backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu

Khí dung là gì? Một số lưu ý khi sử dụng máy thở khí dung

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


Tác giả: Linh Do · Ngày cập nhật: 12/10/2023

    Khí dung là gì? Một số lưu ý khi sử dụng máy thở khí dung

    Thở khí dung là một phương pháp tiện lợi để điều trị bệnh lý về phổi và được chứng minh có hiệu quả so với việc uống thuốc. Vậy khí dung là gì?

    Hãy để Hello Bacsi chia sẻ với các bạn để hiểu rõ hơn về liệu pháp này, lợi ích và lưu ý khi sử dụng máy thở khí dung là gì.

    Khí dung là gì?

    Khí dung (aerosol particles) là hơi nước chứa thuốc tồn tại dưới dạng các hạt chất lỏng và/hoặc rắn được dùng để điều trị một số bệnh lý về phổi. Máy khí dung (nebulizer) sẽ khuếch tán thuốc dưới dạng sương mù. Nhờ đó, các hạt khí dung mịn có thể được hít vào hoặc đẩy trực tiếp vào đường thở và phổi. 

    Thở khí dung là phương pháp điều trị tại chỗ cho một số bệnh lý như: hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (bao gồm viêm phế quản và khí phế thũng), giãn phế quản, bệnh xơ nang, và bệnh phổi truyền nhiễm.

    Khi dùng máy khí dung, thuốc dưới dạng sương do máy tạo ra sẽ được đẩy bám dính vào lớp lông chuyển trên niêm mạc đường hô hấp. Nhờ đó, thuốc sẽ tác động trực tiếp lên những vị trí bị viêm nhiễm và giúp hạn chế tối đa các tác dụng phụ khi sử dụng thuốc đường toàn thân.

    Các loại máy phun khí dung đang có trên thị trường hiện nay:

    • Máy phun khí dung phản lực (jet nebulizers) tạo ra khí dung bằng khí nén (như không khí). Đây là loại máy phun khí dung phổ biến nhất.
    • Máy phun khí dung siêu âm (ultrasonic nebulizers) tạo ra khí dung thông qua các rung động tần số cao, thường được sử dụng phổ biến trong bệnh viện và thường không dành cho cá nhân.
    • Máy phun khí dung dạng lưới (mesh nebulizers) sử dụng nắp lưới có lỗ nhỏ giúp phân phối thuốc một cách hiệu quả. Máy phun khí dung này thường hiệu quả hơn máy phun sương phản lực.

    Sử dụng máy khí dung có tốt không?

    Câu trả lời là CÓ. Máy khí dung là một công cụ đặc biệt hữu ích để điều trị hen suyễn cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ. Thiết bị này là sự thay thế khá hiệu quả khi bạn gặp khó khăn trong quá trình sử dụng ống hít hen suyễn hoặc cần một lượng lớn thuốc hít.

    Những lợi ích khi sử dụng máy thở khí dung là gì?

    • Giảm tác dụng phụ toàn thân.
    • Khởi phát tác dụng nhanh hơn thuốc uống.
    • Yêu cầu về liều lượng thấp hơn so với dùng thuốc toàn thân.

    Hơn nữa, bạn có thể sử dụng máy phun khí dung với nhiều loại thuốc khác nhau. Điều này vừa để kiểm soát các triệu chứng hen suyễn vừa để giảm đau ngay trong tức thì.

    khí dung là gì

    Khi đã hiểu “khí dung là gì”, nhiều bạn cũng thắc mắc sử dụng máy khí dung có tốt không?

    Các loại thuốc được dùng trong khí dung là gì?

    Thuốc giãn phế quản và corticosteroid là những loại thuốc được dùng phổ biến nhất trong máy phun khí dung.

    • Thuốc corticosteroid được dùng để chống viêm (như budesonide, flunisolide, fluticasone và triamcinolone).
    • Thuốc giãn phế quản được dùng để làm giãn đường thở (như albuterol, formoterol, levalbuterol và salmeterol).
    • Dung dịch nước muối y tế là dung dịch giúp đào thải chất nhầy trong phổi.
    • Thuốc kháng sinh được dùng để giúp điều trị hoặc ngăn ngừa nhiễm trùng.

    Vì sao không nên lạm dụng máy khí dung?

    Bất kỳ liệu pháp điều trị bệnh nào cũng cần sử dụng đúng cách, đúng liều lượng chỉ định và đúng đối tượng.

    Kể cả khi bạn đã biết ưu thế của khí dung là gì, bạn cũng không nên lạm dụng phương pháp này vì khí dung về cơ bản vẫn là thuốc, do đó, bất kỳ ai sử dụng liệu pháp này cũng cần làm theo chỉ định của bác sĩ; đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Việc dùng thuốc quá liều có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng khác. Ví dụ nhóm thuốc chứa aminoglycosides có thể ảnh hưởng đến chức năng của thận và thính lực. Hay khi sử dụng ventolin khí dung cần lưu ý trẻ dưới 5 tuổi chỉ được dùng 2,5ml và trẻ trên 5 tuổi chỉ dùng tối đa 5ml.

    khí dung là gì
    Kể cả khi biết ưu thế liệu pháp khí dung là gì, bạn cũng không nên lạm dụng chúng

    Một số lưu ý khi sử dụng máy khí dung là gì?

    Quy trình sử dụng máy khí dung

    Nếu bạn chưa biết cách dùng khí dung là gì, hãy làm theo các bước cơ bản để thiết lập và sử dụng máy như sau:

    • Bước 1: Rửa tay, kết nối ống với máy nén khí.
    • Bước 2: Đổ thuốc vào cốc thuốc. Để tránh bị tràn, bạn hãy đóng chặt cốc thuốc và luôn giữ ống ngậm thẳng.
    • Bước 3: Gắn đầu kia của ống vào ống ngậm và cốc thuốc. Rồi bật máy phun sương.
    • Bước 4: Đặt ống ngậm vào miệng, dùng môi ngậm chặt ống ngậm để tất cả thuốc đi vào phổi. Nếu sử dụng mặt nạ, bạn hãy đặt nó bao phủ miệng và mũi. Mặt nạ thường phù hợp với trẻ nhỏ hơn.
    • Bước 5: Thở bằng miệng cho đến khi hết thuốc. Quá trình này mất từ 5 đến 20 phút, tùy thuộc vào thiết bị và loại thuốc được sử dụng. Nếu cần, bạn hãy sử dụng kẹp mũi chỉ thở bằng miệng.
    • Bước 6: Tắt máy khi hoàn tất. Rửa cốc thuốc và ống ngậm bằng nước và phơi khô cho đến lần điều trị tiếp theo.

    Những lưu ý khi dùng máy khí dung cho trẻ em là gì?

    Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe của trẻ, lưu ý khi cho trẻ thở khí dung là gì?

    • Trẻ dưới 5 tuổi không nên sử dụng ống ngậm thuốc có kèm theo trong máy khí dung.
    • Sử dụng đúng loại thuốc và theo liều lượng thuốc chỉ định để tránh những hậu quả nghiêm trọng do dùng thuốc quá liều như buồn nôn, chóng mặt,…
    • Khi sử dụng mặt nạ khí dung cần áp sát vào mặt trẻ để tránh khí thuốc bị thoát ra ngoài hoặc thuốc đọng lại trên mặt của bé.
    • Tư thế khi trẻ phun khí dung là tư thế ngồi thẳng lưng, hạn chế tối đa việc vừa phun khí dung vừa nằm.
    • Chọn thời điểm thích hợp để cho trẻ dùng máy thở khí dung, không nên sử dụng vào thời điểm gia đình diễn ra nhiều hoạt động.
    • Lựa chọn môi trường yên tĩnh để cho trẻ dùng khí dung. Khi bé thở máy khí dung, bạn có thể cho bé làm một hoạt động gì đó thư giãn.
    • Cho trẻ súc miệng và rửa mặt sau khi dùng khí dung để tránh tình trạng khản tiếng, ho, nhiễm nấm vùng họng hầu,…
    • Sau khi sử dụng cần bảo quản máy khí dung cẩn thận để tránh tình trạng nhiễm khuẩn vào phổi khi sử dụng máy có chứa vi khuẩn, đồng thời giúp đảm bảo độ bền của máy.
    • Nên rửa mặt nạ, cốc đựng thuốc và ống tiêm dưới vòi nước sạch và để khô. Lưu ý không nên đặt máy vào nước. Thường xuyên dùng khăn ẩm để lau mặt ngoài của máy.

    Cách giữ vệ sinh và bảo quản máy phun khí dung

    Nguyên tắc cơ bản để chăm sóc máy khí dung:

    • Máy phun khí dung nên được làm sạch bằng nước sạch sau mỗi lần sử dụng.
    • Mỗi mặt nạ phun khí dung chỉ sử dụng cho 1 người.
    • Máy cũng phải được khử trùng mỗi tuần một lần và phải được làm khô trong không khí trên khăn giấy hoặc vải sạch.
    • Vì không thể làm sạch hoàn toàn bên trong ống thở nên cần phải thay thế thường xuyên. Bác sĩ sẽ là người giải thích tần suất bạn cần thay ống.

    Vệ sinh hàng ngày

    • Tháo ống ngậm/mặt nạ và tháo hộp đựng thuốc.
    • Rửa những bộ phận này bằng nước nóng và xà phòng rửa chén dạng lỏng nhẹ, lắc bỏ nước thừa.
    • Để những bộ phận này khô tự nhiên trên mảnh khăn giấy hoặc khăn lau bát đĩa sạch.

    Khử trùng

    • Tháo các bộ phận có thể tháo rời (ống ngậm và hộp đựng thuốc).
    • Ngâm chúng trong dung dịch do bác sĩ cung cấp hoặc một phần giấm trắng và ba phần nước nóng.
    • Để các bộ phận này ngâm trong 1 giờ hoặc lâu như được liệt kê trong hướng dẫn.
    • Tháo các bộ phận và để chúng khô tự nhiên.

    Mẹo bảo quản

    • Sau khi các bộ phận đã được làm sạch và sấy khô, hãy bảo quản chúng trong hộp hoặc túi nhựa kín khí.
    • Bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát.
    • Phủi bụi và đảm bảo máy khí dung không có bụi.

    Qua bài viết, hy vọng bạn đã hiểu rõ hơn “khí dung là gì”. Đây là liệu pháp giúp phổi hấp thụ thuốc dễ dàng hơn. Thở khí dung được sử dụng để điều trị tình trạng sức khỏe khác nhau, bao gồm hen suyễn và xơ nang và đôi khi được sử dụng kết hợp với ống hít.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Phạm Thị Hồng Phượng

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh viện quận Bình Thạnh


    Tác giả: Linh Do · Ngày cập nhật: 12/10/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo