backup og meta
Chuyên mục
Hỏi bác sĩ
Lưu
Công cụ

Tác hại của nạo phá thai và lời khuyên giúp bạn ngăn ngừa rủi ro

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 31/01/2023

    Tác hại của nạo phá thai và lời khuyên giúp bạn ngăn ngừa rủi ro

    Đôi khi những tác hại của việc nạo phá thai đối với phụ nữ là vô cùng nghiêm trọng chẳng hạn như viêm nhiễm vùng kín, băng huyết, giảm khả năng sinh sản, gia tăng nguy cơ gặp các vấn đề về thai kỳ trong những  lần mang thai sau đó. 

    Có rất nhiều nguyên nhân khiến nhiều phụ nữ mang thai phải chấm dứt thai kỳ bằng việc nạo phá thai. Điều này gây ra những ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý và sức khỏe của phái yếu. Trong bài viết này, Hello Bacsi mời bạn cùng tìm hiểu về các tác hại của nạo phá thai và những vấn đề liên quan.

    Nạo phá thai là gì?

    Nạo phá thai là tình trạng chấm dứt thai kỳ sớm bằng việc sử dụng sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật để loại bỏ phôi thai hay bào thai và nhau thai ra khỏi tử cung của người mẹ. Việc nạo phá thai thường diễn ra khi sức khỏe của mẹ bầu không đủ để tiếp tục thai kỳ, mang thai ngoài ý muốn hoặc thai nhi có vấn đề về dị tật bẩm sinh nghiêm trọng…

    Nạo phá thai có nguy hiểm không? Tìm hiểu về những tác hại của nạo phá thai

    1. Những tác hại về mặt vật lý

    Phụ nữ sau khi nạo phá thai thường phải chịu vấn đề sức khỏe như:

    • Buồn nôn
    • Nôn
    • Đau bụng
    • Xuất huyết
    • Tổn thương cổ tử cung
    • Nhiễm trùng âm đạo, tử cung
    • Mô sẹo hình thành trong tử cung
    • Nhiễm trùng huyết (nhiễm trùng máu)…

    Trong một số trường hợp, phụ nữ sau khi nạo phá thai còn có thể phải đối mặt với những tình trạng nghiêm trọng như:

    • Chảy máu nhiều và dai dẳng
    • Tổn thương thần kinh
    • Thủng tử cung
    • Suy hô hấp
    • Ung thư
    • Tê liệt
    • Tử vong…

    2. Tác hại của nạo phá thai: Những tổn thương về cảm xúc và tâm lý

    Cô gái buồn

    Phụ nữ từng phải nạo phá thai thường phải đối mặt với các tổn thương về mặt cảm xúc và tinh thần như:

    • Giận dữ
    • Mất ngủ
    • Rối loạn ăn uống
    • Lo lắng, buồn phiền
    • Có cảm giác tội lỗi, xấu hổ
    • Gặp vấn đề trong các mối quan hệ
    • Rơi vào cảm cảm giác cô đơn
    • Tự cô lập bản thân
    • Có ý nghĩ tìm đến cái chết…

    Những phụ nữ dễ rơi vào các tình trạng tổn thương nghiêm trọng kể trên nếu có một trong các yếu tố sau:

    • Theo một tôn giáo nào đó hoặc có niềm tin đạo đức mạnh mẽ
    • Có quan điểm trái ngược về việc nạo phá thai
    • Thiếu sự hỗ trợ tinh thần từ “đối tác” hoặc gia đình
    • Có tiền sử vấn đề tâm lý…

    Những câu hỏi liên quan đến việc nạo phá thai

    1. Tác hại của nạo phá thai có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản không?

    Câu trả lời là có. Việc nạo phá thai nhiều lần có thể gây ra các vấn đề sinh sản, biến chứng trong lần mang thai tiếp theo. Nhiều chuyên gia sức khỏe đã chỉ ra mối liên hệ giữa việc nạo phá thai và khả năng tăng nguy cơ gặp phải các vấn đề trong những lần mang thai tiếp theo như:

    • Chảy máu âm đạo trong thời kỳ đầu mang thai
    • Sinh non, sinh con nhẹ cân
    • Vấn đề về nhau thai (nhau tiền đạo)
    • Nguy cơ sẩy thai sẽ tăng lên ở những lần mang thai tiếp theo…

    2. Nạo phá thai có gây ung thư vú hay không?

    Tác hại của nạo phá thai có làm tăng nguy cơ gây ung thư vú hay không? Đây không chỉ là thắc mắc của nhiều người mà còn là vấn đề mà rất nhiều nhà khoa học, các chuyên gia sức khỏe từng tranh cãi.

    Vào năm 2003, Viện Ung thư (NCI) Hoa Kỳ đã tổ chức một hội thảo xem xét mọi số liệu, bằng chứng cũng như thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu về mối liên hệ giữa việc nạo phá thai và ung thư vú. Kết quả cho thấy rất ít phụ nữ từng nạo phá thai bị gia tăng nguy cơ ung thư vú.

    3. Quan hệ ngay sau khi phá thai liệu có an toàn?

    cập đôi nói chuyện với nhau

    Câu trả lời là không. Việc vội vàng quan hệ sau khi mới nạo phá thai có thể khiến phụ nữ bị viêm nhiễm phụ khoa, tác động xấu tới khả năng sinh sản, ảnh hưởng sức khỏe và có nguy cơ cao mang thai ngoài ý muốn.

    Để tránh các tác động tiêu cực đến sức khỏe, sau khi tiến hành nạo phá thai, nữ giới không nên quan hệ tình dục sớm. Lưu ý là sau khi nạo phá thai, bạn nên thực hiện các buổi tái khám đầy đủ và đúng lịch, uống thuốc theo toa của bác sĩ để ngăn ngừa viêm nhiễm. Việc tái khám đúng lịch và đầy đủ giúp các bác sĩ đánh giá được khả năng hồi phục sức khỏe của bạn và kịp thời phát hiện các vấn đề sức khỏe liên quan (nếu có).

    Theo khuyến cáo của các bác sĩ – chuyên gia sản phụ khoa, bạn chỉ nên quan hệ tình dục trở lại sau khi tiến hành phá thai từ 4 – 8 tuần. Với những người có thể trạng yếu, khả năng phục hồi chậm, phá thai khi tuổi thai đã lớn và tinh thần chưa ổn định… nên kéo dài thời gian kiêng quan hệ tình dục lên 3 tháng hoặc cho tới khi hoàn toàn hồi phục.

    4. Tác hại của nạo phá thai: Gây chảy máu âm đạo liệu có nguy hiểm?

    Hiện tượng chảy máu âm đạo sau khi phá thai có thể là dấu hiệu cảnh báo tử cung bị rách, nhiễm trùng, băng huyết… Nhiều thống kê cho thấy chỉ có khoảng 1% phụ nữ sau khi phá thai gặp phải vấn đề này nhưng đây là tình trạng nguy hiểm, bạn nên tham vấn ý kiến bác sĩ.

    5. Phá thai khi nào có kinh lại?

    Vấn đề nạo hút thai khi nào có kinh lại là tùy thuộc vào cơ địa mỗi người. Thông thường, người nạo hút thai sẽ có kinh trở lại sau 4 tuần. Trong khi đó, một số người có kinh trở lại chỉ sau khoảng 2 tuần nhưng cũng có trường hợp phải đợi từ 8 – 10 tuần.  Nếu sau khoảng thời gian này, bạn chưa thấy kinh nguyệt xuất hiện trở lại thì nên đi khám càng sớm càng tốt.

    6. Hội chứng căng thẳng sau phá thai là gì?

    Hội chứng căng thẳng sau phá thai là một thuật ngữ do các nhóm phản đối việc nạo phá thai đặt ra. Trong khi nhiều nhà khoa học cũng đồng thuận trong việc sử dụng thuật ngữ này thì các nhà tâm lý lại không công nhận.

    Hội chứng căng thẳng sau phá thai đã được mô tả là tương tự như rối loạn stress sau sang chấn (Post-traumatic stress disorder – PTSD), nhưng việc gặp phải các rối loạn sức khỏe tâm thần toàn diện sau khi phá thai là rất hiếm xảy ra. Sau khi tiến hành nạo phá thai, hầu hết phụ nữ đều trải qua những thay đổi về cảm xúc (cả tích cực và tiêu cực). Tuy nhiên, các chuyên gia sức khỏe cho rằng những thay đổi về mặt cảm xúc này không đủ để khiến phụ nữ rơi vào trầm cảm hoặc PTSD.

    Thực tế là cần có nhiều nghiên cứu hơn để làm sáng tỏ vấn đề này.

    7. Những lưu ý sau khi nạo phá thai

    chăm sóc sau nạo phá thai

    Để tránh gặp phải những ảnh hưởng nghiêm trọng, sau khi phá thai, bạn cần lưu ý những điều sau:

    • Thực hiện đúng các chỉ dẫn của bác sĩ, uống thuốc theo toa và đúng giờ
    • Tránh các hoạt động gây ảnh hưởng tử cung sau khi phá thai
    • Không tập luyện thể thao
    • Không nâng đồ vật nặng
    • Không quan hệ tình dục ít nhất trong 2 – 4 tuần sau khi phá thai
    • Không sử dụng tampon trong suốt 2 tuần sau khi phá thai.

    8. Người vừa phá thai nên gặp bác sĩ khi nào?

    Sau khi nạo phá thai, bạn nên đến bệnh viện ngay nếu gặp một trong các triệu chứng như sốt cao, chảy dịch âm đạo dữ dội, dịch âm đạo có màu sắc bất thường, vẫn bị đau bụng dù đã dùng thuốc giảm đau, âm đạo có mùi hôi…

    Lời khuyên cho những người có người thân/bạn bè phải nạo phá thai

    Thực tế, nạo phá thai là một việc không hề dễ dàng. Do đó, nếu một người thân hay bạn bè của bạn phải nạo phá thai rất có thể họ cần sự giúp đỡ của bạn. Nếu vậy, bạn hãy:

    • Hãy hiểu, thông cảm, không lên án hay phán xét việc mà họ sắp phải làm. Tuyệt đối không đem việc này đi nói với bất kỳ ai đó mà không có sự cho phép.
    • Nếu người phải nạo phá thai chưa tìm được cơ sở y tế uy tín để thực hiện, hãy giúp họ tìm một bệnh viện sản phụ khoa uy tín.
    • Nếu họ đi một mình, hãy đề nghị được đi cùng và ở bên cạnh để chăm sóc họ.

    Hy vọng với những thông tin chia sẻ trong bài, bạn đã có cái nhìn rõ hơn về các tác hại của việc nạo phá thai để chăm sóc bản thân tốt hơn.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 31/01/2023

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo