backup og meta

Bật mí 18 cách dỗ trẻ sơ sinh khóc bố mẹ đã biết chưa?

Bật mí 18 cách dỗ trẻ sơ sinh khóc bố mẹ đã biết chưa?

Việc trẻ quấy khóc thường xuyên có thể khiến cha mẹ rất căng thẳng, mệt mỏi, áp lực. Vậy làm thế nào để đối phó với tình trạng này của trẻ một cách êm đẹp hay cách dỗ trẻ sơ sinh khóc như thế nào mới hiệu quả? 

Thực tế, không một giải pháp hoàn hảo nào có thể “trị” dứt điểm tất cả những cơn quấy khóc của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, đôi khi một vài cách áp dụng không đúng lúc còn làm tình trạng trở nên tồi tệ hơn. Tuy vậy, cha mẹ vẫn nên nhớ một vài chiến lược có thể giúp giải quyết cơn quấy khóc của trẻ có khả năng thành công cao. Bạn nên thực hiện cố định một cách dỗ trẻ sơ sinh khóc trong một khoảng thời gian để chờ xem có hiệu quả không trước khi thử một cách dỗ khác ngay. Sau đây, Hello Bacsi sẽ giúp bạn hiểu hơn về việc tại sao trẻ quấy khóc và gợi ý 18 cách dỗ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ hữu hiệu được nhiều cha mẹ áp dụng.

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ khóc: Nguyên nhân do đâu? 

Tiếng khóc được xem như phương tiện giao tiếp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ vì các con chưa thể sử dụng ngôn ngữ để bày tỏ nhu cầu bản thân. Thế nên, nhiều cha mẹ sẽ gặp khó khăn trong việc phân biệt, “giải mã” tiếng khóc của con. Trẻ sơ sinh có thể khóc ban ngày hoặc khóc ban đêm do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:

  • Cảm thấy đói
  • Không thoải mái
  • Bực bội
  • Mệt mỏi, khó chịu
  • Cảm thấy cô đơn, cần được ôm ấp, xoa dịu… 

Một số trường hợp bạn sẽ dễ dàng dỗ trẻ sơ sinh khóc bằng cách cho con bú hoặc thay tã mới. Đôi lúc, trẻ khóc vì cần được bế bồng, dỗ dành. Bạn nên có phản ứng lại với tiếng khóc của con, đừng sợ “làm hư” trẻ và khiến trẻ phụ thuộc vào cha mẹ. Trên thực tế, có một sự thật đối nghịch khá thú vị là những em bé được đáp ứng nhu cầu kịp thời thường sẽ tự lập và ít đòi hỏi hơn.

Trẻ khóc dạ đề tháng thứ mấy?

Một vài trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh có tình trạng quấy khóc dai dẳng nhiều giờ liền nhưng không thể dỗ dành được gọi là khóc dạ đề (còn gọi là hội chứng Colic). Tình trạng khóc dạ đề thường thấy ở trẻ khoảng 2 – 5 tuần tuổi và giảm dần khi trẻ lớn hơn, thường kết thúc lúc 3 – 4 tháng tuổi.
Nguyên nhân dẫn đến việc trẻ khóc dạ đề vẫn chưa được biết rõ. Giả thiết được đưa ra là do hệ tiêu hóa còn non yếu nên con khó có thể dung nạp được một số chất có trong sữa mẹ hoặc sữa công thức. Một số nhà nghiên cứu thì cho rằng hệ thần kinh của trẻ sơ sinh chưa phát triển ổn định nên trẻ cảm thấy đau khi ợ hơi. Những điều này khiến con khó chịu và sinh ra tình trạng quấy khóc không dứt.

Bật mí 18 cách dỗ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nín khóc 

trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh quấy khóc

Để dỗ trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ nín khóc, cha mẹ cần linh hoạt trong từng trường hợp để đoán xem nhu cầu thật sự sau tiếng khóc của con là gì.

1. Cần xác định nguyên nhân bé khóc 

Trẻ quấy khóc thì làm gì hay cách dỗ bé nín khóc là gì? Trước khi cho rằng trẻ quấy khóc vô cớ, các mẹ hãy thử kiểm tra những thứ có thể gây khó chịu cho con và giải quyết chúng. Một số trường hợp bé khóc và cách đáp ứng nhu cầu cho con là:

  • Đói bụng: Mẹ hãy cho bé bú, nhưng đừng cho rằng lúc nào cũng dùng thức ăn để dỗ bé nín. Bạn chỉ nên cho bé ăn khi con có nhu cầu thật sự.
  • Bé mệt: Hãy bế bé lên hoặc đặt trong xe đẩy hoặc trong nôi và ru bé ngủ.
  • Tã bị ướt: Hãy kiểm tra và thay tã cho bé.
  • Bé quá nóng: Hãy cởi bớt quần áo, mở cửa sổ ra hoặc bật quạt, máy lạnh.
  • Bé cảm thấy lạnh: Hãy mặc thêm quần áo, giảm quạt hoặc máy lạnh.
  • Khi cởi quần áo để tắm rửa: Hãy quấn bé bằng một chiếc khăn tắm mềm.
  • Con cần đổi tư thế nằm: Nếu bạn nghĩ việc bé ở cùng một tư thế trong thời gian quá lâu có thể gây khó chịu, hãy thử đặt bé ở tư thế mới.
  • Bé muốn được ra ngoài: Nếu bé đã ở trong nhà suốt cả ngày, hãy đưa bé ra ngoài nếu thời tiết đẹp.

2. Gần gũi, ôm ấp bé 

Con quấy khóc phải làm sao, cách dỗ em bé nín khóc là làm gì? Các nghiên cứu chỉ ra rằng những em bé được bế hay địu trong ít nhất 3 giờ mỗi ngày sẽ ít khóc hơn những trẻ không được bế thường xuyên. Việc bế bé không những cho bé niềm vui thích vì được gần gũi với cha mẹ mà còn giúp cha mẹ hiểu hơn các nhu cầu của bé.

3. Quấn bé bằng khăn lớn, mỏng

Nếu muốn tìm cách dỗ trẻ sơ sinh khóc, bạn hãy quấn bé vào một tấm chăn hoặc khăn mềm, mỏng. Hành động này cực kỳ hữu ích trong việc làm dịu cơn khóc của bé. Nó cũng giúp làm giảm khả năng bé thức giấc do phản xạ giật mình và giúp bé ngủ lâu hơn. Để quấn bé, bạn có thể làm theo 3 bước sau:

  • Bắt đầu bằng việc để bé nằm trên tấm khăn và hai cánh tay ở hai bên.
  • Kéo phía bên trái của tấm khăn qua cơ thể bé và gấp nó lại
  • Kéo từ dưới lên
  • Kéo phía bên phải trên và gấp lại.

Đây là một kỹ thuật hữu ích cho bé từ khi mới sinh cho đến 4 tháng tuổi giúp hạn chế tình trạng bé quấy khóc đêm hoặc ngày.

4. Tạo sự thoải mái cho bé 

Cách dỗ trẻ sơ sinh khóc: tạo sự thoải mái cho bé

Một cách dỗ em bé khi khóc là hãy tạo sự thoải mái cho bé. Khi trẻ quấy khóc liên tục, mẹ có thể làm cho bé thoải mái bằng nhiều cách khác nhau. Bên cạnh việc ôm ấp, mặc quần áo cho bé và âu yếm bé, hãy thử bất kỳ hoặc lần lượt tất cả những điều sau đây:

  • Bế bé trong vòng tay và đặt cơ thể bé nằm nghiêng về bên trái để hỗ trợ tiêu hóa.
  • Đẩy bé đi lòng vòng trong nhà hoặc đẩy đi đạo ngoài trời để tạo không gian mới cho bé cảm thấy tò mò và nhìn ngắm xung quanh.
  • Cho bé tắm nước ấm và tìm cách để bé thích được tắm.
  • Hãy thử hát một vài giai điệu xem liệu có thể làm xoa dịu bé bằng những lời hát ru êm ái hay giai điệu vui vẻ hoặc sôi động không.
  • Âm thanh có nhịp điệu: Nhiều bé đang quấy khóc sẽ điềm tĩnh lại khi nghe âm thanh đều đều của quạt máy, máy hút bụi, tiếng sóng biển vỗ, tiếng gió thổi…
  • Đối với những bé thích được vuốt ve thì việc massage có thể rất hiệu quả để làm dịu cơn khóc.

5. Sử dụng tiếng ồn trắng

Tiếng ồn trắng (white noise) là những âm thanh đặc biệt dễ chịu, có thể giúp “làm mờ” những tiếng ồn xung quanh để giúp trẻ nhỏ dễ đi vào giấc ngủ. Một cách để dỗ trẻ sơ sinh khóc đêm mà các mẹ có thể thử là dùng tiếng ồn trắng để con cảm thấy dễ chịu và dễ ngủ hơn, bớt cáu gắt, quấy khóc vì không ngủ được.

Khi bật tiếng ồn trắng, hãy điều chỉnh âm lượng phù hợp với tâm trạng bé. Khi bé đang khóc, bạn nên tăng âm lượng lên gần bằng tiếng khóc để kích hoạt phản xạ làm dịu ở bé. Thông thường, tiếng khóc của trẻ có thể đạt tới mức 100 – 120 decibel nên hãy chỉnh âm lượng tiếng ồn trắng ở khoảng 85 decibel.

6. Cho bé dùng núm vú giả 

Một cách dỗ bé nín khóc hay mẹo chữa trẻ hay quấy khóc là hãy cho bé dùng núm vú giả. Nhiều em bé cần ngậm vú vì yêu thích chứ không phải do đói. Do đó, mẹ có thể thử cho bé ngậm ti giả nhé.

7. Tạo một chút áp lực lên bụng bé 

tạo áp lực lên bụng bé

Cách dỗ trẻ sơ sinh khóc thế nào? Bạn có thể tạo chút áp lực lên bụng bé. Hãy chọn bất cứ tư thế bế nào có thể tạo chút áp lực nhẹ lên bụng bé. Việc này có thể giảm bớt sự khó chịu đang làm trẻ quấy khóc. Bé có thể thích:

  • Được bế với tư thế vác vai
  • Nằm sấp và vuốt ve, vỗ về lưng bé
  • Nằm ngửa, nhẹ nhàng đẩy hai đầu gối bé lên đến dạ dày và giữ tư thế này khoảng một vài phút, sau đó thả ra và nhẹ nhàng duỗi thẳng chân, lặp lại như vậy vài lần.

8. Không cho bé bú quá nhiều

Việc cho bé bú quá nhiều cũng có thể khiến con cảm thấy khó chịu, dẫn đến quấy khóc. Nhiều trẻ khi đã no căng bụng nhưng vẫn đòi bú thì mẹ nên cân nhắc. Tốt nhất, các mẹ nên chờ ít nhất 2 – 2,5 giờ sau lần bú trước mới cho bé bú cữ tiếp theo.

Nếu bé vẫn đòi bú nhưng chưa đến cữ  bú, hãy đưa ti giả hoặc cho bé mút ngón tay cái để con cảm thấy được xoa dịu.

9. Cho bé bú đúng tư thế để giảm lượng khí mà con nuốt

Một mẹo chữa trẻ hay quấy khóc khác là làm giảm lượng khí mà bé nuốt. Nhiều em bé khó chịu vì nuốt nhiều không khí. Để giảm lượng khí bé nuốt phải, bạn cần chú ý:

  • Với bé bú mẹ, mẹ nên điều chỉnh tư thế cho bú đúng cách.
  • Với bé bú bình, bạn nên cho bé bú trong tư thế hơi thẳng đứng

Đừng quên, thực hiện động tác vỗ bé ợ hơi thường xuyên sau khi bú để giúp giải phóng lượng khí đã nuốt vào.

10. Tuân thủ lịch trình sinh hoạt của con 

Cách làm em bé hết khóc là hãy tuân thủ lịch trình sinh hoạt của con. Nếu mẹ đang áp dụng lịch sinh hoạt theo một trình tự nhất định cho bé (chẳng hạn như phương pháp EASY), hãy giữ đúng thời gian biểu hàng ngày (ăn, tắm, thay tã, ra ngoài, hay trình tự lúc đi ngủ) để có thể xoa dịu cơn khóc của bé.

11. Hãy hạn chế sự phấn khích tác động lên bé 

Làm giảm sự phấn khích của bé cũng là một cách làm em bé hết khóc. Một số bé có thể khóc khi bị kích động. Nếu bé quấy khóc trong trường hợp này, hãy hạn chế sự phấn khích, hạn chế người đến chơi và những yếu tố kích thích, đặc biệt là vào buổi tối hoặc chiều tối.

12. Đảm bảo phòng ngủ luôn tối, yên tĩnh và mát mẻ 

Đảm bảo phòng ngủ luôn tối, yên tĩnh và mát mẻ

Tại sao trẻ sơ sinh hay khóc đêm? Lý do có thể là trẻ không vô giấc ngủ được vì môi trường xung quanh có nhiều yếu tố tác động như ánh sáng lạ, tiếng ồn hoặc nhiệt độ phòng khiến con không thoải mái. 

Nếu thấy trẻ sơ sinh hay khóc đêm và có biểu hiện trằn trọc, ngủ không sâu giấc thì các mẹ nên đảm bảo phòng ngủ được tắt hết đèn, giữ yên tĩnh hoặc có thể bật tiếng ồn trắng để dỗ trẻ vào giấc ngủ, đồng thời điều chỉnh nhiệt độ phòng phù hợp với con.

13. Ghi nhật ký về thời điểm bé thức, ngủ, ăn và khóc

Hãy thử ghi lại nhật ký về các thời điểm bé ăn, ngủ, thức và khóc để theo dõi thói quen của con. Nếu không tìm được cách dỗ trẻ sơ sinh khóc hiệu quả, bạn có thể trao đổi nhật ký này với bác sĩ để tìm hiểu về hành vi của bé. Bác sĩ sẽ giúp bạn đánh giá tình trạng bé quấy khóc có liên quan đến những hành vi khác hay không và đưa ra cách dỗ phù hợp.

14. Giới hạn mỗi giấc ngủ ngày của bé 

Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh thường ngủ rất nhiều nhưng chia thành nhiều giấc ngủ ngắn. Khi trẻ lớn hơn, tổng thời gian ngủ mỗi ngày giảm dần nhưng thời gian ngủ mỗi giấc sẽ tăng lên. Trung bình, trẻ sơ sinh có thể ngủ 8 – 9 giờ vào ban ngày và khoảng 8 giờ ban đêm, mỗi giấc ngủ chỉ kéo dài 1 – 2 giờ. Đến khoảng 3 tháng tuổi, một số bé có thể bắt đầu ngủ liền mạch khoảng 6 – 8 giờ/giấc mỗi đêm mà không tỉnh giấc giữa chừng.

Khi trẻ trên 1 tuổi, số giấc ngủ mỗi ngày chỉ còn khoảng 2 giấc với tổng thời lượng ngủ khoảng 11 – 14 giờ. Do đó, bạn nên giới hạn giấc ngủ ngày của trẻ không nên quá 3 giờ vào ban ngày để con không bị mất ngủ vào ban đêm và quấy khóc.

15. Kiên nhẫn, chờ đợi cơn khóc của bé qua đi

Cách dỗ trẻ nín khóc ra sao? Thỉnh thoảng, cha mẹ không làm được gì để dỗ trẻ nín ngoài việc đợi thời gian trôi qua. Những cơn quấy khóc của bé rồi cũng sẽ kết thúc, thường là khi bé được 3 tháng tuổi.

Một số trường hợp đặc biệt không thể dỗ bé nín, các chuyên gia gợi ý bạn hãy tạo ra thói quen cho trẻ là để quấy khóc trong vòng 10 – 15 phút ở một nơi an toàn rồi mới bế bé lên, dỗ dành trong khoảng 15 phút. Sau đó, bạn lại đặt bé xuống và lặp lại quá trình này nếu con vẫn khóc.

16. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân/ người xung quanh 

Tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân, người xung quanh 

Mẹo dỗ trẻ sơ sinh quấy khóc là gì? Đây không hẳn là mẹo chữa trẻ hay quấy khóc nhưng bạn nên tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè nếu thấy cần thiết khi trẻ quấy khóc quá nhiều. Điều này đôi khi rất hiệu quả trong việc giảm tình trạng quấy khóc của trẻ và giúp bạn bớt áp lực khi chăm bé.

Đôi khi, trẻ có cảm giác hờn mát, giận dỗi cha mẹ hay đơn giản là con muốn chơi với người khác, muốn người khác vỗ về. Do đó, bạn có thể gặp phải trường hợp trẻ sơ sinh mẹ bế thì khóc người khác bế thì nín nên đừng ngần ngại nhờ sự giúp đỡ từ mọi người xung quanh.

17. Thay đổi chế độ ăn nếu nguyên nhân bé quấy khóc là do dị ứng thực phẩm

Nhiều cha mẹ đau đầu với việc con hay quấy khóc phải làm sao? Nhiều trường hợp trẻ quấy khóc có thể do dị ứng với thức ăn, thực phẩm nào đó. Nếu thấy bé không tăng cân, phát triển chậm hơn các cột mốc tiêu chuẩn hoặc có các triệu chứng tiêu hóa bất thường, hãy đánh giá lại chế độ ăn uống.

  • Bé bú mẹ: Các mẹ cần xem xét lại chế độ ăn uống vì có khả năng bé khóc vì nhạy cảm với một số thực phẩm bạn ăn được truyền qua sữa mẹ. Tốt nhất, mẹ nên tránh ăn các loại thực phẩm cay nóng hoặc gây đầy hơi như hành tây, bắp cải, đậu…
  • Bé bú bình: Bé có thể dị ứng với loại sữa công thức đang dùng và quấy khóc, hãy thử đổi loại sữa khác hoặc đến gặp bác sĩ để được thăm khám, xác định nguyên nhân chính xác.

18. Đặt dao cùn, cành dâu ở gần nơi bé ngủ hay xông phòng bằng bồ kết 

Dù không trực tiếp là cách dỗ trẻ sơ sinh khóc nhưng nếu tin vào các quan niệm xưa, bạn có thể thử một số mẹo dân gian giúp trẻ hết quấy khóc như:

  • Đặt dao cùn ở đầu giường: Việc này được tin là giúp xua đuổi những tà khí quấy rối trẻ, bảo vệ trẻ an toàn và giúp trẻ ngủ ngon, không còn quấy khóc.
  • Đặt cành dâu tằm ở chỗ bé ngủ: Theo quan niệm dân gian đối với trẻ sơ sinh, dâu tằm là loại cây có khả năng xua đuổi tà ma. Do đó, nếu trẻ sơ sinh quấy khóc vào ban đêm liên tục, bị giật mình, ngủ không yên giấc thì cha mẹ có thể thử đặt cành dâu tằm (tươi hoặc khô đều được) ở đầu giường của con.
  • Xông phòng bằng bồ kết: Biện pháp này giúp sát khuẩn, thanh lọc không khí và làm cho trẻ sơ sinh cảm thấy dễ chịu, thoải mái hơn. Từ đó, trẻ bớt quấy khóc, ít bị giật mình khi ngủ.

Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh khóc và những thắc mắc thường gặp 

cách dỗ trẻ sơ sinh khóc

1. Trẻ sơ sinh quấy khóc cả ngày, cha mẹ có nên để trẻ sơ sinh khóc tự nín?

Một số trường hợp trẻ sơ sinh quấy khóc cả ngày thì cha mẹ có thể thử “tạm bơ” để con tự khóc và tự tìm cách nín, miễn là bạn vẫn quan sát con trong phạm vi an toàn. Việc để trẻ sơ sinh khóc tự nín trong khoang 10 – 15 phút sẽ không gây ra tổn thương nào nghiêm trọng cho con nhưng hãy đảm bảo con đang nằm ở nơi an toàn, quen thuộc.

Bạn có thể tìm hiểu thêm phương pháp Cry It Out (tạm dịch là “hãy để bé khóc”) để bé có thể tự dỗ chính bản thân, rèn luyện việc tự ngủ cho con. Khi thực hiện phương pháp này, cha mẹ cần để cho con khóc tự nhiên một khoảng thời gian nhất định trước khi tiến tới vỗ về, ôm ấp con.

2. Trẻ sơ sinh bị đầy hơi quấy khóc phải làm sao? Dấu hiệu nào nhận biết bé bị đầy hơi? 

trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh quấy khóc do đầy hơi

Nếu nhận thấy trẻ sơ sinh bị đầy hơi quấy khóc thì các mẹ nên chú ý thực hiện những việc sau:

  • Đổi tư thế cho con bú: Trẻ sơ sinh bị đầy hơi phần lớn là do nuốt phải nhiều không khí trong khi bú. Do đó, mẹ nên thay đổi tư thế cho bú nếu trẻ bú mẹ thường xuyên quấy khóc trong lúc đang bú. Trường hợp con bú bình thì cần cho trẻ ngậm vừa núm vú để không bị nuốt nhiều không khí vào bụng.
  • Vỗ ợ hơi cho trẻ sau khi bú xong: Mẹ có thể ẵm bé thẳng người với tư thế đầu kề lên vai mình, đảm bảo đỡ đầu bé bằng vai hoặc tay rồi nhẹ nhàng vỗ hoặc xoa lưng cho bé. Ngoài ra, mẹ có thể để bé ngồi trực tiếp lên đùi, quay mặt sang 1 bên, hơi nghiêng về phía trước, nhẹ nhàng đỡ cằm hoặc ngực bé rồi vỗ nhẹ vào lưng để giúp hơi trong bụng bé thoát ra ngoài.
  • Lưu ý chế độ ăn của mẹ: Bé bú sữa mẹ cũng chịu ảnh hưởng từ chế độ ăn của mẹ cần chú ý tránh những thực phẩm không tốt đến hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh vì có thể khiến trẻ bị đầy hơi, quấy khóc.
  • Đưa trẻ đi khám kịp thời nếu có biểu hiện khác thường: Trẻ sơ sinh quấy khóc do đầy hơi nếu kèm theo sốt, đau bụng hoặc phát ban thì nên đến gặp bác sĩ ngay.

Để nhận biết trẻ bị đầy hơi, mẹ nên chú ý những dấu hiệu sau:

  • Bụng trẻ phát ra âm thanh ọc ạch
  • Trẻ quấy khóc nhiều, khi khóc thường đỏ bừng mặt hoặc có biểu hiện khó chịu, đau đớn
  • Trẻ bỏ bú, ban đêm ngủ không ngon giấc
  • Trẻ hay bị nôn trớ, ọc sữa
  • Trẻ không thoải mái, hay tự kéo chân lên bụng để ợ hơi được.

3. Trẻ sơ sinh rụng rốn có quấy khóc không? 

Trẻ sơ sinh rụng rốn là một hiện tượng bình thường và thường xảy ra sau khoảng 8 – 15 ngày kể từ khi chào đời. Sau khi cuống rốn rụng sẽ mất thêm 7 – 10 ngày để rốn trẻ lành hẳn. Trong khoảng thời gian này, cha mẹ cần giữ vệ sinh rốn cho con sạch sẽ, khô ráo. Trẻ sơ sinh rụng rốn có thể quấy khóc nếu như có vấn đề xảy ra tại rốn khiến con cảm thấy đau đớn, khó chịu.

Do đó, cha mẹ cần chú ý biểu hiện của trẻ và các dấu hiệu ở vùng rốn để có thể can thiệp điều trị kịp thời, nhất là khi thấy trẻ khóc nhiều khi bị chạm vào rốn.

4. Trẻ sơ sinh mẹ bế thì khóc người khác bế thì nín là do đâu? Bé bị “phải vía” đúng không? 

Đôi lúc, trẻ sơ sinh mẹ bế thì khóc nhưng người khác bế lại nín chỉ đơn giản là trẻ đang có cảm xúc hờn dỗi cha mẹ hoặc cảm thấy lạ khi gặp người khác, muốn được tìm hiểu người lạ. Thông thường, người ngoài có xu hướng hay ôm ấp, dỗ dành trẻ nhiều hơn vì chỉ tiếp xúc trong khoảng thời gian ngắn. Do đó, trẻ sơ sinh có thể cảm thấy thích thú khi được người lạ vỗ về, ôm ấp, chiều chuộng và có thể chưa biết lạ. Việc này hoàn toàn bình thường và các mẹ có thể nhờ vậy mà tìm kiếm sự trợ giúp từ những người xung quanh khi chăm sóc con.

Tuy nhiên, một số người lại có quan niệm con thay đổi là do “phải vía” và cần phải làm các biện pháp để “đốt vía” này đi. Điều này hoàn toàn không có cơ sở khoa học, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại đến trẻ nhỏ. Dùng lửa để “đốt vía” cho con có thể khiến trẻ bị bỏng hoặc hít phải khói độc khi đốt, gây ảnh hưởng đến hệ hô hấp còn yếu ớt của trẻ sơ sinh. Do đó, bạn tuyệt đối không thực hiện những cách thức có nhiều rủi ro đến sức khỏe của con như vậy.

5. Trẻ sơ sinh vừa khóc vừa ưỡn người có nguy hiểm không? Trẻ sơ sinh khóc bao lâu thì nguy hiểm?

Trẻ sơ sinh vừa khóc vừa ưỡn người có nguy hiểm không

Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh khóc đêm ưỡn người, khóc dữ dội có thể là hiện tượng khóc dạ đề, thường thấy ở một số trẻ từ 2 – 3 tuần tuổi kéo dài đến khoảng 3 – 4 tháng tuổi. Lúc này, trẻ hay khóc dữ dội, toàn thân đỏ ửng, lưng cong lại, tay nắm chặt, hai chân co về phía bụng và bụng căng cứng. Các chuyên gia vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân tại sao trẻ sơ sinh khóc đêm ưỡn người kéo dài hàng giờ như vậy, cũng như chưa có phương pháp điều trị hiệu quả.

Những trường hợp này, nếu trẻ sơ sinh vẫn bú tốt, không giảm cân, các cột mốc phát triển bình thường thì cha mẹ cần phải kiên nhẫn, làm tất cả biện pháp để giảm bớt sự khó chịu của bé. Cách dỗ trẻ sơ sinh khóc đêm cũng như bình thường, kiểm tra tình trạng tã, sự đói bụng của con, ôm ấp con, tạo không gian ngủ thoải mái… Hãy cố gắng và tự nhủ rằng mọi chuyện sẽ ổn hơn sau hơn 3 tháng đầu đời của con.

Tuy nhiên, nếu trẻ khóc kéo dài gần 4 giờ kèm theo những triệu chứng đáng lo khác như sốt, nôn ói, tiêu chảy, sình bụng, mệt lả người thì cần đưa con đến bệnh viện gần nhất ngay lập tức.

6. Trẻ sơ sinh ngủ hay giật mình khóc thét là vì sao? Trẻ sơ sinh ngủ hay khóc mơ là do đâu?

Trẻ sơ sinh ngủ hay bị giật mình, khóc thét lên có thể là do:

Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh ngủ hay khóc mơ có khả năng là bị giấc ngủ kinh hoàng, gây giật mình, la hét, đổ mồ hôi khi đang ngủ. Hội chứng này thường xảy ra trong giai đoạn ngủ sâu REM.

7. Trẻ sơ sinh khóc tím tái mặt có sao không? Trẻ sơ sinh khóc nhiều khàn tiếng có sao không?

Trẻ sơ sinh khóc tím tái mặt có sao không?

Trẻ sơ sinh khóc tím tái mặt có khả năng là dấu hiệu nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng của trẻ. Tình trạng này có thể liên quan đến sự bất thường tĩnh mạch phổi đưa máu về tim hoặc có tắc nghẽn mạch máu phức tạp. Do đó, nếu trẻ sơ sinh khóc nhiều, khóc kéo dài mà da tím tái thì nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ ngay để kiểm tra, điều trị kịp thời.

Trẻ sơ sinh khóc nhiều có thể khiến dây thanh quản chịu nhiều áp lực dẫn đến khan tiếng, khản giọng. Để lâu có thể khiến trẻ bị đau họng, mất cảm giác ngon miệng, khó nuốt. Nếu thấy con có các biểu hiện này, hãy đưa bé đến bệnh viện để thăm khám.

8. Trẻ sơ sinh khóc ra nước mắt có sao không? 

Trẻ sơ sinh khóc ra nước mắt trước khi tuyến lệ phát triển hoàn chỉnh là trường hợp hiếm gặp. Thông thường, trẻ sơ sinh khóc không thấy nước mắt và mắt sẽ khá khô. Nếu trẻ sơ sinh chảy nước mắt, cha mẹ nên lưu ý vì có thể do những nguyên nhân sau:

Nếu nhận thấy những dấu hiệu bất thường khi dỗ trẻ sơ sinh khóc, hãy trao đổi với bác sĩ để được tư vấn về tình trạng sức khỏe của con.

9. Trẻ sơ sinh hay khóc đêm thiếu chất gì?

Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh hay khóc đêm có thể do thiếu một số dưỡng chất cần thiết như:

Nếu nghi ngờ trẻ bị thiếu chất, cha mẹ nên đưa con khi khám để được kiểm tra cụ thể tình trạng dinh dưỡng và có biện pháp bổ sung thích hợp.

10. Khi nào trẻ sơ sinh hết quấy khóc?

Trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh sẽ giảm bớt quấy khóc khi lớn hơn. Những trường hợp gặp hội chứng quấy khóc ở trẻ nhũ nhi thường xuất hiện trong tháng đầu tiên sau sinh và sẽ hết tự nhiên kho trẻ được khoảng 3 – 4 tháng tuổi. Trong khoảng thời gian này, cha mẹ cần phải bình tĩnh, kiên nhẫn và học cách dỗ trẻ sơ sinh khóc phù hợp, đáp ứng các nhu cầu của trẻ.

Hello Bacsi hi vọng rằng, qua những thông tin chia sẻ trong bài, các bố mẹ đã nắm được rõ nguyên nhân tại sao trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh quấy khóc từ đó có được những cách dỗ trẻ sơ sinh khóc hiệu quả. Chúc hành trình nuôi con của bạn sẽ suôn sẻ hơn, bé ngủ ngon, hay ăn chóng lớn.

[embed-health-tool-vaccination-tool]

Miễn trừ trách nhiệm

Các bài viết của Hello Bacsi chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Calming Techniques for a Crying Baby https://www.childrenscolorado.org/conditions-and-advice/calm-a-crying-baby/calming-techniques/ Ngày truy cập 19/12/2024

How to Calm a Fussy Baby: Tips for Parents & Caregivers https://www.healthychildren.org/English/ages-stages/baby/crying-colic/Pages/Calming-A-Fussy-Baby.aspx Ngày truy cập 19/12/2024

What to Do When Babies Cry https://kidshealth.org/en/parents/babies-cry.html Ngày truy cập 19/12/2024

How to soothe a crying baby: tips https://www.nct.org.uk/information/baby-toddler/caring-for-your-baby-or-toddler/how-soothe-crying-baby-tips Ngày truy cập 19/12/2024

11 Genius Ways to Help a Baby Stop Crying https://www.parents.com/baby/care/crying/ways-to-soothe-a-crying-baby/ Ngày truy cập 19/12/2024

How to cope and keep calm with a crying baby https://www.nct.org.uk/information/life-parent/support-change/how-cope-and-keep-calm-crying-baby Ngày truy cập 19/12/2024

Khóc dạ đề: làm sao để vượt qua nỗi ám ảnh này? https://www.tudu.com.vn/vn/y-hoc-thuong-thuc/suc-khoe-phu-nu/lam-me-an-toan/cham-soc-tre-so-sinh/khoc-da-de-lam-sao-de-vuot-qua-noi-am-anh-nay/ Ngày truy cập 19/12/2024

Nguy cơ bỏng lửa, mắc bệnh hô hấp khi ‘đốt vía’ cho trẻ sơ sinh https://bvquan5.medinet.gov.vn/giao-duc-suc-khoe-benh-thuong-gap/nguy-co-bong-lua-mac-benh-ho-hap-khi-dot-via-cho-tre-so-sinh-cmobile14478-70261.aspx Ngày truy cập 19/12/2024

Hội chứng quấy khóc ở trẻ nhũ nhi https://www.msdmanuals.com/vi/professional/khoa-nhi/tri%E1%BB%87u-ch%E1%BB%A9ng-%E1%BB%9F-tr%E1%BA%BB-nh%C5%A9-nhi-v%C3%A0-tr%E1%BA%BB-em/h%E1%BB%99i-ch%E1%BB%A9ng-qu%E1%BA%A5y-kh%C3%B3c-%E1%BB%9F-tr%E1%BA%BB-nh%C5%A9-nhi Ngày truy cập 19/12/2024

Phiên bản hiện tại

23/12/2024

Tác giả: Ngọc Anh

Tham vấn y khoa: Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Cập nhật bởi: Lan Quan


Bài viết liên quan

Trẻ bị kiến cắn: Cách xử lý đúng chuẩn y khoa, giảm đau ngứa hiệu quả

Bé mấy tháng ăn được cơm nát? Tổng hợp cách nấu cơm nát cho bé tập ăn


Tham vấn y khoa:

Ban Tham vấn Y khoa Hello Bacsi

Đa khoa · Hello Bacsi


Tác giả: Ngọc Anh · Ngày cập nhật: 3 tuần trước

ad iconQuảng cáo

Bài viết này có hữu ích với bạn?

ad iconQuảng cáo
ad iconQuảng cáo