backup og meta

Trẻ em bị co giật nhưng không sốt có đáng lo? Nguyên nhân và cách xử trí

Trẻ em bị co giật nhưng không sốt có đáng lo? Nguyên nhân và cách xử trí

Việc trẻ em bị co giật nhưng không sốt là tình trạng khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Thực tế, bé bị co giật không sốt có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó, các bệnh lý liên quan đến hệ thần kinh trung ương, chẳng hạn như bệnh động kinh, là phổ biến hơn cả.

Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu nguyên nhân và cách xử lý khi trẻ em bị co giật nhưng không sốt qua những thông tin được tổng hợp trong bài viết dưới đây!

Trẻ bị co giật do sốt

Co giật do sốt thường là co giật lành tính, đa phần xảy ra ở trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi, phổ biến nhất ở trẻ mới biết đi từ 12-18 tháng tuổi. Trong khi nhiều bé bị sốt thường có thể thuyên giảm sau khi dùng thuốc hạ sốt chứa acetaminophen hoặc ibuprofen, thì một số trẻ bị sốt có thể dẫn đến co giật, gọi là co giật do sốt.

Mặc dù trẻ bị sốt co giật có thể khiến các bậc phụ huynh lo lắng, nhưng tình trạng này thường không kéo dài và ít gây tổn thương não hay các vấn đề sức khỏe khác. 

Co giật do sốt không được coi là bệnh động kinh. Trẻ bị co giật do sốt chỉ tăng nhẹ nguy cơ phát triển bệnh động kinh.

Trẻ em bị co giật nhưng không sốt là bệnh gì?

trẻ em bị co giật nhưng không sốt là bệnh gì

Trái ngược với co giật do sốt, trẻ em bị co giật nhưng không sốt thường là cơn co giật ác tính. Tình trạng này xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó, cần chú ý đến các nguyên nhân do tổn thương ở hệ thần kinh trung ương:

  • Trẻ bị chấn thương đầu do tai nạn, va đập, té ngã.
  • Trẻ bị viêm não, viêm màng não.
  • Trẻ bị nhiễm các loại ký sinh trùng ở não.
  • Trẻ bị u nang hoặc có khối u trong não.
  • Trẻ bị thiếu oxy.
  • Trẻ bị động kinh.
  • Trẻ mắc các rối loạn chuyển hóa như hạ đường huyết nghiêm trọng, hạ canxi trong máu, nhiễm leucine, tăng Bilirubin…
  • Trẻ bị thiếu vitamin B6.
  • Do di truyền, trong gia đình có tiền sử bị co giật.
  • Nhịp tim của trẻ bất thường, có thể do quá lo lắng.

Nếu trẻ em bị co giật nhưng không sốt lặp đi lặp lại nhiều lần thì rất có thể là có liên quan đến bệnh động kinh.

Bệnh động kinh là gì?

Như vậy, bạn đã biết được, một trong những nguyên nhân khiến trẻ em bị co giật nhưng không sốt là do bé bị bệnh động kinh. Động kinh là thuật ngữ được sử dụng để mô tả các cơn co giật xảy ra lặp đi lặp lại trong thời gian dài mà không liên quan đến bệnh cấp tính (như sốt) hoặc chấn thương não cấp tính. Do đó, nếu bạn thấy trẻ không sốt nhưng bị co giật, hãy lưu ý đến bệnh động kinh.

Đôi khi, động kinh ở trẻ em có thể xác định được nguyên nhân, nhưng cũng có những trường hợp trẻ bị động kinh vô căn. Trẻ em bị co giật nhưng không sốt do động kinh có thể được kiểm soát bằng các loại thuốc chống co giật.

Một cơn động kinh không có nghĩa là trẻ có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Tuy nhiên, cha mẹ nên theo dõi thêm các cơn co giật của bé. Hãy đưa trẻ đi khám nếu có bất kỳ điều bất thường nào xảy ra.

Dấu hiệu của bệnh động kinh ở trẻ em

trẻ em bị co giật nhưng không sốt

Triệu chứng động kinh ở trẻ có thể khác nhau tùy thuộc vào loại co giật. Trong đó, một số dấu hiệu chung cảnh báo nguy cơ trẻ mắc bệnh động kinh thường gặp là:

  • Co giật, toàn thân run rẩy
  • Mắt nhìn chằm chằm
  • Mất ý thức
  • Lú lẫn
  • Đột ngột sợ hãi hoặc hoảng loạn một cách thái quá
  • Run tay hoặc chân không kiểm soát
  • Cơ thể cứng đờ
  • Gập người hoặc co giật phần thân trên.

Cách xử lý khi trẻ em bị co giật nhưng không sốt

Vậy, trẻ em bị co giật nhưng không sốt phải làm sao? Khi thấy bé co giật nhưng không sốt, cha mẹ không nên quá hốt hoảng. Hãy giữ bình tĩnh và tiến hành sơ cứu cho bé theo các bước sau:

  • Di chuyển bé đến nơi rộng rãi, thoáng mát và đặt trẻ nằm xuống mặt phẳng an toàn (giường, sàn nhà).
  • Đặt trẻ nằm nghiêng để tránh các chất nôn hoặc nước bọt gây tắc nghẽn đường thở.
  • Giữ đầu và cằm của bé hướng về phía trước để trẻ dễ thở hơn.
  • Nới lỏng quần áo của trẻ.
  • Không cố gắng vắt chanh hay cho bất kỳ vật gì (đũa, muỗng) để nạy miệng của trẻ, vì bé có thể cắn gãy hoặc bị gãy răng, rơi vào đường thở gây nghẹt thở.
  • Không đè hoặc giữ tay chân bé lúc con đang co giật.
  • Cố gắng giữ bình tĩnh cho bé, an ủi trẻ bằng cách nói chuyện nhẹ nhàng, êm dịu.
  • Chú ý thời gian kéo dài của cơn cơn co giật. Nếu trẻ em bị co giật nhưng không sốt kéo dài hơn 5 phút, hãy gọi cấp cứu.
  • Ghi chú lại thông tin của cơn cơ giật, bao gồm cả thời gian, những biểu hiện co giật của bé và những gì trẻ đã ăn hoặc đã làm trước khi lên cơn co giật.

Hướng dẫn chăm sóc trẻ bị động kinh

trẻ em bị co giật nhưng không sốt

Để hạn chế tình trạng trẻ em bị co giật nhưng không sốt liên quan đến bệnh động kinh, cha mẹ nên thực hiện những điều sau:

  • Tạo môi trường vui vẻ, tích cực cho trẻ sinh sống, học tập và vui chơi.
  • Cố gắng giữ tâm lý của bé luôn cân bằng, tránh làm cho trẻ bị kích động, giận dữ, buồn chán.
  • Hạn chế la hét, giận dữ khiến trẻ hoảng sợ, bị kích động dẫn đến tái phát cơn động kinh.
  • Cho trẻ không sốt nhưng bị co giật uống thuốc chống co giật đều đặn theo chỉ định và liều lượng của bác sĩ (nếu có). 
  • Bổ sung trong thực đơn hàng ngày của trẻ những thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất và chất béo có lợi. Hạn chế tinh bột và protein nhằm cải thiện tình trạng bé bị co giật không sốt. Chế độ ăn Keto có thể có lợi đối với trẻ em bị động kinh.
  • Luôn để mắt đến trẻ, không nên để trẻ ở một mình, nhất là trong môi trường gần sông, suối, hồ…
  • Để các vật dụng có cạnh, sắc nhọn ra khỏi tầm mắt và tầm với của trẻ.
  • Không nên cho trẻ em bị co giật nhưng không sốt ngủ giường tầng.
  • Thông báo với nhà trường về tình trạng sức khỏe của trẻ và những lưu ý cần thiết để có thể hỗ trợ con kịp thời.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về tình trạng trẻ em bị co giật nhưng không sốt, từ đó có cách xử lý phù hợp.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Febrile Seizures (for Parents) – Nemours KidsHealth https://kidshealth.org/en/parents/febrile.html Ngày truy cập: 03/07/2023

Febrile seizures – NHS https://www.nhs.uk/conditions/febrile-seizures/ Ngày truy cập: 03/07/2023

Seizures and Epilepsy in Children – HealthyChildren.org https://www.healthychildren.org/English/health-issues/conditions/seizures/Pages/Seizures-and-Epilepsy-in-Children.aspx Ngày truy cập: 03/07/2023

Febrile seizure – Symptoms & causes – Mayo Clinic https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/febrile-seizure/symptoms-causes/syc-20372522 Ngày truy cập: 03/07/2023

Gastroenteritis Related Seizure with or without Fever: Comparison Clinical Features and Serum Sodium Level – PMC https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6451858/ Ngày truy cập: 03/07/2023

Seizure in Children Without Fever or Known Seizure Disorder: Care Instructions | Kaiser Permanente https://healthy.kaiserpermanente.org/northern-california/health-wellness/health-encyclopedia/he.seizure-in-children-without-fever-or-known-seizure-disorder-care-instructions.ut1835 Ngày truy cập: 03/07/2023

A Common Type of Seizure in Kids That Usually Is Harmless | University Hospitals https://www.uhhospitals.org/blog/articles/2021/07/a-common-type-of-seizure-in-kids-that-usually-is-harmless Ngày truy cập: 03/07/2023

Phiên bản hiện tại

17/07/2023

Tác giả: Minh Châu Văn

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Trẻ bị nôn không sốt không đi ngoài: Bố mẹ cần làm gì?

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Nguyễn Đinh Hồng Phúc

Nhi khoa · Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP HCM


Tác giả: Minh Châu Văn · Ngày cập nhật: 17/07/2023

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo