Tiêu chảy cấp do nhiễm virus Rota có lây không?

Về cơ chế lây nhiễm, tiêu chảy cấp do nhiễm virus Rota có thể lây lan và thường lây qua đường tay – miệng. Virus Rota có trong phân của người bệnh 2 ngày trước khi các triệu chứng bắt đầu và kéo dài 10 ngày sau khi các triệu chứng thuyên giảm. Trong khoảng thời gian này, virus sẽ dễ dàng lây nhiễm qua đường tay – miệng ngay cả khi người nhiễm bệnh không có triệu chứng.
Nếu bạn nhiễm virus Rota và không rửa tay sau khi đi vệ sinh hoặc con của bạn nhiễm virus Rota và bạn không rửa tay sau khi thay tã cho em bé thì có thể khiến virus lây lan sang bất cứ bề mặt hoặc đồ vật nào của bạn, bao gồm thức ăn, đồ chơi, nắm cửa, remote, đồ dùng hàng ngày…
Nếu người khác chạm vào bàn tay chưa rửa của bạn hoặc một bề mặt, đồ vật nào đó bị ô nhiễm bởi virus Rota, sau đó chạm vào miệng của họ thì sự lây nhiễm sẽ diễn ra. Thậm chí, virus vẫn có thể lây nhiễm trên các bề mặt chưa được khử trùng trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng.
Không chỉ trẻ em và người chăm sóc trẻ có nguy cơ tiêu chảy cấp do nhiễm virus Rota, một số đối tượng khác cũng có thể gặp rủi ro sau khi nhiễm virus bao gồm người cao tuổi, người có hệ miễn dịch yếu chẳng hạn như người bệnh HIV…
Giải pháp phòng ngừa tiêu chảy cấp do nhiễm virus Rota
Tiêu chảy cấp do các loại virus nói chung và virus Rota nói riêng không thể điều trị bằng kháng sinh. Tiêu chảy thường sẽ tự khỏi sau khoảng 1 tuần nên điều quan trọng là người bệnh luôn được bổ sung đủ nước cho cơ thể.

Mặt khác, điều đáng quan tâm là virus Rota rất dễ lây lan. Do đó, bạn cần chú ý đến các giải pháp phòng ngừa tiêu chảy cấp do nhiễm virus Rota, bao gồm:
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm: Chỉ nên dùng nước sạch để nấu ăn hoặc uống, rửa sạch thực phẩm đúng cách trước khi chế biến và luôn đảm bảo ăn chín uống sôi, đặc biệt là với trẻ nhỏ.
- Thường xuyên rửa tay: Bệnh tiêu chảy cấp do nhiễm virus Rota lây lan chủ yếu qua con đường tay – miệng. Do đó, thường xuyên rửa tay là giải pháp hạn chế sự lây lan của virus cần được ưu tiên. Bạn nên rửa tay trong những trường hợp như sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã bẩn cho em bé, sau khi chăm sóc người bệnh và luôn rửa tay trước khi ăn hay trước/sau khi chăm sóc trẻ nhỏ. Theo đó, bạn cũng nên giáo dục trẻ nhỏ duy trì thói quen này để hạn chế mầm bệnh lây lan và phát triển.
- Sát khuẩn đồ vật và các bề mặt chung: Nếu chăm sóc trẻ nhỏ hoặc người bệnh, điều quan trọng là bạn cần thường xuyên sát khuẩn đồ chơi, các vật dụng hoặc bề mặt được nhiều người chạm vào để ngăn ngừa vi khuẩn, virus lây lan.
- Cho trẻ chủng ngừa virus Rota: Tiếp chảy cấp do nhiễm virus Rota thường gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Vì vậy, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo trẻ sơ sinh nên được chủng ngừa virus Rota càng sớm càng tốt ngay khi trẻ được 2 tháng tuổi. Vaccine ngừa tiêu chảy do virus Rota thường được dùng theo đường uống. Hầu hết trẻ đã chủng ngừa sẽ không nhiễm bệnh hoặc nếu nhiễm thì các triệu chứng cũng rất nhẹ.
Nói tóm lại, bạn không nên chủ quan nếu trẻ em bị tiêu chảy cấp do nhiễm virus Rota. Đây là căn bệnh có thể lây lan dễ dàng nên khi trẻ nhiễm virus thì không nên đến trường hoặc nhà trẻ. Cách tốt hơn hết là bạn nên cho trẻ tiêm phòng virus Rota theo khuyến cáo để ngăn ngừa rủi ro.
Đặt câu hỏi cho bác sĩ
Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để tạo câu hỏi
Chia sẻ với bác sĩ các thắc mắc của bạn để được giải đáp miễn phí.
Đăng ký hoặc Đăng nhập để đặt câu hỏi cho bác sĩ!