backup og meta

Trẻ bị nghẹt mũi, chảy nước mũi: Nguyên nhân do đâu, khắc phục thế nào?

Trẻ bị nghẹt mũi, chảy nước mũi: Nguyên nhân do đâu, khắc phục thế nào?

Bé bị nghẹt mũi, chảy nước mũi là vấn đề rất thường gặp, nhất là khi có những thay đổi về thời tiết, môi trường. Tuy hầu hết trường hợp là không nghiêm trọng nhưng thường khiến bé khó chịu, cản trở khả năng hoạt động hàng ngày. 

Tình trạng bé bị nghẹt mũi, có thể kèm theo chảy nước mũi hoặc không, xảy ra khi các mô ở lớp niêm mạc mũi bị sưng lên do các mạch máu bị viêm. Nước mũi chảy ra là các dịch nhầy được sản sinh quá mức và bị đẩy ra ngoài. Đôi khi, dịch nhầy quá nhiều và chảy ngược về sau thành họng (chảy dịch mũi sau), có thể gây ra những triệu chứng khác như ho, đau họng. Vậy nguyên nhân từ đâu khiến bé bị nghẹt mũi, chảy nước mũi và phải làm sao khi bé sơ sinh bị nghẹt mũi? Hãy cùng Hello Bacsi giải đáp tất cả thắc mắc xung quanh tình trạng này qua bài viết sau đây các bố mẹ nhé.

Trẻ bị nghẹt mũi, chảy nước mũi là do đâu? 

Thực tế, có rất nhiều lý do khiến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị nghẹt mũi, có hoặc không chảy nước mũi, bao gồm:

Vậy trường hợp bé bị nghẹt mũi nhưng không chảy nước mũi có sao không? Thực chất, tình trạng này cũng khá phổ biến ở trẻ nhỏ vì sức đề kháng của các con còn yếu và dễ bị viêm nhiễm đường hô hấp. Hầu hết các trường hợp trẻ bị nghẹt mũi nhưng không chảy nước mũi đều mau khỏi.

Bố mẹ cần lưu ý

  • Nếu trẻ khụt khịt mũi nhưng không có nước mũi mà lại kèm theo những triệu chứng như thở khò khè, ho có đờm kéo dài… thì rất có thể là bé gặp phải vấn đề ở phế quản. Lúc này,  mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay vì nếu không kịp thời chữa trị sẽ có nguy cơ cao bị biến chứng thành viêm phổi.
  • Trường hợp trẻ bị nghẹt mũi nhưng không chảy nước mũi mà tái đi tái lại nhiều lần cũng có khả năng là mắc chứng dị tật bẩm sinh nào đó hoặc bị bệnh lao, phù phổi… Vì thế, bạn cần đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra, điều trị ngay từ sớm.

Trẻ bị nghẹt mũi, chảy nước mũi phải làm sao? 

bé bị nghẹt mũi chảy nước mũi

Khi trẻ bị nghẹt mũi, kèm chảy nước mũi hoặc không chảy nước mũi, cha mẹ cần có những biện pháp giúp giảm nhẹ tình trạng này, giúp đường thở của trẻ thông thoáng hơn, ngăn ngừa những diễn biến nặng có thể xảy ra.

1. Vệ sinh sạch sẽ khoang mũi cho bé bằng nước muối sinh lý 

Một trong những cách chữa nghẹt mũi an toàn cho bé là rửa mũi bằng nước muối sinh lý. Cách làm này sẽ giúp loại bỏ bụi bẩn và làm sạch chất nhầy bên trong khoang mũi.

Nếu trẻ bị nghẹt mũi nhưng không chảy nước mũi thuộc trường hợp có dịch mũi nhưng không thể chảy ra ngoài, việc rửa mũi bằng nước muối sinh lý sẽ giúp làm loãng chất nhầy đặc bên trong mũi.

Đối với những trường hợp sưng lớp niêm mạc mũi khiến trẻ bị nghẹt mũi, nước muối sinh lý có tác dụng sát khuẩn, diệt virus trong khoang mũi, giảm sưng viêm bên trong mũi.

2. Tắm cho bé bằng nước ấm và tinh dầu 

Việc tắm nước ấm là phương pháp vô cùng hiệu quả đối với trẻ bị nghẹt mũi. Việc hít thở hơi ấm từ nước bốc lên sẽ giúp mạch máu mũi giãn nở, nhờ đó mà máu lưu thông dễ dàng hơn, giảm tình trạng tắc nghẽn và sưng viêm bên trong mũi.

Việc thêm 1 – 2 giọt tinh dầu thiên nhiên vào nước tắm có tác dụng giúp bé dễ thở và tinh thần thư thái hơn. Lưu ý, không dùng tinh dầu cho trẻ sơ sinh và tìm hiểu kỹ về những loại tinh dầu phù hợp có thể dùng cho trẻ nhỏ.

3. Cách điều trị trẻ bị nghẹt mũi, chảy nước mũi: Xông mũi với hơi nước ấm

Bên cạnh việc tắm nước ấm, các mẹ cũng có thể xông mũi cho trẻ vào buổi tối trước khi đi ngủ để bé dễ thở và ngủ ngon hơn. Bạn có thể áp dụng cách xông mũi truyền thống (đun sôi nước cho ra tô hoặc thau để xông mũi) hoặc cho bé dùng máy xông mũi chuyên dụng.

Tuy nhiên, phương pháp xông mũi không áp dụng cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 3 tháng tuổi. Ngoài ra, mẹ chú ý không xông mũi cho trẻ quá lâu và cần đảm bảo an toàn, tránh để trẻ bị phỏng da.

4. Đảm bảo trẻ nhận đủ lượng chất lỏng cần thiết

tăng cữ bú mẹ cho trẻ bị nghẹt mũi

Việc cơ thể có đủ lượng dịch lỏng không chỉ giúp hệ tuần hoàn lưu thông dễ dàng hơn mà còn làm loãng dịch nhầy bên trong mũi. Do đó, trẻ bị nghẹt mũi nên nhận đủ lượng chất lỏng cần thiết, tùy theo từng độ tuổi.

Đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi sẽ cần tăng cữ bú sữa mẹ hoặc bú sữa bình để bổ sung thêm chất lỏng cho cơ thể. Những trẻ lớn hơn có thể tăng lượng nước uống vào hoặc bổ sung nước trái cây, nước mật ong ấm.

Chú ý

Mẹ không nên cho trẻ dưới 1 tuổi dùng mật ong vì nguy cơ ngộ độc có thể xảy ra.

5. Massage cánh mũi cho trẻ

Việc massage nhẹ nhàng hai bên cánh mũi có thể giúp chất nhầy loãng ra, dễ dàng tống xuất hoặc được hút ra ngoài. Từ đó, vấn đề nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được cải thiện.

Massage vào một số huyệt trên vùng mũi sẽ làm lưu thông máu ở mũi một cách đáng kể. Hãy hỏi bác sĩ về những cách massage mũi phù hợp, giúp chữa nghẹt mũi cho trẻ.

6. Chườm ấm

Để giúp trẻ bị nghẹt mũi dễ thở hơn, bạn có thể áp dụng phương pháp chườm ấm. Cách này sẽ làm máu bên trong mũi lưu thông dễ dàng hơn, giảm sưng ở niêm mạc mũi. Nhờ đó, tình trạng nghẹt mũi của trẻ cũng được cải thiện.

Cách chườm ấm mũi rất đơn giản. Mẹ chỉ cần dùng một chiếc khăn sạch, ẩm và ấm đắp ngang mũi là đã có thể giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn rồi đấy!

7. Điều chỉnh tư thế ngủ

Một trong những mẹo chữa nghẹt mũi cho trẻ nhỏ là điều chỉnh lại tư thế ngủ của bé. Bạn có thể dùng khăn mềm gấp lại rồi kê cao phần đầu và vai cho bé. Với cách làm này, nước mũi sẽ chảy xuống vùng họng của trẻ, không bị ứ đọng trên mũi nên khắc phục được tình trạng nghẹt mũi, giúp bé ngủ ngon hơn.

Lưu ý, bé sơ sinh và bé nhỏ dưới 2 tuổi bị nghẹt mũi thì không áp dụng cách thức này vì có nguy cơ gây đột tử (SIDS).

8. Vỗ lưng cho bé

Một mẹo dân gian giúp chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ được cho là an toàn, hiệu quả chính là vỗ lưng cho bé. Hành động này có thể giúp long đờm, làm loãng chất nhầy trong ngực, hỗ trợ bé ho ra đờm dễ dàng hơn.

Cách vỗ lưng đúng cách như sau

  • Bước 1: Đặt bé nằm ngang đầu gối của bạn hoặc đỡ bé ngồi lên đùi bạn với cơ thể bé nghiêng về phía trước khoảng 30 độ.
  • Bước 2: Khum bàn tay lại rồi vỗ nhẹ nhàng vào lưng của bé. 

9. Cải thiện chất lượng không khí

dùng máy locj không khí giúp bé dễ thở hơn

Việc hít thở không khí hanh khô có thể khiến trẻ cảm thấy khó thở hơn, cũng như không có lợi đối với tình trạng nghẹt mũi. Để cải thiện triệu chứng này, bạn cần duy trì độ ẩm cho không khí trong môi trường sống. Bạn có thể sử dụng máy tạo độ ẩm không khí, nhất là khi trời quá hanh khô, để làm dịu triệu chứng khi trẻ bị nghẹt mũi.

Ngoài ra, một số tác nhân gây kích ứng đường hô hấp có thể khiến bé bị nghẹt mũi, chẳng hạn như hóa chất, nước hoa, khói thuốc lá… Nếu nghi ngờ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị nghẹt mũi do hít phải những tác nhân dị ứng này thì bạn nên sử dụng máy lọc không khí cho gia đình hoặc tìm cách loại bỏ những dị nguyên này khỏi không gian sinh hoạt của trẻ.

10. Thoa dầu khuynh diệp lên lòng bàn chân, quần áo của bé

Việc sử dụng dầu thoa vào lòng bàn chân là một mẹo được nhiều người áp dụng khi bé sơ sinh bị nghẹt mũi. Theo dân gian, lòng bàn chân có liên quan mật thiết đến nhiệt độ cơ thể cũng như sức khỏe hệ hô hấp. Do đó, việc giữ ấm bàn chân cho bé rất quan trọng.

Việc thoa dầu khuynh diệp vào lòng bàn chân bé có thể giúp giữ ấm chân, giảm nguy cơ cảm lạnh. Bạn có thể massage lòng bàn chân của bé nhẹ nhàng với dầu khuynh diệp trong 1 – 2 phút. Lưu ý, không dùng quá nhiều dầu để tránh gây nóng rát da bé.

11. Súp gà: Món ăn tốt cho bé bị nghẹt mũi, sổ mũi 

Các nghiên cứu đã cho thấy súp gà thực sự làm giảm các triệu chứng cảm lạnh như đau nhức, mệt mỏi, nghẹt mũi và sốt. Ngoài ra, nước thịt luộc cũng có tác dụng tương tự nếu dùng cho trẻ tập ăn dặm.

Lưu ý, cách thức trị nghẹt mũi này chỉ dùng cho trẻ trên 6 tháng tuổi đã tập ăn dặm và không dị ứng với thịt gà mẹ nhé. 

12. Dạy trẻ cách hỉ mũi để chữa ngạt mũi, sổ mũi 

dạy trẻ cách hỉ mũi để bớt ngạt mũi, sổ mũi

Với những trẻ đã lớn hơn có khả năng kiểm soát khả năng hít thở bằng mũi, mẹ có thể dạy trẻ cách xì mũi để giảm bớt tình trạng ngạt mũi, sổ mũi. Trước hết, mẹ cần làm mẫu để con cảm thấy thú vị và bắt chước theo, hãy dùng mũi thở ra hơi mạnh để làm bay tờ khăn giấy đặt trên mặt. Qua nhiều lần tập thử, trẻ sẽ học được cách xì mũi vào khăn giấy thuần thục.

Để kích thích tinh thần của trẻ, mẹ có thể tự tạo ra một cuộc thi thử di chuyển đồ vật bằng cách dùng sức thở mạnh bằng mũi để trẻ làm quen với việc xì mũi.

13. Dùng thuốc trị nghẹt mũi, sổ mũi cho trẻ

Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại thuốc trị nghẹt mũi cho trẻ, bạn nên lưu ý chỉ cho trẻ dùng loại thuốc theo đúng độ tuổi quy định. Tuyệt đối không tự ý cho trẻ sơ sinh dùng thuốc trị nghẹt mũi nếu không có chỉ định từ bác sĩ.

Ngoài ra, trước khi cho trẻ em dùng những loại thuốc này, mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ xem có nên dùng hay không và liều lượng dùng thế nào để đảm bảo an toàn.

Bé bị nghẹt mũi, sổ mũi và các thắc mắc thường gặp 

1. Trẻ bị sổ mũi lâu ngày có nguy hiểm không, có thể gặp phải biến chứng gì? 

Thông thường, tình trạng sổ mũi ở trẻ em có thể tự biến mất. Khi sổ mũi kéo dài hơn 10 ngày thì có thể là dấu hiệu cảnh báo một vấn đề nghiêm trọng hay một bệnh lý nào đó. Trong trường hợp này, bạn nên đưa trẻ đi khám để được chẩn đoán và điều trị triệt để.

Thực tế là câu trả lời cho thắc mắc trẻ bị sổ mũi lâu ngày có nguy hiểm không còn tùy vào nguyên nhân. Cụ thể:

  • Nếu bé bị sổ mũi kéo dài do vướng dị vật trong mũi, trẻ cần được can thiệp cấp cứu ngay để tránh gây nghẹt thở hay biến chứng nguy hiểm.
  • Nếu nguyên nhân gây sổ mũi do lệch vách ngăn mũi tuy không phải trường hợp khẩn cấp nhưng có thể cần trải qua phẫu thuật chỉnh hình để khắc phục cấu trúc mũi cho trẻ.
  • Những trường hợp khác cũng cần phải xác định được tác nhân gây sổ mũi lâu ngày để có cách điều trị phù hợp.

Một số biến chứng có thể xảy ra nếu trẻ bị sổ mũi lâu ngày không được điều trị gồm:

  • Ảnh hưởng đến sự phát triển răng miệng và sức khỏe đường hô hấp, sức khỏe tổng thể.
  • Tai và thính giác bị ảnh hưởng vì tai giữa thông với phía sau mũi (vòm họng).
  • Gây ra những triệu chứng, bệnh lý khác như ho, đau họng, viêm họng,…

2. Trẻ bị nghẹt mũi, sổ mũi: Có nên hút mũi cho trẻ? 

hút mũi cho bé

Khi tình trạng nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ khiến con yêu cảm thấy khó chịu, cha mẹ hãy cân nhắc việc sử dụng máy hoặc dụng cụ hút mũi để hỗ trợ trẻ loại bỏ chất nhầy dư thừa. Trước khi hút, bạn dùng nước muối sinh lý nhỏ vào 2 mũi của con rồi chờ khoảng vài giây, đặt con nằm nghiêng sau đó bấm bật máy hút hoặc hút bằng miệng qua đường ống dụng cụ hút mũi.

Việc nhỏ nước muối sinh lý nhằm mục đích làm loãng dịch nhầy trong mũi, đồng thời vệ sinh sạch sẽ khu vực này để tránh cho tình trạng viêm nhiễm trở nên nghiêm trọng hơn. Tuy nhiên, mẹ không nên lạm dụng việc hút mũi quá nhiều lần trong ngày vì có thể gây kích ứng niêm mạc mũi của trẻ.

3. Có nên áp dụng mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh không, cần lưu ý gì? 

Nghẹt mũi là một triệu chứng phố biến và thường không gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh nhưng sẽ khiến trẻ cảm thấy khó chịu, quấy khóc. Lúc này, các mẹ thường nghe những bí kíp truyền tai và băn khoăn có nên áp dụng mẹo dân gian chữa nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh không?

Câu trả lời là không nên tự ý áp dụng do những phương pháp này gần như chưa được kiểm chứng về độ an toàn và hiệu quả, có nguy cơ gây ra một số tác dụng phụ. Tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn những phương pháp có thể áp dụng để giảm nghẹt mũi cho trẻ sơ sinh tại nhà.

4. Có thể phòng tránh nguy cơ nghẹt mũi, sổ mũi cho trẻ không? 

Để phòng ngừa nguy cơ nghẹt mũi, sổ mũi cho trẻ, cha mẹ nên:

  • Giữ vệ sinh nhà cửa, không gian sống sạch sẽ, thông thoáng, duy trì độ ẩm phù hợp.
  • Bổ sung chất lỏng đầy đủ cho trẻ.
  • Tránh cho trẻ tiếp xúc với các chất từng gây dị ứng trước đây.
  • Không cho trẻ chơi những đồ vật nhỏ có khả năng lọt vào mũi, họng.

5. Trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ bị sổ mũi, nghẹt mũi: Khi nào cần đi khám? 

Một số trường hợp khi trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ bị sổ mũi, nghẹt mũi cùng những triệu chứng sau thì cần đưa con đến gặp bác sĩ ngay:

  • Thường xuyên sốt cao.
  • Chất nhầy trong mũi có màu xanh hoặc vàng.
  • Trẻ khó thở hoặc thở rất nhanh. Nếu trẻ dưới 2 tuổi và thở hơn 45 lần một phút, bạn hãy đưa trẻ đến bác sĩ ngay.
  • Trẻ khó chịu ở tai, có nguy cơ nhiễm trùng tai.
  • Phát ban.
  • Nghẹt mũi cùng với sưng trán, mắt, mũi hoặc má.
  • Nghẹt mũi hơn 2 tuần trở lên.
  • Khó khăn khi ăn uống hoặc biếng ăn.
  • Con quấy khóc nhiều hoặc có biểu hiện đau đớn.

Hello Bacsi hi vọng rằng qua vài viết trên, các bố mẹ đã biết thêm được nhiều thông tin hữu ích về tình trạng trẻ bị nghẹt mũi. Hãy nhớ đừng chủ quan với bất kỳ triệu chứng nào dù thường gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và luôn quan sát, theo dõi biểu hiện của trẻ để kịp thời can thiệp, điều trị.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

My baby has a stuffy nose. How can I help them sleep safely? https://www.healthychildren.org/English/tips-tools/ask-the-pediatrician/Pages/my-baby-has-a-stuffy-nose-how-can-i-help-them-sleep-safely.aspx Ngày truy cập 30/11/2024

What Kind of Stuff Clears up a Stuffy Nose? https://www.nationwidechildrens.org/family-resources-education/700childrens/2015/12/what-kind-of-stuff-clears-up-a-stuffy-nose Ngày truy cập 30/11/2024

Nasal congestion in infants and children: a literature review on efficacy and safety of non-pharmacological treatments https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25336097/ Ngày truy cập 30/11/2024

Nasal Obstruction https://www.stanfordchildrens.org/en/service/ear-nose-throat/conditions/nasal-obstruction Ngày truy cập 30/11/2024

Stuffy or runny nose – children https://www.mountsinai.org/health-library/symptoms/stuffy-or-runny-nose-children Ngày truy cập 30/11/2024

Why does my child always have a stuffy nose? https://peds-ent.com/child-always-stuffy-nose/ Ngày truy cập 30/11/2024

10 tips for getting rid of a stuffy nose https://www.medicalnewstoday.com/articles/313808 Ngày truy cập 30/11/2024

Phiên bản hiện tại

04/12/2024

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Lê Chí Hiếu

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Nhiễm trùng đường ruột ở trẻ sơ sinh: Triệu chứng và cách điều trị

Kiểm tra màu phân của bé giúp mẹ đoán được điều gì về sức khoẻ tiêu hoá của con?


Tham vấn y khoa:

Thạc sĩ - Bác sĩ CKI Lê Chí Hiếu

Nhi khoa · Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: Tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo