backup og meta

Mách bạn những cách chữa viêm lộ tuyến tử cung tại nhà

Mách bạn những cách chữa viêm lộ tuyến tử cung tại nhà

Cách chữa viêm lộ tuyến tử cung tại nhà bằng thảo dược bao gồm những gì, cần thực hiện ra sao, có đem lại hiệu quả khả quan… là những thắc mắc thường gặp. Mời bạn cùng Hello Bacsi tìm hiểu qua bài viết dưới đây! 

Viêm lộ tuyến tử cung không phải là một bệnh lý nguy hiểm nhưng thường gặp ở chị em phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ đã có quan hệ tình dục hay đã sinh con. Nguyên nhân gây viêm lộ tuyến tử cung bao gồm: bẩm sinh, vệ sinh phần phụ không đúng cách, quan hệ tình dục không an toàn, mắc các bệnh phụ khoa khác mà không đi khám định kỳ để được điều trị đúng cách… Tùy theo mức độ từ nhẹ đến nặng mà có thể lựa chọn các phương pháp điều trị thích hợp như uống thuốc, đặt thuốc âm đạo, đốt điện, đốt laser… Trong đó, đốt lộ tuyến là phương pháp điều trị được lựa chọn nếu viêm lộ tuyến tử cung tiến triển gây rối loạn chu kỳ kinh hay đau đớn. Bên cạnh đó, một vài cách chữa viêm lộ tuyến tử cung tại nhà bằng thảo dược được chứng minh cũng có tác dụng điều trị mà không cần can thiệp y khoa.

Viêm lộ tuyến tử cung được điều trị như thế nào? 

Viêm lộ tuyến tử cung hay lộ tuyến cổ tử cung là tình trạng các tế bào tuyến bên trong cổ tử cung phát triển quá mức và xâm lấn ra bên ngoài gây tổn thương cổ tử cung. Tình trạng này thường bị nhầm lẫn với ung thư nhưng may mắn rằng đây là một tổn thương lành tính và ít khi cần đến các phương pháp can thiệp y khoa. Tuy nhiên, viêm cổ tử cung lộ tuyến có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như viêm tiểu khung, vô sinh, nguy cơ ung thư hóa… Nếu các triệu chứng như tiết chất nhầy, chảy máu vùng kín và đau sau khi quan hệ tình dục ảnh hưởng đến đời sống của người bệnh, một số biện pháp cắt bỏ tế bào ở cổ tử cung có thể được chỉ định.

Đốt điện, áp lạnh hay dùng bạc nitrat là một trong những lựa chọn điều trị phổ biến cho viêm lộ tuyến tử cung. Tuy nhiên, ở một số trường hợp viêm nhiễm mức độ nhẹ hay các chị em phụ nữ không thể điều trị bằng các kỹ thuật trên có thể cân nhắc áp dụng một số cách chữa viêm lộ tuyến tử cung bằng thảo dược. Tùy vào mỗi người mà giải pháp này có thể cải thiện các triệu chứng của viêm lộ tuyến tử cung một cách tích cực.

Cách chữa viêm lộ tuyến tử cung tại nhà 

Trong dân gian và y học cổ truyền từ rất lâu đời, người ta đã biết cách sử dụng một số loại thảo dược để chữa một số bệnh phụ khoa. Việc điều trị chủ yếu là dựa vào tính kháng khuẩn của các loại thảo dược này mà chúng có thể giúp ích cho việc cải thiện tình trạng viêm nhiễm ở âm đạo, tử cung… Điển hình như một số cách dùng thảo dược để chữa trị viêm lộ tuyến tử cung sau đây:

Cách chữa viêm lộ tuyến tử cung tại nhà bằng lá trầu không 

Lá trầu không là một loại cây được trồng rộng khắp các địa phương trên đất nước ta. Bên cạnh là một vật phẩm không thể thiếu trong các dịp Tết, ngày lễ cưới hỏi theo phong tục tín ngưỡng người Việt, thì lá trầu không còn là một vị thuốc Nam được sử dụng rất nhiều trong các bài thuốc chữa bệnh lý về phụ khoa. Theo y học cổ truyền, lá trầu không có vị cay nồng, tính ấm, có tác dụng tiêu viêm, sát trùng, hoạt huyết hóa ứ. 

Theo các nghiên cứu của y học hiện đại, lá trầu không chứa các hoạt chất có tác dụng giảm đau, chống viêm, kháng nấm một cách mạnh mẽ như polyphenol, chavicol… Do đó, để hỗ trợ điều trị viêm lộ tuyến tử cung tại nhà, chị em phụ nữ có thể áp dụng các cách sau với lá trầu không:

Cách 1: Kết hợp lá trầu không với muối tinh 

cách chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung

Lá trầu không từ xa xưa đã được dùng để xông vùng kín nhằm cải thiện các tình trạng ngứa, viêm âm đạo, vùng kín có mùi hôi. Đây cũng là một trong các cách chữa viêm lộ tuyến tử cung tại nhà hiệu quả. Bạn có thể tiến hành chuẩn bị nước xông từ lá trầu không (có hoặc không có muối tinh):

  • Chuẩn bị một nắm lá trầu không tươi, nhặt bỏ các lá vàng, sâu và rửa sạch.
  • Ngâm lá trầu không đã rửa sạch với nước muối loãng trong 10 phút sau đó vớt ra, để ráo.
  • Vò lá trầu không sơ qua rồi cho vào nồi nước, có thể thêm một ít muối tinh rồi đun sôi.
  • Đổ nước đã đun sôi ra chậu lớn và bắt đầu xông vùng kín.

Lưu ý: Nước lá trầu không nguội có thể dùng để rửa vùng kín nhưng thao tác cần nhẹ nhàng, tuyệt đối không thụt rửa sâu vào âm đạo.

Cách 2: Chữa viêm lộ tuyến tử cung bằng lá trầu không và lá húng quế

Húng quế là loại rau gia vị và cũng là vị thuốc Nam dễ tìm. Việc kết hợp lá trầu không và lá húng quế có tác dụng tốt trong diệt khuẩn và kháng nấm, đặc biệt là nấm Candida – một trong các nguyên nhân hàng đầu gây viêm cổ tử cung lộ tuyến.

Cách làm: 

  • Chuẩn bị khoảng 10 lá trầu không và một nắm lá húng quế.
  • Rửa cả hai nguyên liệu đã chuẩn bị nhiều lần với nước và xay nhỏ với một chút nước sạch.
  • Lọc bỏ phần bã lấy phần nước sau lọc hòa với một ít nước ấm.
  • Vệ sinh vùng kín bằng dung dịch trên.
  • Sau đó rửa sạch lại với nước như bình thường.

Lưu ý: Bạn chỉ nên dùng nước rửa từ trầu không và húng quế với tần suất khoảng 3 lần/tuần, bởi dùng nhiều sẽ làm mất đi PH cân bằng tự nhiên của âm đạo, gây ra tình trạng dễ nhiễm khuẩn.

Cách chữa viêm lộ tuyến tử cung tại nhà bằng cây trinh nữ hoàng cung 

cách chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung

Cây trinh nữ hoàng cung có nguồn gốc từ Ấn Độ, sau được trồng ở các nước vùng Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Lào, Việt Nam và phía Nam Trung Quốc. Ngoài tên gọi là trinh nữ hoàng cung, cây còn có tên gọi khác là cây tỏi lơi lá rộng, vạn châu lan, náng lá rộng… Với thành phần lyricon, trinh nữ hoàng cung còn được dùng với công dụng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư, kích thích sản sinh tế bào lympho T. Kết quả của các công trình nghiên cứu về trinh nữ hoàng cung cho thấy, thảo dược này có chứa khoảng 32 loại alcaloids trong đó một số loại alkaloids như crinafolidin, crinafolin, lycorine và b-epoxyambellin có tác dụng kháng sinh mạnh, ức chế khối u, sự phát triển của tế bào ung thư. Vì thế mà trinh nữ hoàng cung là cây thuốc quý thường được sử dụng làm bài thuốc chữa viêm nhiễm phụ khoa, trong đó có các bệnh như viêm âm đạo, u xơ tử cung, u nang buồng trứng và viêm lộ tuyến cổ tử cung. Nhờ công dụng là kháng u, có tác dụng kháng khuẩn, chống viêm và tăng cường hệ miễn dịch nên trinh nữ hoàng cung được dùng trong điều trị viêm lộ tuyến cổ tử cung với liều lượng, thời gian và đúng cách sẽ đem đến hiệu quả hỗ trợ điều trị bệnh viêm lộ tuyến tốt nhất.

Hướng dẫn cách chữa viêm lộ tuyến tử cung tại nhà đơn giản với trinh nữ hoàng cung:

  • Lấy 1-2 cây trinh nữ hoàng cung tươi, rửa sạch đem sắc nước uống hằng ngày.
  • Hay có thể đem phơi khô hoặc dùng lá khô (giúp bảo quản dược liệu lâu hơn) để sắc nước uống hằng ngày cũng cho công dụng tương tự. Đối với dạng dược liệu khô, liều dùng là 10-20g/ngày dưới dạng nước sắc.
  • Có thể kết hợp với tam thất để tăng công dụng chữa trị cho bài thuốc này.

Lưu ý rằng các biện pháp chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung bằng các thảo dược có hiệu quả khi bệnh mới mắc, đang ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên khi bệnh đã nặng, bạn thấy xuất hiện các triệu chứng khó chịu nhiều, khí hư màu vàng, xanh, có bọt, rỉ máu; đau nhiều hơn… thì cần đi khám ngay ở các cơ sở chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời.

Hy vọng những bài thuốc từ thảo dược trên đây có thể giúp chị em phụ nữ có thêm những mẹo nhỏ chăm sóc tốt nhất cho “cô bé” của mình nhé!

[embed-health-tool-ovulation]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

1. Cervical ectropion

https://www.healthnavigator.org.nz/health-a-z/c/cervical-ectropion/

Ngày truy cập: 2/11/2021

2. Cervical Ectropion – StatPearls

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK560709/

Ngày truy cập: 2/11/2021

3. Những Cách Chữa Viêm Lộ Tuyến Được Chuyên Gia Khuyên Dùng Hiện Nay

https://syt.baclieu.gov.vn/-/cach-chua-viem-lo-tuyen

Ngày truy cập: 2/11/2021

4. Chữa viêm lộ tuyến cổ tử cung bằng đông y có khỏi không?

https://www.thuocdantoc.org/chua-viem-lo-tuyen-co-tu-cung-bang-dong-y.html

Ngày truy cập: 2/11/2021

5. Cervical Ectropion: Symptoms, Causes, and More

https://www.healthline.com/health/womens-health/cervical-ectropion#treatment

Ngày truy cập: 2/11/2021

Phiên bản hiện tại

18/11/2021

Tác giả: Vi Quỳnh

Tham vấn y khoa: Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Từ A đến Z: Cách theo dõi chu kỳ kinh nguyệt để tránh thai, thụ thai, bảo vệ sức khỏe

Đốt viêm lộ tuyến cổ tử cung


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ CKI Võ Thị Nhung

Y học cổ truyền · Quân Y Viện 7A


Tác giả: Vi Quỳnh · Ngày cập nhật: 18/11/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo