backup og meta

5 vấn đề mẹ cần chú ý khi trẻ uống kháng sinh bị tiêu chảy

5 vấn đề mẹ cần chú ý khi trẻ uống kháng sinh bị tiêu chảy

Trẻ uống kháng sinh bị tiêu chảy là tình trạng rất phổ biến. Theo thống kê, cứ 5 trẻ thì sẽ có 1 trẻ rơi vào tình huống này, đặc biệt là các bé dưới 2 tuổi.

Kháng sinh là loại thuốc đang được sử dụng khá phổ biến để điều trị nhiễm khuẩn cho cả trẻ nhỏ và người lớn. Tuy nhiên, việc dùng thuốc kháng sinh có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn. Một trong những tác dụng phụ hay gặp nhất là tình trạng bé bị tiêu chảy. Hãy cùng Hello Bacsi xem tiếp những chia sẻ dưới đây để hiểu thêm về nguyên nhân cũng như cách chăm sóc khi trẻ trong tình huống này nhé.

Tiêu chảy do kháng sinh được miêu tả là tình trạng trẻ đi tiêu lỏng, xảy ra do tác dụng phụ của các thuốc kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn. Hiện tượng này có thể gặp ở mọi đối tượng, đặc biệt là trẻ nhỏ do hệ tiêu hóa chưa phát triển hoàn chỉnh.

Trẻ uống kháng sinh bị tiêu chảy: Nguyên nhân do đâu?

Bình thường, trong đường ruột của trẻ sẽ tồn tại một quần thể vi sinh vật bao gồm cả vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại với nhiều loài khác nhau. Trong đó, vi khuẩn có lợi sẽ có chức năng duy trì hệ vi sinh ở mức cân bằng nhằm tăng cường tiêu hóa, hấp thu dinh dưỡng, loại bỏ độc tố và kìm hãm sự sinh trưởng, phát triển của các vi khuẩn gây bệnh.

Kháng sinh là loại thuốc mà khi đi vào cơ thể sẽ có khả năng tiêu diệt hoặc ức chế sự phát triển của vi khuẩn ở các cơ quan và thậm chí là tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi sống trong đường ruột. Điều này vô tình làm phá vỡ sự cân bằng của hệ vi sinh khiến hại khuẩn có cơ hội phát triển và lấn át, dẫn tới tình trạng trẻ uống kháng sinh bị tiêu chảy.

Không những vậy, việc sử dụng kháng sinh còn có thể làm khởi phát tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng gây ra bởi một loại vi khuẩn gọi là Clostridium difficile hay C.difficile (C.diff). Bình thường, vi khuẩn này vẫn tồn tại trong ruột non của con người và không gây ra bất cứ vấn đề gì. Tuy nhiên, việc kháng sinh tiêu diệt vi khuẩn có lợi sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn C.diff phát triển không kiểm soát và làm phát bệnh. Nếu để lâu và không được điều trị đúng cách, tình trạng này có thể dẫn đến viêm đại tràng.

Theo các chuyên gia, bất kỳ loại kháng sinh nào cũng có thể gây ra sự mất cân bằng hệ sinh  đường ruột, nhất là những loại kháng sinh phổ rộng dẫn đến tình trạng bị tiêu chảy khi uống kháng sinh.

Dấu hiệu trẻ uống kháng sinh bị tiêu chảy

trẻ uống kháng sinh bị tiêu chảy

Trẻ dưới 2 tuổi sẽ dễ bị tiêu chảy khi uống thuốc kháng sinh hơn so với trẻ lớn. Tình trạng tiêu chảy thường kéo dài từ 1 – 7 ngày, bắt đầu từ giữa ngày thứ 2 và ngày thứ 8 của đợt điều trị bằng kháng sinh. Tuy nhiên, cũng có trường hợp trẻ sơ sinh uống kháng sinh bị tiêu chảy từ ngày đầu tiên và kéo dài vài tuần sau khi đã ngừng thuốc.

