backup og meta

Bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ: Bổ sung sao cho đúng?

Bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ: Bổ sung sao cho đúng?

Bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ đầy đủ là việc rất quan trọng để bé có thể phát triển toàn diện, tránh gặp phải các vấn đề liên quan đến việc thiếu hụt vi chất trong cơ thể.

Ngoài các nhóm chất dinh dưỡng chính như đạm (protein), chất béo, tinh bột, chất xơ thì trẻ cũng rất cần được bổ sung đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất để phát triển trí tuệ cũng như thể chất toàn diện. Nếu không bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ đủ sẽ có nguy cơ khiến trẻ chậm phát triển, suy giảm hệ miễn dịch và gặp nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác.

Vì sao cần bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ?

Bình thường, trẻ được bú sữa và ăn uống đầy đủ chất từ các loại thực phẩm đa dạng sẽ không bị thiếu vitamin và khoáng chất. Các chất dinh dưỡng đều có những vai trò riêng biệt, góp phần vào sự phát triển toàn diện ở trẻ nhỏ, giúp hệ miễn dịch có khả năng phòng chống lại bệnh tật, bảo vệ cơ thể khỏi sự tấn công của các vi khuẩn, virus.

Nhu cầu về vitamin và khoáng chất cho trẻ sẽ thay đổi tùy theo độ tuổi, giới tính, cân nặng, mức độ vận động và tốc độ tăng trưởng. Do đó, việc bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ như thế nào cho hợp lý, đầy đủ là điều rất quan trọng.

Các vitamin cần thiết cho trẻ gồm:

Một số khoáng chất thiết yếu đối với trẻ là:

Ngoài ra, trẻ cũng cần được bổ sung đầy đủ các khoáng chất khác bao gồm selen, crom, đồng, florua, magie, mangan, molybdenum, kali, phốt pho và natri.

Trẻ thiếu vitamin và khoáng chất có thể gặp phải những vấn đề gì?

Trẻ thiếu vitamin và khoáng chất

Sự thiếu hụt bất kỳ vitamin hay khoáng chất cụ thể nào ở trẻ cũng đều gây ra một số vấn đề sức khỏe liên quan.

1. Trẻ bị thiếu vitamin

Những vấn đề sức khỏe hoặc bệnh lý trẻ có khả năng mắc phải khi thiếu vitamin là:

2. Thiếu khoáng chất

Tình trạng thiếu khoáng chất ở trẻ nhỏ có thể gây ra một số vấn đề như sau:

  • Thiếu canxi: dễ dẫn đến bệnh còi xương, tiền loãng xương và loãng xương
  • Thiếu sắt: có nguy cơ cao bị thiếu máu do thiếu sắt, gây mệt mỏi, mất tập trung và khiến làn da nhợt nhạt, xanh xao. Trẻ nhỏ bị thiếu máu do thiếu sắt có thể bị ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển não bộ.
  • Thiếu kẽm: làm chậm quá trình phát triển của trẻ nhỏ.

Sự đa dạng các nguồn thực phẩm trong chế độ ăn uống sẽ giúp trẻ nhận được nhiều loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Một số trường hợp trẻ bị thiếu chất do nhiều lý do tác động, chẳng hạn như biếng ăn, bị dị ứng, không dung nạp một số thực phẩm… có thể cần bổ sung vitamin và khoáng chất qua các sản phẩm thực phẩm chức năng phù hợp.

Bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ như thế nào là đúng? 

Trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 5 tuổi được khuyến cáo là nên bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất  mỗi ngày. Để biết cụ thể trẻ 1 tuổi cần bổ sung gì, trẻ 2-3 tuổi cần bổ sung gì, trẻ ở mỗi độ tuổi bổ sung gì thì cha mẹ nên trao đổi chi tiết với bác sĩ nhi khoa để theo dõi sự phát triển của trẻ định kỳ cũng như làm các xét nghiệm, kiểm tra nếu cần thiết để biết chính xác trẻ có đang thiếu hụt dưỡng chất nào không.

1. Chế độ ăn

bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ

Bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ nhỏ bằng các nguồn thực phẩm tươi sạch, nguyên chất là cách tốt nhất cho cơ thể. Bạn nên cho trẻ ăn nhiều loại thực phẩm, đa dạng nguồn cung cấp dưỡng chất thay vì suy nghĩ là cho trẻ ăn nhiều thức ăn hơn. Hiện nay, số lượng trẻ em bị thừa cân, béo phì đã tăng gấp đôi so với 20 năm trước. Do đó, hãy đảm bảo khẩu phần ăn vừa phải cho trẻ nhưng đa dạng hóa nguồn thực phẩm mỗi ngày.

Để con nhận được đủ vitamin và khoáng chất cần thiết, hãy cố gắng ăn nhiều loại thực phẩm từ 5 nhóm sau:

  • Rau củ quả và các loại đậu
  • Trái cây
  • Ngũ cốc và thực phẩm nguyên hạt
  • Thực phẩm cung cấp protein, bao gồm thịt hoặc các thực phẩm thay thế thịt
  • Sữa và các sản phẩm làm từ sữa. 

Ví dụ, một số nguồn cung cấp nhiều mỗi loại vitamin hay khoáng chất mà bạn cần đưa vào thực đơn của trẻ gồm:

  • Vitamin A: có nhiều trong các loại rau lá xanh (như cải bó xôi, cải xoăn), trái cây họ cam, rau củ như cà rốt, bí đỏ, khoai lang, quả mơ, các loại cá béo (cá hồi, cá ngừ), trứng, gan, bơ và sữa nguyên kem.
  • Vitamin B1: có trong các thực phẩm nguyên cám, thịt, cá, chiết xuất nấm men.
  • Vitamin B2: có nhiều trong các loại nấm, hạt hạnh nhân, ngũ cốc ăn sáng, thịt, trứng, sữa, sữa chua, phô mai, các sản phẩm từ sữa…
  • Vitamin B3: tìm thấy trong các loại đậu, đậu phộng, thịt nạc, thịt gà, cá, chiết xuất nấm men.
  • Vitamin B6: hiện diện trong các loại rau củ, đậu nành, trái cây, các loại hạt, thực phẩm nguyên cám, thịt nạc và cá.
  • Vitamin B12: có mặt trong thịt, cá, trứng, ngũ cốc ăn sáng, sữa và các sản phẩm từ sữa có bổ sung thêm vitamin B12.
  • Vitamin C: có trong các loại rau củ (nhất là bông cải xanh, khoai tây, ớt chuông), trái cây đặc biệt là các loại trái cây họ cam, ổi, quả mọng, xoài, kiwi,…
  • Vitamin D: cơ thể tổng hợp vitamin D chủ yếu khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời qua da. Vitamin D cũng có một lượng nhỏ trong các loại nấm trồng ngoài trời hoặc dưới ánh sáng mặt trời (tia UV), các loại cá béo, dầu gan cá, lòng đỏ trứng, bơ sữa, bơ thực vật.
  • Vitamin E: có nhiều trong dầu hướng dương, các loại hạt, trứng gà, mầm ngũ cốc, bơ thực vật chứa nhiều chất béo chưa bão hòa.
  • Vitamin K: có trong các loại rau lá xanh, đậu xanh, trứng, phô mai.
  • Folate (axit folic): tìm thấy nhiều trong các loại rau lá xanh, các loại đậu, gan, thực phẩm nguyên cám…
  • Canxi: có mặt trong các loại rau lá xanh, cá ăn được xương như cá mòi, đậu hũ, sữa, sản phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua
  • Iốt: bổ sung qua các loại rau được trồng trên vùng đất giàu iốt, hải sản, rong biển, muối i ốt.
  • Sắt: có nhiều trong các loại đậu khô, thịt, gan, thịt gà, hải sản, lòng đỏ trứng, ngũ cốc bổ sung thêm chất sắt.
  • Kẽm: có trong các loại đậu, hạt, hạnh nhân, thực phẩm nguyên cám, thịt, gà, hải sản, đậu hũ, sữa, sữa chua… 

2. Bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ bằng thực phẩm chức năng

cho trẻ dùn thực phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất

Một số trường hợp, cha mẹ sẽ cần cho trẻ dùng thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng để cung cấp đủ lượng vitamin và khoáng chất theo lượng khuyến cáo tiêu thụ hàng ngày. Để đảm bảo an toàn, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi cho bé dùng thực phẩm bổ sung nếu:

  • Trẻ không có chế độ ăn cân bằng dưỡng chất, không thường xuyên ăn các món được chế biến từ thực phẩm tươi, nguyên chất.
  • Trẻ biếng ăn, kén ăn, không chịu ăn nhiều loại thực phẩm khác nhau.
  • Trẻ mắc các bệnh mạn tính như hen suyễn, có vấn đề tiêu hóa, đang dùng thuốc điều trị bệnh.
  • Trẻ em ăn nhiều thức ăn nhanh, thức ăn chế biến sẵn.
  • Trẻ có chế độ ăn chay, chế độ ăn không uống sữa hoặc các chế độ ăn kiêng khác.
  • Trẻ uống nhiều nước ngọt có gas có thể làm mất vitamin và khoáng chất trong cơ thể.

Lưu ý

Cha mẹ nên đợi đến khi trẻ hơn 4 tuổi mới bắt đầu dùng sản phẩm thực phẩm bổ sung vitamin, trừ khi có các khuyến cáo khác từ bác sĩ.

Bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ: Cần lưu ý gì?

1. Lưu ý khi dùng sản phẩm bổ sung

kẹo bổ sung vitamin và khoáng chất

Theo khuyến cáo từ Viện Dinh dưỡng Quốc gia, trẻ có sức khỏe, thể trạng bình thường, được bú sữa và ăn uống đủ chất sẽ không có nguy cơ bị thiếu vitamin và khoáng chất. Chỉ một số trường hợp như trẻ sinh non, sinh đôi, trẻ lớn quá nhanh, chất lượng bữa ăn không đảm bảo, trẻ suy dinh dưỡng, rối loạn hấp thu, mắc một số bệnh lý về gan, mật… thì sẽ dễ thiếu vi chất và cần dùng đến sản phẩm bổ sung.

Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ bằng các sản phẩm này cần hết sức thận trọng:

  • Cha mẹ chỉ dùng sản phẩm bổ sung cho trẻ khi có chỉ định và có sự tư vấn của bác sĩ nhi khoa, chuyên gia dinh dưỡng.
  • Không thay thế cho thực phẩm tươi, nguyên chất trong chế độ ăn uống.
  • Tiếp nhận, tìm hiểu thông tin có chọn lọc để đưa ra lựa chọn sản phẩm tốt cho trẻ.
  • Bổ sung với liều lượng vừa đủ, thường là thấp hơn nhu cầu hàng ngày trừ các trường hợp trẻ mắc bệnh thiếu một vitamin hay khoáng chất nào cụ thể có thể dùng liều cao hơn theo chỉ định từ bác sĩ.
  • Dùng đúng theo chỉ định cho trẻ ở từng độ tuổi, không dùng quá liều để tránh gây ra những biến chứng nguy hiểm.
  • Lựa chọn sản phẩm bổ sung đầy đủ các chất mà trẻ dễ thiếu hụt như vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin D, iốt hoặc những “bộ đôi” thường được bổ sung cùng nhau để hỗ trợ hấp thu tốt hơn như vitamin C và kẽm, vitamin D và canxi, sắt đi cùng axit folic, mangan giúp chuyển hóa các vitamin như B1, E.
  • Lựa chọn các sản phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất được sản xuất dành riêng cho trẻ nhỏ để đảm bảo không vượt quá hàm lượng theo nhu cầu dinh dưỡng hàng ngày, không gây ra những ảnh hưởng xấu khác.
  • Quan sát sản phẩm và đánh giá các yếu tố cảm quan (màu sắc, xuất xứ, bao bì sản phẩm…) để đảm bảo chất lượng sản phẩm bổ sung dùng cho con.

2. Chú ý đến các dấu hiệu thừa vi chất dinh dưỡng 

Cơ thể trẻ cần vitamin và khoáng chất để phát triển nhưng chỉ ở một lượng nhỏ, nên các chất này còn gọi là vi chất dinh dưỡng. Nếu bổ sung quá nhiều dẫn đến dư thừa vitamin, khoáng chất sẽ có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng. Ví dụ:

  • Thừa vitamin A gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sự phát triển xương, rối loạn thần kinh hoặc thừa vitamin B6 dẫn đến giảm trí nhớ.
  • Bổ sung quá nhiều vitamin D có thể khiến trẻ mệt mỏi, sụt cân, mất nước, tăng huyết áp.
  • Thừa khoáng chất như kẽm có thể gây cản trở sự hấp thu sắt.

Khi bổ sung liều lượng lớn vitamin và khoáng chất, trẻ có thể biểu hiện một số dấu hiệu như đau bụng, đi ngoài phân lỏng. Ngoài ra, nếu muốn dùng sản phẩm thực phẩm bổ sung cho trẻ đang phải dùng thuốc điều trị bệnh khác thì cha mẹ cần đọc kỹ hướng dẫn để tránh xảy ra tình trạng tương tác thuốc. Hãy để xa các sản phẩm bổ sung như kẹo nhai bổ sung vitamin khỏi tầm tay trẻ em vì chúng có thể lấy ăn nhiều hơn mức cần thiết.

Những thắc mắc xoay quanh việc bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ

1. Trẻ 1 tuổi cần bổ sung gì? 

trẻ 1 tuổi cần bổ sung gì

Tất cả vitamin và khoáng chất đều cần thiết cho trẻ nhỏ từ 1 – 3 tuổi nhưng cần chú ý bổ sung những loại sau:

  • Vitamin A và vitamin C: là 2 nhóm vitamin quan trọng nhất trong độ tuổi này. Nguồn thực phẩm chứa nhiều vitamin A gồm trứng, gan hoặc các loại trái cây có màu vàng, đỏ, da cam. Trái cây cũng là nguồn cung cấp vitamin C dồi dào. Do đó, cha mẹ nên cố gắng cho trẻ ăn các loại rau, trái cây thường xuyên.
  • Canxi và phốt pho: trẻ 1 tuổi cần chú ý bổ sung đầy đủ hai khoáng chất này. Lượng canxi cần cho trẻ mỗi ngày là 400 – 500mg, có nhiều trong sữa, các loại hải sản như tôm, cua, ốc, trai… Với phốt pho, cha mẹ có thể bổ sung khoáng chất này cho con qua các loại ngũ cốc.
  • Sắt: cũng là một vi chất quan trọng cho trẻ, mỗi ngày cần cung cấp đủ 6 – 7mg sắt qua thức ăn. Các nguồn thực phẩm nhiều sắt mà cha mẹ nên ưu tiên cho trẻ ăn là thịt động vật, các loại đậu đỗ và rau củ quả.

2. Bổ sung nhiều vi chất cho trẻ có tốt không? 

Việc thiếu chất gây ra nhiều vấn đề sức khỏe cho trẻ chắc hẳn phụ huynh nào cũng biết và rất chú ý để bổ sung dinh dưỡng cho con. Thế nhưng khi bổ sung nhiều vi chất cho trẻ có tốt không? Câu trả lời là không. Thừa vi chất cũng gây ra nhiều vấn đề nguy hiểm khiến trẻ bị mất cân bằng dinh dưỡng.

Nhiều cha mẹ thường có thói quen tùy tiện dùng thuốc bổ cho con để bổ sung nhiều loại vi chất nhưng có thể vô tình gây ra tương tác thuốc làm mất tác dụng hoặc tệ hơn là gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng. Do đó, bạn chỉ nên bổ sung vi chất đủ theo nhu cầu thiết yếu của trẻ theo từng giai đoạn độ tuổi, cân nặng, giới tính, tình trạng sức khỏe.

3. Làm thế nào để biết liệu con có bị thiếu vi chất hay không? 

Làm thế nào để biết trẻ có bị thiếu vi chất hay không? 

Để biết chắc chắn trẻ có đang bị thiếu vi chất nào không thì cha mẹ cần đưa con đến gặp bác sĩ để làm các kiểm tra cần thiết. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ hỏi thêm thông tin về chế độ dinh dưỡng, quá trình tăng trưởng và phát triển thể chất lẫn tinh thần để có thể đánh giá được tình trạng của trẻ.

Thực tế, cơ thể không thể tự tổng hợp các vi chất dinh dưỡng mà chỉ được bổ sung thông qua chế độ ăn uống. Thế nhưng, việc định lượng chính xác hàm lượng vi chất bổ sung vào cơ thể rất khó và chỉ có thể kiểm tra được bằng những xét nghiệm y khoa. Nếu trẻ có nguy cơ cao bị thiếu hụt dinh dưỡng như các trường hợp sau thì bạn nên cho con đi kiểm tra và trao đổi với bác sĩ để có cách bổ sung vitamin và khoáng chất hợp lý:

  • Kén ăn, không ăn một số thực phẩm nhất định hoặc không được ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm
  • Trẻ có chế độ ăn kiêng, ăn chay theo cha mẹ
  • Mắc phải bệnh lý ảnh hưởng đến khả năng hấp thu dưỡng chất như bệnh celiac, ung thư, xơ nang, viêm ruột (IBD)
  • Trải qua phẫu thuật tác động đến ruột hoặc dạ dày.

4. Trẻ bú mẹ hoàn toàn có cần bổ sung vitamin và khoáng chất không? 

Theo khuyến cáo, trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn và một phần nên được bổ sung sắt lỏng với liều lượng theo cân nặng 1mg/kg ngày bắt đầu từ 4 – 6 tháng và tiếp tục cho đến khi thức ăn rắn có chứa sắt được đưa vào bữa ăn dặm của trẻ sau 6 tháng. Trẻ sơ sinh cũng cần bổ sung 400 IU vitamin D hàng ngày và tiếp tục cho đến khi trẻ được 1 tuổi.

Ở trẻ sinh non, mẹ có thể cần bổ sung sắt cao hơn là 2mg/kg/ngày bắt đầu trong tháng đầu tiên sau sinh. Tốt nhất, bạn nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn về cách bổ sung vitamin và khoáng chất cần thiết cho trẻ.

5. Có nên bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ trong thời gian dài không? 

Cha mẹ cần cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ bằng các sản phẩm thực phẩm bổ sung. Bạn nên sử dụng theo đợt và cho trẻ kiểm tra hàm lượng vi chất trong cơ thể để đánh giá tình trạng dinh dưỡng của con. Không nên dùng thực phẩm bổ sung trong thời gian dài vì có thể dẫn đến những biến chứng quá liều hoặc gây rối loạn quá trình trao đổi chất. Chẳng hạn như:

  • Những vitamin tan trong dầu như vitamin A, D khi dùng quá liều có thể gây ngộ độc ở trẻ.
  • Thừa canxi cũng có khả năng gây lắng đọng, tạo sỏi ở thận hay các cơ quan khác, thậm chí gây xơ cứng thành mạch máu.

Ngoài ra, việc sử dụng thực phẩm bổ sung tùy tiện có thể khiến trẻ bị lệ thuộc và không chịu ăn, ngủ nếu không dùng các sản phẩm này.

6. Vitamin kích thích ăn uống cho bé có những loại nào?

bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ

Vitamin kích thích ăn uống cho bé có rất nhiều loại khác nhau trên thị trường, thường thấy như siro, dạng nhỏ giọt, dạng xịt, kẹo dẻo nhai… Nếu cần sử dụng, cha mẹ nên tìm hiểu kỹ về nguồn gốc sản phẩm, thành phần và mức độ phù hợp với trẻ. Nhiều sản phẩm được bào chế dành riêng cho trẻ ở từng độ tuổi nhất định với hàm lượng các vi chất đáp ứng đủ nhu cầu của trẻ.

Các loại vitamin kích thích ăn uống cho bé thường có chứa:

  • Vitamin B1, B12
  • Vitamin D3
  • Vitamin A
  • Kẽm
  • Canxi
  • Selen
  • Lysine
  • Taurine… 

7. Bổ sung vitamin và khoáng chất cho bé bằng kẹo dẻo có thể gây ra những vấn đề gì, cần lưu ý gì?

Một số sản phẩm thực phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ nhỏ được sản xuất dưới dạng kẹo dẻo với nhiều hương vị giúp trẻ dễ ăn. Tuy nhiên, việc này cũng có thể làm trẻ nghĩ đó là kẹo và đòi ăn nhiều quá mức, khiến dư thừa hàm lượng các vi chất dinh dưỡng.

Do đó, cha mẹ cần chú ý để các loại kẹo dẻo vitamin này tránh xa tầm tay của trẻ. Kiểm soát số lượng ăn mỗi ngày để đảm bảo bổ sung đủ nhu cầu thiết yếu cho cơ thể trẻ. Việc bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ cần được kiểm soát trong giới hạn vừa đủ. Đồng thời, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám sức khỏe định kỳ để đánh giá mức độ tăng trưởng, phát triển cũng như kiểm tra tình trạng dinh dưỡng hiện tại của con.

Hello Bacsi hi vọng rằng qua những thông tin được tổng hợp trong bài, các bố mẹ đã biết được khi nào cần bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ, liều lượng là bao nhiêu.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Vitamins and minerals https://raisingchildren.net.au/teens/healthy-lifestyle/nutrients/vitamins-minerals Ngày 12/12/2024

Vitamins & Minerals https://www.cdc.gov/nutrition/infantandtoddlernutrition/vitamins-minerals/index.html Ngày 12/12/2024

Choosing a multivitamin and mineral supplement for children https://www.cuh.nhs.uk/patient-information/choosing-a-multivitamin-and-mineral-supplement-for-children/ Ngày 12/12/2024

Parents should know: Essential nutrition for children from 1 to 3 years old https://careplusvn.com/en/parents-should-know-essential-nutrition-for-children-from-1-to-3-years-old#:~:text=Children%20at%20this%20age%20need,some%20foods%2C%20such%20as%20cereals. Ngày 12/12/2024

Vitamins for children https://www.nhs.uk/conditions/baby/weaning-and-feeding/vitamins-for-children/ Ngày 12/12/2024

Bổ sung nhiều vi chất cho trẻ liệu có tốt? https://tytphuongtansonnhi.medinet.gov.vn/cham-soc-suc-khoe-tre-em/bo-sung-nhieu-vi-chat-cho-tre-lieu-co-tot-cmobile11059-86992.aspx Ngày 12/12/2024

Bổ sung vi chất sai cách gây hệ lụy khôn lường với trẻ https://yte.nghean.gov.vn/tin-chuyen-nganh/bo-sung-vi-chat-sai-cach-gay-he-luy-khon-luong-voi-tre-620510 Ngày 12/12/2024

Vì sao cần bổ sung vitamin và khoáng chất cho trẻ? https://bvnguyentriphuong.com.vn/dinh-duong/vi-sao-can-bo-sung-vitamin-va-khoang-chat-cho-tre Ngày 12/12/2024

Trẻ sơ sinh có cần bổ sung vi chất? https://benhvien108.vn/tre-so-sinh-co-can-bo-sung-vi-chat.htm Ngày 12/12/2024

Phiên bản hiện tại

17/12/2024

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 14 giờ trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo