and how to treat it https://www.medicalnewstoday.com/articles/coughing-at-night-toddler Ngày truy cập 12/11/2021

How to Treat a Cough in Toddlers at Home https://www.healthline.com/health/parenting/toddler-cough-remedy#_noHeaderPrefixedContent Ngày truy cập 12/11/2021

Asthma and your child’s sleep https://www.asthma.org.uk/advice/child/life/sleep/ Ngày truy cập 12/11/2021

Cough https://www.rch.org.au/kidsinfo/fact_sheets/Cough/ Ngày truy cập 12/11/2021

Cough Symptoms & Causes https://www.childrenshospital.org/conditions-and-treatments/conditions/c/cough/symptoms-and-causes Ngày truy cập 12/11/2021

Phiên bản hiện tại

19/01/2024

Tác giả: Nhi Bui

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Minh Châu Văn


Bài viết liên quan

5 bí quyết tăng cường hệ tiêu hóa cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Nhi Bui · Ngày cập nhật: 19/01/2024

ad iconQuảng cáo
app promote banner

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo