Viêm lộ tuyến cổ tử cung là một vấn đề phụ khoa khá phổ biến, gây nhiều triệu chứng khó chịu ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của chị em. Nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể làm tăng nguy cơ vô sinh, hiếm muộn và dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu các vấn đề phổ biến liên quan đến viêm lộ tuyến cổ tử cung, bao gồm khái niệm, nguyên nhân, triệu chứng trong từng giai đoạn bệnh, viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai và các phương pháp điều trị hiệu quả, giúp bạn sớm nhận diện và xử lý tình trạng này.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung là gì?
Định nghĩa viêm lộ tuyến cổ tử cung
Viêm lộ tuyến cổ tử cung xảy ra khi các tế bào tuyến từ bên trong cổ tử cung phát triển và lấn ra ngoài bề mặt cổ tử cung. Khi các tế bào này phát triển ra ngoài, chúng dễ bị các tác nhân như virus, vi khuẩn, nấm xâm nhập, dẫn đến viêm nhiễm. Bên cạnh đó, lộ tuyến quá mức cũng dẫn đến tăng tiết dịch và gây ra các triệu chứng.
Bệnh thường gặp ở các phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và đã từng quan hệ tình dục. Dù vậy, một vài trường hợp bệnh là bẩm sinh.
Các giai đoạn của viêm lộ tuyến cổ tử cung
Viêm lộ tuyến cổ tử cung có ba cấp độ với mức độ tổn thương tăng dần:
- Cấp độ 1: Các tế bào tuyến mới bắt đầu phát triển bên ngoài cổ tử cung, với vùng bị ảnh hưởng nhỏ hơn 30% bề mặt cổ tử cung. Triệu chứng của giai đoạn này chưa rõ ràng, bệnh nhân có thể chỉ cảm thấy ngứa hoặc có dịch nhầy bất thường ở vùng kín. Giai đoạn này nếu được can thiệp kịp thời thì khả năng chữa khỏi rất cao.
- Cấp độ 2: Mức độ tổn thương tăng lên từ 50-70%. Ngoài các triệu chứng như cấp độ 1, bệnh nhân có thể gặp phải tình trạng đau rát âm đạo và chảy máu sau quan hệ tình dục. Viêm lộ tuyến cổ tử cung độ 2 là giai đoạn bệnh đã phát triển nhưng vẫn có thể điều trị hiệu quả nếu được phát hiện.
- Cấp độ 3: Đây là mức độ viêm nhiễm nặng nhất, khi hơn 70% diện tích cổ tử cung bị tổn thương. Triệu chứng ở giai đoạn này rất nghiêm trọng, bao gồm chảy máu âm đạo bất thường, khí hư có mùi hôi và màu sắc lạ, đau bụng dưới giống như đau bụng kinh dù không có kinh, tiểu tiện khó khăn… Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm.
Nguyên nhân viêm lộ tuyến cổ tử cung
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm lộ tuyến cổ tử cung, một số nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm:
- Vệ sinh vùng kín sai cách: Vệ sinh không đúng cách hoặc không sạch sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và tấn công cổ tử cung, gây viêm nhiễm.
- Quan hệ tình dục không an toàn: Việc quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ như bao cao su hoặc quan hệ với nhiều bạn tình làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục (STDs) như lậu, giang mai, sùi mào gà… Tất cả đều có thể góp phần vào sự phát triển của viêm lộ tuyến cổ tử cung.
- Lạm dụng thủ thuật phụ khoa: Các can thiệp y tế như nạo phá thai hoặc đặt vòng tránh thai không đúng cách có thể làm tổn thương cổ tử cung, tạo điều kiện cho vi khuẩn xâm nhập gây viêm.
- Thay đổi nội tiết tố: Sự thay đổi nội tiết tố, chẳng hạn như trong thời kỳ mang thai, sử dụng thuốc tránh thai hoặc khi phụ nữ bước vào giai đoạn mãn kinh có thể làm mất cân bằng các tế bào trong cổ tử cung, gây viêm.
- Mắc các bệnh lý phụ khoa khác: Những bệnh như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung… đều có thể làm tăng nguy cơ mắc viêm lộ tuyến cổ tử cung.
Phương pháp chẩn đoán viêm lộ tuyến cổ tử cung
Để chẩn đoán viêm lộ tuyến cổ tử cung, bác sĩ sẽ tiến hành một loạt các xét nghiệm và kiểm tra để xác định tình trạng bệnh và mức độ nghiêm trọng, có thể bao gồm:
- Siêu âm đầu dò: Đây là phương pháp được sử dụng để kiểm tra cổ tử cung, tử cung, niêm mạc tử cung và hai phần phụ.
- Xét nghiệm dịch âm đạo: Giúp bác sĩ xác định nguyên nhân gây viêm, chẳng hạn như vi khuẩn, nấm hay ký sinh trùng.
- Xét nghiệm Pap test: Được sử dụng để sàng lọc ung thư cổ tử cung, nếu cần thiết sẽ tiến hành soi và sinh thiết tế bào cổ tử cung.
Việc chẩn đoán đúng bệnh và xác định mức độ tổn thương sẽ giúp bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị hiệu quả, từ đó ngăn ngừa bệnh phát triển và giảm nguy cơ các biến chứng nghiêm trọng.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung có mang thai được không?
Phụ nữ bị viêm lộ tuyến cổ tử cung vẫn có thể mang thai, nhưng khả năng thụ thai có thể bị ảnh hưởng nếu tình trạng viêm không được điều trị kịp thời và đúng cách.
Mặc dù bản thân lộ tuyến cổ tử cung vốn là một tình trạng lành tính và không gây cản trở trực tiếp đến việc mang thai, nhưng khi xảy ra viêm nhiễm, môi trường âm đạo sẽ bị thay đổi, khiến tinh trùng khó di chuyển và sống sót.
Ngoài ra, viêm nhiễm có thể lan rộng đến các cơ quan khác trong hệ sinh sản, làm giảm cơ hội thụ thai và gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng hơn. Do đó, việc điều trị sớm không chỉ giúp bảo vệ khả năng sinh sản mà còn đảm bảo sức khỏe tổng thể cho phụ nữ.
Tác động của viêm lộ tuyến cổ tử cung đến khả năng thụ thai
- Thay đổi môi trường âm đạo: Viêm lộ tuyến khiến dịch tiết âm đạo gia tăng, dẫn đến mất cân bằng độ pH. Điều này tạo môi trường bất lợi cho tinh trùng tồn tại và di chuyển để gặp trứng.
- Giảm chất lượng tinh trùng: Nhiễm trùng và viêm cũng có thể ảnh hưởng đến chất lượng và thời gian sống của tinh trùng bên trong âm đạo. Từ đó làm giảm khả năng thụ thai.
- Nguy cơ viêm nhiễm lan rộng: Nếu không được điều trị, viêm lộ tuyến có thể chuyển nặng và lan sang các bộ phận khác như vòi trứng hoặc niêm mạc tử cung, gây tắc nghẽn vòi trứng và cản trở sự thụ tinh.
- Rủi ro trong thai kỳ: Viêm lộ tuyến không điều trị trong thai kỳ có thể gây xuất huyết, tăng nguy cơ sảy thai, sinh non hoặc các biến chứng khác.
Biện pháp cải thiện và tăng khả năng mang thai
Để tăng cơ hội mang thai khi bị viêm lộ tuyến cổ tử cung, phụ nữ cần có những biện pháp cụ thể nhằm cải thiện sức khỏe sinh sản và hỗ trợ quá trình thụ thai.
Trước tiên, việc điều trị dứt điểm tình trạng viêm nhiễm là bước vô cùng quan trọng. Phụ nữ nên tìm đến các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám, chẩn đoán và áp dụng các phương pháp điều trị thích hợp. Một số cách điều trị viêm lộ tuyến bao gồm:
- Các trường hợp nhẹ thường được điều trị bằng thuốc để giảm triệu chứng và cải thiện tốt tình trạng viêm nhiễm.
- Các phương pháp điều trị chuyên sâu như đốt điện, laser hoặc áp lạnh sẽ được áp dụng nếu tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh việc điều trị y khoa, chị em cũng cần thực hiện lối sống lành mạnh để tăng cường sức khỏe sinh sản. Các biện pháp đơn giản mà bạn có thể áp dụng như sau:
Duy trì vệ sinh cá nhân
- Giữ vùng kín sạch sẽ và khô thoáng, đặc biệt sau quan hệ tình dục và trong kỳ kinh nguyệt.
- Tránh thụt rửa âm đạo để không làm mất cân bằng độ pH.
- Sử dụng đồ lót thoáng khí, không mặc quần áo chật.
Quan hệ tình dục an toàn
- Thực hành quan hệ tình dục an toàn bằng cách sử dụng bao cao su.
- Hạn chế số lượng bạn tình để giảm nguy cơ viêm nhiễm.
Chế độ dinh dưỡng hỗ trợ khả năng mang thai
- Bổ sung thực phẩm giàu axit folic, sắt, omega-3 và các loại vitamin cần thiết giúp cải thiện chất lượng trứng và tăng cường sức khỏe tổng thể.
- Tránh xa các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
Tránh căng thẳng: Ngủ đủ giấc, hạn chế thức khuya, dành thời gian nghỉ ngơi hợp lý và giữ tinh thần thoải mái.
Khám phụ khoa định kỳ: Đi khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/ lần để phát hiện sớm và điều trị kịp thời các vấn đề tiềm ẩn.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai: Những điều mẹ bầu cần biết
Dấu hiệu viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai
Viêm lộ tuyến cổ tử cung trong thai kỳ thường xảy ra vào tam cá nguyệt thứ hai hoặc tam cá nguyệt thứ ba. Các dấu hiệu phổ biến mà mẹ bầu cần lưu ý gồm:
- Tiết dịch âm đạo bất thường: Có thể đi kèm mùi hôi khó chịu và cảm giác ngứa rát vùng kín.
- Đau hoặc chảy máu sau quan hệ tình dục: Tình trạng này xuất hiện do cổ tử cung bị viêm, tổn thương hoặc tăng nhạy cảm.
- Chảy máu âm đạo bất thường: Lượng máu ít, thường có màu đỏ tươi, xuất hiện ở giai đoạn sau của thai kỳ.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang thai có nguy hiểm không?
Nếu không được điều trị tích cực, bệnh viêm lộ tuyến cổ tử cung khi mang bầu có thể dẫn đến các tác động tiêu cực:
- Ảnh hưởng đến mẹ: Các triệu chứng viêm nhiễm khiến mẹ bầu cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe. Trong trường hợp nặng, viêm có thể lan đến các bộ phận sinh sản khác, làm giảm khả năng mang thai sau này.
- Ảnh hưởng thai nhi: Viêm nhiễm nặng có thể gây khó khăn cho việc nuôi dưỡng phôi thai hoặc tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh. Nếu viêm lan đến màng ối sẽ tăng nguy cơ sảy thai hoặc sinh non.
Việc phát hiện và điều trị sớm viêm lộ tuyến cổ tử cung trong thai kỳ đóng vai trò quan trọng để giảm nguy cơ biến chứng và bảo vệ sức khỏe cho cả mẹ và bé.
Viêm cổ tử cung khi mang thai 3 tháng đầu cần lưu ý gì?
Trong 3 tháng đầu thai kỳ, thai nhi rất nhạy cảm và chưa bám vững vào thành tử cung. Viêm cổ tử cung nếu không được điều trị có thể gây ra những tác động nguy hiểm:
- Khó khăn trong việc làm tổ của thai nhi: Viêm nhiễm gây cản trở sự bám dính của phôi thai vào thành tử cung, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
- Tăng nguy cơ sảy thai: Nếu viêm nhiễm không được kiểm soát, có thể dẫn đến viêm màng ối, gia tăng nguy cơ xuất huyết âm đạo và sảy thai.
Để giảm nguy cơ biến chứng và sảy thai, mẹ bầu bị viêm cổ tử cung khi mang thai 3 tháng đầu cần lưu ý:
- Thăm khám ngay khi có dấu hiệu bất thường: Mẹ bầu cần thăm khám ngay khi xuất hiện các triệu chứng bất thường như ngứa rát âm đạo, đặc biệt là khi quan hệ tình dục; khí hư nhiều và màu sắc lạ; xuất huyết âm đạo bất thường… Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng và đưa ra phương án điều trị phù hợp.
- Điều trị đúng cách: Sử dụng thuốc đặt hoặc thuốc uống theo chỉ định của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý mua thuốc hoặc sử dụng toa thuốc của người khác, đặc biệt trong giai đoạn đầu thai kỳ để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
- Vệ sinh vùng kín: Duy trì thói quen vệ sinh đúng cách, tránh sử dụng dung dịch vệ sinh có hóa chất mạnh.
- Chế độ sinh hoạt khoa học: Ăn uống đủ chất, nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức đề kháng.
- Kiêng quan hệ tình dục: Trong thời gian điều trị, mẹ bầu nên kiêng quan hệ tình dục để tránh làm tổn thương thêm vùng cổ tử cung.
Các phương pháp điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung
Tùy vào mức độ viêm nhiễm, triệu chứng và tiền sử bệnh lý cụ thể mà bác sĩ có thể đề xuất các phương pháp điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung phù hợp. Dưới đây là một số phương pháp điều trị thường gặp:
Điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung bằng thuốc
Đây là phương pháp phổ biến và thường được áp dụng cho các trường hợp viêm lộ tuyến nhẹ. Mục tiêu chính là kiểm soát viêm nhiễm và cải thiện các triệu chứng khó chịu.
- Thuốc đặt âm đạo: Thuốc đặt âm đạo thường được sử dụng để tiêu diệt vi khuẩn, nấm hoặc các tác nhân gây viêm tại chỗ. Trên thị trường có nhiều loại thuốc khác nhau. Việc chọn lựa cần có sự tư vấn từ bác sĩ chuyên khoa.
- Thuốc kháng sinh toàn thân: Trong trường hợp viêm nặng hoặc có nguy cơ lây lan, bác sĩ có thể chỉ định thuốc kháng sinh dạng uống để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng.
- Gel rửa và thuốc bôi: Việc sử dụng các loại gel rửa hoặc thuốc bôi có thể giúp giảm cảm giác ngứa rát và duy trì vệ sinh vùng kín.
Phương pháp đốt điện lộ tuyến cổ tử cung
Phương pháp này sử dụng dòng điện cao tần để phá hủy các tế bào tuyến ở cổ tử cung. Đây là một trong những cách điều trị lâu đời và có hiệu quả cao, tuy nhiên cũng tồn tại một số hạn chế.
Người bệnh có thể bị đau và chảy máu sau khi bong mày. Một số ít trường hợp gặp biến chứng chít hẹp cổ tử cung, gây khó khăn trong quá trình thụ thai.
Phương pháp đốt laser
Đốt laser là kỹ thuật sử dụng tia laser để loại bỏ tế bào lộ tuyến lấn ra ngoài và cải thiện tình trạng viêm nhiễm. Phương pháp này nhanh chóng và ít gây đau, có hiệu quả trên cả những vùng lộ tuyến rộng.
Tuy nhiên, nếu thực hiện không đúng kỹ thuật, tia laser có thể gây tổn thương, hình thành sẹo xơ hoặc chít hẹp cổ tử cung. Điều này ảnh hưởng đến khả năng thụ thai và chu kỳ kinh nguyệt của người bệnh.
Các phương pháp điều trị đốt điện, đốt laser thường không được sử dụng cho phụ nữ đang mang thai.
Phương pháp áp lạnh
Phương pháp này sử dụng khí lạnh, thường là nitơ lỏng (N₂O) hoặc carbon dioxide (CO₂), ở nhiệt độ rất thấp để đông cứng và tiêu diệt tế bào lộ tuyến. Phương pháp này có hiệu quả cao và phù hợp với nhiều mức độ lộ tuyến khác nhau. Tuy nhiên, nhược điểm là quá trình lành sẹo chậm hơn so với các phương pháp khác. Tỷ lệ nhỏ có nguy cơ chít hẹp cổ tử cung sau điều trị.
Dấu hiệu khỏi viêm lộ tuyến cổ tử cung
Những dấu hiệu khỏi viêm lộ tuyến cổ tử cung
Giảm tiết dịch âm đạo bất thường
Khi bị viêm lộ tuyến cổ tử cung, bạn sẽ dễ gặp phải tình trạng âm đạo tiết dịch bất thường. Khi đó, bạn sẽ cảm thấy vùng kín luôn ẩm ướt, ngứa ngáy và thậm chí là có mùi hôi tanh khó chịu, nhất là sau khi quan hệ tình dục.
Khi quá trình điều trị hiệu quả, lượng dịch tiết sẽ giảm dần, trở lại trạng thái bình thường, giúp vùng kín thông thoáng hơn.
Giảm mùi hôi âm đạo
Ở giai đoạn bệnh nặng, bạn có thể đối mặt với các tình trạng như âm đạo có mùi hôi tiết dịch có màu trắng vón cục; có khi đóng mảng như bã đậu hoặc thậm chí dịch tiết âm đạo có màu xanh hoặc màu vàng.
Nếu điều trị đúng cách, khi tổn thương lộ tuyến được phục hồi, vùng kín giảm hoặc khỏi mùi hôi, tạo cảm giác dễ chịu và tự tin hơn cho người bệnh.
Hết ngứa âm đạo
Ngứa âm đạo là triệu chứng phổ biến của viêm nhiễm phụ khoa, bao gồm viêm lộ tuyến cổ tử cung. Khi bệnh thuyên giảm, cảm giác ngứa sẽ giảm dần và khỏi hoàn toàn. Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy bạn đang phục hồi.
Hết đau khi quan hệ tình dục
Người mắc viêm lộ tuyến thường gặp tình trạng đau hoặc khó chịu khi quan hệ, do tổn thương ở vùng cổ tử cung gây ra ma sát và kích ứng. Khi điều trị hiệu quả, cổ tử cung được phục hồi, cảm giác đau khi quan hệ sẽ biến mất, giúp sinh hoạt tình dục vợ chồng trở lại bình thường.
Xét nghiệm âm tính
Một dấu hiệu quan trọng chứng tỏ bạn đã khỏi bệnh là kết quả xét nghiệm cho thấy âm tính với các tác nhân gây viêm nhiễm như nấm, vi khuẩn, hoặc virus.
Tâm trạng thoải mái và tự tin trở lại
Viêm lộ tuyến cổ tử cung không chỉ ảnh hưởng đến thể chất mà còn gây căng thẳng tâm lý. Khi khỏi bệnh, bạn sẽ cảm thấy tự tin, thoải mái hơn trong cuộc sống hàng ngày, đồng thời nhu cầu tình dục cũng được cải thiện.
Điều trị viêm lộ tuyến tử cung bao lâu thì lành?
Thời gian điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung và phục hồi hoàn toàn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ viêm nhiễm, phương pháp điều trị, cơ địa và khả năng đáp ứng của từng bệnh nhân. Theo các chuyên gia y tế, để phục hồi các tổn thương sau khi điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung là khoảng 8 tuần (2 tháng).
Chảy máu âm đạo là hiện tượng thường gặp sau khi đốt lộ tuyến cổ tử cung vì đây là lúc tổn thương trên bề mặt cổ tử cung đang hồi phục. Máu thường chảy ít, kéo dài khoảng 7-10 ngày và giảm dần. Tuy nhiên, nếu máu chảy nhiều khiến bạn phải thay băng vệ sinh liên tục, đây có thể là dấu hiệu bất thường như nhiễm trùng hoặc vết đốt không lành đúng cách.
Việc tái khám kịp thời sẽ giúp phát hiện và xử lý các biến chứng, đảm bảo quá trình hồi phục diễn ra an toàn. Hãy đến gặp bác sĩ ngay nếu bạn:
- Ra máu lượng nhiều, kéo dài
- Đau bụng dữ dội hoặc đau tăng dần không giảm.
Lời khuyên của chuyên gia khi điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung
Dưới đây là một số lưu ý để bạn rút ngắn thời gian điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung và phòng tránh tái phát:
Tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ:
- Sử dụng thuốc đúng liều lượng và thời gian quy định, không tự ý ngừng hoặc đổi thuốc.
- Không tự ý áp dụng các phương pháp dân gian khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý: Bổ sung thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất để tăng cường sức đề kháng; uống nhiều nước; hạn chế rượu bia, thực phẩm cay nóng, nhiều dầu mỡ.
Duy trì lối sống lành mạnh: Ngủ đủ giấc, tập thể dục nhẹ nhàng và tránh căng thẳng.
Vệ sinh vùng kín đúng cách: Rửa đúng cách với dung dịch vệ sinh dịu nhẹ, giữ vùng kín khô thoáng, thay quần lót thường xuyên.
Kiêng quan hệ trong thời gian điều trị:Quan hệ tình dục có thể làm tổn thương cổ tử cung và kéo dài thời gian hồi phục.
Khi nào cần tái khám và kiểm tra định kỳ?
Tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để kiểm tra mức độ phục hồi.
Kiểm tra định kỳ:
- Nếu đã điều trị khỏi, bạn cần kiểm tra phụ khoa ít nhất 6 tháng/ lần để phòng ngừa tái phát.
- Với trường hợp có tiền sử viêm lộ tuyến tái phát nhiều lần, bạn nên thăm khám thường xuyên hơn theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Các dấu hiệu cần thăm khám ngay lập tức:
- Đau vùng kín hoặc vùng bụng dưới sau khi điều trị.
- Tiết dịch bất thường trở lại (màu vàng, xanh, có mùi hôi).
- Chảy máu âm đạo dai dẳng sau khi quan hệ hoặc giữa kỳ kinh nguyệt.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung là một trong những bệnh lý phụ khoa phổ biến nhưng có thể điều trị hiệu quả nếu được phát hiện sớm. Việc hiểu rõ nguyên nhân, triệu chứng và các phương pháp điều trị không chỉ giúp bảo vệ sức khỏe của bạn mà còn ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và chất lượng cuộc sống.
Nếu bạn nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào như khí hư nhiều, có mùi hôi, chảy máu âm đạo ngoài chu kỳ hoặc đau khi quan hệ, hãy chủ động thăm khám ngay tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Đồng thời, duy trì thói quen khám phụ khoa định kỳ và chăm sóc sức khỏe cá nhân đúng cách.
Đừng quên theo dõi các bài viết trên Hello Bacsi để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích về sức khỏe phụ nữ và các bệnh lý liên quan.
[embed-health-tool-ovulation]