backup og meta

10 vấn đề phổ biến trong tam cá nguyệt thứ 3 bạn có thể gặp

10 vấn đề phổ biến trong tam cá nguyệt thứ 3 bạn có thể gặp

Khi bước vào tam cá nguyệt thứ 3, ngoài cảm giác hạnh phúc khi sắp được chào đón bé yêu ra đời thì có một số vấn đề sức khỏe nhất định mà bạn nên lưu ý.

Tam cá nguyệt thứ 3 bắt đầu từ tuần thai thứ 28 và kết thúc bằng sự chào đời của em bé. Đây là một giai đoạn thú vị cho người mẹ cũng như các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, một số vấn đề sức khỏe vẫn có nguy cơ xảy ra và bạn nên tìm hiểu để tránh ảnh hưởng đến tình trạng của thai nhi.

Bài viết sau, Hello Bacsi sẽ giới thiệu 10 vấn đề phổ biến trong tam cá nguyệt thứ 3 nhằm giúp bạn hiểu rõ hơn về những tình trạng này.

1. Tiền sản giật – một tình trạng nguy hiểm thường xảy ra trong tam cá nguyệt thứ 3

Mẹ bầu có thể phải đối mặt với tình trạng này sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Tiền sản giật khi mang thai là một biến chứng nghiêm trọng và cần điều trị ngay lập tức. Nếu chậm trễ, tình trạng này sẽ dẫn đến sản giật hoặc co giật, suy thận và thậm chí là cả tử vong.

Các triệu chứng của tiền sản giật bao gồm huyết áp cao, đạm niệu, sưng tay và chân do cơ thể giữ nước và tăng cân quá mức. Trong trường hợp nghiêm trọng, mẹ bầu có thể bị đau đầu, mờ mắt và đau ở vùng bụng trên.

Phương pháp điều trị tiền sản giật khi mang thai sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Nếu thai kỳ của bạn đã bước qua tuần thứ 37, bác sĩ sẽ đề nghị sinh mổ. Trong trường hợp thai kỳ chỉ vừa được 34 tuần hoặc thậm chí ít hơn, bác sĩ sẽ dùng thuốc để đẩy nhanh sự phát triển phổi của thai nhi.

2. Chuyển dạ sinh non là một nguy cơ có thể xảy ra trong tam cá nguyệt thứ 3

Đây là một trong những biến chứng thai kỳ phổ biến nhất trong tam cá nguyệt thứ 3. Bạn sẽ chuyển dạ sinh non nếu bắt đầu cảm thấy các cơn gò tử cung trước thời kỳ trưởng thành thông thường của thai kỳ, tức là vào khoảng 37 tuần.

Phụ nữ mang đa thai, có tiền sử chuyển dạ sinh non trong những lần mang thai trước hoặc những người gặp phải các vấn đề liên quan đến tử cung và cổ tử cung thường nằm trong nhóm nguy cơ chuyển dạ sinh non cao.

Mẹ bầu cần chú ý đến những dấu hiệu đáng ngờ để có thể đến bệnh viện kịp thời, chẳng hạn như:

  • Đi tiểu thường xuyên hơn
  • Cảm giác căng tức ở bụng dưới
  • Âm đạo tiết dịch và trở nên co thắt.

Đôi khi, các bác sĩ kê toa thuốc cómagie sulfate để ngăn ngừa chuyển dạ sinh non. Trong một số trường hợp, khi chuyển dạ bắt đầu trước tuần thứ 34 của thai kỳ, mẹ bầu được phép sử dụng steroid để đẩy nhanh sự phát triển phổi của thai nhi.

3. Thai chậm tăng trưởng trong tử cung (IUGR)

hội chứng thai nhi chậm phát triển trong tử cung ở tam cá nguyệt thứ 3

Trong những trường hợp hiếm hoi, em bé có thể mắc phải hội chứng thai nhi chậm phát triển trong tử cung (IUGR) do chỉ số tăng trưởng không hề có sự biến đổi, có thể thấy rằng thai nhi đã hạn chế sự tăng trưởng. Đôi khi vì lý do di truyền mà trẻ sơ sinh chào đời với kích thước nhỏ hơn so với tiêu chuẩn.

Có khá nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng trên ở tam cá nguyệt thứ 3, bao gồm việc người mẹ mắc phải đái tháo đường thai kỳ, thiếu máu, suy dinh dưỡng hoặc gặp các vấn đề về thận, huyết áp cao… Nếu xác định thai nhi đã ngừng phát triển, bác sĩ sẽ đề nghị sinh mổ ngay.

4. Nhau bong non trong tam cá nguyệt thứ 3

Trong một số trường hợp hiếm gặp, nhau thai có hiện tượng tách ra khỏi tử cung ngay cả trước khi bắt đầu chuyển dạ. Tình trạng này được gọi là nhau bong non và cực kỳ nghiêm trọng bởi có thể khiến thai nhi tử vong trong bụng mẹ. Nhau bong non còn khiến mẹ bầu bị chảy máu âm đạo nghiêm trọng, đau bụng và co thắt hoặc thậm chí co giật.

Mặc dù chưa tìm ra nguyên nhân chính xác cho tình trạng này, các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhau bong non là bệnh đái tháo đường, huyết áp cao, mang thai đôi, dây rốn ngắn, tuổi tác của người mẹ và sự phình ra của thành tử cung do nước ối dư thừa.

Một số mẹ bầu cần phải mổ bắt con ngay lập tức nếu được chẩn đoán đang rơi vào tình trạng nhau bong non. Trong trường hợp bị mất máu quá nhiều do chảy máu âm đạo, bạn sẽ cần phải truyền máu.

5. Nhau tiền đạo

Thức ăn và tất cả các chất dinh dưỡng mà em bé nhận được khi còn nằm trong bụng mẹ đều thông qua nhau thai. Bộ phận này sẽ được đào thải ra ngoài cơ thể người mẹ sau khi em bé chào đời. Nếu mẹ bầu bị nhau tiền đạo, trong quá trình chuyển dạ, nhau thai sẽ bong ra trước tiên và chắn trước cổ tử cung, gây cản trở đường ra của em bé.

Nếu từng sinh mổ, phẫu thuật tử cung hoặc được chẩn đoán nhau thai lớn bất thường, bạn có nguy cơ bị nhau tiền đạo. Tình trạng này có thể khiến mẹ bầu tử vong nếu bị chảy máu quá nhiều.

Triệu chứng nhau tiền đạo phổ biến nhất thường là chảy máu đột ngột và nghiêm trọng mà không cảm thấy đau, máu chảy ra có màu đỏ tươi. Tình trạng trên có thể xuất hiện sau tuần thứ 28 của thai kỳ.

6. Mất ngủ là vấn đề thường gặp trong tam cá nguyệt thứ 3

mất ngủ trong tam cá nguyệt thứ 3

Một số phụ nữ mang thai có thể bị mất ngủ ngay từ những tuần đầu tiên của thai kỳ. Nhưng hầu hết mẹ bầu cảm thấy các vấn đề về giấc ngủ dần hiện diện rõ ràng hơn trong tam cá nguyệt thứ 3. Bạn có thể sẽ không dễ dàng ngon giấc vào giai đoạn cuối của thai kỳ.

Nguyên nhân đầu tiên cho tình trạng này là bụng bầu phát triển to khiến mẹ bầu gặp khó khăn trong việc tìm được một tư thế ngủ thoải mái. Một lý do quan trọng khác có thể kể đến bao gồm nội tiết tố estrogen được tiết ra nhiều hơn trong 3 tháng cuối. Mặt khác, việc thai nhi liên tục chuyển động hoặc nhu cầu đi vệ sinh liên tục cũng khiến mẹ bầu ngủ không thẳng giấc.

Lời khuyên cho bạn lúc này là không nên uống thuốc ngủ để tránh ảnh hưởng đến thai nhi. Ngoài ra, bạn có thể tập thiền, nghe một vài bản nhạc nhẹ nhằm thư giãn tâm trí. Thêm vào đó, quay sang bên trái và đặt gối ở giữa hai chân và dưới bụng bầu cũng sẽ giúp cơ thể cảm thấy thoải mái hơn.

7. Khó thở – một vấn đề thường gặp trong tam cá nguyệt thứ 3

Các vấn đề về hô hấp mà phụ nữ mang thai gặp phải trong tam cá nguyệt thứ 3 chủ yếu là do sự mở rộng của tử cung. Khi tử cung lớn dần, phổi bị chiếm mất không gian cần thiết cho việc hô hấp, từ đó khiến bạn bị khó thở. Tuy nhiên, điều này có thể được cải thiện bằng cách dùng gối để nâng cao đầu và vai.

8. Đái tháo đường thai kỳ

Khi mang thai, cơ thể có thể không sử dụng hiệu quả hormone insulin do quá trình thay đổi nội tiết tố. Do đó, lượng đường trong máu của mẹ bầu có xu hướng tăng lên. Mặc dù không gây ra bất kỳ rủi ro nào cho người mẹ, nhưng tình trạng này sẽ gây nguy hiểm cho thai nhi đang phát triển bên trong.

Mẹ bầu bị đái tháo đường có thể làm cho thai nhi phát triển quá mức và cần phải nhờ đến biện pháp sinh mổ để bé có thể chào đời an toàn. Để có thể ngăn ngừa bệnh đái tháo đường thai kỳ, mẹ bầu cần phải thay đổi lối sống sao cho lành mạnh cũng như khoa học.

9. Trầm cảm

trầm cảm trong tam cá nguyệt thứ 3

Giống như chứng mất ngủ khi mang thai, trầm cảm có thể xuất hiện từ những ngày đầu của thai kỳ. Tuy nhiên, hầu hết các mẹ bầu dường như cảm nhận trạng thái tâm lý này một cách rõ ràng khi bước sang tam cá nguyệt thứ 3 và đối với nhiều người, nó có thể tiếp tục phát triển thành chứng trầm cảm sau sinh.

Trầm cảm khi mang thai sẽ khiến trẻ sơ sinh nhẹ cân vì người mẹ thường chán ăn và bị kiệt sức do thiếu nghỉ ngơi.

Dĩ nhiên, mẹ bầu không nên dùng thuốc chống trầm cảm khi mang thai mà thay vào đó, hãy cố gắng giảm căng thẳng thông qua phương pháp thiền định hoặc tập yoga trước khi sinh.

10. Huyết khối tĩnh mạch sâu

Hiện tượng sưng phù chân khá phổ biến trong tam cá nguyệt thứ 3. Nhưng nếu phù nề đi kèm cảm giác đau thì rất có thể bạn đang bịhuyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). Đây là tình trạng nguy hiểm bởi sẽ khiến dòng chảy của máu bị cản trở.

Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ nếu nhận thấy các triệu chứng đáng ngờ ở chân, chẳng hạn như sưng đau, đổi màu và cảm giác ấm khi chạm vào. Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể được điều trị bằng thuốc ngay cả trong thời gian mang thai.

Tam cá nguyệt thứ 3 là quãng thời gian rất quan trọng nhưng đồng thời cũng đầy thách thức cho bạn cũng như em bé. Tuy nhiên, đừng quá căng thẳng vì điều này, bởi phần lớn mẹ bầu đều trải qua 3 tháng cuối thai kỳ một cách nhẹ nhàng và sinh nở thuận lợi. Hãy chú ý đến chế độ ăn uống và vận động đều đặn để quá trình vượt cạn diễn ra dễ dàng hơn bạn nhé.

Phương Uyên/HELLO BACSI

[embed-health-tool-pregnancy-weight-gain]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Third Trimester of Pregnancy https://www.webmd.com/baby/guide/third-trimester-of-pregnancy#1 ngày truy cập 24/06/2019

Your Guide to the Third Trimester of Pregnancy https://www.whattoexpect.com/third-trimester-of-pregnancy.aspx ngày truy cập 24/06/2019

10 Common Pregnancy Problems in the Third Trimester https://parenting.firstcry.com/articles/10-common-pregnancy-problems-in-third-trimester/ ngày truy cập 24/06/2019

Phiên bản hiện tại

08/05/2020

Tác giả: Trần Lê Phương Uyên

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Hoàng Diệu Thu


Bài viết liên quan

Bổ sung sắt cho mẹ bầu và sau sinh như thế nào cho hiệu quả, an toàn?

Bí quyết chọn serum cho bà bầu: Làm đẹp an toàn trong thai kỳ


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 08/05/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo