Trẻ bị khô môi, nứt môi, chảy máu là một tình trạng tương đối phổ biến khi thời tiết thay đổi, đặc biệt là vào mùa lạnh. Điều này sẽ làm cho bố mẹ rất lo lắng không biết phải làm sao để chấm dứt tình trạng này của trẻ.
Hãy để Hello Bacsi giúp bố mẹ giải đáp thắc mắc này qua bài viết sau đây nhé.
Trẻ bị khô môi, nứt nẻ chảy máu: Dấu hiệu nhận biết
Nhìn chung, tình trạng môi khô ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không phải vấn đề sức khỏe quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu trẻ bị khô môi trong thời gian dài và không có biện pháp điều trị kịp thời khiến môi nứt nẻ chảy máu thì trẻ sẽ khó chịu, quấy khóc, thậm chí bỏ ăn.
Một số dấu hiệu nhận biết phổ biến của tình trạng khô môi ở trẻ em như:
- Môi khô hoặc bong tróc khi chạm vào
- Môi bị nứt, trong một số trường hợp nặng có thể có chảy máu
- Ngứa và đau nhẹ
- Môi có thể bị sưng, đỏ
- Vùng da xung quanh môi sậm màu
Trẻ bị nứt môi chảy máu có đau không?
Trẻ bị khô môi, nứt môi chảy máu: Nguyên nhân do đâu?
Nhiều bậc cha mẹ thường thắc mắc: “vì sao trẻ bị khô môi, nứt môi chảy máu?” hay “trẻ em bị khô môi là bệnh gì?”. Thực tế, môi bị khô nứt nẻ chưa hẳn là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó, mà đây có thể là do những thay đổi cá nhân hoặc môi trường sống. Để hiểu rõ hơn, mời bạn tiếp tục theo dõi những thông tin mà Hello Bacsi tổng hợp được:
1. Các nguyên nhân thường gặp khiến trẻ bị khô môi
1.1. Môi trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ bị khô do thiếu lượng dịch lỏng cần thiết
Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị khô môi thiếu chất gì? Thực tế, tình trạng trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị khô môi không phải do thiếu chất mà do mất nước. Tương tự như tình trạng mất nước ở da, tình trạng thiếu nước ở môi có thể xảy ra do thiếu độ ẩm từ bên trong hoặc bên ngoài cơ thể.
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, con được bổ sung đủ lượng nước thông qua sữa mẹ hoặc sữa công thức. Do đó, nếu trẻ không bú đủ lượng sữa thì sẽ dẫn đến thiếu nước.
Để biết bé có đang nhận đủ hay thiếu nước cho cơ thể không, bố mẹ có thể quan sát lượng nước tiểu của trẻ mỗi khi thay tã.
Đối với những trẻ lớn hơn bị khô môi nứt nẻ, có thể do những nguyên nhân sau gây mất nước:
- Thời tiết khô lạnh và nhiều gió khiến độ ẩm trong không khí giảm xuống thấp
- Thời tiết quá nóng bức, khiến trẻ đổ mồ hôi nhiều cũng dễ gây mất nước.
Ngoài ra, nếu lượng thức ăn bé cần không đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết, cơ thể sẽ không đủ nước, do đó sẽ dẫn đến tình trạng môi khô.
Bên cạnh dấu hiệu khô môi, một số triệu chứng mất nước bố mẹ dễ nhận thấy như:
- Thóp của trẻ bị lõm
- Mắt trũng
- Khóc không có nước mắt
- Da khô
- Tay hoặc chân lạnh
- Nhịp tim nhanh
1.2. Trẻ bị khô môi nứt nẻ do tác động của thời tiết
Thời tiết lạnh, không khí hanh khô và nhiều gió có thể góp phần khiến môi trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị khô. Không khí lạnh kết hợp với độ ẩm thấp sẽ làm mất độ ẩm tự nhiên của môi. Ngoài ra, gió mạnh càng làm tình trạng này trầm trọng hơn, lấy đi lớp dầu tự nhiên quan trọng và khiến môi trở nên khô hơn.
1.3. Tiếp xúc nhiều với thiết bị sưởi trong mùa đông
Nhiều người cho rằng khi tiết trời quá lạnh, việc cho trẻ ở nhà và dùng các thiết bị sưởi ấm có thể giúp bảo vệ sức khỏe của trẻ và hạn chế tình trạng da và môi khô nứt nẻ. Tuy nhiên, các thiết bị sưởi ấm nhân tạo có thể khiến tình trạng trẻ bị khô môi nghiêm trọng hơn do làm giảm độ ẩm trong không khí và từ đó gây mất nước cho da.
1.4. Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gay gắt
Thời tiết quá nóng hoặc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong thời gian dài có thể khiến trẻ bị khô môi nứt nẻ do làm mất độ ẩm của môi. Ngoài ra, da của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất nhạy cảm nên bố mẹ không được cho bé tiếp xúc với ánh nắng mặt trời gay gắt.
Nếu bạn dự định đưa con ra ngoài, hãy chú ý cho trẻ mặc quần áo phù hợp, đội mũ rộng vành để che chắn cho làn da khỏi tác động của ánh nắng mặt trời nhé.
2. Các nguyên nhân liên quan bệnh lý khiến trẻ bị khô môi
Trẻ bị khô môi bị bệnh gì? Bên cạnh các nguyên nhân thường gặp kể trên khiến môi trẻ bị khô, nứt nẻ, một số vấn đề sức khỏe cũng có thể gây ra tình trạng này.
2.1. Dị ứng
Các phản ứng dị ứng với một số loại thực phẩm hoặc sản phẩm chăm sóc da có thể khiến môi bé trở nên khô và bị kích ứng. Bố mẹ cần xác định và tránh các tác nhân gây dị ứng để giúp giảm bớt vấn đề này cho bé. Nếu bạn không chắc chắn về nguyên nhân gây dị ứng, hãy đưa trẻ đi khám để được bác sĩ tư vấn và làm các xét nghiệm cần thiết.
2.2. Trẻ bị khô môi do bệnh chàm
Tình trạng chàm môi hay còn gọi là viêm môi do chàm là tình trạng viêm hoặc kích ứng trên da môi. Bệnh có thể khiến trẻ bị khô môi, bong tróc và nứt nẻ, thậm chí là gây đau đớn cho trẻ.
Nếu nguyên nhân gây chàm môi là do dị ứng với các sản phẩm như kem đánh răng hoặc kem dưỡng, bạn cần ngưng sử dụng những sản phẩm này cho bé. Tuy nhiên, nếu tình trạng chàm môi là do viêm da cơ địa, bạn cần đưa bé đến gặp bác sĩ để được hướng dẫn cách kiểm soát bệnh.
2.3. Nhiễm nấm Candida
Trẻ bị khô môi là bệnh gì? Khi miệng nhiễm nấm Candida, khóe miệng của trẻ có thể bị nứt nẻ và khô. Tình trạng này cũng có thể gây nhiễm trùng và xuất hiện các mảng trắng dày bên trong miệng.
2.4. Viêm da liếm môi
Trẻ bị khô môi bị bệnh gì? Câu trả lời là có thể bé đã bị viêm da liếm môi. Viêm da liếm môi là tình trạng trẻ thường xuyên liếm môi khi khô miệng để cảm thấy thoải mái, nhưng thực tế điều này lại làm tình trạng tồi tệ hơn. Nước bọt trên môi bốc hơi nhanh chóng khiến môi của bé càng trở nên khô hơn so với trước đó.
2.5. Trẻ bị khô môi là bệnh gì? Viêm môi
Tình trạng môi khô nứt nẻ có thể là dấu hiệu của viêm môi, thường xảy ra trong viền môi hoặc lan qua viền. Ngoài triệu chứng nứt nẻ, bệnh còn gây ra các triệu chứng như đỏ, sưng, teo, đóng vảy, bong vảy, ngứa, đau, nóng, rát… ở môi.
Viêm môi thường là do nhiễm trùng và các bệnh viêm, chẳng hạn như bệnh Crohn.
2.6. Trẻ bị thiếu vitamin và khoáng chất
Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị khô môi thiếu chất gì? Thực tế, khi cơ thể thiếu hụt một số loại vitamin, đặc biệt là vitamin B và C, có thể khiến trẻ bị môi khô, nứt nẻ. Những loại vitamin này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì làn da và đôi môi khỏe mạnh. Do đó, bố mẹ cần đảm bảo một chế độ ăn uống cân đối, giàu trái cây, rau củ cho bé để giúp ngăn ngừa thiếu hụt vitamin và giữ cho đôi môi của trẻ luôn ẩm. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, hãy cho con bú đủ theo nhu cầu của bé và đưa trẻ đến bác sĩ để được tư vấn điều trị tình trạng thiếu chất này.
2.7. Trẻ bị khô, nứt nẻ môi do tác dụng phụ của một số loại thuốc
Một số loại thuốc có thể gây khô môi cho trẻ như thuốc kháng histamin, thuốc lợi tiểu và các liệu pháp trị mụn như isotretinoin. Nếu bạn nghi ngờ rằng thuốc bé đang sử dụng gây khô môi, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để đổi thuốc khác phù hợp hơn nhé.
Mẹo giúp ngăn ngừa nguy cơ trẻ bị khô môi, nứt môi
Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị khô môi phải làm sao? Sau đây là một số cách đơn giản mà bố mẹ có thể áp dụng tại nhà cho con nhé.
1. Cho bé dùng son, sáp dưỡng ẩm
Các loại son hay sáp dưỡng cho bé có chứa những thành phần giúp dưỡng ẩm và an toàn cho môi, như sáp ong hoặc dầu khoáng. Bạn có thể thoa son dưỡng ẩm một lần vào buổi sáng và một lần vào buổi tối trước khi bé đi ngủ hoặc trước khi cho bé ra ngoài khi thời tiết trời lạnh.
Một số lưu ý khi thoa son và sáp dưỡng ẩm cho bé:
- Tránh dùng ngón tay để thoa son dưỡng, vì điều này có thể đưa vi khuẩn vào vùng môi nứt nẻ của bé.
- Không sử dụng son dưỡng có hương vị hoặc mùi thơm, vì chúng có thể khiến bé liếm môi thường xuyên hơn.
- Không dùng son dưỡng có chứa camphor hoặc phenol, vì những thành phần này có thể làm môi khô hơn.
- Sử dụng son dưỡng môi có chỉ số SPF ít nhất là 15 để ngăn ngừa tia tử ngoại khi bé ra ngoài trời.
Mẹo dân gian trị trẻ sơ sinh bị khô môi
2. Các biện pháp thay đổi hành vi
Việc giúp trẻ thay đổi các hành vi cũng góp phần giảm triệu chứng khô môi.
- Đảm bảo trẻ không liếm môi, cắn, bóc lớp da khô trên môi. Trẻ nhỏ thường khá hiếu động, không nghe lời khuyên và thậm chí có xu hướng làm ngược lại những điều người lớn căn dặn. Do đó, bạn không thể bảo “con không được” liếm môi. Thay đó, hãy làm cho trẻ tập trung vào một việc khác để trẻ không còn chú đến đôi môi khô nứt nẻ gây khó chịu của mình.
- Đảm bảo trẻ không bị nghẹt mũi sổ mũi để hạn chế nguy cơ thở bằng miệng tăng tình trạng khô môi. Không khí đi qua đường miệng sẽ dễ gây ra tình trạng khô môi và miệng. Do đó, bố mẹ cần thường xuyên rửa mũi và cho trẻ dùng thuốc điều trị nghẹt mũi, sổ mũi theo hướng dẫn của bác sĩ để khắc phục tình trạng này.
- Giảm bớt sự lo lắng của trẻ. Nhiều trẻ bị khô môi vì hay liếm môi khi lo lắng. Bố mẹ hãy nói chuyện với trẻ thường xuyên một cách nhẹ nhàng và an ủi con để giúp bé bớt lo âu. Tạo ra một môi trường ổn định và an toàn cho trẻ chơi đùa và giữ trẻ tránh xa những tình huống căng thẳng (ví dụ như bị chó sủa, sợ đêm tối).
3. Ngăn ngừa nguy cơ khô da
Bên cạnh việc điều trị tình trạng khô môi cho trẻ, bố mẹ cũng nên phòng ngừa khô môi nứt nẻ bằng cách:
- Quàng khăn cho trẻ khi trời lạnh, khuyến khích đeo khẩu trang khi ra ngoài. Trời lạnh sẽ làm mất độ ẩm trên môi khiến trẻ bị khô môi. Do đó, bạn nên cho bé dùng khăn quàng cổ, có thể che được miệng và mũi càng tốt, để giữ ấm cơ thể.
- Trang bị máy tạo độ ẩm trong phòng của trẻ. Khi vào mùa lạnh, không khí sẽ trở nên lạnh và khô, không chỉ ở bên ngoài mà còn ở trong phòng. Do đó, bạn hãy đặt một máy tạo độ ẩm trong nhà hoặc trong phòng của trẻ để ngăn không khí trở nên quá khô.
- Đảm bảo trẻ nhận đủ lượng chất lỏng cần thiết. Một trong những nguyên nhân phổ biến gây khô môi là thiếu nước. Vì vậy, việc cho trẻ bú hoặc uống đủ lượng chất lỏng là điều rất quan trọng để môi bé không bị khô, nứt nẻ. Đối với trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng, bạn cần cho bé bú thường xuyên hơn. Đối với trẻ từ 6 tháng trở lên, mẹ cần tăng cữ bú và tăng lượng chất lỏng tiêu thụ.
- Cân nhắc về việc dùng kem chống nắng cho trẻ. Lưu ý là kem chống nắng chỉ nên được sử dụng trên môi của trẻ nếu nó được tích hợp trong son dưỡng môi. Không bôi trực tiếp kem chống nắng lên môi của trẻ.
4. Đảm bảo trẻ tránh xa các tác nhân gây dị ứng
Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị khô môi phải làm sao? Bố mẹ cần đảm bảo bé tránh xa các dị nguyên khiến bé bị dị ứng.
- Đảm bảo trẻ tránh xa các tác nhân gây dị ứng: nước hoa, nước xịt phòng, thuốc nhuộm và các chất gây dị ứng tiềm ẩn khác. Ngoài ra, bạn không nên thoa các loại mỹ phẩm như son môi cho trẻ, vì chúng thường chứa hóa chất có thể gây phản ứng khô và dị ứng trên môi của trẻ. Nếu nghi ngờ con dị ứng, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ. Bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm để xác định chính xác yếu tố gây ra phản ứng dị ứng của trẻ.
- Kiểm tra xem kem đánh răng cho bé dùng có chứa chất SLS (natri lauryl sulfate) hay không. Đây là chất có thể làm khô môi và thậm chí gây kích ứng, dẫn đến tình trạng nứt nẻ môi. Bạn hãy kiểm tra danh sách thành phần trên nhãn kem đánh răng của con để chắc chắn không chứa natri lauryl sulfate. Đồng thời, đảm bảo rằng kem đánh răng của trẻ cũng không chứa cinnamates, vì chúng có thể gây kích ứng cho những người có môi bị nứt nẻ.
- Hạn chế cho trẻ ăn trái cây họ cam quýt, như bao gồm chanh, cam, bưởi, quýt. Axit trong các loại trái cây này có xu hướng gây kích ứng môi và có thể khiến môi của trẻ trở nên nhạy cảm với ánh nắng mặt trời. Do đó, độ ẩm trên môi của trẻ sẽ nhanh chóng “bay hơi” dưới ánh nắng, dẫn đến tình trạng trẻ bị khô, nứt nẻ môi.
- Bổ sung các thực phẩm giàu vitamin nhóm B vào chế độ ăn của trẻ. Việc thiếu hụt vitamin B có thể góp phần gây ra tình trạng nứt nẻ môi. Do đó, bạn hãy cho trẻ ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin B hơn, thường có nhiều trong thịt, cá, các loại rau lá xanh như rau chân vịt và cải xoăn, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt.
5. Sử dụng thuốc
Nếu nhận thấy có các mảng đỏ, da khô, có vảy trên môi, vùng da trên và dưới môi hoặc vùng rìa môi của con có thể bé đã mắc viêm da do liếm môi, chứ không phải chỉ đơn thuần là nứt nẻ môi. Lúc này, bạn nên cho bé đi khám để có phương pháp điều trị tốt nhất, thường là thoa một lớp mỏng sáp petroleum jelly lên vùng da bị ảnh hưởng.
Nếu bị viêm da do liếm môi, trẻ cũng có thể có các mảng chàm (da khô, có vảy) ở các vùng khác trên cơ thể. Trong một số trường hợp hiếm gặp, bác sĩ có thể chỉ định dùng steroid nhẹ bôi ngoài da, kem kháng nấm hoặc kem kháng sinh…
Trẻ bị khô môi: Khi nào nên đưa bé đi khám?
Mặc dù trẻ bị khô nứt môi thường là tình trạng nhẹ, không nghiêm trọng, nhưng trong một số trường hợp bạn cần đưa bé đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt:
1. Trẻ bị nứt môi, chảy máu, có kèm theo sốt từ 3-5 ngày trở lên
Nếu tình trạng môi bị nứt đỏ, chảy máu và kèm theo sốt thì đây có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng. Lúc này, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh và kháng nấm để điều trị nhiễm trùng.
2. Môi của trẻ bị khô, nứt đã 2 tuần
Thông thường, tình trạng khô môi có thể phục hồi trong vòng 2-3 tuần. Tuy nhiên, nếu tình trạng kéo dài lâu hơn thì bạn cần đưa bé đến gặp bác sĩ để được đánh giá và điều trị bệnh.
3. Môi khô nứt nẻ, bên trong miệng có các mảng trắng
Đây có thể là triệu chứng của nhiễm nấm Candida, do đó cần có phương pháp điều trị thích hợp để điều trị tình trạng nhiễm nấm.
4. Trẻ có các mảng đỏ, có vảy trên môi, da trên – dưới môi và da ở mép môi…
Trẻ có các mảng đỏ, có vảy trên môi, da trên và dưới môi và da ở mép môi… thường là triệu chứng của viêm da liếm môi. Viêm da liếm môi là tình trạng khá phổ biến ở trẻ em, đặc biệt là trong những tháng mùa đông khô hanh. Nếu bạn thấy trẻ có những mảng đỏ, có vảy trên môi, da trên và dưới môi, và thậm chí lan rộng ra cả vùng da quanh miệng, hãy cho trẻ đến gặp bác sĩ.
Trẻ bị khô môi, nứt môi và các thắc mắc thường gặp
1. Trẻ bị khô môi thiếu chất gì, có nguy hiểm không?
Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh bị khô môi, nẻ môi thiếu chất gì? Thiếu hụt vitamin nhóm B có thể gây khô môi. Ngoài ra, việc thiếu các chất dinh dưỡng khác như kẽm, sắt và thừa vitamin A cũng có thể dẫn đến tình trạng khô môi.
Những tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng này có thể do chế độ ăn uống, tiêu hóa kém, hấp thu kém hoặc một số vấn đề sức khỏe nhất định. Nếu bạn không biết trẻ có môi khô thiếu chất gì, hãy đưa trẻ đến gặp bác sĩ để được làm xét nghiệm và điều trị kịp thời.
2. Trẻ 3-4 tuổi bị nứt môi chảy máu phải làm sao?
Thực tế, tình trạng trẻ 3, 4 hay 5 tuổi bị khô môi chảy máu là rất phổ biến và thường do các nguyên nhân như thiếu nước, chấn thương môi do va chạm, té ngã và dị ứng với thức ăn hoặc mỹ phẩm.
3. Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh bị khô môi, nứt nẻ môi bôi thuốc gì?
Trẻ sơ sinh bị khô môi phải làm sao? Thực tế làn da môi của trẻ sơ sinh khá nhạy cảm, nên bạn hãy cho trẻ đi khám nếu con bị khô môi, nứt nẻ. Bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc bôi hoặc sản phẩm dưỡng phù hợp, như vaseline.
4. Tại sao môi trẻ hay bị lột da?
Môi trẻ hay bị lột da có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra như thời tiết khô hanh, thiếu vitamin hoặc nước, trẻ có thói quen hay liếm môi. Trong một số trường hợp đây có thể là dấu hiệu của một tình trạng sức khỏe nghiêm trọng hơn. Để khắc phục tình trạng này, bố mẹ cần đảm bảo bổ sung đủ chất lỏng cho bé, dưỡng ẩm môi và có chế độ dinh dưỡng phù hợp. Trường hợp bé bị lột da môi kéo dài, bố mẹ nên cho bé đi khám sớm nhé!
Tình trạng môi khô, nứt nẻ môi sẽ khiến các bé đau đớn và khó chịu. Qua bài viết này, Hello Bacsi mong rằng các bố mẹ có thêm kiến thức trong việc chăm sóc con tốt hơn khi trẻ bị môi khô.
[embed-health-tool-vaccination-tool]