backup og meta

Giải mã hiện tượng bất thường: Chảy máu vùng kín nhưng không đau!

Giải mã hiện tượng bất thường: Chảy máu vùng kín nhưng không đau!

Hiện tượng chảy máu vùng kín nhưng không đau có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, tùy thuộc vào từng độ tuổi, đối tượng và mức độ chảy máu. Khi xác định được lý do gây ra tình trạng này thì bạn sẽ có cách điều trị phù hợp.

Bạn bị ra máu vùng kín nhưng không đau và hoang mang không biết liệu tình trạng chảy máu vùng kín này có nguy hiểm không? Nên xử trí như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua những thông tin được tổng hợp trong bài viết sau của Hello Bacsi nhé.

Chảy máu vùng kín nhưng không đau có thể xảy ra khi nào?

Không ít phụ nữ gặp phải tình trạng chảy máu bất thường ở vùng kín ở giữa các kỳ kinh nguyệt hay một thời điểm nào đó. Hiện tượng này có thể xảy ra ở những thời điểm mà bạn không ngờ đến:

  • Giữa các kỳ kinh nguyệt bình thường
  • Sau khi quan hệ tình dục
  • Ở trẻ chưa đến tuổi dậy thì
  • Phụ nữ khi mang thai
  • Người ở giai đoạn sau khi mãn kinh.

Hiện tượng ra máu vùng kín nhưng không đau có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau, tùy vào độ tuổi và thời điểm xuất hiện. Đôi khi hiện tượng này không có gì đáng lo ngại nhưng cũng có thể là dấu hiệu bất thường cảnh báo một vấn đề nào đó, mời bạn cùng tìm hiểu ở những phần sau. 

Giải mã nguyên nhân gây chảy máu bất thường ở vùng kín

Có không ít chị em quan tâm đến hiện tượng ra máu vùng kín nhưng không đau là do đâu? Theo các chuyên gia, tình trạng chảy máu vùng kín bất thường có thể liên quan đến hệ sinh sản (bệnh phụ khoa), các vấn đề sức khỏe khác hay do ảnh hưởng từ một số loại thuốc. Những nguyên nhân có thể khiến bạn gặp tình trạng này gồm:

1. Vấn đề ở cơ quan sinh sản

  • Nhiễm trùng ở tử cung
  • Tử cung bị tổn thương hay mới phẫu thuật gần đây
  • Có sự phát triển bất thường không phải ung thư trong tử cung, như u xơ tử cung, polyp tử cung, polyp cổ tử cung, lạc nội mạc cơ tử cung (adenomyosis)
  • Viêm hoặc nhiễm trùng cổ tử cung
  • Tổn thương hoặc có bệnh lý ở âm đạo (do quan hệ tình dục, nhiễm trùng, polyp, mụn cóc sinh dục, loét hay giãn tĩnh mạch)
  • Tăng sản nội mạc tử cung.

2. Ra máu vùng kín không đau có thể do biến chứng thai kỳ

Nhiều chị em thường thắc mắc nguyên nhân nào khiến vùng kín tự nhiên chảy máu hay tự nhiên ra máu ở vùng kín là do đâu? Theo các chuyên gia, một số biến chứng trong thai kỳ có thể khiến bạn có tình trạng chảy máu âm đạo nhưng không đau như: 

  • Mang thai ngoài tử cung
  • Thai trứng
  • Sảy thai
  • Dọa sảy thai
  • Nhau bong non
  • Tụ máu dưới màng đệm (tụ dịch màng nuôi)
  • Nhau tiền đạo…

3. Một số bệnh lý

Theo các chuyên gia sản phụ khoa, việc gặp một trong số các bệnh lý sau cũng có thể là nguyên nhân khiến phái đẹp bị chảy máu vùng kín nhưng không đau:

  • Hội chứng buồng trứng đa nang
  • Ung thư hoặc tiền ung thư cổ tử cung, tử cung, buồng trứng hay ống dẫn trứng
  • Rối loạn tuyến giáp hoặc tuyến yên
  • Đái tháo đường
  • Xơ gan
  • Lupus ban đỏ
  • Rối loạn đông máu… 

4. Các nguyên nhân khác

chảy máu vùng kín nhưng không đau

Bên cạnh những nguyên nhân bệnh lý kể trên, hiện tượng ra máu bất thường ở vùng kín nhưng không đau cũng có thể do những nguyên nhân sau:

  • Để quên tampon trong âm đạo
  • Đặt dụng cụ tử cung (IUD) để tránh thai
  • Ngừng hoặc thay đổi thuốc uống tránh thai hoặc liệu pháp hormone ở người mãn kinh
  • Căng thẳng (stress)
  • Thay đổi chế độ ăn uống, tập thể dục
  • Dùng một số thuốc như thuốc chống đông máu (warfarin), tamoxifen
  • Có dị vật trong âm đạo.

Chảy máu vùng kín nhưng không đau có nguy hiểm không?

Việc đánh giá tình trạng chảy máu bất thường ở vùng kín sẽ phụ thuộc vào độ tuổi, có đang mang thai không, tình trạng mãn kinh, mức độ và thời gian bị chảy máu, các bệnh lý khác, thuốc đang dùng.

Đối với phụ nữ đang mang thai, nếu thấy có chảy máu âm đạo hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám ngay, kể cả có cảm thấy đau hay không. Một vài vấn đề có thể khiến bạn bị chảy máu vùng kín nhưng không đau trong thời gian mang thai như nhau tiền đạo.

Ở phụ nữ tiền mãn kinh, chảy máu vùng kín nhưng không đau thường xảy ra do rối loạn chức năng buồng trứng hay nội mạc tử cung bị teo. Nếu tình trạng chảy máu nghiêm trọng, bạn cần được điều trị ngay.

Nói chung, khi thấy có hiện tượng chảy máu vùng kín bất thường và kéo dài, bạn nên đến bệnh viện để kiểm tra và xác định nguyên nhân. Một số trường hợp, bạn sẽ cần đến gặp bác sĩ sớm nhất có thể:

  • Chảy máu âm đạo ở phụ nữ mãn kinh không dùng liệu pháp hormone nào.
  • Tình trạng chảy máu kéo dài, lượng máu ra nhiều hay không đúng vào thời điểm dự kiến ở phụ nữ mãn kinh có dùng liệu pháp hormone.
  • Các bé gái chưa có dấu hiệu dậy thì hay dưới 8 tuổi nhưng lại thấy có chảy máu ở âm đạo.

Cách xử trí khi bị chảy máu vùng kín bạn cần biết

chảy máu vùng kín nhưng không đau

Nếu bị chảy máu ít, ở gần kỳ kinh hay khi bắt đầu dùng thuốc tránh thai, điều đó có thể không đáng lo ngại. Khi nhận thấy có tình trạng chảy máu vùng kín nhưng không đau, hãy đảm bảo để cơ thể:

  • Ngủ đủ giấc
  • Ăn uống cân bằng, lành mạnh
  • Tập thể dục vừa phải
  • Ghi nhật ký theo dõi các triệu chứng bất thường và chu kỳ kinh nguyệt để có thể đưa cho bác sĩ xem xét.

Nếu bạn cảm thấy đau nhẹ, hãy thử:

  • Nằm nghỉ ngơi, nên nằm nghiêng và co đầu gối lên gần ngực
  • Chườm ấm vùng bụng
  • Thực hiện một số bài tập nhẹ nhàng
  • Xoa bóp, massage vùng bị đau
  • Uống thuốc giảm đau như paracetamol, tránh dùng aspirin
  • Thử làm các kỹ thuật thư giãn cơ thể.

Các trường hợp chảy máu vùng kín bất thường kéo dài hay kèm theo những triệu chứng đáng lo ngại khác cần được bác sĩ kiểm tra và chẩn đoán nguyên nhân. Việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra chúng. Những lựa chọn trong điều trị có thể gồm:

  • Thuốc cầm máu: như axit tranexamic
  • Thuốc kháng viêm
  • Thuốc kháng sinh
  • Thay đổi phương pháp tránh thai
  • Liệu pháp hormone
  • Nạo sinh thiết/hút buồng tử cung
  • Phẫu thuật loại bỏ polyp, u xơ dưới niêm mạc tử cung, khối u,…
  • Điều trị các bệnh lý nền.

Tình trạng chảy máu vùng kín dù không đau hay có kèm theo các triệu chứng khác khi xảy ra bất thường, kéo dài đều cần chú ý theo dõi. Để đảm bảo sức khỏe, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ để được kiểm tra cụ thể và điều trị sớm nếu có vấn đề.

Hello Bacsi hy vọng những thông tin trên đây về tình trạng chảy máu vùng kín nhưng không đâu có thể giúp các chị em hiểu rõ hơn về hiện tượng này. Để từ đó bình tĩnh xử trí khi gặp phải tình huống tương tự nhé!

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Abnormal Vaginal Bleeding. https://www.uofmhealth.org/health-library/abvbd. Ngày truy cập 13/9/2021.

Vaginal bleeding. Causes. https://www.mayoclinic.org/symptoms/vaginal-bleeding/basics/causes/sym-20050756. Ngày truy cập 13/9/2021.

Vaginal or uterine bleeding. https://medlineplus.gov/ency/article/007496.htm. Ngày truy cập 13/9/2021.

Approach to the adult with vaginal bleeding in the emergency department. https://www.uptodate.com/contents/approach-to-the-adult-with-vaginal-bleeding-in-the-emergency-department. Ngày truy cập 13/9/2021.

Abnormal vaginal bleeding. https://www.health.govt.nz/your-health/conditions-and-treatments/diseases-and-illnesses/abnormal-vaginal-bleeding. Ngày truy cập 13/9/2021.

Phiên bản hiện tại

19/02/2024

Tác giả: Trần Lê Phương Uyên

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Thiếu máu, thiếu sắt ở phụ nữ độ tuổi có kinh nguyệt: Những điều bạn cần biết!

Vùng kín có mùi là triệu chứng cảnh báo điều gì?


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ Huỳnh Kim Dung

Sản - Phụ khoa · Bệnh Viện Quốc Tế Phương Châu


Tác giả: Trần Lê Phương Uyên · Ngày cập nhật: 19/02/2024

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo