Hầu hết trẻ nhỏ đều từng trải qua tình trạng tiêu chảy vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Những lúc như vậy, cha mẹ cần biết cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy phù hợp để con mau hồi phục, phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
Tiêu chảy là tình trạng đi phân lỏng có nhiều nước và thường đi ngoài trên 3 lần trong 1 ngày. Trẻ nhỏ bị tiêu chảy là tình trạng khá phổ biến, thường kéo dài khoảng 1 – 2 ngày rồi tự khỏi nhưng đôi khi xảy ra trong thời gian dài do liên quan đến những vấn đề sức khỏe, bệnh lý khác. Hãy cùng tìm hiểu những vấn đề có thể gặp phải khi bị tiêu chảy và làm sao để chăm sóc trẻ bị tiêu chảy đúng cách qua bài viết sau của Hello Bacsi nhé!
Trẻ bị tiêu chảy có thể gặp phải các vấn đề gì?
Mất nước là vấn đề nguy hiểm nhất có khả năng xảy ra khi trẻ bị tiêu chảy nặng hoặc kéo dài. Khi cơ thể bị mất nước nghiêm trọng có thể gây co giật, tổn thương và thậm chí tử vong. Những dấu hiệu mất nước mà cha mẹ cần để ý nhằm kịp thời can thiệp điều trị cho trẻ gồm:
- Khô miệng, lưỡi và môi
- Mắt trũng xuống
- Trở nên uể oải, cáu kỉnh bất thường
- Khóc ít chảy nước mắt
- Ít đi tiểu, tã ít ướt hơn bình thường…
Ngoài ra, trẻ bị tiêu chảy thường đi cùng với một vài triệu chứng khác như:
- Đau bụng
- Nôn mửa
- Sốt hoặc tăng thân nhiệt
- Chán ăn, không cảm thấy ngon miệng khi ăn
- Mệt mỏi, mất tỉnh táo.
Tùy theo nguyên nhân gây tiêu chảy mà trẻ có khả năng gặp phải những vấn đề khác nhau.
Trẻ bị tiêu chảy khi nào cần đi khám gấp?
Những dấu hiệu mất nước nặng là một tình trạng nguy hiểm có nguy cơ dẫn đến tử vong và cần được can thiệp y tế khẩn cấp. Nếu trẻ bị tiêu chảy và có những biểu hiện sau cần được đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay lập tức:
- Không uống nước nhiều hoặc từ chối uống nước
- Ngủ li bì, hôn mê
- Không có nước tiểu hoặc đi tiểu rất ít
- Mắt trũng sâu
- Thóp trũng sâu ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ
- Da lạnh, xanh xao hoặc da đổi màu
- Thở nhanh.
Những trường hợp khác cũng cần được đi khám nhanh chóng khi trẻ bị tiêu chảy là:
- Dưới 6 tháng tuổi hoặc cân nặng ít hơn 8kg
- Trẻ sinh non hoặc đang có những vấn đề sức khỏe khác.
Chú ý
- Có máu hoặc chất nhầy trong phân
- Đau bụng dữ dội hoặc đau bụng liên tục
- Nôn ra dịch xanh hoặc nôn mửa liên tục
- Sốt cao (trên 38,5ºC)
- Có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng
- Mệt mỏi hoặc buồn ngủ rũ
- Tiêu chảy không giảm bớt hoặc trẻ không chịu uống nước
Trẻ bị tiêu chảy: Cha mẹ cần làm gì?
Khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy, cha mẹ cần tìm cách xác định nguyên nhân dẫn đến tình trạng này để biết cần làm gì giúp giảm nhẹ các triệu chứng, điều trị hiệu quả vấn đề con gặp phải.
1. Bé bị tiêu chảy do nhiễm trùng đường tiêu hóa
Tiêu chảy có thể xảy ra khi đường tiêu hóa bị nhiễm trùng, bao gồm nhiễm virus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Nhiễm virus như rotavirus, norovirus, adenovirus, astrovirus thường gây ra viêm dạ dày ruột ở trẻ em và cũng có khả năng lây truyền từ người sang người. Viêm dạ dày ruột do virus thường bắt đầu với triệu chứng nôn mửa, có thể sốt nhẹ và bị tiêu chảy kéo dài từ 7 – 10 ngày. Để chăm sóc trẻ bị tiêu chảy do virus, cha mẹ cần bổ sung đủ nước cho con, tăng thời gian nghỉ ngơi, giữ vệ sinh sạch sẽ và lưu ý không dùng thuốc kháng sinh vì sẽ không có tác dụng tiêu diệt virus gây bệnh.
Viêm dạ dày ruột cũng có khi do vi khuẩn gây ra, gồm salmonella, E.coli, shigella, campylobacter. Những loại vi khuẩn này có khả năng liên quan đến tình trạng ngộ độc thực phẩm. Tình trạng tiêu chảy nhiễm khuẩn có thể khiến trẻ đi ngoài phân có máu hoặc chất nhầy, sốt cao, thường xuất hiện đột ngột gây tiêu chảy cấp ở trẻ em. Trường hợp này cha mẹ nên đưa con đến gặp bác sĩ để xác định chính xác nguyên nhân và có thể dùng thuốc kháng sinh theo chỉ định để điều trị.
Nhiễm ký sinh trùng như giardia, cryptosporidiosis cũng có thể gây viêm dạ dày ruột. Nhiễm giardia có thể gây tiêu chảy kéo dài hoặc nghiêm trọng, đau bụng, mệt mỏi, sụt cân. Trẻ bị nhiễm cryptosporidiosis thường bị tiêu chảy phân lỏng, đau bụng kèm buồn nôn, nôn mửa và chán ăn.
2. Do rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa ở trẻ em thường xảy ra do hệ tiêu hóa còn non yếu, dễ bị ảnh hưởng từ những thực phẩm mới tiếp xúc, dễ gây kích thích đường tiêu hóa. Triệu chứng hay gặp khi bị rối loạn tiêu hóa là tiêu chảy (đi phân lỏng, phân sống), nôn trớ, đầy hơi, khó tiêu, đau bụng, táo bón, bú kém (ở trẻ nhỏ).
Khi thấy trẻ có dấu hiệu tiêu chảy nghi ngờ do rối loạn tiêu hóa, cha mẹ có thể kiểm tra lại chế độ ăn uống gần đây của con và thay đổi, theo dõi các triệu chứng tiêu hóa mỗi ngày. Tốt hơn hết, hãy sắp xếp thời gian đưa con đến gặp bác sĩ để kiểm tra và chẩn đoán rõ nguyên nhân gây tiêu chảy để điều trị, chăm sóc tốt hơn.
3. Do dị ứng thực phẩm
Dị ứng thực phẩm thường xảy ra sau khi ăn vài phút hoặc vài giờ, chủ yếu do phản ứng quá mức với loại protein nào đó trong thực phẩm. Trẻ có thể bị tiêu chảy, đau bụng, buồn nôn, chóng mặt hoặc nghiêm trọng hơn là khó thở, tụt huyết áp do dị ứng thức ăn.
Ba mẹ cần chú ý đến các phản ứng cơ thể của trẻ nếu cho con ăn thử loại thực phẩm mới lạ nào. Khi có biểu hiện dị ứng, hãy ngừng ăn những món liên quan đến thực phẩm đó và có thể cho con thử lại ít một sau này. Trường hợp trẻ có triệu chứng dị ứng nặng thì hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức.
4. Bệnh celiac
Bệnh celiac là một bệnh lý tự miễn khiến trẻ trở nên nhạy cảm bất thường với gluten. Trẻ mắc bệnh có thể gặp phải nhiều triệu chứng như tiêu chảy, đầy hơi, đau bụng, sụt cân hoặc chậm phát triển.
Nếu nghi ngờ con mắc phải căn bệnh này thì mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được thăm khám, chẩn đoán chính xác và có cách điều trị phù hợp.
5. Chứng không dung nạp lactose – fructose hoặc sucrose
Một số trẻ có thể không dung nạp được lactose, fructose hoặc sucrose (các loại đường khác nhau, trong đó lactose thường có trong sữa bò và các sản phẩm từ sữa). Khi cơ thể không dung nạp lactose, trẻ sẽ có biểu hiện tiêu chảy, đau bụng, khó chịu khi ăn các thực phẩm có chứa những loại đường này.
Chứng không dung nạp lactose có thể xảy ra tạm thời sau khi bị viêm dạ dày ruột. Nếu nghi ngờ trẻ mắc phải vấn đề này, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được kiểm tra thay vì tự ý thay đổi chế độ ăn của con.
6. Bệnh viêm ruột khiến trẻ bị tiêu chảy
Bệnh viêm ruột mạn tính (IBD) bao gồm 2 tình trạng là bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Triệu chứng thường thấy là tiêu chảy, có thể bùng phát cấp tính rồi giảm dần (tự chuyển biến).
Trẻ mắc bệnh viêm ruột thường bị sụt cân mà không có lý do rõ ràng. Cha mẹ cũng cần theo dõi các biểu hiện của trẻ và đưa con đi khám nếu thấy cân nặng giảm bất thường.
7. Tiêu chảy do dùng thuốc (tác dụng phụ của kháng sinh)
Sử dụng thuốc kháng sinh giúp tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh nhưng cũng có khả năng gây ảnh hưởng đến cả vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Điều này khiến cho hệ vi khuẩn đường ruột mất cân bằng và dẫn đến tiêu chảy ở trẻ. Nếu bạn nghĩ rằng con bị tiêu chảy do tác dụng phụ từ kháng sinh thì hãy đưa trẻ đi tái khám để được đổi thuốc.
Sau một đợt dùng kháng sinh, vi khuẩn Clostridium difficile có thể phát triển quá mức và gây ra nhiều triệu chứng nghiêm trọng như co thắt, đau bụng, sốt, có máu trong phân.
8. Kém hấp thu
Kém hấp thu là một hội chứng rối loạn ảnh hưởng đến khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng từ thực phẩm. Nếu trẻ mắc phải hội chứng này có thể bị tiêu chảy liên tục và khó tăng cân.
Khi đó, bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được kiểm tra, chẩn đoán và nhận được tư vấn điều trị phù hợp.
Mách ba mẹ cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy tại nhà
Tiêu chảy nhẹ thường không đáng lo ngại nếu trẻ vẫn hoạt động bình thường và ăn uống đầy đủ. Bệnh thường tự khỏi trong một vài ngày và phục hồi hoàn toàn bằng các cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy tại nhà.
1. Đảm bảo trẻ nhận đủ lượng chất lỏng cần thiết
Mục tiêu đầu tiên cần đảm bảo khi trẻ bị tiêu chảy là không để tình trạng mất nước xảy ra. Do đó, cha mẹ cần cố gắng bù nước bằng đường uống, bổ sung đủ lượng chất lỏng và điện giải cho trẻ. Đối với trẻ bú mẹ hoặc bú sữa công thức, hãy tăng số cữ bú trong ngày để trẻ bù được lượng dịch thất thoát do tiêu chảy.
Trường hợp trẻ đã ăn dặm, nếu không bị nôn mửa có thể tiếp tục ăn uống như bình thường nhưng tích cực cho trẻ uống nước hoặc ăn các thực phẩm nhiều nước như trái cây, súp, canh… Nếu trẻ bị nôn mửa nhiều, hãy đưa con đến bệnh viện để theo dõi và có phương pháp bù nước, chất điện giải thích hợp.
2. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ đã ăn dặm
Phần lớn trường hợp trẻ bị tiêu chảy, bạn vẫn có thể tiếp tục cho trẻ ăn như bình thường nhưng có một số điều nên làm như:
- Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày thay vì ăn 3 bữa chính lớn.
- Ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ nuốt như cháo, súp, canh.
- Các món ăn thông thường khác nên ăn nhạt, không có quá nhiều gia vị.
- Nếu uống sữa tươi, phô mai hoặc dùng các sản phẩm từ sữa khác khiến trẻ bị đầy hơi, chướng bụng, tiêu chảy nặng hơn thì nên tạm ngưng trong vài ngày.
- Thay đổi chế độ ăn từ từ để đường ruột có thời gian làm quen với các thực phẩm.
3. Trẻ bị tiêu chảy, cần lưu ý trong việc dùng thuốc
Cha mẹ tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc cầm tiêu chảy cho con trừ khi có chỉ định từ bác sĩ. Sử dụng thuốc điều trị tiêu chảy không phù hợp có thể khiến thời gian bệnh kéo dài hơn hoặc tăng nguy cơ gặp nhiều vấn đề sức khỏe khác.
Khi trẻ có dấu hiệu mất nước, bạn có thể bù nước và điện giải bằng dung dịch oresol theo hướng dẫn sử dụng. Sản phẩm thường có dạng bột và cần pha đủ lượng nước cần thiết rồi cho con uống ngay trong ngày để nhanh chóng bù lại lượng dịch và muối khoáng bị mất do tiêu chảy.
4. Theo dõi các triệu chứng của trẻ và đưa đi khám kịp thời
Cuối cùng, đừng quên theo dõi tất cả biểu hiện của trẻ thường xuyên. Nếu trẻ xuất hiện những triệu chứng bất thường hoặc tiêu chảy kéo dài không thuyên giảm thì bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để thăm khám, điều trị kịp thời.
Những thắc mắc thường gặp khi chăm sóc trẻ bị tiêu chảy
1. Trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi bị tiêu chảy có sao không?
Trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi bị tiêu chảy không phải hiếm gặp nhưng cha mẹ chớ nên chủ quan. Trẻ bị tiêu chảy nặng hoặc kéo dài sẽ có nguy cơ bị mất nước và rối loạn điện giải, gây đe dọa đến tính mạng.
Những trường hợp trẻ sơ sinh dưới bị tiêu chảy do nhiễm khuẩn E.coli hoặc đi kèm với các triệu chứng khác như sốt, nôn, mệt mỏi, quấy khóc nhiều, co giật,… cần phải được can thiệp y tế ngay để tránh những biến chứng nguy hiểm.
2. Trẻ bị tiêu chảy uống thuốc gì cho nhanh khỏi?
Thông thường, tâm lý chung của các cha mẹ là sẽ muốn biết trẻ bị tiêu chảy nên uống gì cho nhanh khỏi? Nếu bạn đang tìm kiếm thuốc trị tiêu chảy cho bé 1 tuổi hoặc 2 tuổi thì hãy dừng lại. Tình trạng tiêu chảy nhẹ ở trẻ thường sẽ giảm dần và tự hết sau vài ngày, sau đó cơ thể sẽ hồi phục lại trạng thái bình thường mà không cần dùng thuốc trị tiêu chảy. Nếu trẻ bị tiêu chảy nặng hoặc có những triệu chứng bất thường khác thì cần được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và chỉ định thuốc điều trị phù hợp theo nguyên nhân gây bệnh.
Còn lại, trẻ bị tiêu chảy nếu có nguy cơ mất nước thì cha mẹ nên cho con uống dung dịch bù nước và điện giải oresol theo hướng dẫn. Cách pha oresol cho trẻ em tại nhà khá đơn giản, bạn có thể đọc và làm theo hướng dẫn sử dụng trên nhãn sản phẩm:
- Đổ 1 gói bột oresol vào đúng lượng nước quy định trong hướng dẫn từ nhà sản xuất
- Khuấy đều cho tan hoàn toàn và cho trẻ uống hết trong vòng 24 giờ
Lưu ý, bạn phải pha oresol với nước lọc, nước đun sôi để nguội chứ không được pha với nước khoáng, nước ngọt, nước trái cây hay sữa vì có thể gây sai lệch nồng độ các chất điện giải. Đồng thời, không tự ý chia nhỏ lượng bột oresol thành nhiều lần pha vì sẽ không kiểm soát được đúng lượng chất điện giải, có thể gây mất cân bằng thêm.
3. Bé bị tiêu chảy, có nên cho dùng men vi sinh cho không, dùng như thế nào?
Nhiều nghiên cứu đã cho thấy men vi sinh có thể hỗ trợ điều trị tiêu chảy ở trẻ nhỏ, đặc biệt là tình trạng tiêu chảy do virus rota. Cụ thể, việc sử dụng probiotic có thể làm giảm các triệu chứng tiêu chảy do nhiễm trùng từ 0,5 – 2 ngày. Thực tế cho thấy những chủng men vi sinh mang lại hiệu quả cao gồm Lactobacillus reuteri, Lactobacillus rhamnosus và đặc biệt là nấm men Saccharomyces boulardii (S. boulardii).
Tại Việt Nam, nấm men S. boulardii là chủng men vi sinh duy nhất được Hội Nhi khoa Việt Nam khuyến cáo sử dụng cho trẻ nhỏ dưới 2 tuổi với liều lượng từ 200 – 250mg mỗi ngày để phòng và điều trị tiêu chảy, không gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào. Do đó, cha mẹ có thể dùng men vi sinh như một cách chữa bé đi ngoài nhiều lần trong ngày nhưng vẫn nên trao đổi với bác sĩ để đảm bảo an toàn, hiệu quả.
4. Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì?
Trẻ bị tiêu chảy nên ăn gì là vấn đề mà nhiều mẹ băn khoăn khi chăm sóc con trong lúc này. Nhìn chung, mẹ nên duy trì chế độ ăn khoa học cho trẻ với các thực phẩm giàu đạm, bột đường và vitamin. Bạn có thể cho trẻ ăn:
- Các loại thực phẩm như: thịt lợn, thịt gà, cá, trứng chín, các loại trái cây tươi và các loại rau củ nấu chín mềm như cà rốt, đậu xanh, nấm, củ dền, bí đao…
- Chế biến các món ăn ở dạng mềm, lỏng, nhiều nước như cháo, súp, canh.
- Cho trẻ uống sữa ít béo hoặc sữa chua. Nếu việc tiêu thụ các thực phẩm làm từ sữa khiến cho tình trạng tiêu chảy của con trở nên nặng hơn, bạn có thể tạm dừng một vài ngày.
- Tránh cho trẻ ăn các loại thức ăn chiên xào, thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn chế biến sẵn, thức ăn nhanh, bánh ngọt, bánh rán và xúc xích khi bị tiêu chảy.
- Tránh cho trẻ ăn các loại trái cây và rau có thể gây đầy hơi như: bông cải xanh, ớt, đậu Hà Lan, quả mọng, mận, đậu xanh, rau lá xanh và ngô.
5. Bé bị tiêu chảy nhưng không sốt có sao không?
Bé bị tiêu chảy nhưng không sốt thường không nguy hiểm và có thể tự khỏi trong vài ngày. Tình trạng này thường là tiêu chảy cấp ở trẻ em và cha mẹ cần chăm sóc tại nhà đúng cách, đồng thời theo dõi thêm các triệu chứng khác nếu có.
Tiêu chảy nhưng không sốt vẫn có khả năng gây mất nước ở trẻ nếu trẻ bị nôn mửa và đi ngoài liên tục. Lúc này, bạn cần chú ý bổ sung đầy đủ nước và chất điện giải cho con. Nếu nhận thấy có dấu hiệu mất nước nghiêm trọng, hãy đưa trẻ đến ngay bệnh viện gần nhất để được can thiệp xử trí.
6. Có nên áp dụng các mẹo chữa tiêu chảy cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không?
Mẹ có thể dùng các cách trị tiêu chảy cho bé tại nhà có cơ sở khoa học như bù nước, điều chỉnh chế độ ăn cho phù hợp với tình trạng sức khỏe của con, bổ sung men vi sinh. Với các mẹo chỉ cách cầm tiêu chảy nhanh nhất cho bé hay chữa đi ngoài cho trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi mà sử dụng các loại thuốc uống, thảo dược không rõ chỉ định, mức độ an toàn thì không được áp dụng.
7. Trẻ đổi sữa bị tiêu chảy phải làm sao?
Trẻ đổi sữa bị tiêu chảy có thể xảy ra do dị ứng với protein trong sữa, không dung nạp lactose hoặc sữa mới có các thành phần không phù hợp với cơ địa trẻ. Dấu hiệu trẻ 3 tháng tuổi bị tiêu chảy sau khi đổi sữa thường là đi phân lỏng nhiều lần trong ngày, khó chịu, quấy khóc, bỏ bú.
Nếu bị dị ứng với thành phần trong sữa, trẻ có thể biểu hiện thêm một số triệu chứng khác như nôn mửa, chướng bụng, sốt, nổi mẩn đỏ trên da. Khi nhận thấy các dấu hiệu này sau khi đổi sữa, cha mẹ nên ngừng cho con bú loại sữa mới và trao đổi với bác sĩ để được đánh giá về tình trạng của bé cũng như xác định nguyên nhân rõ ràng.
8. Trẻ uống kháng sinh bị đi ngoài phải làm sao?
Thuốc kháng sinh được sử dụng để tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh nhưng cũng gây ảnh hưởng đến cả những vi khuẩn có lợi trong đường ruột. Do đó, trẻ uống kháng sinh bị đi ngoài, đi tiêu chảy nhiều lần trong ngày là một hiện tượng khá phổ biến do hệ cân bằng vi sinh đường ruột đã bị phá vỡ.
Vậy mẹ cần làm gì nếu trẻ uống kháng sinh bị tiêu chảy? Hãy bình tĩnh và áp dụng các biện pháp sau:
- Cho trẻ dùng thêm men vi sinh để tăng cường số lượng vi khuẩn có lợi, cân bằng lại hệ vi sinh đường ruột.
- Thay đổi chế độ dinh dưỡng, bổ sung thêm những thực phẩm cung cấp lợi khuẩn như sữa chua, ngũ cốc…
- Cho con uống kháng sinh đủ liều và không được tự ý dừng thuốc đột ngột vì có nguy cơ gia tăng tình trạng kháng kháng sinh.
- Theo dõi các biểu hiện khác và đưa trẻ đi khám kịp thời nếu thấy bất thường.
Như vậy, Hello Bacsi đã cung cấp cho cha mẹ những cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy do nhiều nguyên nhân khác nhau cũng như thông tin về những dấu hiệu cảnh báo cần phải đưa trẻ đi khám ngay lập tức.
[embed-health-tool-vaccination-tool]