Các biểu hiện chính khi trẻ bị tiêu chảy do uống thuốc kháng sinh:

  • Trẻ bị đau bụng
  • Mỗi lần đi ngoài trẻ phải rặn
  • Đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày (thường là hơn 3 lần)
  • Phân có lẫn dịch nhầy, thức ăn chưa tiêu (còn gọi là đi ngoài phân sống) hoặc máu
  • Phân có màu xanh, vàng lổn nhổn, có bọt 
  • Vùng hậu môn bị hăm đỏ do phân có tính axit.

Bé uống kháng sinh bị tiêu chảy: 5 vấn đề mẹ cần chú ý

trẻ uống kháng sinh bị tiêu chảy

Trẻ uống kháng sinh bị tiêu chảy phải làm sao là nỗi băn khoăn của rất nhiều cha mẹ có con nhỏ. Theo các chuyên gia, khi thấy trẻ bị tiêu chảy do dùng kháng sinh, bạn đừng quá hoang mang, lo lắng mà hãy bình tĩnh và làm theo những bước sau:

1. Trẻ bị tiêu chảy do uống kháng sinh, mẹ không vội vàng cho trẻ dừng thuốc

Câu trả lời cho câu hỏi: “Trẻ uống kháng sinh bị tiêu chảy phải làm sao?” là trong trường hợp trẻ chỉ bị tiêu chảy nhẹ, bạn nên tiếp tục cho trẻ dùng kháng sinh theo đúng liều lượng mà bác sĩ kê toa. Bởi nếu ngưng thuốc giữa chừng sẽ rất dễ làm tăng nguy cơ kháng kháng sinh.

Ngoài ra, bạn không nên tự ý cho trẻ dùng các loại thuốc cầm tiêu chảy khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Bởi các loại thuốc này có thể tương tác với thuốc mà bé đang dùng và làm cho trẻ bị tiêu chảy nặng hơn.

2. Cho trẻ dùng men vi sinh có chứa nấm men để cân bằng hệ vi sinh đường ruột

Câu trả lời cho tình huống trẻ uống kháng sinh bị tiêu chảy phải làm sao trong trường hợp bé bị loạn khuẩn nặng hoặc không thể ngưng dùng kháng sinh là bạn có thể cho trẻ dùng thêm men vi sinh có chứa probiotic và prebiotic để cân bằng lại chủng vi sinh đường ruột.

Đã có nhiều nghiên cứu chứng minh men vi sinh có thể mang lại sự hỗ trợ tích cực cho hệ tiêu hóa, giúp điều trị và phòng ngừa hiệu quả tình trạng tiêu chảy và các tác dụng phụ khác do kháng sinh gây ra.

Probiotic bao gồm lợi khuẩn và nấm men. Các nghiên cứu gần đây nhất cho thấy tình trạng tiêu chảy liên quan đến kháng sinh nên sử dụng chủng men Lactobacillus rhamnosus và đặc biệt là Saccharomyces boulardii. Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy sản phẩm men vi sinh có chứa nấm men Saccharomyces boulardii an toàn khi dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi. Chính vì vậy, Saccharomyces boulardii được Hiệp hội Tiêu hóa Gan mật và Dinh dưỡng Nhi khoa châu Âu (ESPGHAN), Tổ chức Tiêu hóa Thế giới (WGO) và đồng thuận của Hội khoa Nhi Việt Nam khuyến cáo sử dụng trong điều trị viêm dạ dày ruột cấp, tiêu chảy cấp và tiêu chảy do kháng sinh ở trẻ nhỏ.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, trước khi cho trẻ sử dụng bất cứ chế phẩm men vi sinh nào, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ về liều lượng cũng như cách sử dụng. Bởi sẽ có trường hợp sử dụng probiotic không có lợi, chẳng hạn như những trường hợp trẻ bị suy giảm miễn dịch hoặc bị suy nhược nghiêm trọng.

3. Bé uống kháng sinh bị tiêu chảy: Mẹ cần điều chỉnh chế độ dinh dưỡng

bé uống kháng sinh bị tiêu chảy phải làm sao

Khi bé bị tiêu chảy do uống kháng sinh, bạn cũng nên chú ý chăm sóc trẻ theo một chế độ ăn đặc biệt. Thay vì chỉ cho bé ăn những món thông thường, bạn có thể cho bé ăn thêm các loại thực phẩm có tác dụng bổ sung lợi khuẩn như sữa chua, yến mạch…

  • Thực đơn dinh dưỡng cho trẻ mỗi ngày cần cung cấp đủ 4 nhóm dưỡng chất chính: đạm – tinh bột – chất béo – chất xơ và vitamin.
  • Uống kháng sinh bị tiêu chảy khiến cho trẻ bị mất nước. Vì thế, bạn cần bổ sung nước và chất điện giải cho trẻ thường xuyên để tránh tình trạng mất nước. Ngoài ra, bạn cũng nên cho trẻ ăn những loại rau củ có tác dụng giữ nước như cà rốt, củ cải đường, bí, chuối, hồng xiêm, cam… sẽ rất tốt với hệ tiêu hóa và việc tăng sức đề kháng cho trẻ.
  • Hạn chế các thực phẩm chứa nhiều đường, nước giải khát đóng chai, thức ăn khô.
  • Không cho trẻ ăn các loại đậu hạt vì thực phẩm này có thể sinh nhiều hơi ở ruột. Ngoài ra, mẹ cũng không nên cho trẻ dùng thực phẩm nhiều gia vị.
  • Nên chế biến thực phẩm dưới dạng mềm, lỏng cho bé dễ tiêu hóa như bột, súp, cháo… Bạn có thể băm hoặc xay nhỏ hay rây mịn đồ ăn, nấu chín kỹ rồi mới cho bé ăn.
  • Khị bé bị tiêu chảy, mẹ không nên cho trẻ uống các đồ uống có ga vì những thứ này có thể làm tình trạng tiêu chảy trở nên trầm trọng hơn thay vào đó bạn có thể cho bé ăn yaourt. 

4. Đừng quên điều trị hăm tã cho trẻ

Nếu trẻ bị hăm quanh hậu môn hoặc vùng đóng bỉm do tiêu chảy, bạn nên vệ sinh nhẹ nhàng khu vực này bằng nước sạch, lau khô rồi thoa lên đó một lớp vaseline, kem chứa kẽm như Penaten, Zincofax hoặc các loại kem chống hăm khác.

5. Bé uống kháng sinh bị tiêu chảy: Cần theo dõi các biểu hiện và đưa trẻ đi khám kịp thời

Lời khuyên để giải quyết vấn đề trẻ bị tiêu chảy do uống kháng sinh là hãy đưa trẻ đi khám ngay nếu thấy con có các triệu chứng sau:

  • Tiêu chảy nặng
  • Sốt cao
  • Phân có máu
  • Mệt mỏi và không chịu ăn uống
  • Có dấu hiệu mất nước như nước tiểu ít, cáu kỉnh, mệt mỏi và khô miệng
  • Đau bụng nặng
  • Phân có nhiều máu.

Khi đến bệnh viện, các bác sĩ sẽ khám, chẩn đoán tình trạng tiêu chảy của trẻ để có phương hướng điều trị thích hợp. Nếu bé bị tiêu chảy trầm trọng, bác sĩ có thể đổi loại kháng sinh đang sử dụng và truyền nước cho trẻ khi cần thiết.

Trên đây là một số thông tin hữu ích về cách chăm sóc cho trẻ uống kháng sinh bị tiêu chảy. Hy vọng với những thông tin này, các bậc cha mẹ sẽ chăm sóc bé tốt hơn khi thời tiết thay đổi thất thường, khiến bé dễ bị nhiễm bệnh và cần phải dùng đến kháng sinh.

banner Normagut

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

How to Prevent Diarrhea While You Take Antibiotics https://health.clevelandclinic.org/how-to-prevent-diarrhea-while-you-take-antibiotics/ Ngày truy cập: 23/6/2020

Antibiotic-associated diarrhea https://www.aboutkidshealth.ca/Article?contentid=820&language=English Ngày truy cập: 23/6/2020

What You Need to Know About Antibiotics and Diarrhea https://www.healthline.com/health/antibiotics-diarrhea Ngày truy cập: 23/6/2020

 

Phiên bản hiện tại

04/03/2021

Tác giả: Ngân Phạm

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: Đài Trương


Bài viết liên quan

Trẻ bị nôn không sốt không đi ngoài: Bố mẹ cần làm gì?

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngân Phạm · Ngày cập nhật: 04/03/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo