backup og meta
Chuyên mục
Công cụ
Hỏi bác sĩ
Lưu
Mục lục bài viết

Nhiễm khuẩn salmonella gây bệnh gì? Cách phòng ngừa hiệu quả

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh · Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 27/12/2022

Nhiễm khuẩn salmonella gây bệnh gì? Cách phòng ngừa hiệu quả

Bệnh nhiễm khuẩn Salmonella là một bệnh nhiễm khuẩn đường ruột do vi khuẩn có tên là Salmonella gây ra. Tình trạng nhiễm khuẩn này có thể trở nặng ở những người có hệ miễn dịch suy yếu, thậm chí là gây nguy hiểm đến tính mạng. 

Nhiều người thường thắc mắc salmonella là gì hay vi khuẩn salmonella có ở đâu? Vi khuẩn salmonella gây nhiễm trùng đường ruột là loại vi khuẩn thường sống trong ruột của động vật và người, được thải ra ngoài môi trường qua phân. Chúng ta thường có nguy cơ nhiễm salmonella qua nước uống hoặc thực phẩm bị ô nhiễm.

Bệnh nhiễm khuẩn salmonella là gì?

Bạn có quan tâm đến việc đi tìm lời đáp cho thắc vi khuẩn salmonella gây bệnh gì hay không? Nếu có, đừng bỏ qua những chia sẻ ngay sau đây.

Bệnh nhiễm khuẩn salmonella (ngộ độc thực phẩm) là một bệnh nhiễm trùng đường tiêu hóa, ảnh hưởng đến lớp niêm mạc của ruột non, xảy ra khi vi khuẩn salmonella xâm nhập vào cơ thể. Hầu hết các trường hợp ngộ độc nhẹ có thể tự khỏi mà không cần điều trị, nhưng trong một số trường hợp nặng hơn, người bị ngộ độc cần phải được chăm sóc y tế đúng cách.

Trong một số trường hợp, tình trạng tiêu chảy do nhiễm khuẩn salmonella có thể gây mất nước nghiêm trọng và cần được chăm sóc y tế kịp thời. Các biến chứng có nguy cơ đe dọa tính mạng cũng có thể phát triển nếu tình trạng nhiễm trùng lan ra ngoài ruột.

Hiện nay, tình trạng nhiễm khuẩn salmonella khá phổ biến, nhất là ở những khu vực không có nước sạch và xử lý nước thải chưa đúng cách. Các chuyên gia sức khỏe ước tính mỗi năm trên toàn thế giới, có hàng chục triệu trường hợp được báo cáo. Trẻ em có nhiều nguy cơ bị nhiễm khuẩn salmonella hơn người lớn. Bên cạnh đó, người lớn tuổi và những người có hệ miễn dịch yếu có nhiều nguy cơ bị nhiễm bệnh nhất.

Tình trạng nhiễm khuẩn salmonella có những triệu chứng nào?

Người bị nhiễm khuẩn salmonella có những triệu chứng gì? Theo các chuyên gia sức khỏe, các triệu chứng có thể tiến triển từ 12 – 72 giờ sau khi nhiễm khuẩn và thường kéo dài trong vòng từ 4 – 7 ngày, bao gồm:

  • Tiêu chảy
  • Buồn nôn/nôn
  • Đau đầu
  • Sốt
  • Mất nước, đặc biệt ở trẻ sơ sinh và người già
  • Đi tiêu phân có lẫn máu

Cần nhớ

Tình trạng nhiễm khuẩn Salmonella có thể trở nặng ở những người có hệ miễn dịch suy yếu nên cần hết sức chú ý. 
Một vài loại salmonella gây ra bệnh sốt thương hàn, một căn bệnh đôi khi gây chết người, phổ biến ở các nước đang phát triển.

Người bị nhiễm khuẩn salmonella: Khi nào cần đi khám? 

Tình trạng nhiễm khuẩn salmonella thường thuyên giảm sau vài ngày nên hầu hết các ca nhiễm thường không cần sự chăm sóc y tế. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nếu người bị nhiễm là trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người lớn tuổi hoặc người bị suy giảm hệ miễn dịch, hãy đến bệnh viện ngay, nếu có một trong các triệu chứng sau:

  • Các dấu hiệu cho biết nhiễm khuẩn (như đã nêu ở trên) đã kéo dài hơn một vài ngày
  • Có triệu chứng sốt cao hoặc phân có máu
  • Có dấu hiệu mất nước như đi tiểu ít hơn bình thường, nước tiểu sẫm màu, khô miệng và lưỡi…

Nguyên nhân nhiễm khuẩn salmonella?

Vi khuẩn salmonella sống trong ruột của người, các loài động vật và chim. Hầu hết mọi người bị nhiễm vi khuẩn salmonella do tiêu thụ thực phẩm hoặc nước có chưa vi khuẩn. Những người nhiễm Salmonella có thể truyền vi khuẩn sang người khác nếu họ không rửa sạch tay của mình sau khi đi vệ sinh, trước khi chế biến thức ăn hay chạm vào các bề mặt…. Bạn có thể nhiễm salmonella do các nguyên nhân sau:

  • Thức ăn và nước uống bị nhiễm bệnh: Thịt, gia cầm, trứng và hải sản sống, sữa chưa tiệt trùng, rau củ trái cây sống, thực phẩm được bảo quản và xử lý không đúng cách…
  • Các bề mặt bị nhiễm trùng: Nguy cơ nhiễm trùng cũng có thể xảy ra nếu bạn chạm vào bề mặt bị nhiễm khuẩn và sau đó đưa tay vào miệng, cầm hay chế biến thức ăn…
  • Vật nuôi bị nhiễm bệnh và các động vật khác: Các loài động vật, vật nuôi trong nhà (chim và bò sát) là những đối tượng có thể mang vi khuẩn salmonella. Một số ý kiến cho rằng đôi khi một vài loại thức ăn cho vật nuôi có thể nhiễm khuẩn salmonella và là nguồn lây nhiễm cho động vật.

Nguy cơ mắc phải

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella?

Theo các chuyên gia, ngoài các nguyên nhân kể trên thì các yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn salmonella chẳng hạn như:

  • Các hoạt động có thể khiến bạn tiếp xúc gần với vi khuẩn salmonella như:
    • Sinh sống hoặc đi đến khu vực không có nước sạch và không xử lý nước thải đúng cách
    • Tiếp xúc với vật nuôi có mang mầm bệnh
    • Tiêu thụ đồ ăn bày bán sẵn nhưng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm…
  • Có các vấn đề sức khỏe như:
    • Các vấn đề sức khỏe có thể làm suy yếu khả năng chống lại tình trạng nhiễm trùng nói chung: người có các vấn đề về gan, bệnh viêm ruột, nhiễm HIV / AIDS, bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh sốt rét, ung thư…
    • Rối loạn dạ dày hoặc ruột
    • Đang sử dụng một số loại thuốc: thuốc kháng axit, thuốc kháng sinh, thuốc chống thải ghép được dùng sau khi cấy ghép nội tạng, corticosteroid

Vui lòng tham khảo với bác sĩ điều trị để biết thêm thông tin.

Tình trạng nhiễm khuẩn salmonella được chẩn đoán và điều trị như thế nào?

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán nhiễm khuẩn salmonella?

Bác sĩ sẽ khám lâm sàng, hỏi về các triệu chứng mà bạn gặp phải. Bạn có thể cần phải xét nghiệm máu hoặc phân để tìm vi khuẩn salmonella.

Những phương pháp nào dùng để điều trị nhiễm khuẩn salmonella?

điều trị nhiễm khuẩn salmonella

Nhiễm khuẩn salmonella thường kéo dài từ 4–7 ngày và mọi người sẽ dần hồi phục mà không cần điều trị. Bạn không nên dùng thuốc để ngăn chặn tiêu chảy vì điều này có thể làm cho nhiễm trùng của bạn kéo dài hơn. Bạn có thể áp dụng bất kỳ điều nào sau đây để hỗ trợ điều trị tình trạng nhiễm trùng hoặc làm dịu các triệu chứng như:

  • Bổ sung đủ lượng chất lỏng: Mục tiêu của điều trị nhiễm khuẩn salmonella là ngăn ngừa nguy cơ mất nước. Bạn hãy tham khảo bác sĩ rằng bạn nên sử dụng chất lỏng nào và với hàm lượng bao nhiêu mỗi ngày là tốt nhất cho cơ thể. Bạn cũng có thể cần uống một dung dịch bù nước như ORS vì ORS giúp cân bằng nước, muối và đường để thay thế dịch cơ thể.
  • Dịch truyền tĩnh mạch: Trường hợp mất nước nghiêm trọng, các bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân truyền dịch tĩnh mạch (IV).
  • Thuốc kháng sinh: Đôi khi, các bác sĩ có thể chỉ định dùng kháng sinh cho những người bị bệnh nặng. Kháng sinh cũng có thể hữu ích đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và những người bị một số bệnh mạn tính nhất định.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn quản lý nhiễm khuẩn salmonella?

Tình trạng nhiễm khuẩn salmonella có thể được phòng ngừa như thế nào? Theo các chuyên gia sức khỏe, bạn hoàn toàn có thể phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm vi khuẩn salmonella nếu tuân thủ các điều sau:

  • Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm:
    • Tuân thủ quy tắc ăn chín, uống sôi: Trước khi ăn, bạn cần nấu chín đồ ăn (nhất là các loại thịt, đặc biệt là thịt gia cầm), hãy đảm bảo rằng bạn đã đun nóng đến nhiệt độ đảm bảo tiêu diệt vi khuẩn. Tuyệt đối không ăn thịt gia cầm, hải sản hoặc các loại thịt, trứng chưa nấu chín. Chỉ uống sữa tiệt trùng.
    • Tuân thủ quy tắc vệ sinh khi chế biến thức ăn:
      • Rã đông thịt và gia cầm trong tủ lạnh thay vì ở nhiệt độ phòng. Thức ăn còn dư cần bảo quản trong tủ lạnh đúng cách, tách riêng thực phẩm sống và chín nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây lan chéo.
      • Rửa thớt và kệ bếp dùng để chế biến thịt hoặc gia cầm ngay sau khi sử dụng để tránh lây nhiễm chéo sang các loại thực phẩm khác.
  • Rửa tay thật kỹ và đúng cách, đúng thời điểm: Bạn hãy rửa tay thật sạch trong nước ấm, xà phòng trong 20 giây trước và sau khi xử lý thực phẩm. Bên cạnh đó, bạn nên rửa trái cây, rau dưới vòi nước chảy. Vệ sinh các dụng cụ chế biến thức ăn cũng như nhà bếp sẽ giúp bạn ngăn ngừa sự nhiễm khuẩn này.
  • Đối với vật nuôi:
    • Không để các loài bò sát sinh hoạt ở những nơi bạn cho trẻ nhỏ ăn hoặc tắm.
    • Không cho các loài bò sát và lưỡng cư vào trong nhà nếu gia đình có trẻ dưới 5 tuổi hoặc những người có hệ miễn dịch suy yếu.
  • Khác: 
    • Không đi bơi, đi học… nếu bị tiêu chảy.
    • Hạn chế tối đa việc chạm vào các bề mặt công cộng.
  • Cần nhớ

    Những người bị tiêu chảy không được chế biến hoặc phục vụ thức ăn hay đồ uống cho người khác, chăm sóc trẻ em, người cao tuổi hoặc chăm sóc sức khỏe nói chung. 

    Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

    Miễn trừ trách nhiệm

    Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

    Tham vấn y khoa:

    Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

    Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


    Tác giả: Lan Quan · Ngày cập nhật: 27/12/2022

    advertisement iconQuảng cáo
    app promote banner

    Bài viết này có hữu ích với bạn?

    advertisement iconQuảng cáo
    advertisement iconQuảng cáo