backup og meta

Kháng kháng sinh là gì? Đừng chủ quan trước tình trạng này!

Kháng kháng sinh là gì? Đừng chủ quan trước tình trạng này!

Cách đây hơn 50 năm, thuốc kháng sinh đã được phổ biến rộng rãi và được xem như là “thần dược’ nhờ khả năng tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh. Tuy vậy, ít người nhận thức được rằng việc dùng thuốc kháng sinh vẫn luôn tiềm ẩn một nguy cơ gọi là kháng kháng sinh (lờn thuốc). 

Vi khuẩn kháng kháng sinh khiến thời gian mắc bệnh kéo dài, phải sử dụng thêm nhiều loại thuốc mạnh hơn (thường nhiều tác dụng phụ hơn). Trong trường hợp tệ nhất, bệnh có thể không cứu chữa được và dẫn đến tử vong.

Cơ chế hình thành tình trạng kháng kháng sinh

Cơ chế hình thành tình trạng kháng kháng sinh

Vi khuẩn là những sinh vật nhỏ không thể nhìn thấy bằng mắt thường. Chúng hiện diện khắp nơi xung quanh chúng ta: trong thức ăn, nước uống, trong đất, thực vật, động vật và cả trong cơ thể người. Hầu hết vi khuẩn không gây hại cho con người, thậm chí một số loại còn có ích (như các lợi khuẩn đường ruột). Bên cạnh đó, nhiều vi khuẩn khác lại có khả năng gây nhiễm trùng nặng. Khi này, người bệnh cần sử dụng thuốc kháng sinh.

Khả năng ngăn chặn nhiễm trùng phụ thuộc vào việc tiêu diệt hoặc ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn có hại. Tuy nhiên, một số vi khuẩn có thể kháng lại tác dụng của thuốc kháng sinh để tiếp tục sinh sôi, lây lan.

Trên thực tế, có những loài vi khuẩn đã phát triển khả năng kháng kháng sinh một cách tự nhiên, từ rất lâu trước khi thuốc kháng sinh được thương mại hóa. Ngoài ra, vi khuẩn có thể trở nên kháng thuốc theo một số cơ chế khác như phát sinh đột biến. Đột biến là những thay đổi xảy ra trong vật liệu di truyền (ADN) của vi khuẩn. Những thay đổi này cho phép vi khuẩn chống lại hoặc làm bất hoạt kháng sinh.

Vi khuẩn cũng có thể sở hữu các gen kháng thuốc thông qua việc trao đổi gen với các vi khuẩn khác. Theo tiến sĩ David White – nhà vi sinh vật học tại Trung tâm Thú y của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, đó là một hình thức “giao phối’ đơn giản cho phép vi khuẩn chuyển giao vật chất di truyền. Vi khuẩn sinh sản nhanh chóng, khả năng kháng kháng sinh được truyền lại sang các thế hệ vi khuẩn tương lai, tạo điều kiện cho chúng phát triển đề kháng với nhiều loại thuốc kháng sinh khác nhau.

Nguy cơ gây kháng kháng sinh là gì?

Nguy cơ gây kháng kháng sinh là gì?

Những nguyên nhân góp phần gây ra tình trạng lờn thuốc kháng sinh là:

  • Thường xuyên được kê đơn và sử dụng kháng sinh trong một thời gian dài. Do việc sử dụng rộng rãi kháng sinh, các vi khuẩn mục tiêu mà thuốc nhắm đến đã có cơ hội thích nghi và thay đổi, làm cho thuốc kém hiệu quả hơn.
  • Sử dụng khi không cần thiết. Thuốc kháng sinh không có tác dụng đối với các bệnh do virus gây ra (cảm lạnh thông thường, hầu hết các bệnh viêm họng và cúm). Do đó, uống thuốc kháng sinh trong những trường hợp này cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng kháng kháng sinh, kéo theo các tác dụng phụ không mong muốn.
  • Sử dụng sai cách. Càng sử dụng nhiều kháng sinh, vi khuẩn càng trở nên kháng thuốc vì vi khuẩn nhạy cảm bị tiêu diệt nhưng vi khuẩn mạnh hơn có thể kháng lại và tiếp tục phát triển, sinh sôi. Khi các vi khuẩn này lây lan sang người khác, việc sử dụng thuốc kháng sinh thông thường có thể không còn hiệu quả. Ngoài ra, sử dụng kháng sinh lặp đi lặp lại và không đúng cách cũng góp phần gây lờn thuốc.

Cách ngăn ngừa tình trạng kháng kháng sinh là gì?

ngăn ngừa kháng kháng sinh

Có gần một triệu người chết mỗi năm do nhiễm trùng từ vi khuẩn mà không thể điều trị bằng kháng sinh thông thường. Đây là “hồi chuông cảnh tỉnh’ khi hiện tại chúng ta không có bất kỳ lựa chọn thay thế nào cho những loại kháng sinh này. Vì vậy, sử dụng kháng sinh một cách thông minh là chìa khóa để kiểm soát tình trạng kháng thuốc.

Những biện pháp hạn chế kháng kháng sinh là:

  • Không sử dụng thuốc kháng sinh đối với các bệnh do virus gây ra như cảm lạnh hoặc cúm. Nếu được kê toa thuốc kháng sinh, bạn có thể đề nghị bác sĩ giải thích vì sao cần sử dụng kháng sinh trong trường hợp của mình.
  • Khi dùng thuốc kháng sinh, hãy làm theo hướng dẫn của bác sĩ. Không tự ý ngừng thuốc hoặc bỏ liều dù các triệu chứng bệnh đã thuyên giảm. Nếu ngừng điều trị quá sớm, một số vi khuẩn mạnh có thể vẫn còn tồn tại và tái lây nhiễm.
  • Đừng giữ lại thuốc kháng sinh để sử dụng sau này hoặc uống theo toa thuốc của người khác. Dùng sai thuốc có thể ảnh hưởng quá trình điều trị và tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi. Hãy luôn tham vấn ý kiến bác sĩ trước khi dùng thuốc kháng sinh.
  • Chỉ phối hợp nhiều loại kháng sinh khi thật cần thiết và nên do bác sĩ quyết định.

[embed-health-tool-bmi]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Antibiotic Resistance. https://medlineplus.gov/antibioticresistance.html Ngày truy cập 24/11/2020

Battle of the Bugs: Fighting Antibiotic Resistance. https://www.fda.gov/drugs/drug-information-consumers/battle-bugs-fighting-antibiotic-resistance Ngày truy cập 24/11/2020

ANTIBIOTIC RESISTANCE: QUESTIONS & ANSWERS. https://www.rxlist.com/antibiotic_resistance/drugs-condition.htm Ngày truy cập 24/11/2020

 

Phiên bản hiện tại

09/02/2021

Tác giả: Ngà Trương

Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Cập nhật bởi: phuong le


Bài viết liên quan

Top 5 bác sĩ Tai - Mũi - Họng giỏi tại TP.HCM

Hiến tạng là gì? Hiến tạng và hiến xác khác nhau thế nào?


Tham vấn y khoa:

Bác sĩ Nguyễn Thường Hanh

Nội khoa - Nội tổng quát · Bệnh Viện Đa Khoa Tỉnh Bắc Ninh


Tác giả: Ngà Trương · Ngày cập nhật: 09/02/2021

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo