backup og meta

Bạn đã dùng băng vệ sinh đúng cách?

Bạn đã dùng băng vệ sinh đúng cách?

Băng vệ sinh là “người bạn” quen thuộc của phái nữ. Tuy vậy, không phải ai cũng hiểu rõ về thông tin cũng như cách sử dụng của nó. Hãy cùng Hello Bacsi tìm hiểu về các loại băng vệ sinh cơ bản và cách dùng sao cho đúng nhé.

Băng vệ sinh gồm những loại cơ bản nào?

Hiện nay, băng vệ sinh tại Việt Nam có hai loại cơ bản là băng vệ sinh dạng miếng và băng vệ sinh dạng viên nén (tampon). Đồng thời, mỗi loại băng lại có một cách sử dụng hoàn toàn khác nhau.

Băng vệ sinh dạng miếng

Băng vệ sinh dạng miếng rất phổ biến. Đây là loại băng đặt bên ngoài, có kích thước tương đương với bề mặt trong quần lót và được lót ở mặt trong của quần lót để ngăn máu kinh thoát ra ngoài và thấm vào quần áo. Thông thường, bạn có thể dùng băng vệ sinh dạng miếng được trong khoảng 4-6 giờ, sau đó bạn nên đổi băng mới để đảm bảo vệ sinh vùng kín.

Loài băng vệ sinh này rất quen thuộc, dễ sử dụng, đa dạng về kích thước và nhãn hiệu. Bạn có thể tìm mua băng vệ sinh dạng miếng ở bất cứ cửa hàng tạp hóa hay siêu thị nào.

Cách dùng băng vệ sinh dạng miếng:

Bước 1: tháo lớp giấy gói bên ngoài băng và mở hai đầu băng ra;

Bước 2: cố định đáy quần lót bằng cách đặt lên bàn tay hoặc  kéo quần lót xuống ngang gối;

Bước 3: lột phần giấy dán ở mặt dưới băng vệ sinh và hai cánh (nếu có);

Bước 4: dán phần có keo lên mặt trong quần lót, dán cố định hai cánh vào mặt ngoài quần;

Bước 5: kéo quần lên và kiểm tra vị trí có vừa vặn hay chưa. Nếu băng quá lệch so với vị trí của vùng kín, hãy tháo ra dán lại để chắc chắn kinh nguyệt không bị tràn ra ngoài;

Bước 6: kiểm tra băng mỗi 2 giờ và thay băng mới mỗi 4 giờ.

Băng vệ sinh dạng viên nén – Tampon

Đây là loại băng vệ sinh đặt vào sâu bên trong vùng kín. Tampon có kích thước nhỏ như viên phấn và sẽ tăng kích thước khi thấm hút. Tampon vẫn chưa phổ biến tại Việt Nam và thường chỉ được dùng khi bạn muốn đi bơi trong kì kinh nguyệt và có thể sử dụng từ 6-8 giờ. Tampon tiện lợi, vệ sinh, thời gian sử dụng khá dài. Tampon là lựa chọn tối ứu khi bạn phải vận động thể thao hoặc bơi lội.

Cách sử dụng tampon

Bước 1: rửa tay sạch với nước và xà phòng và giữ tampon thật sạch trước khi dùng. Vì tampon được đặt bên trong vùng kín nên vấn đề vệ sinh vô cùng quan trọng;

Bước 2: mở vỏ nhựa bọc ngoài bằng cách nắm hai đầu và xoay ngược chiều nhau, sau đó kiểm tra phần dây gắn ở đuôi xem có chắn chắn không;

Bước 3: ngồi hoặc đứng ở một tư thế thích hợp, tốt nhất bạn nên gác một chân lên ghế hoặc vật dụng cao đến gối (như thành bồn cầu) để dễ dàng đặt băng hơn;

Bước 4: một tay nắm phần đuôi tampon, một tay nhẹ nhàng mở âm đạo ra. Đặt đầu tampon vào và đẩy nhẹ theo hướng chếch lên trên;

Bước 5: khi viên tampon vào hết bên trong, dùng ngón trỏ đẩy sâu thêm đến khi tampon vào sâu 4-5cm;

Bước 6: khi đặt xong tampon, bạn hãy thử cử động và di chuyển để kiểm tra xem vận động thoải mái không. Nếu cảm thấy khó chịu, chắc chắn bạn đã đặt sai cách. Khi đó, hãy lấy tampon ra và thử lại với một viên khác nhé;

Bước 7: sau khoảng 8 giờ sử dụng, bạn nên thay viên tampon mới bằng cách nắm dây và nhẹ nhàng rút tampon ra để thay viên mới.

Phái đẹp có rất nhiều lựa chọn cho ngày đèn đỏ và mỗi lựa chọn sẽ có những tác dụng cũng như ưu, khuyết điểm riêng. Bạn có thể cân nhắc và dùng thử để chọn loại phù hợp nhất với mình. Bên cạnh đó, dù dùng loại băng vệ sinh nào, bạn cũng nên chú ý đến thời gian thay băng thích hợp để tránh dùng băng quá lâu, gây nguy cơ nhiễm trùng âm đạo.

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

How to Wear Sanitary Napkins. http://www.livestrong.com/article/178334-how-to-wear-sanitary-napkins/. Ngày truy cập 1/7/2016.

Tampons: Using Your First Tampon. http://youngwomenshealth.org/2012/09/27/tampons/. Ngày truy cập 1/7/2016.

Phiên bản hiện tại

13/08/2020

Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi

Tham vấn y khoa: TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Cập nhật bởi: Hoàng Diệu Thu


Bài viết liên quan

Vùng kín nổi mụn ngứa nguyên nhân do đâu và cách điều trị?

Bị đau bụng dưới rốn ở nữ là bệnh gì? 6 nguyên nhân thường gặp 


Tham vấn y khoa:

TS. Dược khoa Trương Anh Thư

Dược · Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM


Tác giả: Ban biên tập Hello Bacsi · Ngày cập nhật: 13/08/2020

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo